⠀
Vụ thảm sát kinh hoàng bị lãng quên tại Paris năm 1961
Mỗi ngày, khi những dòng người đông đúc đi qua cây cầu St Michel nối liền Nhà thờ Notre Dame với khu vưc Latin Quarter nhộn nhịp của Paris, họ đều đi qua một tấm bia đá nhưng ít người để ý đến những dòng chữ đơn giản trên bia như một lời nhắc nhở về một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử hiện đại của Pháp – ngày 17/10/1961.
Những thi thể trên sông Seine
Sự thật của ngày hôm đó vẫn mờ mịt giống như tấm bia đá trên cầu St Michel đối với nhiều người Pháp. “Ở Pháp, các sự kiện xung quanh đêm 17/10/1961 không được biết đến rộng rãi. Mọi người không có khái niệm về sự kiện này”, Giáo sư lịch sử chuyên về Bắc Phi và là một học giả gốc Algeria, Benjiamin Stora nói.
Vào tối ngày 17/10/1961, hàng chục nghìn người Pháp gốc Algeria biểu tình chống chiến tranh từ các khu vực ở Paris đã tập trung tại nhiều địa điểm trong thành phố để biểu tình phản đối một lệnh giới nghiêm nhằm vào cộng đồng của họ.
Cuộc biểu tình do Mặt trận Giải phóng Quốc gia cách mạng Algeria (FLN), vốn đang đấu tranh cho sự tự do của Algeria từ Pháp, đứng ra tổ chức. Nhưng cuộc biểu tình hòa bình trên đã biến thành một vụ thảm sát đẫm máu. Đó thực sự là một đêm tang thương, cảnh sát Pháp đã hành động ngay lập tức và tàn nhẫn theo lệnh của Tư lệnh Cảnh sát Maurice Papon nhằm dập tắt các cuộc biểu tình. Súng đã nổ và hàng nghìn người đã bị bắt, bị dồn lên những chiếc xe buýt và được đưa đến các trung tâm giam giữ tạm thời tại Paris. Những người bị bắt giữ được cho là đã bị đánh đập và không được ăn uống. Nhiều thi thể cũng đã được tìm thấy trên sông Seine, sau khi bị cảnh sát hành hạ đến chết và vứt xác xuống dòng sông nổi tiếng này của thành phố Paris tráng lệ.
Sự kiện bi thảm đêm 17/10/1961 bắt nguồn từ những căng thẳng ngày càng tăng trước đó ở Pháp. Tại Paris, bạo lực bùng phát giữa các lực lượng an ninh và các thành viên FLN trong những tháng trước khi diễn ra cuộc biểu tình đêm 17/10. Đỉnh điểm là một vụ đụng độ đã khiến một số sĩ quan cảnh sát Paris thiệt mạng (tổng cộng có khoảng 20 cảnh sát thiệt mạng trong vòng 3 tháng trước khi xảy ra thảm kịch). Tư lệnh Cảnh sát Maurice Papon ra lệnh truy tìm thủ phạm và dập tắt “tất cả các dấu hiệu của sự nổi loạn”. Một trong những biện pháp được đưa ra là một lệnh giới nghiêm nhằm vào cộng đồng người Algeria tại Paris từ 8 giờ tối đến 5 giờ 30 phút sáng hôm sau.
Phản ứng với lệnh giới nghiêm trên, FLN đã kêu gọi cộng đồng người Algeria tham gia cuộc biểu tình hòa bình tại Paris vào ngày 17/10. Hàng nghìn người đã tập trung tại nhiều vị trí quan trọng như cầu Saint Michel gần Notre – Dame, Opéra, Place de la Concorde và thậm chí cả đại lộ Champs – Elysée. Ông Ouaz, một nhân chứng trong đêm xảy ra thảm kịch cho biết: “Tôi đến Opéra vào khoảng 6 giờ 30 phút tối. Các sĩ quan cảnh sát vũ trang đã chờ sẵn và sử dụng dùi cui để buộc chúng tôi đi xuống một đường hầm dài nối liền trạm tàu điện ngầm với đồn cảnh sát. Chúng tôi thậm chí còn không có thời gian để tham gia biểu tình… Cảnh sát không ngạc nhiên bởi những gì đã xảy ra, ngược lại, họ còn được tổ chức rất tốt. Chúng tôi đã rất sợ hãi”.
Con số thương vong chính xác trong đêm định mệnh đó vẫn còn mơ hồ. Theo số liệu do tờ Libération đăng tải vào thời điểm đó thì chỉ có… 2 người thiệt mạng, một số người bị thương và 7.500 người bị bắt, trong khi FLN ghi nhận số người chết là 300 người.
