30 năm Liên Xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam: Sự băng hoại của đội ngũ cán bộ chiến lược

Sự sụp đổ của Liên Xô, của một Đảng cộng sản với hơn 20 triệu đảng viên trong phút chốc có nguyên nhân quan trọng từ yếu kém, hạn chế của công tác cán bộ – “cái gốc của mọi công việc”. Đặc biệt, sai lầm về xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược, chọn người đứng đầu đã khiến Đảng và cả đất nước phải trả một cái giá quá đắt.

30 năm Liên Xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam: Sự băng hoại của đội ngũ cán bộ chiến lược

Cải tổ làm hỏng đội ngũ cán bộ chiến lược

7 năm sau ngày Liên Xô sụp đổ, tại Moskva đã diễn ra hội thảo khoa học “Học thuyết Marx – Lenin về đảng và thời đại ngày nay”. Đến dự hội thảo, Giáo sư, tiến sĩ khoa học lịch sử Ivan Osadchiy dường như vẫn chưa hết thảng thốt về những gì đã diễn ra. Ông đặt câu hỏi: “Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô là một thiên sử thi bi hùng. Diện mạo và hoạt động vĩ đại của nó nhằm cải biến cách mạng thế giới trong suốt nhiều thập kỷ đã là trung tâm chú ý của toàn thế giới, được bạn bè kính trọng và ca ngợi…”.

Một đảng chính trị hùng mạnh trong lịch sử chính trị thế giới như Đảng Cộng sản Liên Xô đã đột ngột – không ngờ và trong một thời gian ngắn khó tin đã tan vỡ và thất bại nặng nề, nhục nhã. – Tại sao xảy ra như vậy? Những nguyên nhân của tấn bi kịch ấy là gì?

Tại sao 20 triệu đảng viên Đảng cộng sản Liên Xô lại trở thành một khối bàng quan, thờ ơ trước số phận của đảng mình, trước số phận của đất nước và nhân dân mình?

Hỏi và cũng tự trả lời, ông tìm thấy đáp số từ công tác cán bộ của Đảng, là do “những người lãnh đạo của Đảng, những kẻ phản bội mà lịch sử loài người chưa từng biết đã phản bội Đảng cộng sản Liên Xô. Chất độc gây viêm não của Gorbachev và những kẻ để tiện khác đã vắt kiệt sức Đảng cộng sản Liên Xô, làm tê liệt ý chí của đảng, đã trở thành thứ bả chết người mà đảng đã không tìm ra được chất giải độc”.

Cảnh báo của Lenin về công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đã có từ rất sớm trong bài báo “Khủng hoảng của đảng” viết tháng giêng năm 1921: “Cần phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật đau đớn. Đảng đang đau ốm. Đảng đang lên cơn sốt…” (V. I. Lenin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, M.,1977, t.42, tr.289).

Rất nhiều lần V. I. Lenin đã nghiêm khắc cảnh cáo, yêu cầu kiên quyết bảo vệ và làm trong sạch đội ngũ đảng khỏi những phần tử hám danh, hám lợi, những cặn bã của chủ nghĩa tư bản cũ”. Người yêu cầu phải có điều khoản về đảng viên dự bị để những người vào đảng có thời hạn thử thách trước, đó là thời kỳ dự bị.

V. I. Lenin đã nhấn mạnh: “Đảng độc nhất nắm chính quyền trên thế giới quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đảng viên chứ không phải là quan tâm làm tăng thêm số lượng đảng viên, phải xây dựng một rào chắn ngăn chặn sự xâm nhập vào đảng của mọi loại gian hùng”. Theo Người, khi phình ra tới mức quá đáng “đảng sẽ hoà tan trong quần chúng… đảng không còn là đội tiên phong giác ngộ của giai cấp nữa, đảng sẽ và hạ mình xuống giữ vai trò một cái đuôi”.

V. I. Lenin cho rằng chỉ 200 nghìn đến 300 nghìn đảng viên cộng sản là đủ để lãnh đạo nước Nga (bọn địa chủ đã lãnh đạo nước Nga cũng chỉ 130 nghìn). Sức mạnh của đảng với tư cách là đội tiên phong, Lenin nhấn mạnh, gấp 10, 100 lần số lượng của nó. Tuy nhiên những quan điểm đó của Lenin đã bị lãng quên.

Trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Liên Xô có gần 5 triệu đảng viên thì qua 4 thập kỷ đã tăng lên đến hơn 20 triệu. Các ban tổ chức đảng có toàn quyền trong các bộ máy của đảng. Trưởng ban tổ chức của các cơ quan đảng, nói một cách hình tượng cha đỡ đầu của vua và người hướng dẫn các bộ trưởng”- Giáo sư, tiến sĩ khoa học lịch sử Ivan Oxadchi phân tích.

Theo ông, đó là sự vi phạm hết sức thô bạo những nguyên tắc Lenin về công tác cán bộ. Với nhiều người việc gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô trở thành mục đích tự thân. Kết quả là đảng đã bị vấy bẩn bởi các phần tử xấu xa đê tiện, hám danh lợi, những kẻ luồn cúi bợ đỡ. Đối với họ tấm thẻ đảng trở thành giấy vào cửa chiếm lĩnh chức vụ, để tiến thân trên bậc thang danh vọng. Không phải ngẫu nhiên khi có những lời mỉa mai ác độc: “Đảng viên của đảng có hàng triệu, nhưng người cộng sản thì đếm trên đầu ngón tay”.

Như vậy, vi phạm hết sức thô bạo các nguyên tắc của Lenin về công tác cán bộ – là nguyên nhân thứ hai của cuộc khủng hoảng đã bao trùm Đảng cộng sản Liên Xô. Sai lầm này dẫn đến sự tự tha hoá của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Dưới thời Gorbachev làm Tổng bí thư, ông ta đã phá bỏ nguyên tắc, thẳng tay loại bỏ những cán bộ phản đối cái gọi là “cải tổ”, phản đối dân chủ trá hình. Chỉ trong hơn 6 tháng, Gorbachev đã cải tổ Bộ Chính trị và Ban Bí thư, bổ sung 8 người vào các vị trí; cách chức 2 người, cách chức, thay thế hơn 20 bộ trưởng và hàng chục lãnh đạo cấp bộ. Mấy năm đầu nhiệm kỳ, có tới 92,5% trong 150 bí thư khu ủy, thành ủy, tỉnh ủy bị thay đổi.

Sự tùy tiện dùng cánh hẩu khiến công tác cán bộ bị hỗn loạn, suy giảm niềm tin trong đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, quân đội Liên Xô… Tại Đại hội 23 của Đảng Cộng sản Liên Xô, số ủy viên tái đắc cử và liên nhiệm đạt tỷ lệ 79,4%. Tại Đại hội 25, không tính số ủy viên T.Ư đã qua đời thì tỷ lệ ủy viên trung ương liên nhiệm cao tới 90%”.

Trong cuốn sách “Hồ sơ cá nhân – Thế kỷ 20 trước con mắt của những nhân chứng KGB Liên Xô”, tác giả V. A. Kryuchkov nêu thực tế chua chát: “Có thời kỳ trong cơ quan đảng và Nhà nước Liên Xô, đã hình thành đội ngũ quan chức, công chức lớn nhất thế giới, nhưng vấn đề là ở chỗ đội ngũ này không quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thờ ơ, vô cảm trước nhân dân”.

Trong hồi ký “Bên trong điện Kremly của Gorbachev”, tác giả I. Ligachev cũng nhận xét tương tự: “Những người lãnh đạo Đảng qua các thời kỳ (Tổng Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương) ngày càng quan liêu, lời nói không đi đôi với việc làm, xa rời lý tưởng cộng sản, làm cho các tầng lớp nhân dân ngày càng mất lòng tin đối với Đảng; trong xã hội tích dồn âm ỉ, tâm trạng bất bình và mong có sự thay đổi về chính trị”.

Có một thực tế chung là trong hồi ký của nhiều cựu cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước Liên Xô sau này đều nhận xét: Đảng Cộng sản Liên Xô đã không xây dựng được cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ có đức, có tài cũng như không sàng lọc, loại bỏ những kẻ cơ hội chính trị ra khỏi bộ máy. Có thể nói việc đánh mất niềm tin đồng nghĩa với Đảng đánh mất vai trò lãnh đạo của mình, dẫn đến hậu quả dù có hơn 20 triệu đảng viên và quần chúng đông đảo nhưng khi có “biến”, mọi người đã thờ ơ hoặc quay lưng với Đảng.

