Vai trò của dầu mỏ trong cuộc xung đột Syria

Cuộc xung đột ở Syria sau gần 7 năm vẫn chưa có lối thoát do sự tham gia của nhiều lực lượng quân sự và chính trị khác nhau cả trong nước, lẫn trong khu vực và thế giới. Liệu vấn đề năng lượng của Syria có phải là một trong những nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng này?

IS bán dầu sang châu Âu hay cho mạng lưới buôn lậu địa phương?

Vấn đề năng lượng rõ ràng là quan trọng trong khu vực Trung Đông. Những diễn biến của cuộc chiến tranh Anh-Mỹ ở Iraq vào năm 2003 và những đích ngắm của họ vào dầu mỏ Iraq hiện vẫn còn mang tính thời sự. Liệu có một âm mưu năng lượng nào trong cuộc xung đột Syria hiện tại?

Có hai quan điểm thường xuyên được đặt ra: một là dầu mỏ mà Nhà nước Hồi giáo (IS) lấy từ Syria đã được bán cho các nước phương Tây và hai là Arập Xê-út và Qatar mong muốn kiểm soát vai trò vị trí trung tâm năng lượng của Syria. Jonathan Piron, chuyên gia về quan hệ quốc tế phụ trách thế giới Arập của Pháp, sẽ cho chúng ta thấy đâu mới là nguyên nhân thật sự của cuộc xung đột Syria hiện nay.

Trước hết, liệu dầu mỏ của Syria đã bị Nhà nước Hồi giáo kiểm soát và bán lại? Tất cả bắt đầu với một tuyên bố của Jana Hybaskova, đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) tại Iraq, ngày 2-9-2014, trước Nghị viện châu Âu: “Thật không may, các nước thành viên EU đang mua dầu từ IS lấy ở Syria”.

Theo đại diện của EU, IS có thể khai thác và xuất khẩu ra nước ngoài một phần dầu được tìm thấy trên lãnh thổ do chúng kiểm soát. Sau đó, các tuyên bố khác nhau của giới chính trị gia châu Âu tiếp tục khẳng định thực tế này, làm cho cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn châu Âu trở thành đồng phạm cố ý và vô tình của IS. Câu hỏi tiếp theo nảy sinh: IS có thực sự là một đối tác dầu khí mà những kẻ tòng phạm ở châu Âu muốn tìm kiếm?

Trước hết, cần phải nhìn vào vấn đề dầu mỏ Syria và sự phát triển của nó. Lịch sử năng lượng Syria khác với lịch sử của các nước xuất khẩu dầu mỏ chính trong khu vực. Syria không phải là nhà sản xuất hydrocacbon lớn. Từng phải nhập khẩu dầu mỏ trong những năm 1950 và 1960, Damas chỉ trở thành nước xuất khẩu ròng năm 1988. Khai thác dầu ở Syria được chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên là khám phá và khai thác vào những năm 1950 và 1960 mỏ dầu Sweidiyeh ở tỉnh Al-Hasaka ở phía đông bắc Syria. Giai đoạn sản xuất thứ hai bắt đầu vào những năm 1980 xung quanh vùng Deir Ez-Zor và các mỏ al-Tanak và al-Omar. Dầu chiết xuất sau đó được tinh chế thành dầu nhiên liệu. Sau thời kỳ phát triển đỉnh cao, sản xuất dầu của Syria phát triển chững lại.

Nước này đạt mức đỉnh cao trong năm 1996, từ 582.000 thùng/ngày trong năm 1996 xuống còn 370.000 vào năm 2010. Vào đêm trước của cuộc nội chiến, doanh thu bán dầu của Syria đạt 4 tỉ USD, chiếm 1/3 ngân sách quốc gia. Năm 2011, các trữ lượng dầu của Syria ước đạt 2,5 tỉ thùng.

