Về sự ra đời của thiết chế dân tộc và văn hóa dân tộc

Quần tụ, phát triển trên một địa bàn đất nước, với những điều kiện lịch sử đặc thù, văn hóa là cách nhìn của dân tộc đối với sinh thái tự nhiên và xã hội-lịch sử, là toàn bộ các giá trị tinh thần để khu biệt dân tộc này với dân tộc khác.

I.

Từ khi loài người bước vào “ngưỡng cửa của thời đại văn minh” thì kế thừa văn hóa luôn luôn được triển khai trong sự phát triển của kỹ thuật sản xuất đưa đến phân công lao động xã hội và trao đổi hàng hóa và mọi giá trị.

Những quan hệ dân tộc đã xuất hiện khi mà sự phát triển của sức sản xuất làm cho những quan hệ cộng đồng nguyên thủy tan rã và phân chia theo hai hướng đối lập.

Lịch sử đã diễn ra đến hết thời đồ đá mới, những công cụ đồng đỏ đầu tiên xuất hiện với kỹ thuật luyện quặng đồng nguyên chất. Trên đường trục của lịch sử, ở đất Lưỡng Hà, việc này mở đầu cho sự sinh nở của đời sống văn minh, vào thiên niên kỷ VI và V trước Công nguyên. Cùng với nghề đúc đồng, nghề gốm phát triển. Sự tiến bộ của nghề gốm tạo nên những lò nung đủ độ nóng để có thể khử oxy đồng. Nghề luyện đồng đỏ xuất hiện, tiếp tục phát triển ngày một tinh xảo hơn. Nghề đúc đồng đỏ ra đời, ở sơ kỳ của nó, đã làm cho kỹ thuật đồ đá và đồ mộc tiến lên và lôi cuốn các nghề khác. Do đấy, những trao đổi giữa các bộ lạc gia tăng, tạo nên sự phân công xã hội đầu tiên giữa các bộ lạc trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá và phơi cá, khai thác đá hay đồng. Sự phân công ấy thúc đẩy kỹ thuật phát triển, đẩy mạnh sự phát triển toàn diện của sức sản xuất, thỏa mãn nhu cầu trao đổi ngày càng lớn.

Năng suất lao động tăng thì sự tổ chức sản xuất trong nghề nông, bao gồm trồng trọt và chăn nuôi, đã tập trung vào cái gia đình lớn, gồm ba hoặc bốn thế hệ. Nó trở thành đơn vị sản xuất căn bản thay cho cái công xã thị tộc. Đó là bước chuyển từ cái công xã thị tộc thành cái công xã nông thôn, với quyền lợi hưởng hữu ruộng đất của các gia đình lớn, có chia lại từng thời kỳ trong khuôn khổ quyền sở hữu cộng đồng bộ lạc hoặc công xã.

Kinh tế gia đình lớn có đủ năng suất để phát triển cái thặng dư sản phẩm trồng trọt hoặc chăn nuôi mang đi trao đổi và sự trao đổi lại đòi hỏi tăng cường hơn nữa số lượng hàng hóa. “Do đó, đẻ ra nhu cầu phải thu hút những sức lao động mới. Chiến tranh cung cấp những sức lao động mới đó: các tù binh bắt được trong chiến tranh bị biến thành nô lệ. Trong những điều kiện lịch sử lúc đó, sự phân công xã hội lớn đầu tiên, do năng suất lao động, tức là tăng của cải và do đó mở rộng lĩnh vực hoạt động sản xuất, nhất định phải đưa đến chế độ nô lệ”. ([2]).

Kinh tế gia đình phát triển, trong nghề nông đã tạo nên một thị trường đủ sức cho nghề thủ công phát triển, đưa đến việc hình thành những thị trấn đầu tiên, với giai cấp thợ thủ công. Đây là sự phân công lao động xã hội lớn lần thứ hai, sự phân công giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp, bước đầu nảy sinh quyền sở hữu cá thể.

