Đánh thuế bất động sản để con cháu không quay cuồng vì đất đai

Đánh thuế bất động sản thứ hai để cuộc sống bình đẳng hơn và đảm bảo sự phát triển trong dài hạn.

Đánh thuế bất động sản để con cháu không quay cuồng vì đất đai

Việc đánh thuế bất động sản đã và đang là đề tài của các cuộc tranh cãi nảy lửa. Một bên thì cho rằng việc này sẽ tác động trực tiếp đến giới đầu cơ đất đai, từ đó giúp phân phối lại của cải xã hội một cách công bằng hơn và về dài hạn sẽ có lợi cho sự phát triển của đất nước.

Bên kia lại cho rằng không đánh thuế sẽ giúp giảm chi phí cho người nghèo, nhất là những người đi thuê trọ và hộ thuê nhà kinh doanh nhỏ lẻ.

Cá nhân tôi cho rằng hai ý kiến này không trái ngược nhau, thậm chí là bổ sung cho nhau. Tôi đồng tình với ý kiến thứ nhất, rằng đánh thuế bất động sản là có lợi trong dài hạn (và đáng lý ra đã phải được thực hiện từ hàng chục năm trước).

Song song với đó, tôi cũng đồng tình với ý kiến thứ hai, rằng chính sách thuế cần cân nhắc đến các tác động gián tiếp lên những người đi thuê bất động sản.

Trong tâm khảm của người Việt, “tấc đất cắm dùi” luôn song hành cùng “an cư lạc nghiệp”. Điều đó phản ánh một thực tế là người Việt chúng ta luôn rất coi trọng đất đai: có được một mảnh đất làm nền tảng để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp lâu dài.

Tuy nhiên, việc một số người tích tụ ruộng đất quá trớn sẽ lấy đi cơ hội có được tài sản với chi phí hợp lý của các thành phần khác trong xã hội trong cả hiện tại lẫn tương lai.

Trong hiện tại: giảm cung đất đai khiến giá nhà đất tăng quá cao vượt mức thu nhập. Trong tương lai: lợi tức thu được từ đất đai lại được tái đầu tư vào nhiều đất đai hơn nữa, từ đó làm gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội. Người có vốn thì vài đến vài chục khoảnh đất, trong khi người không có thì làm việc cả đời cũng chưa chắc đủ tiền để mua một mảnh đất cắm dùi.

Chúng ta còn đang phát triển, thế nhưng hệ số “giá nhà trên thu nhập” (price to income) đã ngang hàng với các thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới như Hồng Kông và Paris, thậm chí đã vượt hẳn Sydney, San Francisco hay Amsterdam.

Vì thế, một chính sách thuế bất động sản là cần thiết để điều chỉnh việc phân phối tài sản xã hội theo hướng công bằng hơn, từ đó giúp đảm bảo việc phát triển trong dài hạn.

Các nghiên cứu từ các nước phát triển đã cho thấy việc đánh thuế bất động sản có tác động tích cực trong việc tạo nguồn thu ngân sách khổng lồ cho nhà nước, đảm bảo công bằng cho xã hội và góp phần định hình sự phát triển bền vững của nền kinh tế và quy hoạch đô thị.

Căn cứ theo chính sách thuế tham khảo của các quốc gia phát triển, và cũng để đảm bảo tài sản công dân, chúng ta cần hiểu rằng chính sách thuế bất động sản không chỉ là thuế cứng nhắc đánh vào căn nhà thứ hai, mà là thuế bậc thang linh hoạt dựa trên nhiều hệ quy chiếu như số căn nhà, diện tích, giá trị, thời gian và mục đích…

Về số bất động sản: nguyên tắc mỗi pháp nhân một căn nhà, và căn nhà thứ nhất này sẽ có thuế suất thấp. Từ căn nhà thứ hai trở đi của cùng một pháp nhân thuế suất sẽ tăng dần. Ngoài ra, mức thuế còn được xem xét dựa vào mục đích sử dụng của bất động sản thứ hai.

Về diện tích: quy hoạch diện tích nhà ở và sản xuất được miễn thuế trong khu vực đô thị và nông thôn. Ví dụ bất động sản nhà ở tại đô thị dưới 100m2 và nông thôn dưới 500m2 được miễn thuế. Trên diện tích quy định thuế suất sẽ tăng dần.