Sự sụt giảm dần dần của doanh thu từ dầu mỏ đã tác động đến các chính sách tái phân phối phúc lợi của chính quyền Damas: năm 2008, đồng thời với một chính sách kinh tế tân tự do, chính quyền Tổng thống Bashar Assad đã giảm trợ cấp xăng. Những khoản này trước đó chiếm không dưới 15% GDP. Hậu quả là giá nhiên liệu cũng như giá các sản phẩm nông nghiệp gia tăng đáng kể.

Khi Nhà nước Hồi giáo dần dần nắm quyền kiểm soát các mỏ dầu của Syria trong năm 2014, các mỏ dầu này rơi vào tình trạng suy giảm. Tuy nhiên, các con số được công bố vào cuối năm 2014 cho thấy IS đã thu về hàng trăm triệu USD từ việc bán dầu ở những vùng chúng chiếm đóng. Nhiều nhà phân tích, tuy nhiên, đặt nghi vấn về những số tiền này. Các ước tính về khả năng khai thác dầu của IS là không thống nhất.

Trong một bài báo được công bố vào tháng 10-2015, Financial Times ước tính rằng vào cuối năm 2014, sản lượng khai thác của IS dao động từ 80.000 đến 120.000 thùng một ngày và giảm xuống một năm sau đó, xuống mức từ 34.000 đến 40.000 thùng mỗi ngày. Các chuyên gia khác cho rằng những con số này thực tế nhỏ hơn nhiều. Luay al-Khatteeb, một nhà phân tích về dầu mỏ, cho rằng IS chỉ sản xuất được 45.000 thùng trong năm 2014 và 25.000 thùng vào năm 2015.

Trong nghiên cứu của mình, Luay al-Khatteeb cũng chỉ ra rằng dầu chiết xuất từ mỏ ở Syria có chất lượng kém và không thích hợp để bán ra các thị trường lớn, nhất là cho các nhà máy lọc dầu quy mô lớn. Việc tinh chế dầu được thực hiện thông qua các máy lọc dầu thủ công, rồi được bơm vào các xe bồn chở đi bán. Do thiếu các năng lực kỹ thuật cần thiết, việc tinh chế thủ công này đã biến dầu thô thành nhiên liệu chất lượng kém.

Các khoản thu mà Nhà nước Hồi giáo IS lấy từ các vùng có dầu do chúng kiểm soát cũng nhỏ hơn nhiều so với ước đoán ban đầu. Vào tháng 10-2015, nhà nghiên cứu người Anh Aymenn Jawad Al-Tamimi công bố một số tài liệu kế toán của IS trong khu vực Deir ez-Zor. Là khu vực giàu dầu mỏ với một số mỏ quan trọng, trong đó có hai mỏ lớn là al-Tanak và al-Omar, Deir ez-Zor được kiểm soát bởi IS từ năm 2014.

Trong khi ý tưởng ban đầu có thể là doanh thu từ dầu mỏ rất đáng kể, thì các tài liệu tài chính thu được cho thấy rằng số tiền đó chỉ chiếm 27,7% toàn doanh thu của IS, khác xa so với mức 44,7% thu được từ các hoạt động cướp bóc khác.

Việc sản xuất cũng chỉ diễn ra trong các khu vực được IS kiểm soát, hoặc gần một số khu vực liên thông với các đường dây buôn lậu cũ. Số lượng nhỏ xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu đem lại lợi ích cho người dân địa phương, những người tìm thấy một loại dầu chất lượng kém. Cuối cùng, dầu chất lượng kém thu được sau khi tinh chế thủ công không thể dùng để phục vụ cho máy móc quân sự: các thiết bị quân sự, chẳng hạn như xe Humvee mà IS thu giữ được, thực tế đòi hỏi nhiên liệu có chất lượng tốt.

Do đó, dầu thu được và bán bởi Nhà nước Hồi giáo cần được nghiên cứu dưới góc độ thực tế hơn. Thay vì nghĩ rằng IS bán dầu sang các nước lân cận, hoặc thậm chí sang châu Âu, các nhà nghiên cứu cho rằng sản xuất dầu của IS chủ yếu phục vụ cho mạng lưới buôn lậu địa phương.