Vẫn theo cái hình thái mẫu công xã, nghề thủ công được tổ chức theo phường hội. Nhưng trên thực tế, cái hình thái cá thể của sự lao động thủ công kết hợp với trao đổi sản phẩm, tất nhiên đã sinh ra quyền tư hữu động sản, gồm cả nhà ở, dựa trên lao động bản thân. Quyền tư hữu động sản cũng lan rộng về nông thôn, ở đấy chỉ có ruộng đất là thuộc quyền sở hữu cộng đồng công xã hoặc bộ lạc, còn động sản, kể cả nhà ở, là thuộc quyền tư hữu của cái gia đình lớn, coi như đơn vị tư nhân. “Sự phát triển của sức sản xuất tạo ra những quan hệ xã hội dựa trên chế độ tư hữu”. ([3])

Sự trao đổi thường xuyên giữa thị trấn với nông thôn về căn bản là tiến hành theo giá trị, tức là tính chất thường xuyên của những trao đổi ở đây làm cho các ngành nghề có thể kịp thời điều chỉnh sự sản xuất của họ theo quy luật cung cầu, tạo nên những giá cả gần sát với giá trị. “Để giá cả của những hàng hóa trao đổi với nhau gần phù hợp với chúng chỉ cần: 1) Sự trao đổi giữa các hàng hóa khác nhau không còn là hiện tượng thuần túy ngẫu nhiên hay đơn nhất nữa; 2) Trong chừng mực mà chúng ta xét sự trao đổi trực tiếp hàng hóa, thì những hàng hóa ấy của cả đôi bên đều phải được sản xuất ra với số lượng gần phù hợp với nhu cầu của nhau về hàng hóa; điều đó được xác định nhờ kinh nghiệm của cả đôi bên trong khi tiêu thụ và do đó là kết quả của một sự trao đổi đã tồn tại lâu dài; và, 3) Khi nói tới việc bán hàng, thì không có một độc quyền tự nhiên hoặc nhân tạo nào giúp cho các bên giao dịch có thể bán cao giá trị hay bắt họ phải bán thấp hơn giá trị”. ([4])

“Quy luật giá trị của Marx có hiệu lực phổ biến về mặt kinh tế đối với một thời kỳ kéo dài từ khi bắt đầu có sự trao đổi chuyển hóa sản phẩm thành hàng hóa, cho đến thế kỷ XV Công lịch. Nhưng sự trao đổi hàng hóa bắt đầu từ trước khi có lịch sử thành văn xa xưa, ở Ai Cập ít nhất là 2.500 năm, có lẽ là 5.000 năm, ở Ba-bi-lon từ 4.000 năm và có lẽ từ 6.000 năm trước Công nguyên” ([5])

Sự trao đổi ngang giá như thế đã bảo đảm sự phân công lao động bình đẳng giữa nông dân và thợ thủ công cùng với quyền tư hữu động sản dựa trên lao động bản thân, nó sinh ra từ một thứ tính ích kỷ hạn chế, đi đôi với tinh thần công lý bình quyền. Đấy là một đặc điểm của những người sản xuất hàng hóa nhỏ, như Engels nói: “Họ phí nhiều thì giờ… vào một cuộc trao đổi mặc cả gay go và dai dẳng, để có được cái bù lại toàn bộ số thời gian lao động đã hao phí vào sản phẩm của họ” ([6])

Yêu cầu công lý bình đẳng ở đây, dù là gắn liền với tính cá nhân ích kỷ, nhưng cũng đã biểu hiện cái mặt tích cực của sự phân công lao động thông qua sự trao đổi sản phẩm, tạo ra cơ sở tinh thần cho một cộng đồng xã hội vượt ra khỏi giới hạn hẹp hòi của chế độ cộng đồng nguyên thủy, tức là các cộng đồng dân tộc.

Như vậy, một mặt những quan hệ cộng đồng nguyên thủy về các của cải động sản bị phủ định và chuyển thành quyền tư hữu động sản của các đơn vị gia đình, một mặt khác, thì cái hình thái cộng đồng chung lại được mở rộng, do sự trao đổi sản phẩm đã mở rộng một cách tự phát dưới hình thức gián tiếp, cái quy mô phối hợp lao động xã hội. Và như thế là cái địa bàn đất đai được tổ chức lại trên một phạm vi to lớn hơn, chuyển từ địa bàn bộ lạc thành địa bàn dân tộc, với cái cơ cấu hợp tác gián tiếp giữa nông thôn và thị trấn.

