⠀
Văn hóa tuyển dụng độc hại và cuộc khủng hoảng dân số ở Nhật Bản
Chuyên gia đánh giá Nhật Bản áp dụng “tương đối tốt các chính sách” thúc đẩy tỷ lệ sinh, song vấn đề cốt lõi liên quan tới nhận thức vẫn chưa được giải quyết.
Phát biểu trước Quốc hội hôm 23/1, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cảnh báo tỷ lệ sinh thấp khiến nước này trên bờ vực “không thể duy trì các chức năng xã hội”.
Thủ tướng Nhật phát biểu vào thời điểm số trẻ được sinh ra trong một năm lần đầu giảm xuống dưới 800.000 trẻ vào năm 2022.
Tuy nhiên, theo ông Stuart Gietel-Basten – giáo sư Khoa học Xã hội tại Đại học Khalifa (UAE), vấn đề tỷ lệ sinh thấp tại Nhật Bản vốn đã hiện hữu từ lâu, nên hiện không thể đáng quan ngại tới mức nước này “ở bờ vực mất khả năng duy trì chức năng xã hội”.
“Đúng là tỷ lệ sinh thấp tại Nhật Bản rất nghiêm trọng, nhưng đây không phải vấn đề mới. Nhật Bản đã chứng kiến vấn đề này trong nhiều năm. Dân số nước này già hóa nhanh chóng, tốc độ tăng dân số đang giảm. Điều này đặt ra nhiều thách thức, trong đó ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế”, ông nhận định với Zing.
Vị giáo sư cho rằng Thủ tướng Fumio Kishida có phát biểu này nhằm khuyến khích người dân sinh thêm con khi họ lo ngại viễn cảnh này sẽ xảy tới. “Tuy nhiên, chỉ sinh thêm con không thay đổi được nhiều vấn đề hay thách thức mà Nhật Bản đang phải đối mặt. Cần hiểu rõ lý do đằng sau vấn đề này và giải quyết triệt để”, ông Gietel-Basten nói.
Theo Japan Times, tỷ lệ sinh của Nhật Bản đang giảm mạnh. Dân số Nhật Bản tính đến 1/1 là khoảng 124 triệu người, giảm 0,43% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ sinh giảm đi cùng với cơn đau đầu khác: Dân số già hóa. Năm 2022, Nhật Bản có khoảng 36,21 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 29% tổng dân số.
“Cái giá đắt” khi sinh con
Đồng nhận định với ông Gietel-Basten, ông Leonard Schoppa – giáo sư khoa chính trị tại Đại học Virginia (Mỹ) – nói với Zing rằng lời phát biểu của Thủ tướng Kishida có phần nghiêm trọng hơn so với thực tế, khi tỷ lệ sinh thấp trong một năm không có tác động đáng kể đến xu hướng dân số, và đây vốn là vấn đề âm ỉ trong suốt nhiều năm.
Vị giáo sư từ Đại học Virginia cho rằng Nhật Bản cần nâng mức sinh, nếu không tình trạng sụt giảm dân số nghiêm trọng sẽ gây ra thách thức với những thế hệ tiếp theo, khi họ cần trả thuế để duy trì các chương trình bảo hiểm xã hội, như chăm sóc sức khỏe và lương hưu; hoặc cần thời gian chăm sóc người thân lớn tuổi.
“Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ rơi vào tình huống nhiều cặp vợ chồng (cả hai đều là con một) một mình chăm sóc tới bốn cha mẹ”, ông ví dụ.
Theo Japan Times, tỷ lệ sinh giảm và dân số già lấy đi “sức sống và năng lượng” của Nhật Bản, khi nhóm dân số lớn tuổi lớn sẽ điềm tĩnh, thận trọng và bảo thủ hơn. Dân số già tiêu thụ nhiều hơn sản xuất, gây gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội và y tế. Hệ thống lương hưu ảnh hưởng khi người về hưu nhận về nhiều hơn số tiền lực lượng lao động đóng góp. Những điều này có thể tạo ra căng thẳng chính trị.