Dầu không phải là nghi vấn duy nhất về vấn đề năng lượng Syria. Câu hỏi về các đường ống và vận chuyển năng lượng do Syria cung cấp là chủ đề được bàn cãi nhiều. Trong phần thứ hai này, chúng ta sẽ hiểu tại sao.

Trung tâm của nhiều luồng trao đổi năng lượng

Như chúng ta đã biết, Syria chỉ đóng một vai trò nhỏ trong lĩnh vực khai thác chất đốt. Vai trò chiến lược hơn của Syria là vai trò vận chuyển năng lượng của khu vực. Vào năm 2011, vào đầu cuộc nội chiến, Syria là trung tâm của nhiều luồng trao đổi năng lượng. Hai đường ống dẫn lớn trên cả nước: đường ống Kirkuk-Banyas, dài 800 km, giữa Iraq và Syria, và đường ống dẫn dầu Arập có chiều 1.200 km, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Ai Cập qua Jordan, Syria và Lebanon. Những cuộc xung đột khác nhau cứ lặp đi lặp lại ở các quốc gia liên quan kể từ năm 2003 đã làm giảm lưu lượng của hai đường ống này.

Muốn tìm ra con đường thoát khỏi sự sụt giảm trong sản xuất dầu mỏ của đất nước và tạo ra nguồn thu mới, tham vọng của Tổng thống Assad là định vị lại Syria thành trung tâm năng lượng trong quá trình vận chuyển dầu khí.

Trong năm 2011, ngay trước khi bắt đầu các cuộc biểu tình, nhà lãnh đạo Syria đã thông báo kế hoạch “chính sách 4 biển” của mình, liên kết với Thổ Nhĩ Kỳ để thiết lập một mạng lưới năng lượng thu gom lượng dầu khai thác ở biển Địa Trung Hải và Biển Đen, Biển Caspi và Vịnh Ba Tư. Mục tiêu cuối cùng là cho phép kết nối với Thổ Nhĩ Kỳ và Nabucco, đường ống dẫn khí nối khu vực Caspi tới châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, theo tham vọng này, Syria sẽ trở thành điểm trung chuyển chính đối với một số đường ống dẫn khí đốt.

Chính việc có nhiều đường ống dẫn dầu khí đi ngang là một trong những lý do gây ra cuộc nội chiến hiện nay ở Syria. Cuộc chiến nội chiến Syria, đối với một số người, được cho là bắt nguồn từ cuộc xung đột về năng lượng giữa Iran và Qatar cùng các đồng minh. Hai nước này đang ngồi trên một trong những mỏ khí tự nhiên lớn nhất hành tinh: South Pars/North Dome. Nằm cách biển 3 km, mỏ khí này, ước tính có khoảng 200 giga thùng dầu quy đổi, là mỏ khí tự nhiên lớn nhất trên thế giới.

Nằm giữa biên giới hai nước, mỏ được kiểm soát, hai phần ba bởi Qatar, phần còn lại thuộc về Iran. Việc khai thác mỏ khí đốt này sẽ là tâm điểm của sự phát triển năng lượng hai nước. Chính vì vậy, đối với một người, việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Syria, Iran và Iraq trong việc xây dựng một đường ống dẫn dầu vào tháng 8-2011, trong đó Syria là một trạm trung chuyển đã khiến Qatar không ngồi yên. Trò chơi của các liên minh địa chính bắt đầu. Kết hợp với Arập Xêút, Mỹ và các nước khác, Qatar muốn chính quyền Syria sụp đổ.

Tuy nhiên giả thuyết trên lại phủ nhận một loạt các yếu tố quan trọng. Thứ nhất, tính khả thi tài chính của dự án này có vấn đề. Kế hoạch tài chính được đề xuất năm 2011 đã bị lung lay. Iran sau đó bị các nước phương Tây áp đặt lệnh cấm đặc biệt nặng nề. Thiếu vốn, do lạm phát lan rộng, khả năng cam kết chi 6 tỉ đôla cần thiết để xây dựng đường ống của Tehran dường như là ảo tưởng. Kế đến, việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt của Iran phải đi qua những khu vực, kể từ năm 2003, trở thành những khu vực không ổn định nhất trên hành tinh này.