Chọn sai người đứng đầu có thể làm mất tất cả

Sinh thời, V. I. Lenin từng căn dặn: “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiên phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”. “… Thông thường thì các chính đảng đều nằm dưới quyền lãnh đạo của những nhóm ít nhiều có tính chất ổn định, gồm những người có uy tín nhất, có ảnh hưởng nhất, có kinh nghiệm nhất, được bầu ra giữ những trách nhiệm trọng yếu nhất và người ta gọi đó là các lãnh tụ”.

Hay nói một cách khác, đội ngũ cán bộ chiến lược nói chung, cán bộ đứng đầu thể chế nói riêng luôn là tinh hoa, là rường cột của Đảng, của quốc gia. Không xây dựng được cán bộ đủ tâm, tầm, trí gánh vác nhiệm vụ, sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Báo chí, truyền thông sau khi Liên Xô sụp đổ đã có nhiều bài viết gọi Gorbachev là kẻ phản bội nguy hiểm nhất của thế kỷ 20, là “con ngựa thành Troy” của chế độ.

Thật không thể chấp nhận khi người đứng đầu một Đảng, một nhà nước vĩ đại lại không phải là người kiên trung nhất, kiên quyết nhất với mục tiêu lý tưởng của Đảng. Còn gì chua xót hơn khi sau này chính ông ta phát biểu tại một cuộc hội thảo tại Đại học Hoa Kỳ ở Thổ Nhĩ Kỳ, M. Gorbachev nói: “Mục tiêu của cả cuộc đời tôi là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản, một chế độ độc tài không thể dung thứ đối với con người. Tôi được vợ hoàn toàn ủng hộ. Bà là người hiểu sự cần thiết của việc này thậm chí còn sớm hơn tôi.

Để đạt được mục tiêu này, tôi đã sử dụng vị thế lãnh đạo của mình trong Đảng và Nhà nước. Đó là lý do tại sao vợ tôi không ngừng khuyến khích và thúc giục tôi nỗ lực giành được vị trí ngày càng cao trong bộ máy lãnh đạo của đất nước. Khi tìm hiểu phương Tây, tôi nhận ra rằng mình không thể lùi bước trên con đường thực hiện được mục tiêu của đời mình là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản.

Đạt được mục tiêu đó, tôi đã thay thế toàn bộ ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô cũng như ban lãnh đạo ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa. Lý tưởng của tôi lúc đó là đi theo con đường của chủ nghĩa xã hội – dân chủ. Tôi đã nỗ lực tìm được các cộng sự để thực hiện mục tiêu này. Trong số đó có E. Shevardnadze và A. Yakovlev – những người có công lao trong sự nghiệp chung của chúng tôi”.

Nhà nghiên cứu A.P. Sheviakin trong cuốn sách Bí ẩn sự diệt vong của Liên Xô – Lịch sử những âm mưu và phản bội 1945 – 1991 phân tích kỹ hơn về con đường đi đến ngôi vị cao nhất của Gorbachev dường như đã được phương Tây dọn đường sẵn. Họ nghiên cứu rất kỹ chân dung tâm lý của những kẻ phản bội: “Những nhân vật dễ bị mua chuộc là những kẻ thiếu hiểu biết về Tổ quốc, không có nguồn gốc xã hội, văn hóa, tình cảm với đất nước nơi họ được sinh ra và lớn lên”. Sau này, một số tài liệu và phát ngôn từ phương Tây đã nói đến chuyện “chúng tôi đã làm cho Gorbachev trở thành Tổng bí thư”.

Một nhà nghiên cứu khác là A.N.Troiannovxki cũng chỉ ra thực tế, phương Tây đã làm được những việc như xây dựng những “điệp viên có thế lực” trong 33 cấp lãnh đạo của Đảng Cộng sản, từ Tổng bí thư đến chi ủy viên rồi đảng viên bình thường.

