Tròn 2 năm xung đột Nga – Ukraina: Kinh tế toàn cầu dần tách thành hai khối

Hai năm sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang bị phân chia thành hai khối riêng và các quy tắc thương mại đa phương suốt gần 30 năm đang bị đe dọa.

Tròn 2 năm xung đột Nga – Ukraina: Kinh tế toàn cầu dần tách thành hai khối

Tách thành hai khối

Tờ US News dẫn thông tin báo chí thế giới cho biết, căng thẳng địa chính trị làm gia tăng những lo ngại về an ninh kinh tế và đang dẫn đến các lệnh trừng phạt, hạn chế thương mại và dấu hiệu chia rẽ ngày càng nhiều giữa các quốc gia ủng hộ Nga và những quốc gia ủng hộ Ukraina.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cảnh báo rằng sự phân chia hoàn toàn thành hai khối đối đầu sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu giảm 5%, trong đó các nước đang phát triển phải chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Trong kịch bản cực đoan này, Mỹ, Trung Quốc và các đồng minh của hai bên sẽ tham gia vào một cuộc chiến thương mại lưỡng cực và mỗi khối sẽ đặt ra các quy tắc riêng, bỏ qua các thỏa thuận đa phương.

Chúng ta vẫn chưa xảy ra tình trạng này, nhưng các nhà kinh tế WTO đã chỉ ra rằng kể từ cuộc chiến Nga – Ukraina vào tháng 2/2022, hai khối đang ngày một tách rời nhau.

Họ cho biết trong một báo cáo: “Chúng tôi tìm thấy bằng chứng ban đầu cho thấy có một xu hướng gắn dòng chảy thương mại với mối quan hệ địa chính trị kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraina. Chúng tôi thấy những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng phân mảnh trong thương mại toàn cầu”.

Thương mại thế giới bị chia rẽ giữa những bên có quyết định bỏ phiếu giống nhau ở Liên hợp quốc, không chỉ là bỏ phiếu về các nghị quyết liên quan xung đột ở Ukraina.

Các hoạt động thương mại gạt Ukraina, Nga và Belarus sang một bên để loại bỏ tác động của các lệnh trừng phạt và của chính cuộc xung đột.

Báo cáo của WTO cho thấy hoạt động thương mại hàng hóa giữa các khối đã tăng chậm hơn 4% so với thương mại trong nội khối.

Mặc dù các nhà kinh tế chỉ ra rằng có dấu hiệu cho thấy các nước tăng cường hoạt động sản xuất tại các quốc gia bạn bè, nhưng họ không tìm thấy bằng chứng cho thấy các nước tăng cường hoạt động sản xuất tại các nước gần mình, cũng như không thấy các nước thúc đẩy thương mại trong khu vực.

Thương mại Mỹ – Trung Quốc

Lấy mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc làm ví dụ, các nhà kinh tế WTO nhận thấy rằng căng thẳng thương mại, vốn bùng phát khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế quan cao đối với khoảng 2/3 hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc xung đột ở Ukraina.

Nghịch lý là dòng chảy thương mại giữa hai nước lại tăng vọt lên mức cao kỷ lục vào năm 2022 khi nhu cầu của Mỹ đối với hàng tiêu dùng Trung Quốc tăng lên, còn nhu cầu của Trung Quốc đối với các nông sản và năng lượng của Mỹ cũng tăng lên. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của WTO, liên quan đến thương mại hàng hóa của Mỹ và Trung Quốc với các đối tác khác, thương mại song phương đã chậm lại.

Báo cáo của WTO kết luận rằng gia tăng căng thẳng thương mại ban đầu và cuộc xung đột sau đó ở Ukraina đã dẫn đến thương mại song phương giảm hơn 31% so với tháng 7/2018.

Căng thẳng địa chính trị một phần là nguyên nhân dẫn đến dự doán bi quan về tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là trong năm 2023. WTO cho biết họ sẽ cắt giảm ước tính 0,8%, còn Ngân hàng Thế giới (WB) cắt giảm 0,2% – tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 50 năm qua nếu không tính suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ông Ayhan Kose, nhà kinh tế tại WB, nhận định với hãng tin Reuters rằng điểm yếu này xảy ra trong bối cảnh chính sách thương mại có những thay đổi mạnh mẽ sau quá trình hội nhập thương mại trước đó. Ông nói: “Kỷ nguyên đó về cơ bản đã biến mất. Giờ đây, chúng ta có một kỷ nguyên mới với đặc điểm là các quốc gia không ký kết thỏa thuận… Và sau đó nếu ta nhìn vào số lượng các biện pháp hạn chế thương mại được đưa ra trên toàn thế giới, con số đó đã tăng vọt”.

Cơ quan giám sát tại Thụy Sĩ Global Trade Alert đã phát hiện ra hàng loạt biện pháp bóp méo thương mại kể từ đầu năm 2020, từ kế hoạch tăng thuế xuất khẩu đậu nành của Argentina đến việc tăng thuế nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ và viện trợ ở Mỹ cho chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Mặc dù các chính sách đôi khi đã nới lỏng các lệnh cấm xuất nhập khẩu trước đó, nhưng việc tăng cường trợ cấp để làm cho hàng hóa trong nước rẻ hơn so với hàng nhập khẩu lại vượt những khoản này.

Các nước cũng tăng cường trợ cấp tương tự trong các lĩnh vực khác, như thực phẩm, thuốc men và chuỗi giá trị toàn cầu.

Dữ liệu của Global Trade Alert cho thấy không chỉ có nhiều biện pháp hạn chế hơn mà còn có nhiều quốc gia hơn đang thực hiện các biện pháp này.

Những hạn chế và bóp méo thương mại cho thấy các nước có động thái thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ, làm suy yếu các quy tắc toàn cầu vốn thúc đẩy thương mại mở và hạn chế các quốc gia trợ cấp cho các ngành trong nước.

Viện Tài chính Quốc tế nhận thấy rủi ro đối với nợ toàn cầu, khi các chính phủ chi tiêu nhiều hơn để giảm thiểu tác động bất lợi lên chuỗi cung ứng do bảo hộ thương mại và xung đột địa chính trị ngày càng tăng gây ra.

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh cái giá phải trả của tình trạng phân mảnh và ủng hộ “tái toàn cầu hóa” – tức là hồi sinh chủ nghĩa đa phương để có thể thúc đẩy nền kinh tế thế giới tăng khoảng 3%.

Ông Georg Riekele, Phó giám đốc Trung tâm Chính sách châu Âu, nói rằng đối với châu Âu vốn phụ thuộc vào thương mại nói riêng, điều tốt nhất có thể hy vọng là chuyển sang trạng thái cân bằng mới để duy trì thương mại mở, ít nhất là với các đối tác thân thiện.

Ông nói: “Thoái trào xu hướng toàn cầu hóa do thận trọng hơn với Trung Quốc và do gián đoạn các chuỗi giá trị, chẳng hạn như khủng hoảng ở Biển Đỏ, có thể được bù đắp bằng quá trình đa dạng hóa mạnh hơn và mở cửa thương mại ở những nơi khác”.

Theo BÁO TIN TỨC

Tags: , ,