Vùng Nadjaf-Kerbala, nơi đường ống này đi qua, đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến sự an toàn của đường ống. Các ống dẫn năng lượng hiện có từ lâu đã bị tấn công. Những căng thẳng và sự ganh đua giữa các bộ tộc là những mối đe dọa khác còn được thêm vào. Cuối cùng, các mối quan hệ giữa Syria và Iraq còn rất căng thẳng do Bagdad cáo buộc Damas gây bất ổn cho Iraq. Tất cả những yếu tố trên đặt dấu hỏi về tính khả thi của đường ống dẫn khí đốt Iran-Syria.

Không thể quên rằng việc xây dựng một dự án như vậy dựa trên tính chắc chắn về khả năng sinh lời của nó. Việc vận chuyển hydrocarbon dựa trên nguồn cung cấp liên tục, không bị gián đoạn, an toàn và không tốn kém. Nếu không có những điều này, dòng tiền thu nhập thường xuyên sẽ không được bảo đảm từ phía người mua lẫn phía nhà sản xuất.

Bắt đầu từ năm 2008, Riyadh và Doha đã trải qua nhiều căng thẳng ngoại giao liên quan tới chính sách được theo đuổi bởi Sheikh Hamad bin Khalifa Al Thani. Những căng thẳng này gia tăng cường độ trong bối cảnh diễn ra các cuộc cách mạng Arập, sẽ chôn vùi bất kỳ ý tưởng hợp tác nào giữa Riyadh và Doha về các vấn đề mang tính chiến lược như năng lượng. Khả năng Arập Xê út cho phép một đường ống dẫn dầu của nước đối địch đi ngang phần đất của họ là điều không tưởng. Hơn nữa, dự án liên kết sản xuất khí đốt của Qatar với châu Âu không phải là kịch bản duy nhất được hình dung bởi Doha.

Tính đến năm 2009, hai kế hoạch đã được Qatar vạch ra: một đường ống qua Arập Xê út, Jordan và Syria, và một qua Vịnh Ba Tư, Kuwait, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Kế hoạch đầu tiên dường như là phức tạp nhất, vì ngoài số lượng các quốc gia mà đường ống này vượt qua rất nhiều, trong khi qua hệ giữa họ lại rất căng thẳng.

Cuối cùng, sẽ là ảo tưởng khi nghĩ rằng tất cả các nước trên ủng hộ một đường ống duy nhất, thay vì xem xét đến nhiều đường ống hơn. Đối với một nhà sản xuất, việc đa dạng hóa các phương tiện vận chuyển nguồn lực của họ là một yêu cầu chiến lược. Theo ý nghĩa này, vấn đề năng lượng của Trung Đông phải được xem xét một cách toàn diện: Syria còn lâu mới là nước trung chuyển khí đốt chiến lược duy nhất cho các nhà xuất khẩu chính trong khu vực.

Năng lượng không phải là nguyên nhân của cuộc xung đột Syria. Nguyên nhân của cuộc nội chiến này thực sự là do sự phản kháng của người dân, ban đầu hòa bình, chống lại chính quyền Damas. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận ra rằng các vấn đề năng lượng ngày nay được trộn lẫn với những cuộc xung đột, trong một mớ hỗn độn khác nhau có sự tham gia của các nước trong khu vực và thế giới.

Những giả thuyết về nguồn gốc của cuộc xung đột Syria vì năng lượng không giúp giải quyết được vấn đề. “Lời nguyền vàng đen” ngăn cản mong muốn tìm hiểu, phân tích, giải mã những nguyên nhân hiện tại của xung đột. Việc giải quyết cuộc nội chiến ở Syria sẽ là một quá trình dài và khó khăn, không giới hạn ở một điểm dừng đơn giản của cuộc chiến. Vấn đề năng lượng chắc chắn chiếm một vai trò quan trọng nhưng không phải là duy nhất. Các vấn đề khác, cũng không kém phần quan trọng, cần được giải quyết.

Theo AN NINH THẾ GIỚI 

Tags: , , , ,