Trường Sa 1988: Hải quân Việt Nam đã giành lại Len Đao như thế nào?

Một tháng sau cuộc hải chiến Trường Sa, bộ đội Việt Nam đi trên tàu chiến hải quân, được trang bị súng 12ly7, DKZ… quyết giành lại Len Đao và Gạc Ma.

Trường Sa 1988: Hải quân Việt Nam đã giành lại Len Đao như thế nào?

Đảo đá Len Đao ngày nay.

Tàu HQ-605 của Việt Nam hành quân đến Len Đao khoảng 5g sáng 14/3/1988.

Ngay lúc các chiến sĩ công binh vừa cắm xong cờ chủ quyền lên đảo chìm này, các tàu chiến Trung Quốc ào ào áp sát. Đó là những tàu pháo và khu trục hạm rất lớn, trang bị cả tên lửa.

Sau khi đe dọa không thành công, chiến hạm Trung Quốc lùi dần ra xa khỏi tầm súng bộ binh của tàu Việt Nam và điên cuồng nổ súng bắn cháy tàu HQ 605 làm tàu chìm ngay mép đảo. Sau đó, cán bộ, chiến sĩ ta dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn. Tàu HQ 505 do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy đang ở đảo Sinh Tồn được lệnh đến ứng cứu cũng bị trúng đạn của kẻ thù.

Một tháng sau, công binh Việt Nam bí mật đổ bộ, xây dựng công sự trên đá Len Đao và giữ được đá này. Hiện Việt Nam đang kiểm soát đá Len Đao như một phần của xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

.

Trở lại với sự biến ngày 14/3/1988. Trước đó, ngày 11/3, nhiều chiến sĩ Trung đoàn E83 được lệnh khẩn lên tàu. Trung đội trưởng Đinh Xuân Toại (Đơn vị C7 – D3 – E83) lẽ ra cũng lên tàu HQ-604, nhưng đến giờ cuối, anh cùng một số chiến sĩ khác được điều chuyển sang tàu không số nhỏ hơn, chuyển hướng đến đảo Tốc Tan.

Khi đang xây dựng mốc chủ quyền và nhà trên đảo này, các anh nghe tin đồng đội bên Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao bị tấn công. Cả ngày đó, cùng với lực lượng từ đảo Sinh Tồn và cụm đảo xung quanh đó, các anh đã cố gắng tiếp cận Gạc Ma tiếp cứu đồng đội, nhưng bị tàu Trung Quốc ngăn chặn nên không thể vào được.

Ngày hôm sau, khi đã đưa được những chiến sĩ thương vong về Sinh Tồn, đơn vị anh Toại được đưa về đất liền, chuẩn bị lực lượng chiến đấu.

Một tháng sau, các anh đi trên tàu chiến hải quân, được trang bị súng 12ly7, DKZ… quay lại quyết giành lại Len Đao và Gạc Ma.

Chúng tôi có 35 lính công binh và 7 thủy binh, được Tư lệnh Vùng 4 Hải quân trực tiếp chỉ huy, ra đi với quyết tâm giành lại đảo. Trước khi đi, chúng tôi đã được chuẩn bị tư tưởng có thể xảy ra chiến sự, lực lượng của ta mỏng, trong khi Trung Quốc tàu lớn, quân đông, và họ cũng quyết liệt giành giật đảo của ta. Nhưng chúng tôi vẫn đi, quyết tử”. Anh Toại kể lại.

Từ 2h sáng, các anh bí mật cho xuồng nhỏ vào thăm dò, rồi cho người tiếp cận Len Đao và Gạc Ma. Tuy nhiên chỉ có thể cắm cờ lên đảo Len Đao, tại Gạc Ma, phía Trung Quốc đã xây nhà cấp tốc và giăng lưới điện xung quanh đảo. Các chiến sĩ không tiếp cận được.

Buổi sáng ra, tình huống trước lặp lại: Trung Quốc cho tàu áp sát uy hiếp, lần này nhiều hơn: 7 tàu chiến Trung Quốc và vô số xuồng nhỏ vây quanh uy hiếp. Hải quân Việt Nam vẫn kiên quyết bám đảo dù lực lượng của Việt Nam ít hơn rất nhiều. Hai bên liên tiếp gọi loa sang nhau khẳng định chủ quyền.

Lúc đó không khí căng như dây đàn, cả hai bên cùng chĩa súng vào nhau, sẵn sàng nhả đạn. Chỉ huy hai bên gọi loa sang nhau nói rất nhiều bằng tiếng Trung Quốc, tôi không hiểu lắm. Nhưng sau được nghe lại là phía Trung Quốc nói đây là đảo thuộc chủ quyền của họ, yêu cầu Việt Nam tránh xa. Phía mình cũng nói lại đây là chủ quyền của nước Việt Nam và chúng tôi đang thực hiện của chủ quyền của Việt Nam. Hai bên cứ trao đổi một hồi, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu. Được một hồi, 7 máy bay chiến đấu của Việt Nam bay từ đất liền ra quần đảo, phía tàu Trung Quốc tản ra và chúng tôi được yên ổn làm việc. Rất may hôm đó không xảy ra xung đột, không bên nào nổ súng”, anh Toại cho biết.

Trước đó, các anh đã được huấn luyện xây nhà cấp tốc trong đất liền. Một ngôi nhà kiên cố trung bình phải xây trong vài tháng, các anh được huấn luyện xây hoàn thiện trong hai tháng. Nhưng khi làm tại Len Đao, các anh phải làm nhanh hơn nữa, chỉ trong mười mấy ngày đã xây xong ngôi nhà tại đảo.

Sau khi xây xong nhà tại Len Đao, nhóm anh Toại tiếp tục di chuyển xây nhà tại đảo Đá Nam rồi gặp bão. Tàu của các anh bị xô dạt, chìm nổi trong bão 25 ngày mới quay lại được đất liền. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trên tàu được Ban chỉ huy Vùng 4 Hải quân khen thưởng.

Từ 1988 đến nay, Trung Quốc chiếm giữ Gạc Ma. Việt Nam bảo vệ thành công Cô Lin và Len Đao.

S.T

Tags: , , , ,