⠀
Về một ‘Thế kỷ bạc’ của nền văn học Nga
Trong tất cả các nền văn học nước ngoài có ảnh hưởng tới văn học Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc tới văn học Nga như một “người anh cả”. Tuy vậy, ở Việt Nam, các thành tựu tinh hoa của văn học Nga được giới thiệu chưa phải là đã đầy đủ. Chúng ta mới chỉ biết đến văn học Nga thế kỷ 19 – thời kì hoàng kim của văn học Nga – với một “quầng sao thiên tài” (chữ dùng của GS Nguyễn Đăng Mạnh) như Pushkin, Gogol, Lev Tolstoy, Dostoevsky, Chekhov…, và văn học Xô-viết với những tên tuổi như Gorky, Mayacovsky, Aleksey Tolstoy, Sholokhov… Còn một bộ phận văn học nữa có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của văn học Nga, đồng thời làm nên một diện mạo hoàn toàn khác cho nền văn học này là văn học Nga giai đoạn giao thời thế kỷ 19 và thế kỷ 20 mà những nhà nghiên cứu hay gọi bằng thuật ngữ văn học Nga “thế kỷ bạc”, bộ phận này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Thời khắc chuyển giao thế kỷ trong bất kì một nền văn học nào cũng là thời khắc đánh dấu những điểm mốc đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội và đời sống tinh thần của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia cũng như mỗi cá nhân con người. Giao thời hai thế kỷ ở nước Nga cũng là giai đoạn đầy sóng gió, trước hết là trong lịch sử đất nước.
Cuối thế kỷ 19, nước Nga chứng kiến nhiều biến động: nạn đói, chiến tranh, nhân dân sống cực khổ dưới ách thống trị của cả Nga hoàng (Aleksandr II, Aleksandr III, Nikolai II) và giai cấp tư sản. Năm 1895, cuộc vận động đấu tranh giải phóng của nhân dân Nga từ đầu thế kỷ 19 đến bấy giờ bước vào thời kì mới – thời kì do giai cấp vô sản (đứng đầu là V.I.Lenin) lãnh đạo. Các cuộc cách mạng nổ ra liên tiếp: cách mạng 1905, cách mạng 1907, cách mạng dân chủ 2/1917 và cuối cùng là cuộc cách mạng tháng Mười vĩ đại đã xây dựng nên nhà nước Xôviết đầu tiên trên thế giới. Sau cách mạng tháng Mười, nước Nga lại bước vào cuộc nội chiến đẫm máu giữa Hồng quân và Bạch vệ.
Sống trong không khí sôi động của thời đại, văn nghệ sĩ phải là những người cảm nhận rõ ràng nhất và sâu sắc nhất những biến động mạnh mẽ của thời đại ấy, họ đồng thời cũng phải là những “người thư kí trung thành” nhất của thời đại mình.
Bên cạnh những ảnh hưởng tất yếu của lịch sử, xã hội, không thể không đề cập đến nhu cầu nội tại, tự thân của văn học nghệ thuật. Sự chuyển đổi sâu sắc trong tư duy hình tượng, trước hết, được xác định là cái đã diễn ra trong ý thức thẩm mĩ của văn học Nga giao thời thế kỷ 19 – 20. Từ những năm 1880, 1890 đã xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng báo trước sự đổi mới: ý thức về sự vận động tăng tốc đột ngột của dòng đời, những nghi ngờ ngày một tăng về tính bền vững của trật tự thế giới…
Trước đó, lịch sử văn học Nga chưa thực sự được chứng kiến một giai đoạn nào mà ở đó diễn ra sự đối lập gay gắt và phong phú như ở giai đoạn giao thời này. Bắt đầu từ những năm 40 của thế kỷ 19, nền văn học Nga phát triển dưới tác động chủ yếu của một khuynh hướng nghệ thuật. Cùng với sự khẳng định dần dần của nghệ thuật mới – hiện đại chủ nghĩa, vào những năm 1890, văn học Nga trở thành chiến trường giao tranh giữa các hệ thống tư duy nghệ thuật. M.Gorky cho rằng, chủ nghĩa hiện thực – cái khuynh hướng chủ đạo chi phối nghệ thuật văn chương Nga – vào những năm cuối thế kỷ 19 đang bị “giết chết”. Thế hệ mới đi theo văn chương sẽ không ai có thể đi xa hơn Dostoevsky, Lev Tolstoy, Chekhov trên con đường của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ 19. Họ phải tìm những lối đi khác mới mẻ hơn, hiện đại hơn với mong muốn thoát khỏi bóng của những bậc đại thụ để có thể trưởng thành, khẳng định được tên tuổi của mình và tạo ra một màu sắc văn học mới. Giai đoạn này, trong văn học Nga xuất hiện rất nhiều trường phái văn học khác nhau, riêng ở Moskva đã từng tồn tại đồng thời tới ba mươi trường phái văn học. Sự xuất hiện phong phú cả về số lượng và chất lượng nghệ thuật của các trường phái như vậy đã góp phần hình thành nên một thời kì được mệnh danh là “thế kỷ bạc” trong văn chương.
