⠀
Triết lý thiền trong bài kệ ‘Vô thường thị thường’ của Thiền sư Minh Chính
Bài thơ là lời nhắn nhủ của Thiền sư Thanh Đàm Minh Chính đến mọi người rằng, cuộc đời con người dù vinh hoa phú quý, giàu có hay nghèo hèn… cũng chỉ như một giấc mộng dài hư ảo, không phải là cái chân thật lúc nào cũng có. Do đó, Thiền sư nhắc nhở chúng ta phải biết tu đúng chính pháp để biết khám phá chính bản thân chứ không ở nơi nào khác.
Thiền Sư Thanh Đàm Minh Chính là một cao tăng sống vào thời nhà Nguyễn. Ngài thuộc thế hệ thứ 37 Tông Tào Động miền Bắc. Sư là đệ tử của Thiền sư Đạo Nguyên Thanh Lãng. Qua quá trình nỗ lực tu hành, tự chứng của mình, Sư đã biên soạn hai quyển Pháp Hoa Đề Cương và Bát Nhã Trực Giải nhằm nêu lên tông chỉ sâu xa, nhiệm màu của Kinh Pháp Hoa, Kinh Bát Nhã. Đây cũng là đóng ghóp lớn của sư vào kho tàng Phật giáo, Thiền Học Việt Nam vốn hạn chế về mặt văn tự, tư liệu, làm sống dậy tinh thần thiền tông, giác ngộ.
Giàu sang, nghèo hèn… đều là mộng ảo
“Công danh cái thế màn sương sớm
Phú quý kinh nhân giấc mộng dài
Chẳng rõ bản lai vô nhất vật
Công phu luống uổng một đời ai”.
Bài kệ “Vô thường thị thường“ của Thiền sư Thanh Đàm Minh Chính được giới thiệu một cách chi tiết trong cuốn “Thơ thiền Việt Nam luận giải” của Thượng Tọa Thích Thanh Điện và TS Phạm Thị Thanh Hương. Bằng cách diễn giải rõ ràng của hai vị nói trên, người đọc đã phần nào hiểu được phần nào ý nghĩa qua bài kệ của Thiền sư Minh Chính.
Bắt đầu bằng câu thơ “Công danh cái thế màn sương sớm” mang ý nghĩa là với mỗi con người, dù có địa vị cao ngất trời cũng chỉ như màn sương buổi sớm, nắng lên là sương tan. “Phú quý kinh nhân giác mộng đài” với ý nghĩa dù chúng ta giàu có nghe giật cả mình cũng chỉ là hư vọng như giấc mộng.
Do đó Thiền sư Minh Chính khẳng định chắc chắn rằng “Chẳng rõ bản lai vô nhất vật/ Công phu luống uổng một đời ai!”. “Bản” nghĩa là cái gốc, cái xưa cũ. “Lai” là cái sắp tới, sắp đến. “Bản lai vô nhất vật” nghĩa là, cái gốc hay cái xưa cũ và cái sắp đến, cái sẽ đến đều chung cùng một bản ngã là không. Nếu không biết, không rõ cái từ ngàn xưa cho đến cái hiện ngay trước mắt chỉ là cái không thì sẽ mãi không thể giác ngộ.
Có nhiều người nỗ lực công phu tu luyện, như phái Ni Kiền Tử (Là một giáo phái tu hành cực đoan lâu đời có từ thời đức Phật, gọi là đạo Jain): nhập định sâu nhưng hết định lại vào sinh tử. Hoặc như ngoại đạo tu đứng một chân, ăn một hạt mè… tu theo con vật, con bò, không bao giờ ngồi… dù tu theo nhiều hạnh khác nhau, tu theo nghiệp nào nhưng không khám phá được chính mình, không biết nơi đi nơi đến của mình thì cũng chỉ loanh quanh trôi theo cái nghiệp đó. Nếu tu mà không theo được hạnh giải thoát, thì tu luyện theo cách nào cũng chỉ uổng công vô ích.
Ngài nói: “Bản lai vô nhất vật, hả xứ… nhã trân ai… cả một đời công phu tu luyện chỉ là một màn chiêm bao. Trong chiêm bao chúng ta phải làm, phải trả hết nợ, mới được tự tại giải thoát… dù làm bao nhiêu thứ đi nữa cũng chỉ là chiêm bao. Bao nhiêu công đức cũng chỉ là chiêm bao. Cái đó không dính dáng gì đến tri kiến Phát. Do đó, quan trọng là khi tâm an tịnh thì trí tuệ sẽ bừng tỉnh, giác ngộ, có giác ngộ chúng ta mới thoát khỏi mộng ảo chiêm bao”
Theo đó, bài thơ mang đến cho chúng ta một thông điệp, dù người muốn nhắc đến giàu có, dù phú quý công danh gì đi nữa cũng chỉ là mộng ảo, là chiêm bao, điều quan trọng là phải khám phá ra chính mình, tìm thấy và nhận ra cái không đến không đi, không được, không mất… Mọi pháp môn đều lấy giác ngộ, giải thoát, niết bàn làm mục đích căn bản và Phật giáo luôn lấy Thiền làm gốc. Dù là tu sĩ xuất gia hay cư sĩ tại gia trong khi tu hành được đôi phần giác ngộ đều được mọi người kính quý…
Thiền là tâm của Phật, Giác ngộ là mắt của Phật, Pháp là thuốc của Phật… Tất cả đều ở trong mỗi chúng ta. Giác ngộ thông suốt thì tâm sẽ sáng, bệnh sẽ tan và thuốc sẽ bỏ… Ánh sáng của trí giác ngộ được chiếu muôn nơi, hương ngát muôn đời…
Đóng góp của Thiền sư Minh Chính với Phật giáo Việt Nam
Không ai biết Thiền sư sinh năm bao nhiêu, quê quán ở đâu, chỉ biết vào năm Đinh Mão (1810) sư xuất gia và tu đạo nơi Thiền Sư Đạo Nguyên Thanh Lãng, tổ sư đời thứ 6 Tông Tào Động Việt Nam. Lúc bấy giờ, Thiền sư Đạo Nguyên Thanh Lãng đang trụ trì tại Thiền Viện Nguyệt Quang một ngôi Thiền Tự do Thiền Sư Chân Nguyên thuộc tông Lâm Tế sáng lập.
