Vô thường và hạnh phúc của ‘người biết sống’

Vô thường là tính chất của sự sống. Cuộc đời không phải bao giờ cũng bằng phẳng, chỉ toàn điều hạnh phúc mà không có khổ đau.

Vô thường và hạnh phúc của ‘người biết sống’

“Người biết sống” là người nhận thức được bản chất của sự sống và có một lối sống phù hợp.

Thế nào là “người biết sống”?

Đối với người học Phật, không có sự thăng tiến nào cao quý hơn sự thăng tiến về đời sống tâm linh. Chính sự thăng tiến đó mới đem lại niềm an lạc, tự tại cho mỗi con người trong mọi hoàn cảnh giữa cuộc đời này.

Sự thăng tiến về tâm linh được đánh giá qua cấp độ tâm và tuệ giải thoát, qua nhận thức và thái độ ứng xử, nói cách khác là qua suy nghĩ, lời nói và hành động trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Trước sự thành tựu tốt đẹp, thông thường ai cũng vui mừng và hạnh phúc. Khi gặp phải thất bại và chướng duyên, chúng ta thường đau khổ và lo âu. Cũng một hoàn cảnh, tình huống nhưng mỗi người có một cách ứng xử khác nhau, tùy theo nhận thức và kinh nghiệm thực hành tâm linh của mình.

 >> Sự thật về triết lý Vô thường của Phật giáo
>> Khảo sát về nguyên lý vô thường trong triết học Phật giáo
.

Vô thường là tính chất của sự sống. Cuộc đời không phải bao giờ cũng bằng phẳng, chỉ toàn điều hạnh phúc mà không có khổ đau. Và cũng theo lẽ thường tình, tâm thức của con người có xu hướng bám víu sự thành công, những kỷ niệm tốt đẹp của đời mình. Với những thất bại, chúng ta cũng dễ bị ám ảnh dẫu đó là những thất bại trong quá khứ đã qua đi từ lâu.

Tâm thức bám víu, bị ám ảnh, mong chờ đó khiến chúng ta khổ đau, không được thảnh thơi. Đức Phật đã từng dạy rằng người có trí tuệ là người nhận thức được bản chất của sự sống và có một lối sống phù hợp.

Đó là luôn chánh niệm tỉnh giác, nhiệt tâm với các thiện sự đem lại lợi lạc cho mình, cho người khác và cho môi trường sống trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động ở hiện tại. Giá trị của sự sống là hiện tại, mà không phải là quá khứ đã qua, cũng không phải chờ đợi, hứa hẹn ở một tương lai nào đó.

Đừng tìm về quá khứ / Đừng tưởng tới tương lai / Quá khứ đã không còn / Tương lai thì chưa tới / Hãy quán chiếu sự sống / Trong giờ phút hiện tại / Kẻ thức giả an trú / Vững chãi và thảnh thơi / Phải tinh tiến hôm nay / Kẻo ngày mai không kịp / Cái chết đến bất ngờ / Không thể nào mặc cả / Người nào biết an trú / Đêm ngày trong chánh niệm / Thì Mâu Ni gọi là / Người Biết Sống Một Mình
(Tạp A-hàm, kinh số 1071, bản dịch của Thích Nhất Hạnh).

Đó chính là thái độ, cũng là lối sống của người học Phật, người xuất gia cũng như tại gia. Nếu ai sống theo đúng với tinh thần như vậy, chắc chắn người đó có được sự an lạc, tự tại giữa các mối tương quan trùng trùng của cuộc sống mà không bị níu kéo hay xô giạt sang một cực đoan nào.

Mà an lạc lại là nguồn năng lượng rất quan trọng đối với người học Phật. Nếu không có được an lạc thực sự, chúng ta sẽ không thể có suy nghĩ, lời nói và hành động đem lại lợi lạc cho mình, cho người, cộng đồng cũng như cho môi trường sống.

Theo GIÁC NGỘ ONLINE

Tags: , , , ,