>> Sự thật cay đắng về chủ nghĩa thực dân của Pháp ở châu Phi giữa thế kỷ 21 |
Đi vào quên lãng
Cũng nhanh như khi xảy ra, vụ thảm sát sau đó dường như bị rơi vào quên lãng. Trong những năm tiếp theo, tướng Papon tiếp tục phục vụ Chính phủ Pháp trong một loạt các vị trí khác nhau cho đến năm 1981 cho đến khi tờ tuần báo Le Canard Enchaîné đăng tải một bài viết phanh phui việc ông đã cộng tác với Đức trong Thế chiến II. Và đến tận năm 1983, tướng Papon mới chính thức bị buộc tội chống lại nhân loại, nhưng phiên tòa xét xử ông với cáo buộc cho phép trục xuất 1.690 người Do Thái đến trại giam Drancy ở ngoại ô Paris đã bị trì hoãn đến năm 1997.
Trong thời gian tòa xét xử ông Papon năm 1997, các sự kiện xung quanh vụ thảm sát ngày 17/10/1961 lại nổi lên. Sử gia Jean-Luc Einaudi, tác giả của cuốn sách “La Bataille de Paris” (“Trận chiến của Paris”, 1991), đã đứng ra làm chứng chống lại Papon do vai trò trực tiếp của ông ta trong việc đàn áp những người biểu tình gốc Algeria khiến nhiều người thiệt mạng.
Đối với nhiều người, đó là lần đầu tiên họ được nghe về tình trạng bạo lực, vốn dường như đã hoàn toàn bị xóa khỏi bộ nhớ của người dân Pháp. Chính quyền Pháp đã miễn cưỡng điều tra về thảm kịch trên nhưng không ai chính thức bị buộc tội. “Đó là sự im lặng hoàn toàn. 50 năm kể từ khi xảy ra vụ thảm sát, không một vị tổng thống hay thủ tướng nào thừa nhận sự kiện này. Đó là một hành động thao túng do những người có quyền lực tại thời điểm đó thực hiện”, Henri Pouillot, Giám đốc quản lý tổ chức MRAP chống phân biệt đối xử Pháp và là đại diện cho nhóm Collectif 17/10/1961, chia sẻ.
Chính phủ Pháp vẫn chưa chính thức xin lỗi về những sự kiện của ngày 17/10/1961 và phải mất gần 40 năm sau khi thảm kịch diễn ra, các nạn nhân của nó thậm chí mới được nhớ đến. Mặc dù vấn đề này vẫn chưa được thừa nhận ở cấp quốc gia, thành phố Paris đã chính thức công nhận sự kiện trên trong năm 2001. Vào thời điểm đó, Thị trưởng Paris Bertrand Delanoe đã cho phép treo một tấm bảng mơ hồ trên cầu Saint Michel nhằm “tưởng nhớ những người Algeria thiệt mạng trong vụ đàn áp đẫm máu từ cuộc biểu tình hòa bình ngày 17/10/1961”. Nhưng lễ tưởng niệm mà thành phố dự kiến tổ chức đã bị tẩy chay và bị chỉ trích bởi các thành viên đối lập cánh hữu trong Hội đồng thành phố Paris với lập luận rằng động thái này sẽ khơi mào cho những căng thẳng xã hội ở Pháp.
Tuy nhiên đối với một số người, những hành động trên là không đủ. Năm nay, ngoài việc tổ chức các cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch nhằm “kỷ niệm 50 năm ngày xảy ra thảm kịch”, tổ chức Collectif 17/10/1961 đã gửi một bản kiến nghị cho chính phủ Pháp yêu cầu “các quan chức cấp cao của Pháp thừa nhận cuộc thảm sát do cảnh sát Paris tiến hành ngày 17/10/1961 và những ngày tiếp theo là tội ác quốc gia… và các tài liệu về sự kiện này phải được công khai với tất cả mọi người”.
Theo Giáo sư lịch sử Bắc Phi Sorbonne, ông Benjamin Stora, “Nó đã biến mất như tất cả mọi thứ về cuộc chiến ở Algeria. Chỉ có các tổ chức và các nhóm phi lợi nhuận thừa nhận sự kiện này. Tôi không biết lý do tại sao chính phủ không muốn thừa nhận những sự việc như vậy”.
Tuy nhiên, Isabel Hollis, một giảng viên tại Học viện London ở Paris cho rằng, mặc dù lý do vụ việc trên bị lãng quên nhiều thập niên bắt nguồn một phần từ sự “khó chịu” đối với giai đoạn lịch sử của mình, nó cũng là triệu chứng thể hiện thái độ chung của Pháp đối với thuộc địa của họ trong quá khứ.
Theo BÁO TIN TỨC
Tags: Pháp, Tội ác lịch sử