Về giá trị: cũng quy định giá trị nhà ở và sản xuất được miễn thuế trong khu vực đô thị và nông thôn. Ví dụ bất động sản nhà ở tại đô thị dưới ba tỷ đồng và nông thôn dưới một tỷ đồng được miễn thuế. Trên giá trị quy định thuế suất sẽ tăng dần.

Về thời gian: khoảng thời gian nắm giữ đất càng dài thì thuế suất khi bán lại càng thấp. Như vậy thuế đánh vào bất động sản mua đi bán lại liền tay sẽ cao hơn nhiều so với thuế đánh vào bất động sản đã ở lâu năm.

Dưới góc độ chính sách, việc áp thuế bậc thang khiến việc nắm giữ các bất động sản trong các trường hợp sau đây sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn: bất động sản không sinh lợi, quá nhiều bất động sản cho gia đình ít người, nhà tách thửa diện tích nhỏ, nhà giá trị quá cao so với thu nhập, và bất động sản đầu cơ mua đi bán lại.

Trái lại, các trường hợp như: nắm giữ hai bất động sản cho gia đình trẻ (vợ và chồng là hai pháp nhân, hoặc nhiều hơn nếu con cái đủ tuổi pháp nhân đứng tên riêng trên sổ), nhà có thửa đất chuẩn vùng (không quá to cũng không quá nhỏ), nhà có giá trị thuế vừa với mức thu nhập và nhà ở dài hạn sẽ trở lên hấp dẫn hơn với người dân.

Điều này có lợi cho việc tích lũy tài sản của các hộ gia đình khi đảm bảo khả năng tích lũy vừa đủ tài sản để lại cho con cháu hoặc cho thuê, đồng thời cũng ngăn trường hợp một cá nhân đơn lẻ tích lũy quá nhiều tài sản đất đai.

Nếu một cá nhân sở hữu quá nhiều bất động sản thì sẽ phải bán đi để tránh thuế bậc thang, cũng không thể đơn thuần đem cho thuê vì sẽ không thể cạnh tranh nổi về giá với hàng triệu hộ gia đình chỉ cho thuê căn nhà thứ hai, từ đó làm tăng nguồn cung nhà.

Song song với đó cũng có lợi về mặt kinh tế khi dòng vốn từ bất động sản được chuyển hướng để đầu tư sản xuất kinh doanh, còn nhà nước lại có nguồn thu khổng lồ ổn định theo năm từ thuế bất động sản và có căn cứ cho việc bồi thường quy hoạch. Thuế được đóng theo giá trị thực tế của đất, khi bồi thường cũng sẽ căn cứ vào lịch sử chuyển nhượng, định giá và đóng thuế để bồi thường (do đó khai gian đóng thiếu thuế sẽ bị truy thu).

Đồng thời, hạn chế việc đầu cơ mua đi bán lại đất đai không tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội. Đáng lý ra việc áp thuế bất động sản đã phải được thực hiện từ những ngày đầu phát triển, tuy nhiên chúng ta lại cứ chần chừ trong việc áp dụng khiến cho thị trường bất động sản bị biến tướng về nhiều mặt.

Do đó, việc áp thuế này phải được thực hiện ngay, nhưng cần có lộ trình tăng mức thuế theo kế hoạch một cách minh bạch để đảm bảo thị trường nhà đất có thời gian thích ứng với sự thay đổi chính sách. Đồng thời có những điều chỉnh cần thiết về các mức chịu thuế và mức thuế chi tiết để phản ánh thực tế biến động của thị trường.

Chung quy lại, chính sách thuế bất động sản sẽ định hình sự phát triển ổn định trong dài hạn của đất nước.

Nếu chúng ta muốn chính chúng ta, con cháu cùng các thế hệ sau được sống trong một môi trường bình đẳng hơn, không muốn chúng phải quay cuồng đuổi theo giá nhà đất thì chúng ta cần hành động ngay từ bây giờ. Nếu không thì e rằng chính thế hệ sau này sẽ phải trả giá.

Theo HUY HÙNG / VNEXPRESS

Tags: ,