Giáo sư Schoppa nhận thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới vấn đề này, nhưng ông cho rằng vấn đề nghiêm trọng nhất nằm ở văn hóa tuyển dụng của Nhật Bản.
“(Nhật Bản) coi trọng việc gắn bó lâu dài, liên tục tại một nơi làm việc. Những người nghỉ việc chăm sóc con cái thường không thể tìm được công việc hấp dẫn tương tự sau khi họ muốn trở lại thị trường việc làm. Vì vậy, có con đi kèm với cái giá rất lớn, đó là khả năng tuột mất thu nhập trong tương lai”, ông cho hay.
Ông trích dẫn việc chính phủ nỗ lực giải quyết nguyên nhân này bằng cách cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ và nghỉ phép có lương để người mẹ tiếp tục làm việc.
Tuy nhiên, vị chuyên gia chỉ ra các nhà tuyển dụng Nhật Bản cũng mong muốn nhân viên toàn thời gian cống hiến cho công việc, nên người chồng không thể về nhà kịp thời chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái, trong khi người vợ phải nghỉ việc bởi sếp họ yêu cầu.
“Do đó, những chương trình này là chưa đủ để người mẹ tiếp tục lao động. Có (nhiều) con đồng nghĩa người vợ phải nghỉ việc, do đó ngày càng có nhiều phụ nữ lựa chọn không kết hôn và/hoặc không sinh con”, ông Schoppa kết luận.
Theo Japan Times, vấn đề lớn nhất là phụ nữ Nhật Bản không thích các lựa chọn trong cuộc sống của họ. Họ cho rằng việc xã hội mong đợi vai trò phụ nữ gói gọn trong làm vợ, làm mẹ và chăm sóc gia đình là quá gò bó. Phụ nữ không được kiểm soát cuộc sống mà phải quan tâm đến người khác.
Ngay cả khi người chồng nhận ra trách nhiệm, phụ nữ vẫn đối mặt rào cản. Người vợ dù đã đi làm vẫn gồng gánh hầu hết việc nhà, và có thể bị chỉ trích là “trốn trách trách nhiệm gia đình”.
Thay đổi nhận thức là cốt lõi
Để cải thiện tỷ lệ sinh ở Nhật Bản, giáo sư Schoppa cho rằng phương án hiệu quả thực sự là “xã hội Nhật Bản (đặc biệt là người sử dụng lao động và người chồng) cần thay đổi quan điểm, tạo điều kiện cho cả cha và mẹ vừa được làm việc, vừa có thời gian chăm sóc con cái”.
Bộ trưởng Quyền phụ nữ Masanobu Ogura cũng nhận thức rõ việc san sẻ gánh nặng con cái từ phụ nữ sang đàn ông là chìa khóa để giải quyết vấn đề dân số của Nhật Bản. Theo thống kê, thời gian chăm con của phụ nữ cao gấp 7 lần so với nam giới tại nước này.
“Tôi sẽ nỗ lực thúc thúc đẩy sự tham gia của đàn ông vào chăm sóc trẻ em và giúp họ nghỉ thai sản nhiều hơn“, ông Ogura cho biết.
Kể từ khi giữ chức Bộ trưởng Quyền phụ nữ, ông Ogura đã thực hiện nhiều chiến dịch thúc đẩy sự cảm thông dành cho phụ nữ.
Chẳng hạn, vào tháng 4/2021, ông Ogura cùng một số nam đồng nghiệp của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền mặc những chiếc bụng bầu giả nặng tới 7,3 kg trong khi thực hiện các hoạt động thường ngày, theo Reuters.
Song vị bộ trưởng vẫn phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ một số phụ nữ, cho rằng ông không thể hoàn toàn hiểu được cảm giác họ phải trải qua. Việc sắp xếp chính trị gia nam giới vào vị trí vốn có truyền thống thuộc về phụ nữ đã làm dấy lên làn sóng hoài nghi trong công chúng Nhật.
Trái ngược với quan điểm này, giáo sư Gietel-Basten cho rằng “việc Nhật Bản bổ nhiệm đàn ông làm Bộ trưởng Quyền phụ nữ không phải vấn đề”.
“Họ là nam và ủng hộ bình đẳng giới, thì việc trở thành bộ trưởng giỏi là chuyện bình thường. Tôi cho rằng kế hoạch được cơ quan này triển khai quan trọng hơn gấp nhiều lần giới tính của người đứng đầu”, ông giải thích.
“Vị lãnh đạo cần nhận ra những hạn chế trong chính sách hiện hành. Dù liên tục đầu tư vào giáo dục trẻ em, điều chỉnh hệ thống giáo dục,… (chúng) sẽ không thể mang lại nhiều tác động nếu như văn hóa công sở và thái độ xã hội – trong đó người đàn ông không nhận ra trách nhiệm chăm sóc gia đình – không thay đổi”, vị giáo sư cho biết.
Trong khi đó, giáo sư Schoppa lưu ý việc thay đổi nhận thức là điều chính phủ rất khó can thiệp hoàn toàn, “do đó vấn đề được giải quyết khá chậm chạp”.
Trong những năm qua, chính quyền Thủ tướng Kishida đã có những bước đi cụ thể nhằm giải quyết bài toán bất bình đẳng kinh tế. Giữa năm 2022, chính phủ Nhật ban hành luật bắt buộc các công ty có hơn 300 lao động công khai sự khác biệt về mức lương trả cho lao động nam và nữ, đồng thời yêu cầu các công ty mở rộng số lượng vị trí dài hạn cho phụ nữ.
Nhật Bản cũng cố gắng khuyến khích người dân sinh nhiều con hơn với những hứa hẹn về tiền trợ cấp và phúc lợi. Thậm chí chính phủ Nhật tăng cường tài trợ cho các ứng dụng mai mối sử dụng trí tuệ nhân tạo tinh vi để cải thiện tỷ lệ kết hôn và sinh con, theo World Economic Forum.
Gần đây nhất, Thủ tướng Kishida cho biết ông sẽ đệ trình kế hoạch tăng gấp đôi ngân sách cho các chính sách liên quan đến trẻ em vào tháng 6, đồng thời thành lập một cơ quan chính phủ về Trẻ em và Gia đình mới để giám sát vấn đề này, theo Reuters.
“Tất cả công cụ, chính sách gia đình đang được áp dụng đều khá tốt. Tuy nhiên, thật khó nói các chính sách này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn như thế nào, vì chúng vẫn chưa giải quyết được một số vấn đề văn hóa cốt lõi gây bất lợi cho phụ nữ, đặc biệt là những người làm mẹ”, ông Gietel-Basten nhận định.
Vị giáo sư cũng chia sẻ “điều duy nhất tôi không đồng tình là cách dùng từ, khi chính phủ Nhật Bản gọi tình trạng tỷ lệ sinh thấp ở Nhật Bản là ‘khủng hoảng’”.
“Dưới thời cựu Thủ tướng Shinzo Abe, ông dùng thuật ngữ ‘womenomics’- cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo phụ nữ tham gia thị trường lao động, hỗ trợ họ chăm sóc, nuôi dạy con cái và thực hiện trách nhiệm gia đình. Ông Abe coi việc cải thiện hệ thống chăm sóc trẻ như một phương tiện thúc đẩy phụ nữ trong thị trường lao động”, ông Gietel-Basten cho hay.
“Nhưng hiện nay, (chính phủ Nhật Bản) nói rằng cần tăng tỷ lệ sinh vì nếu không đất nước sẽ không thể duy trì chức năng xã hội. Điều đó hơi khác một chút và tôi không nghĩ đó là thông điệp hiệu quả”, ông nói.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Nhật Bản, Phụ nữ, Lao động - việc làm, Dân số