Vai trò của nước Nga trong cuộc cách mạng trật tự thế giới đang diễn ra

Mô hình phát triển thế giới không cân bằng trong nhiều thế kỷ đã tạo ra sự tăng trưởng kinh tế vượt trội của các cường quốc thực dân bằng cách chiếm đoạt tài nguyên của các lãnh thổ và quốc gia phụ thuộc ở châu Á, châu Phi và Tây bán cầu, đang lùi vào dĩ vãng.

Vai trò của nước Nga trong cuộc cách mạng trật tự thế giới đang diễn ra

Ngày 31/3/2023, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin ký Sắc lệnh “Về việc phê duyệt Chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga”. Nội dung “Thế giới hiện đại nhìn từ Chiến lược đối ngoại mới của Liên bang Nga” đưa ra nhận định:

Nhân loại đang trải qua một kỷ nguyên thay đổi mang tính cách mạng. Quá trình hình thành một thế giới đa cực, công bằng hơn vẫn đang tiếp diễn. Mô hình phát triển thế giới không cân bằng trong nhiều thế kỷ đã tạo ra sự tăng trưởng kinh tế vượt trội của các cường quốc thực dân bằng cách chiếm đoạt tài nguyên của các lãnh thổ và quốc gia phụ thuộc ở châu Á, châu Phi và Tây bán cầu, đang lùi vào dĩ vãng. Chủ quyền và cơ hội cạnh tranh của các cường quốc thế giới ngoài Phương Tây và các cường quốc khu vực đang được củng cố và tăng cường. Sự tái cấu trúc nền kinh tế thế giới, chuyển giao nền kinh tế sang cơ sở công nghệ mới (bao gồm việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, thông tin và truyền thông mới nhất, năng lượng, công nghệ sinh học và công nghệ nano), sự phát triển của ý thức quốc gia, sự đa dạng văn hóa và văn minh và các yếu tố khách quan khác đang thúc đẩy quá trình phân bổ lại tiềm năng phát triển theo hướng có lợi cho các trung tâm tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng địa chính trị mới, đang góp phần dân chủ hóa quan hệ quốc tế.

Nhìn chung, những thay đổi đang diễn ra là thuận lợi. Tuy nhiên, một số quốc gia vốn quen suy nghĩ theo logic của sự thống trị toàn cầu và chủ nghĩa thực dân mới không chấp nhận điều đó. Họ từ chối thừa nhận thực tế thế giới đa cực, từ chối việc dựa trên cơ sở thực tế đó để thỏa thuận về các tham số và nguyên tắc của trật tự thế giới. Họ đang nỗ lực kiềm chế tiến trình tự nhiên của lịch sử, loại bỏ các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực chính trị-quân sự và kinh tế và đàn áp những ai bất đồng chính kiến. Họ sử dụng hàng loạt các công cụ và phương pháp bất hợp pháp, bao gồm cả việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế (trừng phạt) mà không cần được phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, kích động đảo chính, xung đột vũ trang, đe dọa, tống tiền, thao túng ý thức của một số nhóm xã hội và hàng loạt quốc gia, tiến hành các hoạt động tấn công và phá hoại trong không gian thông tin. Hình thức can thiệp phổ biến vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền là áp đặt các quan điểm tư tưởng tân tự do mang tính phá hoại đi ngược lại các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống. Kết quả là, tác động phá hoại lan rộng ra trong tất cả các lĩnh vực quan hệ quốc tế.

Đang tồn tại áp lực nghiêm trọng đối với Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương khác, những tổ chức có chức năng là các nền tảng để điều phối lợi ích của các cường quốc hàng đầu. Độ bền vững của hệ thống luật pháp quốc tế đang bị thách thức, trong đó, một nhóm hẹp các quốc gia đang tìm cách thay thế hệ thống đó bằng khái niệm trật tự thế giới dựa trên luật lệ (việc áp đặt các quy tắc, tiêu chuẩn và chuẩn mực không tạo điều kiện cho sự tham gia bình đẳng của tất cả các quốc gia quan tâm). Việc tạo lập các phản ứng tập thể đối với các thách thức và mối đe dọa xuyên quốc gia trở nên khó khăn hơn như buôn bán vũ khí bất hợp pháp, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và phương tiện vận chuyển, các mầm bệnh nguy hiểm và bệnh truyền nhiễm, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào mục đích bất hợp pháp, khủng bố quốc tế, buôn bán trái phép chất gây nghiện, chất hướng thần và tiền chất của chúng, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và tham nhũng, thảm họa tự nhiên và nhân tạo, di cư bất hợp pháp, suy thoái môi trường. Sự xuống cấp của văn hóa đối thoại trong lĩnh vực quốc tế, hiệu quả của ngoại giao như một phương tiện giải quyết hòa bình các tranh chấp bị giảm sút. Đang có sự thiếu hụt nghiêm trọng lòng tin và khả năng dự báo trong các vấn đề quốc tế.

Khủng hoảng toàn cầu hóa kinh tế ngày càng gay gắt. Những vấn đề đang tồn động, bao gồm thị trường năng lượng và lĩnh vực tài chính, là do sự xuống cấp của nhiều mô hình và công cụ phát triển trước đây, do các quyết định kinh tế vĩ mô thiếu trách nhiệm (bao gồm việc phát hành tiền không kiểm soát và các khoản nợ không có khả năng thanh khoản), các biện pháp hạn chế đơn phương bất hợp pháp và cạnh tranh không lành mạnh. Việc các quốc gia riêng lẻ lạm dụng vị thế thống lĩnh của họ trong một số lĩnh vực đang làm gia tăng quá trình phân mảnh nền kinh tế thế giới và sự bất bình đẳng trong quá trình phát triển của các quốc gia. Đang hình thành các hệ thống thanh toán quốc gia và xuyên biên giới mới, các loại tiền dự trữ quốc tế mới đang ngày càng được quan tâm, các tiền đề đang được hình thành để đa dạng hóa các cơ chế hợp tác kinh tế quốc tế.