Một hôm, Sư bèn sửa sang y phục, hình sắc nghiêm trang, trải tọa cụ trước Tổ, quỳ gối chắp tay đỉnh lễ Tổ Đạo Nguyên. Thiền sư Minh Chính luôn chuyên cần thiền định, tham cứu tâm tông. Mỗi khi xem các Kinh Lăng Nghiêm, Diệu Pháp Liên Hoa, gặp chỗ thắc mắc, sư đều đỉnh lễ, thưa hỏi nơi tổ Đạo Nguyên.
Năm Canh Ngọ, sư đăng đàn thọ giới cụ túc, giới đàn riêng do các chùa thuộc Tông Tào Động tại Miền Bắc tổ chức, trong đó Thiền Sư Đạo Nguyên làm Hòa Thượng Đường Đầu. Sau khi thọ giới xong, sư tiếp tục nỗ lực, tu hành. Thiền sư Minh Chính sau đó trụ trì Chùa Bích Động hơn 48 năm, chú giải hai bộ kinh là Pháp Hoa, Bát Nhã. Làm chỗ dựa cho người học thâm nhập kinh tạng, ngộ được ý chỉ của chư Phật.
Thiền Sư Thanh Đàm đã biên soạn và hoàn thành kinh Diệu Pháp Liên Hoa vào tháng 8/ 1820, đời vua Gia Long năm thứ 18. Tác phẩm do Thiền Sư Minh Nam, huynh đệ của Thiền Sư Thanh Đàm, kiểm duyệt và viết bài tựa. Được khắc ván và lưu hành tại chùa Vĩnh Nghiêm vào năm 1933, do Hòa Thượng Thanh Hanh viết lời tựa,
Nội dung nêu lên Tông chỉ của Kinh Pháp Hoa, và chú giải sơ lược cho các chương trong kinh này. Đồng thời lây 14 chữ “Khai Thị Ngộ Nhập Nhất Phật Thừa Tri Kiến Đạo Trí Tuệ Tông Chỉ” để làm kệ tụng nhằm nêu lên cương yếu của Kinh.
Những lời gửi gắm của Thiền sư Minh Chính trong Kinh Pháp Hoa: “Pháp, tức tất cả pháp. Tất cả pháp là ứng dụng của một diệu tâm. Một diệu tâm là linh nguyên của tất cả pháp. Nói pháp tức là tâm, bảo tâm chính là pháp. Pháp là cái tùy duyên của Diệu hữu, chẳng nhiễm gọi là Diệu pháp. Tâm là cái ứng vật của chân không, ly trần chính nó là chân tâm. Luận về chân tâm thì đâu nhờ thi vi. Nói Diệu pháp thì chẳng ngại tu chứng, nhưng pháp môn tu chứng có đến vô lượng, nên chọn môn nào gần gũi thích hợp mà vào”.
Tiếp đó, tới năm Quý Mão 1843, Thiền Sư biên soạn và viết lời tựa cho Kinh Bát Nhã, hiện nay có một bản tại chùa Bích Động, khắc ván và lưu hành tại chùa Vĩnh Nghiêm.
Nội dung nhằm giải nghĩa, nêu rõ Tâm Tông, diệu nghĩa của Kinh Bát Nhã. Gồm hai phần là Trực Giải và Kệ Tụng.
“Kinh nầy, Đức Phật muốn khiến cho tất cả chúng sanh lìa bỏ sanh diệt, sống lại với thể chân như, chẳng sanh chẳng diệt. Nên Phật nói tâm kinh dạy người tu hành muốn trở về chân như, chứng diệu quả Niết Bàn rốt ráo chẳng sanh chẳng diệt, phải nương theo nhân địa và pháp môn của Bồ Tát Quán Tự Tại đã tu, thực hành sâu vào một môn mới soi thấy rõ năm uẩn đều không. Nếu ngộ được uẩn không thì thật tướng chân không bản nhiên rõ ràng, chẳng từ nơi người khác mà được, cũng chẳng phải đợi nói năng chỉ bày rồi mới biết“.
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tâm phàm chưa hết, hết tức Bồ đề, chỉ dứt tình phàm, riêng không thánh giải”. Ví như lau gương, chẳng phải lau gương mà là lau bụi, bụi hết ánh sáng tự hiện, cũng chẳng từ nơi khác mà được. Nên biết Kinh nầy nương theo Ngài Quán Tự Tại soi thấy rõ năm uẩn đều không, đấy là cứu cánh”, những dòng tựa trong Kinh Bát Nhã của Thiền sư Thanh Đàm Minh Chính.
Theo BÁO PHÁP LUẬT
Tags: Thiền, Phật giáo, Văn học, Tư duy - nhận thức