⠀
Về nỗi lo rơi vào ‘bẫy sinh sản thấp’ của Trung Quốc
Lo ngại về sự già hóa và thu nhỏ quy mô dân số phần nào giải thích tại sao Trung Quốc vội vàng đưa ra chính sách mới, nhưng điều này có thể giúp tăng mức sinh đáng kể hay không vẫn còn là vấn đề chưa chắc chắn.
Tác giả: Zhongwei Zhao, Giáo sư danh dự tại Trường Nhân khẩu học tại Đại học Quốc gia Australia; Guangyu Zhang, Cán bộ phụ trách vấn đề dân số thuộc Ban Kinh tế – Xã hội của Liên Hợp Quốc.
Nguồn: Zhongwei Zhao và Guangyu Zhang, “The reality of China’s fertility decline”, East Asia Forum, 08/07/2021.
Biên dịch: Trần Hùng.
Việc nới lỏng chính sách một con vào năm 2013 và chấm dứt hoàn toàn chính sách này vào năm 2015 chỉ tạo ra một mức tăng nhỏ và tạm thời trong mức sinh của Trung Quốc. Tổng tỷ lệ sinh của Trung Quốc tiếp tục giảm từ 1,6 ca sinh sống trên một phụ nữ vào năm 2017 xuống còn 1,3 ca vào năm 2020. Do sự thay đổi này, tỷ lệ tăng dân số hàng năm của Trung Quốc giảm xuống mức thấp mới là dưới 0,3% vào năm 2020.
Chính phủ Trung Quốc đã công bố quyết định thực hiện chính sách ba con mới vào tháng 5 năm 2021. Những lo ngại lan rộng về mức sinh giảm và dân số giảm nhanh đã làm đảo lộn chính sách kéo dài nửa thế kỷ, ban đầu được thực hiện nhằm hạn chế quy mô dân số. Có một số điểm rất quan trọng khi xem xét mức sinh thấp và tốc độ tăng dân số của Trung Quốc, cũng như tác động của vấn đề này và cách xử lý chúng trong những thập niên tới.
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhiều quốc gia kém phát triển hơn đã có tỷ lệ tử vong giảm nhanh. Điều này, cùng với mức sinh cao, đã khiến số lượng trẻ em sống sót tăng lên và dẫn đến gia tăng dân số nhanh chóng. Trong nửa sau những năm 1960, tỷ lệ tăng dân số hàng năm của Trung Quốc đã tăng lên hơn 2,5%, và tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt hơn 40% dân số.
Đối mặt với những thay đổi chưa từng có này và áp lực tiềm ẩn của một cuộc bùng nổ dân số tiềm tàng, các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, các tổ chức quốc tế và người dân bình thường bắt đầu xem xét các chiến lược kiềm chế sự gia tăng dân số và điều chỉnh hành vi sinh sản. Những nỗ lực và thay đổi này đã ngăn chặn hiệu quả sự bùng nổ dân số thông qua việc giảm mức sinh, điều cũng góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng ở nhiều quốc gia.
Sự suy giảm mức sinh nhanh chóng của Trung Quốc không phải xảy ra duy nhất ở nước này, mặc dù điều này bị ảnh hưởng nặng nề bởi chương trình kiểm soát sinh sản do chính phủ lãnh đạo. Những thay đổi tương tự về mức sinh đã được quan sát thấy ở nhiều nước khác. Năm 1970, chỉ có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ có mức sinh dưới mức thay thế (tức thấp hơn mức 2,1 trẻ trên một phụ nữ). Đến năm 2020, con số này là 94, trong đó có 26 nước có tổng tỷ suất sinh dưới 1,5 lần sinh trên một phụ nữ.
Mức sinh giảm xuống mức rất thấp đã trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới. Sự giảm tỉ lệ sinh nhanh chóng của Trung Quốc là một phần của xu hướng này. Chương trình kiểm soát sinh sản của Trung Quốc và các chính sách của chính phủ càng đẩy nhanh tốc độ giảm tỉ lệ sinh của nước này.
Tuy nhiên, kể từ giữa những năm 1990, sự thay đổi này ngày càng được thúc đẩy bởi sự chuyển đổi đáng kể về kinh tế – xã hội và văn hóa trong nước. Kết luận này cũng được ủng hộ bởi kinh nghiệm của các quốc gia như Ý, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Tây Ban Nha, nơi mức sinh tiếp tục giảm hoặc duy trì ở mức rất thấp trong một thời gian đáng kể, bất chấp các chính sách và các biện pháp khuyến khích sinh đẻ.
Mức sinh rất thấp có thể có những tác động sâu sắc. Dân số trong độ tuổi lao động thu hẹp và dân số quốc gia giảm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai cũng như ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc. Cơ cấu độ tuổi thay đổi, đặc biệt là già hóa dân số nhanh, sẽ mang đến những thách thức chưa từng có.
Trung Quốc cũng đối mặt với nguy cơ rơi vào ‘bẫy sinh sản thấp’. Khái niệm này chỉ một loại “thay đổi chế độ nhân khẩu học” trong đó một số các cơ chế nhân khẩu học, xã hội và kinh tế nhất định có thể giúp củng cố “quá trình hướng tới tỷ lệ sinh ngày càng thấp, và do đó đẩy nhanh quá trình già hóa dân số và thu nhỏ quy mô dân số”. Những lo ngại này phần nào giải thích tại sao Trung Quốc vội vàng đưa ra chính sách mới, nhưng liệu chính sách ba con có thể giúp tăng mức sinh đáng kể hay không vẫn còn là một vấn đề chưa chắc chắn.
Mức sinh tăng vừa phải có thể giúp giảm bớt một số lo ngại này thông qua việc cải thiện cơ cấu dân số theo độ tuổi, tăng quy mô dân số, ngăn chặn sự giảm nhanh của dân số trong độ tuổi lao động và giảm tỷ lệ người già. Nhưng đây chỉ là một trong nhiều loại giải pháp cho các quốc gia đối mặt với thực trạng nhân khẩu học tương tự. Cải thiện sức khỏe dân số (đặc biệt là cho người già), kéo dài tuổi nghỉ hưu và nâng cao năng suất lao động là những chiến lược dài hạn mang tính bổ sung và hiệu quả hơn cần được xem xét.
Đây là thời đại của những thay đổi nhân khẩu học nhanh chóng. Tuổi thọ của dân số toàn cầu ngày càng tăng từ giữa thế kỷ 20 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ riêng điều này đã có thể tiếp tục làm tăng số lượng và tỷ lệ người già. Trong quá trình này, có lẽ nhiều người dưới 70 tuổi sẽ trở nên khỏe mạnh hơn. Do đó, một số khái niệm và thước đo truyền thống, chẳng hạn như “tỷ số phụ thuộc tuổi già” hoặc “tuổi già”, sẽ trở nên kém hiệu quả hơn trong việc mô tả và đánh giá tình hình nhân khẩu học. Chúng ta cần sửa đổi hoặc thay thế dần các khái niệm này khi xem xét các thay đổi dân số cũng như các kế hoạch phát triển trong tương lai.
Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ
Tags: Trung Quốc, Dân số