Vai trò của yếu tố vũ lực trong quan hệ quốc tế ngày càng gia tăng, không gian xung đột ngày càng mở rộng ở một số khu vực có vị trí chiến lược quan trọng. Việc xây dựng và hiện đại hóa các tiềm lực quân sự tấn công đang gây ra tính trạng mất ổn định, việc phá hủy hệ thống các hiệp ước kiểm soát vũ khí đang làm suy yếu sự ổn định chiến lược. Việc sử dụng lực lượng quân sự vi phạm luật pháp quốc tế, việc khai thác không gian vũ trụ và không gian thông tin trở thành những lĩnh vực hoạt động quân sự mới. Việc xóa nhòa ranh giới giữa các phương tiện đối đầu quân sự và phi quân sự giữa các quốc gia đang làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột vũ trang kinh niên trong một số khu vực đang gia tăng mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu. Nguy cơ xung đột giữa các nước lớn, trong đó có những nước liên quan đến các cường quốc hạt nhân đang gia tăng. Gia tăng khả năng các xung đột đó leo thang và leo thang thành chiến tranh cục bộ, khu vực hoặc toàn cầu.

Phản ứng tự nhiên đối với cuộc khủng hoảng trật tự thế giới là tăng cường hợp tác giữa các quốc gia đang chịu áp lực từ bên ngoài. Đang xúc tiến quá trình hình thành các cơ chế liên kết và tương tác kinh tế khu vực và liên khu vực trong các lĩnh vực. Đang khởi động hình thành quan hệ đối tác đa dạng để giải quyết các vấn đề chung. Đang áp dụng các biện pháp khác (bao gồm cả đơn phương) để bảo vệ các lợi ích quốc gia sống còn. Mức độ phụ thuộc lẫn nhau cao, phạm vi toàn cầu và tính chất xuyên quốc gia của các thách thức và các mối đe dọa đang hạn chế khả năng đảm bảo an ninh, ổn định và thịnh vượng của từng quốc gia, của các liên minh chính trị-quân sự và kinh tế-thương mại. Chỉ có sự thống nhất các tiềm năng và sự đồng tâm hiệp lực của toàn thể cộng đồng quốc tế trên cơ sở cân bằng lực lượng và lợi ích mới có thể bảo đảm giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề của thời đại chúng ta, đảm bảo sự phát triển tiến bộ hòa bình của các quốc gia lớn và nhỏ, của toàn thể cộng đồng nhân loại.

Coi việc củng cố nước Nga là một trong những trung tâm phát triển hàng đầu của thế giới hiện đại, coi chính sách đối ngoại độc lập của Nga là mối đe dọa đối với sự bá quyền của Phương Tây, Mỹ và các nước chư hầu của họ coi các biện pháp mà Liên bang Nga áp dụng để bảo vệ lợi ích sống còn của họ trên hướng Ukraina là nguyên cớ để thúc đẩy chính sách chống Nga trong nhiều năm và phát động một kiểu chiến tranh phức hợp mới. Cuộc chiến tranh phức hợp này nhằm mục đích làm suy yếu nước Nga bằng mọi cách có thể, bao gồm làm suy yếu vai trò, sức mạnh, năng lực kinh tế và công nghệ của nền văn minh sáng tạo, hạn chế chủ quyền của Nga trong chính sách đối nội và đối ngoại, đồng thời phá hủy sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga. Đường lối này của Phương Tây mang đặc tính toàn diện và được xác định ở cấp độ học thuyết. Đó không phải là sự lựa chọn của Liên bang Nga. Nga không coi mình là kẻ thù của Phương Tây, không tự cô lập mình khỏi Phương Tây, không có ý định thù địch với Phương Tây. Hy vọng rằng trong tương lai, các quốc gia thuộc cộng đồng Phương Tây sẽ nhận ra rằng chính sách đối đầu và tham vọng bá quyền của họ sẽ không mang lại kết quả. Tính đến thực tế phức tạp của một thế giới đa cực họ sẽ quay trở lại tương tác thực tế với Nga theo các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và tôn trọng lợi ích của nhau. Trên cơ sở này, Liên bang Nga sẵn sàng đối thoại và hợp tác.

Đứng trước những hành động không thân thiện của Phương Tây, Nga chủ trương bảo vệ quyền tồn tại và phát triển tự do của mình bằng mọi cách có thể. Liên bang Nga sẽ tập trung năng lưc sáng tạo của mình vào các định hướng địa lý trong chính sách đối ngoại của mình, có triển vọng rõ ràng về việc mở rộng hợp tác quốc tế cùng có lợi. Hầu hết nhân loại quan tâm đến mối quan hệ mang tính xây dựng với Nga và củng cố vị thế của Nga trên trường quốc tế với tư cách là một cường quốc thế giới có ảnh hưởng, đóng góp quyết định vào việc duy trì an ninh toàn cầu và đảm bảo sự phát triển hòa bình của các quốc gia. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các hoạt động thành công của Liên bang Nga trên trường quốc tế.

Theo ĐẠI SỨ QUÁN NGA TẠI VIỆT NAM 

Tags: , ,