Đồng thời, chính những nghề thủ công lại có những nhu cầu nguyên liệu như quặng đồng hay đá mà buộc phải đi mua ở xa. Trong giai đoạn trước, vấn đề mua bán ở xa như thế là thuộc phạm vi kinh tế cộng đồng bộ lạc. Bấy giờ, những nghề thủ công chuyển thành tư nhân thì những nhu cầu nguyên liệu của họ cũng là nhu cầu tư nhân. Do nghề nông được tổ chức lại trên cơ sở gia đình lớn, những sản phẩm trồng trọt và chăn nôi cũng thuộc quyền sở hữu riêng của những gia đình ấy, tức là họ đưa ra trao đổi những sản phẩm đó theo tư cách tư nhân. Thời đó đất nước đang hình thành.

Còn trong phạm vi từng vùng xoay quanh một vài thị trấn, thì những sự trao đổi trong mỗi nước như thế được giải quyết trực tiếp giữa những người sản xuất với nhau, còn việc tiến hành những cuộc trao đổi với nước ngoài tất yếu phải đưa đến một sự phân công lao động thứ ba trong xã hội, tạo nên một nghề tư nhân mới là nghề đại thương, đưa xã hội loài người bước đến “ngưỡng cửa của thời đại văn minh”…

“Thời đại văn minh đã củng cố và phát triển tất cả những hình thức phân công đã có trước… đặc biệt bằng cách làm trầm trọng sự đối lập giữa thành thị và nông thôn (hoặc thành thị có thể thống trị nông thôn về mặt kinh tế, như trong thời cổ; hoặc nông thôn có thể thống trị thành thị như trong thời trung cổ). Và thời đại văn minh còn thêm vào đó một sự phân công thứ ba, một sự phân công riêng có của nó và có một ý nghĩa quyết định: sự phân công này sản sinh ra một giai cấp không tham gia sản xuất nữa, mà chỉ làm công việc trao đổi sản phẩm, đó là những thương nhân. Cho đến lúc đó, tất cả những nguyên nhân của sự sinh thành ra các giai cấp đều chỉ gắn liền riêng với sản xuất mà thôi; những nguyên nhân ấy đã dẫn tới chỗ phân chia những người tham gia sản xuất thành những người điều khiển và thừa hành, hay còn phân chia họ thành những người sản xuất đại quy mô hay tiểu quy mô. Ở đây, lần đầu tiên, xuất hiện một giai cấp, tuy không tham gia sản xuất một tí nào, nhưng lại chiếm toàn quyền lãnh đạo sản xuất và bắt những người sản xuất phụ thuộc vào mình về mặt kinh tế; nó tự đứng ra làm kẻ trung gian không thể thiếu được giữa hai người sản xuất và bóc lột cả hai. Viện cớ là làm cho những người sản xuất khỏi phải khó nhọc và khỏi phải gặp những rủi ro trong trao đổi, viện cớ là mở rộng việc bán những sản phẩm của họ đến tận những thị trường xa xôi nhất, và do đó trở thành giai cấp có ích nhất trong dân chúng, một giai cấp những kẻ ký sinh, những kẻ thực sự ăn bám xã hội, đã hình thành, chúng hốt lấy phần tinh túy của sản xuất trong nước cũng như của sản xuất nước ngoài, coi đó là tiền công trả cho những sự phục vụ thực ra thì rất nhỏ, chúng đã nhanh chóng thu được những của cải kếch xù và một ảnh hưởng xã hội tương ứng, và chính vì vậy mà trong thời đại văn minh, chúng được người ta dành cho những danh dự luôn luôn mới, và một quyền thống trị càng lớn đối với sản xuất, cho đến khi chính chúng, cũng lại sinh ra một sản phẩm riêng của mình những cuộc khủng hoảng chu kỳ” ([7])

Như vậy là phương thức sản xuất hàng hóa giản đơn bao hàm hai loại trao đổi gắn liền với nhau, nhưng căn bản đối lập và đối kháng: trao đổi bình đẳng, theo giá trị, giữa những người sản xuất với nhau, và trao đổi bất bình đẳng giữa những người sản xuất với thương nhân. “Quy luật của thương nghiệp là mua rẻ, bán đắt. Như vậy, đây không phải là trao đổi ngang giá”. ([8]) Nghề lái buôn là cái phương thức bóc lột căn bản nhất xuất phát một cách tất yếu từ sự sản xuất hàng hóa giản đơn. Chính nó là nguồn gốc của tất cả các chế độ bóc lột thống trị trong lịch sử xã hội hàng hóa. Các giai cấp quý tộc thu cống dịch, chủ nô, địa chủ phong kiến và tư sản hiện đại nữa đều là những biến hình của nghề lái buôn.