GS,TS lịch sử Ivan Oxadichi sau này đã chua chát nhận xét vào năm 1998: “Biết được căn bệnh và nguồn gốc của nó có thể dễ dàng chẩn đoán, cứu người bệnh, có thể đẩy lùi nỗi bất hạnh. Nhưng điều đó lại không diễn ra. Bởi lẽ ban lãnh đạo cuối cùng của Đảng đã trở thành tù binh của chủ nghĩa tư bản quốc tế. Họ có một mục tiêu trực tiếp đối lập – đẩy nhanh sự sụp đổ của Đảng, từ bỏ CNXH…Không có một hiện tượng khủng hoảng, bệnh hoạn nào trong Đảng có thể dẫn Đảng đến chỗ tự tiêu vong nếu như không có sự phản bội của Gorbachev và đồng bọn“.

Năm 2005, Hoàng Bá Lân, một nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đúc kết những bài học sâu sắc về xây dựng Đảng thời kỳ Gorbachev khiến cho người ta phải cảnh tỉnh:

(1) Ông ta nêu ra tính chất của Đảng không còn là đội tiên phong của giai cấp công nhân nữa mà là tổ chức chính trị của toàn dân

(2) Ông ta nêu ra tác dụng của Đảng không phải là lực lượng lãnh đạo mà là đảng đoàn nghị viện; không dựa vào Hiến pháp để bảo vệ địa vị của Đảng, thực hành chế độ đa đảng;

(3) Ông ta nêu ra tư tưởng chỉ đạo của Đảng – chủ nghĩa Marx chỉ là một trường phái triết học như bao trường phái khác, không còn là nền tảng tư tưởng của Đảng;

(4) Ông ta vứt bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ;

(5) Ông ta từ bỏ mục tiêu phấn đấu chủ nghĩa cộng sản, thay bằng CNXH dân chủ, nhân đạo.

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy sai lầm về chọn người đứng đầu nguy hiểm như thế nào. Có thể nói rằng, với việc dung dưỡng và đào luyện một kẻ như vậy, Đảng Cộng sản Liên Xô đã nuôi ong tay áo, đã tự gài mìn vào tương lai của mình.

Sai lầm nghiêm trọng trong công tác lựa chọn cán bộ chiến lược còn phải kể đến một người đứng đầu rất quan trọng khác: ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tuyên truyền Trung ương Alexander Yakovlev. Đây có thể coi là một ví dụ điển hình của tự diễn biến, tự chuyển hóa, phản bội Đảng và dân tộc nhưng lại được Tổng Bí thư Gorbachev trọng dụng.

Alexander Yakovlev sinh năm 1923 trong một gia đình nông dân từng lập thành tích chiến đấu trong Chiến tranh Vệ quốc và được kết nạp vào Đảng năm 1944. Sau đó, ông ta là một trong bốn học sinh lớp đầu tiên được Liên Xô cử sang học tại Trường Đại học Columbia, Mỹ sau chiến tranh. Từng có dư luận Yakovlev liên quan tới CIA song sau khi học xong, Yakovlev lần lượt được bổ nhiệm làm Trưởng ban Đài phát thanh và vô tuyến truyền hình của Ban Tư tưởng Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô rồi Phó trưởng ban tuyên giáo của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (1964 – 1972).

Năm 1972, vì viết bài báo “Chống chủ nghĩa phản lịch sử” trên báo Văn học nên Yakovlev bị thuyên chuyển đi Canada làm đại sứ trong 10 năm (1973 – 1983). Yuri Andropov (Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia KGB, sau là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từng chỉ thị “theo dõi, cảnh giác” với Yakovlev nhưng sau khi ông qua đời, Gorbachev trở thành Tổng Bí thư vào năm 1985 thì mọi chuyện đổi khác. Yakovlev đã nhanh chóng được đề bạt làm Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương, được đưa vào Bộ Chính trị năm 1987. Để rồi chính ông này đã phá nát ý thức hệ của Đảng, sử dụng báo chí “quạt gió châm lửa” và tung ra các quả bom báo chí, văn học khiến cho Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ nền tảng tư tưởng trước khi tan rã hoàn toàn.