Thực chất, lí do cơ bản nhất của việc giai đoạn văn học này trước đây (đặc biệt trong thời kì Xôviết) ít được bàn đến, ít được nghiên cứu đào sâu là sự xuất hiện của phong trào văn học vô sản trong tiến trình văn học giao thời hai thế kỷ (đứng đầu là M.Gorky) và đỉnh điểm của nó là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Từ đó đến nay, khi nói tới văn học Nga giai đoạn này, các nhà nghiên cứu thường chỉ nhắc đến “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”, “chủ nghĩa hiện thực phê phán”, “chủ nghĩa hiện đại”. Đó là một thiếu sót lớn. Tuy nhiên, nếu như văn học giao thời hai thế kỷ không được khoa nghiên cứu văn học trong nước Nga chú ý thích đáng thì những giá trị của nó lại được các nhà nghiên cứu Nga lưu vong và nước ngoài bảo tồn tích cực. Bởi thế, những thành tựu rực rỡ của văn học giai đoạn này đối với các nhà nghiên cứu văn học người Nga cho đến nay vẫn là một lĩnh vực hấp dẫn, cần được tiếp tục đào sâu nghiên cứu.
Về khái niệm “thế kỷ bạc” có nhiều cách hiểu khác nhau, chủ yếu trong giới học thuật nghiên cứu văn chương của Nga. Nhà nghiên cứu O.Ronen trong cuốn Thế kỷ bạc như ý đồ và hư cấu đã khẳng định, thuật ngữ “thế kỷ bạc” chỉ có thể dùng để gọi giai đoạn văn học nửa sau thế kỷ 19, như một giai đoạn văn học phù hợp duy nhất đối với cái tên ấy trong toàn bộ nền văn học Nga. Theo các nhà nghiên cứu văn học người Nga, đối với bạn đọc trí thức hiện đại trong nước, những người quan tâm đến “thế kỷ bạc” (nhưng không phải là nhà nghiên cứu, phê bình chuyên nghiệp), thì khái niệm này thường mang ý nghĩa tích cực. Nó giống như dấu chỉ chất lượng, như một kiểu định giá cao những hiện tượng mà nó biểu thị (nghĩa khởi thủy của từ “bạc”), đồng thời làm nhớ lại một thời gian dài những hiện tượng đó bị coi thường; đánh giá, khôi phục lại một giai đoạn di sản tinh thần trước đây không lâu bị hạ thấp.
Có người còn có ý tưởng đổi thuật ngữ “thế kỷ bạc” thành “thế kỷ bạch kim”. Tuy nhiên, cách gọi “thế kỷ bạch kim” thường được đánh đồng với “thế kỷ của chủ nghĩa tiên phong” (mà đại diện thời kì đầu là chủ nghĩa vị lai lập thể). Cách gọi này vì thế rất phiến diện, bởi quá trình văn học Nga cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 không thể bó gọn chỉ trong chủ nghĩa tiên phong mà trên thực tế là phức tạp hơn rất nhiều.
Trong bài Văn học Nga thế kỷ bạc như một chỉnh thể phức tạp, nhà nghiên cứu Keldysh có đề cập tới bản thân khái niệm “thế kỷ bạc” đã được sử dụng một cách rộng rãi. Ông khẳng định, ngay từ cuối thế kỷ 19 thuật ngữ này gắn với tên tuổi của các nhà thơ lớn (A.A.Fet, N.A.Nekrasov,A.N.Maikov, A.K.Tolstoy,Ia.P.Polonsky…) – những thi sĩ được mệnh danh là người kế tục các nhà thơ Nga “thế kỷ vàng” (Pushkin, Lermontov…). Nhiều năm sau, thuật ngữ “thế kỷ bạc” được sử dụng để định danh cho hàng loạt hiện tượng văn học nghệ thuật và văn hóa Nga (triết học, thơ ca…) cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, bắt đầu từ sáng tác của các nhà thơ thuộc chủ nghĩa tượng trưng.
Trần Thị Phương Phương trong cuốn Thơ ca Nga từ khởi thủy đến hiện đại đã tổng hợp ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu và đi đến cho rằng, “thời đại bạc” không được coi là một thuật ngữ khoa học mà đúng hơn, đây là một ẩn dụ xuất hiện lần đầu tiên trong giới các nhà văn, nhà phê bình Nga lưu vong sau cách mạng tháng Mười. Họ tự gọi mình là “những kẻ thừa kế di sản văn hóa cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20”, họ gọi thời đại đó là “cuộc phục hưng văn hóa Nga”. Chính các nhà thơ, nhà văn của thời đại này cũng cảm nhận không khí phục hưng văn hóa và tinh thần của thời đại với nhiều mối quan tâm mới mà trước đây chưa có.
Về mốc thời gian của “thời đại bạc” cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu khá thống nhất khi cùng chọn thời điểm khởi đầu của thời đại này là cuối thập niên 80 – đầu thập niên 90 thế kỷ 19. Về thời điểm kết thúc, có người chọn mốc là năm 1917, có người lại chọn mốc là thập niên 30.
Tựu trung lại, có thể khẳng định, “thời đại bạc” hay “thế kỷ bạc” là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật Nga, đặc biệt là thơ ca, gợi liên tưởng đến “thời đại vàng” hay “thế kỷ vàng”. “Thời đại bạc”, “thế kỷ bạc” kéo dài trong khoảng thời gian từ thập niên 90 của thế kỷ 19 đến cuối thập niên 20 của thế kỷ 20, với sự xuất hiện của một số lượng lớn các nhà thơ, nhà văn (đặc biệt là các nhà thơ), trong đó có những tài năng kiệt xuất.
Văn học “thế kỷ bạc” là thứ văn học được giao thoa tinh tế từ nhiều nguồn văn học khác nhau: văn học truyền thống vững chắc của Lev Tolstoy và Chekhov với nhiều tín hiệu nghệ thuật mới mẻ; những nét đặc trưng của chủ nghĩa hiện đại với “sự thức tỉnh tư duy triết học độc lập, sự nở rộ thơ ca và cảm xúc thẩm mĩ, sự thôi thúc những băn khoăn tìm tòi tôn giáo, mối quan tâm đến những thứ huyền bí và thuyết huyền bí (occultism)”; đặc biệt là sự bừng tỉnh những cảm xúc và cảm giác của người nghệ sĩ trong thời đại mới: cảm giác về sự không hợp thời của nếp sống, trật tự xã hội cũ đã tồn tại từ hàng thế kỷ đang chờ đến ngày kết thúc hoàn toàn, cảm giác chờ đợi những biến động to lớn sắp xảy ra, những dự cảm chưa rõ ràng về cái mới, về những khát vọng, những mong ước, những nguyện cầu…
Như vậy, về cơ bản, văn học “thế kỷ bạc” là văn học của buổi giao thời, tìm cách thoát khỏi ranh giới của những cái trước đây, trước hết là những cái thuộc thế kỷ 19. Và cũng vì tính chất giao thời của nó, văn học giai đoạn này mang dấu ấn đặc trưng là sự xuất hiện thường xuyên các trạng thái nghệ thuật giáp ranh trên những điểm giao nhau của các hệ thống tư duy hình tượng hiện tồn. Có thể khẳng định điểm quan trọng nhất chính là “sự giao thoa”, là “cuộc gặp gỡ” giữa các nhà văn hiện thực và các nhà văn tượng trưng. Văn học Nga “thế kỷ bạc” dung nạp trong lòng nó những tác phẩm phức tạp nhất, thậm chí đối lập nhất, nó không bao chứa sự “hòa giải của các trường phái” (tức sự thống nhất chúng trong một dạng tổng hợp thứ ba nào đó), cũng không chấp nhận sự đối đầu không khoan nhượng giữa chúng. Chỉnh thể phức tạp của văn học giao thời nảy sinh từ sự cùng tồn tại của chúng với tư cách là những hệ thống mở.
Văn học Nga giai đoạn này tách rời với chủ nghĩa thực chứng (positivism). Sự mất dần ảnh hưởng này không chỉ ở nước Nga mà trên phạm vi toàn thế giới. Trước hết, các nhà nghiên cứu cho rằng, “vào những năm 1890, các hiện tượng đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực (những sáng tác của L.Tolstoy giai đoạn cuối, Chekhov giai đoạn chín muồi) đã tách khỏi phong trào văn học hiện thực cũ (ám chỉ những hình thức truyền thống cổ điển của nó) không chỉ bởi sự khác biệt đương nhiên về hình thức nghệ thuật, về trình độ nghệ thuật mà còn bởi sự khác biệt ở cấp độ loại hình”. Cũng vào thời điểm cuối những năm 1890 đầu những năm 1900, khuynh hướng tự nhiên chủ nghĩa tuy vẫn còn tồn tại nhưng đã được đánh giá lại. Yếu tố ngã thể, cái tôi đã tích cực trỗi dậy, được giải phóng khỏi ách thống trị của quy luật bên ngoài. Sự phát triển sâu rộng của cái tôi, của cái ngã thể ở giai đoạn giao thời thế kỷ, xét cho cùng, xuất phát từ một nguyên nhân chung nhất, đó là sự đổ vỡ triệt để những thể chế trước giông bão lịch sử làm rạn nứt quan niệm về “môi trường”, “bối cảnh” tưởng chừng như tồn tại vững chắc.
Vấn đề cá nhân, cái tôi, ngã thể trong văn học Nga thời kì này được coi là tiếp nhận ảnh hưởng tư tưởng của Nietzsche. Tuy nhiên, lần ngược trở lại lịch sử văn học Nga, các nhà nghiên cứu khẳng định có cái gọi là “yếu tố cá nhân thuần túy chủ nghĩa”, và yếu tố này được tìm thấy trong Lermontov, trong Lev Tolstoy – ở những tác phẩm cuối cùng của đại văn hào (Hadji Murat, Thây sống, Sau đêm vũ hội) và đặc biệt là trong Dostoevsky. Vấn đề “yếu tố cá nhân thuần túy chủ nghĩa” ở đây chính là những suy tư của các nhà văn về số phận từng cá nhân riêng lẻ trong quan hệ của nó với cái chung. Tính hai chiều cũng như tính mâu thuẫn nội tại của mối quan hệ này và cách giải quyết nó đã tạo ra những khuynh hướng văn chương khác nhau, tạo ra sự phong phú cho bức tranh văn học Nga “thời đại bạc”.
Như vậy, vấn đề then chốt nhất của văn học Nga “kỉ nguyên bạc” là vấn đề sự trỗi dậy và giải quyết vấn đề cái tôi cá nhân. Những vấn đề liên quan đến cá nhân con người như sự hòa tan hay li khai khỏi “môi trường”, những hiểm họa đe dọa cái cá nhân, vận mệnh của tâm thức cá nhân… đã trở thành một trong những vấn đề mâu thuẫn nhất, nan giải nhất của văn học Nga nói riêng và toàn bộ văn học thế giới thế kỷ 20 nói chung.