Thương nhân nắm những quan hệ cung cầu ở xã thì đóng góp cho “những sự phục vụ… thực ra rất nhỏ”, nhưng nhân đấy “chúng hốt lấy phần tinh túy của sản xuất trong nước cũng như sản xuất nước ngoài”. Có của trong tay thì sinh ra lòng tham. Họ dựa vào cái di sản tiêu cực của chế độ cộng đồng nguyên thủy để tạo nên một nguồn sản phẩm rẻ mạt, để làm hàng hóa mang đi bán buôn. Những quan hệ nô dịch, cống dịch, tô dịch đã xuất phát từ những quan hệ khống chế giữa các bộ lạc đối lập ở thời nguyên thủy, do cái quyền sở hữu nguyên thủy hạn chế trong phạm vi bộ lạK. Marx đã phân tích điều đó như sau: “Điều kiện cơ bản của cái quyền sở hữu thiết lập trên cơ sở bộ lạc tức là người sở hữu phải là thành viên của bộ lạc, làm cho cái bộ lạc bị một bộ lạc khác chinh phục và khống chế thì trở thành người mất quyền sở hữu và như thế là cả bản thân nó cũng bị hạ xuống hàng những điều kiện vô cơ của sự tái sản xuất của nó, mà cái cộng đồng bộ lạc thống trị coi những điều kiện này là của mình. Do đấy thì chế độ nô lệ và chế độ nông nô chỉ là sự triển khai thêm cái quyền sở hữu thiết lập trên cơ sở bộ lạc” ([9]). Những quan hệ bóc lột như thế bước đầu triển khai với sự phân công lao động xã hội lần thứ nhất giữa các bộ lạc đã được những thương nhân biến thành chế độ bóc lột thống trị, tức là sinh ra các giai cấp quý tộc thu cống dịch, chủ nô, địa chủ phong kiến; trong thời đại mà sự phát triển kinh tế hàng hóa còn tiến hành trên cơ sở cái di sản kéo dài của những quan hệ cộng đồng nguyên thủy ở nông thôn.

Cuối cùng, những thương nhân lại chiếm lấy quyền trực tiếp thống trị cái tổ chức sản xuất bằng cách mua sức lao động, tức là họ chuyển thành giai cấp tư sản hiện đại. Giai cấp tư sản nhìn bề ngoài có vẻ như xây dựng trên những quan hệ trao đổi phổ cập, chỉ bóc lột bằng biện pháp kinh tế. Nói một cách khác, về hình thức thì nó biểu hiện như đối lập với những biện pháp phi kinh tế, tức là những thủ đoạn khống chế của những hình thức bóc lột trước. Nhưng về thực chất, thì nó vẫn dựa trên những quan hệ khống chế và đàn áp, mà nguồn gốc chính là xuất phát từ cái di sản tiêu cực của thời bộ lạc tan rã. Cái thực chất ấy lộ rõ nguyên hình trong những thủ đoạn man rợ áp bức giai cấp công nhân, quần chúng lao động và các dân tộc, trong những cuộc chiến tranh đế quốc, trong chủ nghĩa thực dân cũ và mới, trong sự khống chế lực lượng các dân tộc chậm phát triển, trong chủ nghĩa chủng tộc với mọi màu sắc.

Tóm lại, sự biện chứng sinh ra dân tộc với tư cách là một cộng đồng phân chia thành những giai cấp đối lập gồm hai giai đoạn:

1) Sự phát triển của sức sản xuất, xuất phát từ kỹ thuật kim khí tạo nên một sự phân công lao động mới qua trao đổi sản phẩm ngang giá, giữa nông thôn với thành thị, do đấy mà quy định một địa bàn mới và một cộng đồng xã hội mới là địa bàn đất nước và cộng đồng dân tộc. Đấy là cái đoạn cơ bản tích cực của sự vận động.

