Valentin Rasputin nói về bi kịch của nền văn học Nga đương đại

Valentin Rasputin (sinh năm 1937 ở tỉnh Yrkutsk) là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của nền văn học Liên Xô cũ và nước Nga hiện nay. Ông từng được phong danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa (1987), hai lần được nhận Huân chương Lênin (1984 và 1987), hai lần nhận giải thưởng Quốc gia Liên Xô (1977 và 1987), giải thưởng Aleksandr Solzhenitsyn (2000)…

Các tác phẩm của Rasputin về đời sống nông thôn Nga quen thuộc rộng rãi với độc giả không chỉ ở trong nước Nga: “Tiền dành cho Maria”, “Thời hạn cuối cùng”, “Sống mà nhớ lấy”, “Vĩnh biệt Matera”, “Còn sống, còn yêu”, “Đám cháy”, “Trong bệnh viện”, “Con của Ivan, mẹ của Ivan”…

Trong cuộc gặp gỡ cùng các đồng nghiệp khác với Thủ tướng Nga Vladimir Putin ngày 7/10/2009 (cũng là sinh nhật của ông Putin), nhà văn Rasputin đã tâm sự những nỗi niềm đau đáu của ông về hiện trạng nền văn học Nga và những lo lắng rất thấm thía về triển vọng của nó.

Là một nhà văn trưởng thành trong môi trường Xô viết, Rasputin rất thành thật coi hoạt động xã hội là một phần không thể thiếu được trong công việc chuyên môn chữ nghĩa của mình. Đặc biệt, khi ở Liên Xô cũ bắt đầu công cuộc cải tổ (perestroika), Rasputin đã rất tích cực lao mình vào các hoạt động chính trị xã hội.

Ngay từ đầu, ông đã cưỡng lại xu hướng quá cấp tiến nảy sinh trong một bộ phận trí thức Xô viết lúc đó, vì ông cho rằng, những người này, thông qua “perestroika”, chỉ muốn làm đảo lộn thật mạnh cái thế giới quen thuộc mà chúng ta đang sống chứ không có được những ý tưởng xây dựng khả thi nào cho tương lai.

Tại Đại hội lần thứ nhất các đại biểu nhân dân Liên Xô, nhà văn Rasputin đã nhắc lại câu nói nổi tiếng của nhà cải cách người Nga hồi đầu thế kỷ 20 P. Stolypin: “Quý vị cần những rung chuyển vĩ đại. Chúng tôi lại cần một quốc gia vĩ đại”.

Ngày 2/3/1990, trên tờ “Nước Nga Xô viết” đã công bố “Thư của các nhà văn Nga” mà trong đó Rasputin có ký tên cùng 73 nhà văn tên tuổi khác. Nội dung thư có đoạn: “Trong những năm gần đây dưới ngọn cờ của quá trình “dân chủ hóa” ầm ĩ, xây dựng “nhà nước pháp quyền”, dưới những khẩu hiệu đấu tranh với “chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc” trong đất nước chúng ta đã hoàn thành những lực lượng làm bất ổn định xã hội, trên tiền tuyến của cải tổ tư tưởng là những hậu sinh trắng trợn của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Hang ổ của chúng là những ấn phẩm thường kỳ với số lượng phát hành hàng triệu bản, các kênh truyền hình và phát thanh phủ sóng ra khắp cả nước. Đang diễn ra một cuộc đầu độc dữ dội chưa từng thấy trong lịch sử loài người, phân biệt đối xử và truy đuổi những đại diện cư dân bản địa, bị loại ra ngoài vòng pháp luật từ cách nhìn của cái gọi là “nhà nước pháp quyền” hư ảo đó, mà có lẽ ở đấy sẽ không có chỗ cho những người Nga cũng như các dân tộc gốc gác của nước Nga”.

Trong những năm 1989 – 1990, nhà văn Rasputin đã là đại biểu nhân dân Xô viết tối cao Liên Xô. Trong những năm 1990-1991, ông là thành viên Hội đồng Tổng thống Liên Xô khi Mikhail Gorbachev giữ chức vụ Tổng thống. Trong cự ly gần gụi với thượng tầng chính trị của những người chủ trương cải tổ, nhà văn đã hiểu ra được sự bất cập và những động cơ cũng như cách hành xử sai lầm của các chính trị gia kiểu như Gorbachev.

Về sau, ông đánh giá lại giai đoạn tham gia “chấp chính” này của mình: “Quá trình  gắn bó với chính quyền của tôi đã xôi hỏng bỏng không. Nó hoàn toàn vô ích… Giờ tôi xấu hổ mỗi khi nhớ lại, tại sao tôi lại làm như thế. Linh cảm của tôi đã đánh lừa tôi. Tôi đã ngỡ rằng, phía trước còn những năm dài đấu tranh nhưng hóa ra chỉ còn vài ba tháng là Liên bang tan rã. Tôi đã như một phụ bản miễn phí mà đến nói cũng đã không được quyền”.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Putin, nhà văn Rasputin (là người được mời phát biểu đầu tiên), đã không giấu giếm tâm trạng khá u ám của ông về hiện trạng văn học Nga. Ông hiểu rằng, trong một ngày vui đối với Thủ tướng, ông cần đề cập tới những chuyện lạc quan hơn nhưng ông đã không làm thế, vì vói ông, sự thật cao hơn tất cả.

Sau khi nói về tình trạng nguy ngập của các tạp chí văn học trên thị trường, Rasputin nhấn mạnh: “Trên thế giới người ta biết nước Nga trước hết là qua văn học, qua những tác phẩm văn học cũ. Chứ còn những tác phẩm văn học bây giờ… Ở hàng đầu của chúng ta hôm nay là thứ văn học còn xa mới là tốt nhất. Thứ văn học đang bán chạy với lượng phát hành lớn còn xa mới là thứ văn học tốt nhất. Còn thứ văn học dẫu sao cũng lo lắng tới con người, tới tâm hồn con người, tới đạo đức nhân sinh, thứ văn học nói trước hết tới đất nước, tới số phận của đất nước, thì dường như không được thành công như thế. Và lượng phát hành cũng ít. Nhiều nhà văn, nhiều nhà văn hay đã bỏ bê chủ đề này vì hiểu rằng họ nếu đi theo nó thì không chỉ không kiếm được gì mà hoàn toàn không nhận được gì.

Văn học trong nhà trường bây giờ… Gần như là trong nhà trường không có nó, cái thứ văn học đó. Nhà trường mới chối bỏ văn học mà quan tâm tới cái gì đó khác. Trẻ em bây giờ đọc rất ít. Cha mẹ chúng bây giờ không có thời gian để chăm lo cho chúng đọc. Tất nhiên không phải là tất cả nhưng nhiều người không có thời gian để làm việc này. Và văn học hiện này đã bị tách hẳn ra ngoài. Dẫu rằng, dĩ nhiên vẫn còn lại những nhà văn, những nhà văn tốt, những nhà văn tuyệt vời…

Tất nhiên, các nhà văn thì khác nhau. Cứ để cho họ khác nhau, cứ để cho họ mãi khác nhau.

Nhưng oái oăm là một nỗi, những nhà văn mà có lẽ đọc tác phẩm của họ cho trẻ em là có hại thì hiện nay họ lại có đủ mọi điều kiện để kiếm tiền, để in thoải mái.

Còn nhà văn bình thường, tôi nói không phải là tài năng bình thường, mà là nhà văn hiện ít nổi tiếng hơn, dù viết hay và chúng ta rất cần để độc giả đọc các tác phẩm của họ, thì lại đang bị tách rời ra.

Tôi có cảm giác rằng, trường học đã làm quá nhiều điều để làm hỏng văn học, làm hỏng độc giả. Nhưng theo tôi cảm nhận, hình như Nhà nước bây giờ cũng không làm gì để người ta nhớ tới văn học. Nhớ tới nền văn học có thể giáo dục nhân dân. Mà nhân dân này đã làm được quá nhiều thứ…

Văn học là một sự nghiệp vĩ đại, nói chung, đó là một sự nghiệp vĩ đại! Nhưng giờ người ta lại rời bỏ nó. Vì thế, theo cảm nhận của tôi, họ đã bị đánh mất sự tự tin ấy, sức mạnh ấy, sự toàn thắng ấy mà cùng với chúng, con người có thể sống được trong thời đại của chúng ta. Vì rằng, một thứ văn học tốt – đó luôn là sự toàn thắng, một sự toàn thắng khác với những sự toàn thắng trong những công việc khác.

Đó là sự toàn thắng được tiếp nhận bởi từng cá thể, phải, từng cá thể rồi sau đó nó sẽ không còn là một cá thể nữa. Những cuốn sách lớn, chúng bao giờ cũng trở thành tài sản của toàn bộ dân tộc, vì lúc đó nó đã được không chỉ nước Nga đọc, mà cả Liên bang đọc. Còn bây giờ người ta đọc ít hơn nhiều…

Đôi khi có cảm giác như mọi chuyện đã đến hồi kết thúc. Có lẽ đúng là mọi chuyện đã đến hồi kết thúc vì máy tính đã hút rất nhiều sức lực, máy tính làm hỏng văn học. Thứ văn học hiện đang xuất hiện trên máy tính, nó hoàn toàn không có tính văn học gì cả. Nó đơn giản là tước bỏ, giết bỏ ham muốn đọc ngay cả sách Tolstoi vì với nó người ta có thể làm bất cứ thứ gì mà người ta muốn. Với sách của Tchekhov, với sách của Tolstoi, rất rất nhiều nhà văn lớn khác… Có lẽ không thể  tiếp tục chấp nhận điều đó. Máy tính dĩ nhiên là hiện nay không phải thuộc quyền ai cả, nó tự tung tự tác, nó, theo tôi, là sức mạnh lớn nhất hiện nay…

Văn học không bao giờ là công việc sau cùng cả, văn học chưa bao giờ là công việc sau cùng cả…”.

Theo LINH VÂN / AN NINH THẾ GIỚI CUỐI TUẦN (2009)

Tags: , ,