Giai đoạn này, như đã nói, văn học Nga có sự xuất hiện chồng chéo của rất nhiều trường phái văn học khác nhau. Tuy nhiên, trong số các trường phái văn học thời ấy, có những trường phái phát triển mạnh mẽ, có ảnh hưởng to lớn tới diện mạo văn học và cũng có những trường phái chỉ tồn tại một thời gian rất ngắn và không có ảnh hưởng hay đóng góp gì đáng kể. Thêm nữa, sự phân định và định danh các trường phái văn học này không phải ở thời nào và ở nhà nghiên cứu nào cũng giống nhau. Một số cuốn giáo trình lịch sử văn học soạn theo tư tưởng văn nghệ thời kì Xôviết thường xác định ba khuynh hướng chính trong văn học Nga giao thời: dòng văn học vô sản, dòng văn học hiện thực phê phán và dòng văn học suy đồi. Cách nhìn này chịu ảnh hưởng sâu sắc của hệ tư tưởng cách mạng và thiên về yếu tố nội dung tác phẩm văn học chứ chưa xác định và căn cứ vào đặc trưng nghệ thuật và những yếu tố cách tân đáng chú ý trong tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ. Dòng văn học vô sản được coi là mạch phát triển chủ đạo, chính lưu với sự xuất hiện của Gorky, Serafimovich… Dòng văn học hiện thực phê phán với những tên tuổi như I.Bunin, A.Kuprin, A.Tolstoy… thực chất là sự kế tục Chekhov, người mà Gorky đã khẳng định là kẻ “giết chết chủ nghĩa hiện thực bằng những sáng tác của mình”. Dòng văn học suy đồi (tên gọi thời ấy, được phân tích trong sự đối lập với văn học cách mạng) với những đại diện như Gumiliev, A.Akhmatova…, những người theo đuổi một thứ nghệ thuật tân kì và hiện đại.
Xét một cách nghiêm túc, sự phân chia thành các dòng văn học như trên là một sự phân chia chưa thực sự thuyết phục. Việc khẳng định sự tồn tại của dòng văn học cách mạng trong không khí văn chương đương thời cần được xem xét và nhìn nhận lại. Văn học cách mạng hay văn học vô sản hay văn học xã hội chủ nghĩa chưa thực sự trở thành một khuynh hướng lớn, cơ bản của văn học giai đoạn này. Nó mới chỉ manh nha và bước đầu phát triển. Văn học cách mạng thực sự có ảnh hưởng và trở thành khuynh hướng chủ đạo là ở giai đoạn sau đó.
Xem xét văn học Nga “thế kỷ bạc” như một chỉnh thể phức tạp, dựa trên những tài liệu nghiên cứu đáng tin cậy của các nhà nghiên cứu người Nga về lịch sử văn học Nga cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, kết hợp với khảo sát văn bản, người viết nhận thấy những khuynh hướng chính sau đây: khuynh hướng tân hiện thực, khuynh hướng tân lãng mạn, khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa. Đó là những cách giải quyết khác nhau vấn đề then chốt nhất của văn học Nga giai đoạn này – vấn đề cái tôi cá nhân. Chính việc giải quyết thành công vấn đề theo nhiều cách khác nhau của các tác giả đã đưa nền văn học Nga phát triển mạnh mẽ, phong phú với những tên tuổi đáng ngưỡng mộ: I.Bunin, A.Blok, V.Mayacovsky, Gumiliev, A.Akhmatova, S.Esenin, Marina Tsvetaeva… Văn học Nga “thế kỷ bạc”, tiếp nối “thế kỷ vàng”, vẫn xứng đáng là một trong những “người anh cả” mẫu mực của văn chương thế giới.
Theo ĐỖ THỊ HƯỜNG / VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI
Tags: Nga, Văn học, Văn hóa Nga