Nhưng phương thức sản xuất hàng hóa giản đơn, lại sinh ra một cách tất yếu một ngành sản xuất mà chuyên môn trao đổi không ngang giá, tức là một ngành căn bản của bóc lột là đại thương, nó là cái điểm ngoặt biện chứng.

2) Thương nhân sẵn có của thì trở nên tham lam, do đấy mà phát triển bóc lột bằng tất cả mọi phương pháp có thể được, họ xây dựng thành giai cấp bóc lột thống trị. Như thế là xã hội dân tộc ngay trong sự hình thành của nó đã phân chia thành hai mặt mâu thuẫn đối kháng với nhau: quần chúng lao động bị áp bức bóc lột và giai cấp bóc lột thống trị. Đấy là cái đoạn tiêu cực, đối lập của sự vận động, nó xuất phát một cách tất yếu từ cái cơ bản tích cực.

Cùng với sự hình thành và phát triển của xã hội dân tộc, nhà nước cũng đã ra đời và phát triển. Nhà nước là sự thú nhận rằng xã hội dân tộc bị lúng túng trong mối mâu thuẫn với bản thân mà không sao giải quyết được, rằng xã hội đó đã bị phân thành những mặt đối lập không thể điều hòa mà xã hội đó bất lực không sao bỏ được”. ([10])

II.

Hai quá trình: hình thành quan hệ dân tộc và hình thành nên văn hóa dân tộc xoắn xuýt vào nhau không thể tách rời. Bởi nói đến văn hóa là nói đến con người và con người bao giờ cũng gắn với cộng đồng dân tộc. Văn hóa là một thực thể xã hội thống nhất hữu cơ các giá trị tinh thần của các cá nhân và cộng đồng chuyên biệt. Trong sự hoạt động ấy, con người đã và đang hiện thực hóa bản chất của mình.

Sự nảy sinh, hình thành dân tộc là cội nguồn của việc hình thành nền văn hóa dân tộc; đồng thời chính các thành tựu văn hóa lại từng bước thúc đẩy, củng cố và phát triển cộng đồng dân tộc. Hình thành dân tộc, xét về mặt văn hóa, là một bước phát triển lớn cái bản tính cộng đồng của con người. Sự ra đời của dân tộc là con người đã thoát ra khỏi phạm vi cảm thức và ý thức cụ thể, tương ứng với cái bản năng xã hội ở thời nguyên thủy, tiến lên phạm vi ý tưởng trừu tượng, tức ý thức về giá trị hàng hóa biểu hiện trong sự trao đổi. Một mặt, những quan hệ xã hội bình đẳng mở rộng làm tiêu chuẩn cho sự phân công lao động mới. Một mặt khác, những quan hệ xã hội bình đẳng vượt ra khỏi giới hạn hẹp hòi của cái bộ lạc, phác họa một địa bàn mới là địa bàn đất nước. Từ đó xuất hiện một tiếng nói chung và một nền văn hóa chung, biểu hiện những tâm lý chung. Đấy là cái quan hệ của cái cộng đồng dân tộc. Nó xuất phát từ sự phân công lao động lớn lần thứ hai, trong nhân dân các bộ lạc gần gũi nhau về điều kiện địa lý và lịch sử, nó tạo nên sự sở hữu cộng đồng dân tộc về địa bàn đất nước. Hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt đã sát nhập vào nhau đưa đến sự ra đời nước Âu Việt trong thời sơ sử của dân tộc ta là một ví dụ. Dĩ nhiên cái cộng đồng như thế còn là phôi thai, mới biểu hiện dưới hình thức quá độ của cái liên bộ lạc.