Sự chà đạp nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ

Tập trung dân chủ, chìa khóa vàng trong xây dựng Đảng, yếu tố quan trọng nhất bảo đảm tính chiến đấu, tính cách mạng của Đảng, phân biệt Đảng với những đoàn, hội nhóm cải lương đã bị vứt bỏ không thương tiếc dưới thời Gorbachev.

Năm 1989, cũng vì coi thường nguyên tắc này, Gorbachev quyết định đưa 115 Ủy viên Trung ương ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vi phạm thô bạo Điều lệ Đảng nhưng lạ là không hề có Ủy viên Trung ương hay Ủy viên Bộ Chính trị nào lên tiếng, đấu tranh phê bình, phản bác việc làm vô nguyên tắc đó.

Chính vì tự xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng nên Đảng Cộng sản Liên Xô đã tự hại mình trong xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược. Vào năm 1990, ngay sau khi xóa bỏ điều 6 của Hiến pháp, trong tổng số 1500 ghế được bầu của Đại hội Đại biểu nhân dân, cứ 400 người trong Đảng thì có một ứng cử viên và 1.000 người thì có 2 ứng cử viên; 750 ghế khác là do các tổ chức xã hội bầu. Thế là mặc dù gần 90% người được bầu đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng 30 lãnh tụ quan trọng nhất của Đảng lại không được bầu.

Sự chà đạp lên nguyên tắc tập trung dân chủ lên đến cao độ vào tháng 7/1990, Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức Đại hội lần thứ 28. Gorbachev khi đọc báo cáo chính trị trước đại hội đã công khai phê phán nguyên tắc tập trung dân chủ, yêu cầu xoá bỏ nguyên tắc này khỏi điều lệ Đảng. Để rồi, Điều lệ Đảng do Đại hội thông qua lập tức xóa bỏ chiếc chìa khóa vàng này.

Thay vào đó, khẩu hiệu “dân chủ hóa” được tán dương, biến thành sự vô tổ chức, cá nhân đứng trên tập thể. Lịch sử ghi lại, nhiều phiên họp Bộ Chính trị, Gorbachev không cần thảo luận, tự đề ra ý kiến rồi coi đó là chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Ngày 24/8/1991, không cần phải thông qua Bộ Chính trị, Gorbachev tự tuyên bố giải tán Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.

Năm 2005, nhìn lại 20 năm sự kiện “cải tổ”, ông Ligachev, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, nhân vật số 2 trong Ban lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Liên Xô thời cải tổ đã viết cuốn sách “Cải tổ theo định hướng XHCN là cần thiết và có thể”. Ông đã rút ra 6 bài học với nhiều nội dung rất giống với những giải pháp mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện, để không đi vào bánh xe đổ của Liên Xô:

Trong đó, bài học quan trọng nhất cần rút ra là phải duy trì, củng cố sự lãnh đạo của Đảng. Đảng Cộng sản Liên Xô bị hủy hoại, bởi vì Đảng đã để cho những nhân vật phản bội, những kẻ ly khai dân tộc, những kẻ biến chất chính trị đứng trong hàng ngũ, thậm chí trong cơ quan lãnh đạo tối cao – Ủy ban Trung ương Đảng. Vì lẽ đó, Đảng Cộng sản Liên Xô không thể duy trì sự thống nhất, đánh mất khả năng của người tổ chức, lãnh đạo...”.

Chăm lo vun trồng, uốn nắn “cái gốc của công việc”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc,” “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.”

Hiểu rõ khâu “then chốt của then chốt” quan trọng như thế nào với sự tồn vong của chế độ từ bài học Liên Xô sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm rút ra những bài học lớn cả trước và sau sự kiện đó.

Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 24/8/1989, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã sớm phân tích nguyên nhân những khó khăn thách thức của cải tổ ở Liên Xô khi đó có phần do thực hiện chủ nghĩa đa nguyên về chính trị, để cho lực lượng chống chủ nghĩa xã hội ra đời và hoạt động, không dùng những biện pháp chuyên chính cần thiết để chống lại chúng; dân chủ hoá không giới hạn, để cho những phần tử cơ hội, hữu khuynh, cực đoan và kẻ địch lợi dụng gây ra sự mất ổn định về chính trị…

Năm 1991, phát biểu tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VII vào tháng 12/1991, Tổng Bí thư Đỗ Mười nhấn mạnh việc sàng lọc cán bộ: “Hơn lúc nào hết, lúc này phải xiết chặt kỷ luật của Đảng, tuân thủ kỷ cương, pháp luật của Nhà nước, loại trừ khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, biến chất”.

Nghị quyết số 03- NQ/TW của Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng, ngày 26/6/1992 rút ra bài học lớn về công tác cán bộ khi nêu rõ: “Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã giúp chúng ta có thêm nhiều bài học về xây dựng Đảng:chống nguy cơ sai lầm về đường lối, vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, sai lầm về lựa chọn và bố trí cán bộ, tệ quan liêu xa rời quần chúng…”.

Từ những bài học ở Liên Xô, càng cho thấy với Đảng, không phải ngẫu nhiên mà Đảng nói chung, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng đã nhiều lần nhấn mạnh: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”.

Cùng với xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra những yêu cầu mới cao hơn đối với đội ngũ cán bộ rường cột này của nước nhà.

Tại Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được đề cập trực tiếp, với nhiều nội dung quan trọng và giải pháp “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ” là một trong tám nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu của toàn bộ công tác xây dựng đội ngũ cán bộ.

Trong thời gian qua, Đảng đã phải thi hành kỷ luật hàng trăm cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Để người không xứng đáng, sa sút về phẩm chất, đạo đức lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn.

Chính vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh “chọn đúng người” là “công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước”. Tổng Bí thư cũng rất nhiều lần đề cập yếu tố bản lĩnh chính trị của cán bộ. Bản lĩnh chính trị chính là minh chứng cho thấy “yếu tố bên trong” có sơ sài hay không.

Trước thềm Đại hội XIII, Tổng Bí thư nhắc đến bài học từ Liên Xô và chỉ rõ: “Chọn đúng người đứng đầu thì dân được nhờ, đất nước phát triển, chọn sai người đứng đầu thì đất nước sẽ ra sao, bài học từ Liên Xô trước đây thấy rất rõ điều đó”.

Bài học từ Liên Xô mà Tổng Bí thư nhắc đến ngoài câu chuyện về Gorbachev còn phải nói đến Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô. Một vị giáo sư, tiến sĩ lịch sử khi đi tìm câu trả lời vì sao Liên Xô sụp đổ đã tìm ra thêm lý do rằng: Nhiều nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, kể cả người có địa vị cao nhất trong Đảng, trong chính quyền Nhà nước lại không noi gương mà còn đối lập với kiểu mẫu Lenin về người lãnh đạo Đảng. Ông viết: “Bộ Chính trị lại biến thành một nhóm các lãnh tụ khép kín, bí mật, tách rời khỏi nhân dân và được bảo vệ chặt chẽ trước những sự phê phán…”.

Đảng hôm nay kiên quyết không để xảy ra điều đó khi mà trong suốt mấy năm qua, Đảng liên tục có nhiều quy định về nêu gương, tự phê bình và phê bình, cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương.Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện 8 nội dung và kiên quyết chống 8 vấn đề theo Qui định số 08-QĐi/TW của BCH Trung ương.

Thời gian vừa qua, trong công tác cán bộ, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều đổi mới toàn diện từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đến việc ban hành các tiêu chí cán bộ, đánh giá cán bộ. Coi đánh giá cán bộ là khâu tiền đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định tới việc sắp xếp, sử dụng cán bộ hiệu quả. Đảng, Nhà nước ta còn có nhiều biện pháp để phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, từ đổi mới quy trình “3 bước” sang “5 bước” tới nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền”.

Gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đó là bước đi đúng để phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chúng ta tin tưởng rằng với quyết tâm chính trị cao và sự nghiêm túc đúc rút những bài học lịch sử từ công tác cán bộ ở Liên Xô, chúng ta sẽ ngày càng làm tốt hơn khâu “then chốt của then chốt”, xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược thật sự vững mạnh, thực hiện được điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Ban chấp hành Trung ương mạnh, Bộ chính trị mạnh, cán bộ chủ chốt mạnh thì không sợ gì hết, nhân dân tin tưởng ủng hộ!”; góp phần tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới thành công, vững bước trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN 

Tags: , ,