Ý thức về địa bàn đất nước tất yếu bắt nguồn từ nhận thức của con người về môi trường và nhịp độ sinh thái tự nhiên, rồi phát triển và nâng lên một chất mới trong quá trình sản xuất và trao đổi. Nền văn minh và văn hóa nông nghiệp của dân tộc Việt Nam chỉ có thể hình thành trên cơ sở hành vi nông nghiệp của những cư dân xa xưa trên bản địa này nhằm lập lại sự cân bằng giữa môi trường tự nhiên và nhu cầu cùng kích thước (dân số) của cộng đồng. Việc chuyển tiếp từ trồng trọt sơ khai, gồm cả trợ dưỡng, trồng củ, dâm cành ([11]) đến việc trồng cây có hạt mà chủ yếu là cây lúa nước, từ những chủ nhân xa xưa của văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đông Sơn đến văn hóa Đại Việt và cho đến con người Việt Nam ngày nay là gắn bó mật thiết với việc nhận thức ngày càng phong phú, sâu sắc cái địa bàn sinh tụ và ý thức sở hữu cộng đồng dân tộc đối với non sông, đất nước, biểu hiện rực rỡ trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ đó đã nảy sinh vô vàn thần thoại, truyền thuyết, huyền thoại, thần phả, ngọc phả, ca dao, tục ngữ, truyện dân gian, những tác phẩm và giá trị văn hóa nghệ thuật bác học của dân tộc và những hội lễ, phong tục tập quán…

Hình thành quan hệ dân tộc là một bước phát triển lớn của cái bản tính cộng đồng của con người mà văn hóa là một trong các mặt căn bản của mối quan hệ ấy. Bởi vậy, văn hóa của mỗi dân tộc là một phân hệ trong cái hệ thống chung của văn hóa nhân loại. Quá trình các dân tộc xích lại gần nhau chính là quá trình làm phong phú nền văn hóa dân tộc, qua giao lưu và tiếp nhận văn hóa giữa các dân tộc. Dĩ nhiên, là sản phẩm của lịch sử, mỗi nền văn hóa có mặt tích cực và tiêu cực. Tự biết kêu gọi và phát triển bản sắc tốt đẹp, tích cực của văn hóa dân tộc mới có thể tiếp thu giá trị văn hóa của các dân tộc khác và văn hóa của nhân loại.

Quần tụ, phát triển trên một địa bàn đất nước, với những điều kiện lịch sử đặc thù, văn hóa là cách nhìn của dân tộc đối với sinh thái tự nhiên và xã hội-lịch sử, là toàn bộ các giá trị tinh thần để khu biệt dân tộc này với dân tộc khác. Trong quá trình phát triển sản xuất và trao đổi, mỗi dân tộc ngày càng củng cố, phát triển, khẳng định quan hệ dân tộc, đồng thời các dân tộc đã có thể cùng tồn tại nhờ hiểu biết lẫn nhau. Sự phát triển kỹ thuật sản xuất và toàn bộ giá trị văn hóa các dân tộc là điều kiện để họ có thể thay đổi đời sống và hoạt động trong môi trường tự nhiên, góp phần tạo ra các nền văn minh và trình độ văn minh nhân loại. Do năng lực sáng tạo, tức năng lực bản chất người, các lực lượng hoạt động đã tạo ra một cách khách quan thế giới đối tượng của con người. Cho nên, văn hóa với tính cách là tinh thần, ý thức của con người biểu hiện trong cảm quan và là sự phát triển của các lực lượng sáng tạo, tất yếu phải có hai nội dung phổ biến: một là, năng lực sáng tạo của con người – một sinh thể-xã hội; hai là, năng lực sáng tạo ấy biểu hiện và phát triển trong một cộng đồng dân tộc trong chiều sâu của không gian và thời gian văn hóa. Hai mặt phổ biến ấy của văn hóa, tức tính nhân loại và tính dân tộc là thống nhất biện chứng.

Dĩ nhiên văn hóa dân tộc được triển khai cụ thể thông qua sự biến thiên của giao lưu văn hóa, của đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc. Điều kiện để phát triển văn hóa dân tộc, vì vậy còn chịu sự quy định của những tình huống được tạo nên trong các biến thiên ấy. Sự thống nhất của tính nhân loại, tính dân tộc, tính giai cấp chỉ được thực tại hóa trong điều kiện ấy mà thôi. Sự phục hưng văn hóa các dân tộc nói chung, Việt Nam nói riêng, đã chứng minh đầy thuyết phục điều đó. Nguyễn Trãi đã đưa nội dung nhân dân vào khái niệm “nhân”, “nghĩa” của Nho giáo, điều đó là gắn bó và thống nhất với lòng tự hào dân tộc và ý thức quốc gia của nhân dân ta thời ấy, mà tầng lớp trí thức phong kiến đã tiếp thụ và phát triển. Tấm lòng trắc ẩn, ưu ái của Nguyễn Du, của Nguyễn Gia Thiều, của Hồ Xuân Hương… đối với người phụ nữ tạo nên những hình tượng nghệ thuật giàu chất thẩm mỹ là kết quả của truyền thống văn hóa dân tộc xa xưa, là sự vang vọng của hiện thực xã hội phong kiến đen tối và cuộc đấu tranh giai cấp khốc liệt đương thời. Rồi đến lượt những giá trị thẩm mỹ ấy lại tiếp tục được phát triển trong các nhà văn hóa hậu thế. Ta có thể tìm thấy bóng dáng nàng Kiều của Nguyễn Du trong hình ảnh chị Dậu của Ngô Tất Tố.

Hồ Chí Minh, một danh nhân văn hóa và anh hùng dân tộc mà cả loài người đã công nhận, là sự hội tụ, là điểm gặp gỡ của những giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông và những giá trị văn hóa Âu Mỹ, văn hóa thế giới. Đó là kết quả rực rỡ của cuộc đấu tranh giai cấp và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc quyết liệt của thời đại. Sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh lớn lao, lâu bền, suy cho cùng bởi có chiều sâu văn hóa cả không gian và cả thời gian, bởi hàm chứa trong đó những tiền đề cho sự phát triển năng lực bản chất người.

Quá trình phát triển của quan hệ cộng đồng dân tộc, trong đó gồm văn hóa dân tộc là một quá trình biện chứng, tồn tại và thống nhất các mặt đối lập, là những tình huống được tạo ra bởi các biến thiên của giao lưu văn hóa, đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc. Bởi vậy, một dân tộc muốn phát triển, trong đó có văn hóa dân tộc, phải từ những tình huống ấy mà giải quyết, xử lý và kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống. Kế thừa văn hóa luôn luôn là điều kiện mà những tình huống ấy tạo ra, chỉ có như thế dân tộc và văn hóa dân tộc mới hòa nhập được vào nền văn minh của thời đại.

Nhưng nguồn gốc sâu xa, như Engels đã tổng kết, từ khi loài người bước vào “ngưỡng cửa của thời đại văn minh” thì chính cái điều kiện ấy luôn luôn được triển khai trong sự phát triển của kỹ thuật sản xuất đưa đến phân công lao động xã hội và trao đổi hàng hóa và mọi giá trị.

—————————————————————

Chú thích:

[1] Nguồn: Kỷ yếu thông tin khoa học (Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực II), số 3 (10/1991), tr. 37-41.
[2] Marx – Engels, Tuyển tập, tập VI, NXB. Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 247.
[3] Lênin, Toàn tập, tập 2, NXB. Tiến bộ, Matxcơva, 1974, tr. 7.
[4] K. Marx, Tư bản, Tập III, phần 1, NXB. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 215.
[5] F. Engels, Phần bổ sung cho Tập III, Bộ Tư bản, trong Tư bản, Tập III, phần 2, NXB Sự thật, Hà Nội 1987, tr. 534-535.
[6] F. Engels, Sách đã dẫn, tr. 533.
[7] F. Engels: Marx-Engels tuyển tập, tập VI, NXB. Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 253-254.
[8] K. Marx, Tư bản, tập III, phần 1, NXB. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 400.
[9] K. Marx, Gründrisse, tr. 392.
[10] F. Engels: Marx-Engels tuyển tập, tập VI, NXB. Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 260.
[11] Môi trường nhiệt đới của vùng Đông Nam Á tạo điều kiện thuận lợi cho các cây sinh sản vô tính hơn những vùng ôn đới hay á nhiệt đới. Do đó nên những vùng như Cận Đông hay Hoa Bắc, nền nông nghiệp bắt đầu ngay bằng việc trồng cây có hạt, thì vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam nền nông nghiệp trải qua theo mô hình phát triển hai giai đoạn: từ hái lượm chuyển sang làm vườn lên làm nông với thủy lợi và phân bón. Đó là một trong những điểm khu biệt nền nông nghiệp của ta với các trung tâm nông nghiệp cổ xưa khác trên thế giới.

Theo CÙ HUY CHỬ / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN

Tags: