⠀
Triển vọng và thách thức cho Việt Nam trong việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ
Chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ Antony Bliken đến Việt Nam từ ngày 14 đến 16 tháng 4 năm 2023 được coi là mở đường cho những chuyến thăm cấp cao hơn giữa các nguyên thủ của hai quốc gia và triển vọng nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược trong năm nay – năm kỉ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Sự kiện trên đã thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia, học giả trong và ngoài nước. Liệu có thể xem đây là bước chuẩn bị cho việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam?
Vào ngày 15/4/2023, tại buổi tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện quan hệ hai nước Việt – Mỹ và cho rằng những kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua là cơ sở để tiếp tục nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới[1]. Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khi trả lời về câu hỏi khả năng nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên đối tác chiến lược đã nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn và sẵn sàng hợp tác với chính quyền Tổng thống Joe Biden để thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”[2]. Có thể thấy, qua chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Việt Nam và cả trước đó, trong các bài phát biểu của mình, lãnh đạo hai bên đều khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước và mong muốn thúc đẩy phát triển và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam vì lợi ích của cả hai quốc gia. Tuy nhiên, các phát biểu hầu như đều tránh đề cập trực tiếp tới việc khẳng định có hay không việc nâng cấp quan hệ ngoại giao từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược.
Những lợi ích từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ
Ngay từ 2020 đã có những dự đoán về khả năng Việt Nam nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược với Mỹ. Giáo sư Carl Thayer từng nhận định: “Tôi hy vọng Mỹ và Việt Nam sẽ nối lại các cuộc thảo luận và cuối cùng sẽ đạt được thoả thuận về quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2021”.[3] Thực tế cho thấy, trong năm 2021 đã có những hành động nhằm xúc tiến quá trình nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược mà tiêu biểu nhất là chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Haris cùng với lời đề nghị nâng cấp quan hệ với Việt Nam. Nhưng lời đề nghị vẫn còn bỏ ngỏ cho đến nay…
Bước sang năm 2023, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được xem là dọn đường cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden sang Việt Nam hoặc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ. Cùng với đó, triển vọng nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam và Mỹ cũng thu hút trở lại sự quan tâm của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.
Các chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore (ISEAS – Yusof Ishak Institute) và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) phần lớn đều cho rằng việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam là cần thiết cho lợi ích của cả hai bên, là cơ sở cho việc mở rộng hợp tác về kinh tế, an ninh… sâu sắc hơn và rộng mở hơn. Và năm 2023 là thời điểm lí tưởng sau tròn 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam. Họ dự báo, lễ nâng cấp chính thức quan hệ có thể diễn ra trong chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ hoặc chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam.
Về những gì mà việc nâng cấp quan hệ hai nước có thể mang lại, tác giả bài phân tích “The unlikely, Indispensable U.S.-Vietnam partnership” đăng trên website CSIS nhấn mạnh đến những lợi ích kinh tế nổi bật cho cả hai quốc gia: đầu tư nước ngoài, hợp tác năng lượng, đối tác tại biển Đông… Về vấn đề hợp tác năng lượng, có nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia khi Việt Nam thể hiện tham vọng chuyển đổi năng lượng sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái chế như gió và mặt trời. Việt Nam cũng hi vọng nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG) từ Mỹ khi Việt Nam đã hoàn thành cảng nhập khẩu khí hoá lỏng đầu tiên ở Bà Rịa Vũng Tàu và đi vào hoạt động vào năm 2022. Với việc Mỹ đóng vai trò chính trong việc bảo vệ tự do và lưu thông hàng hải ở biển Đông, Việt Nam cần Mỹ sẽ là một đối tác không thể thiếu trong nỗ lực của Hà Nội chống lại những yêu sách về biển đảo của Trung Quốc[13].
Nhưng ngoài lợi ích về kinh tế, việc nâng cấp quan hệ hai nước có thể còn mang lại nhiều lợi ích hơn thế. Tác giả Phạm Xuân Dũng trong bài viết “Quan hệ Việt Nam với Mỹ: Đã đến lúc phải nâng cấp” (Vietnam’s relations with the United States: Time for an upgrade) đăng trên trang Fulcrum cho biết Mỹ đã nhiều lần khẳng định mong muốn được nâng cấp quan hệ với Việt Nam. Ví dụ như lời đề nghị của Phó Tổng thống Kamala Haris trong chuyến thăm vào tháng 8/2021 hay việc Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nhấn mạnh ưu tiên đạt được quy chế đối tác chiến lược trong nhiệm kỳ của mình. Có hai nguyên nhân chính khiến Việt Nam nên nâng cấp quan hệ với Mỹ. Thứ nhất, mối quan hệ đối tác chiến lược không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn giúp Hà Nội gửi đi một thông điệp tới Bắc Kinh rằng, bất chấp những lo ngại về an ninh của Trung Quốc, Hà Nội vẫn giữ quyền tự quyết trong việc tăng cường quan hệ với Washington. Thứ hai, việc vẫn chần chừ trong nâng cấp quan hệ có thể khiến Mỹ không còn mặn mà trong vấn đề này nữa. Như vậy, hai nước cần nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược để cung cấp cơ sở pháp lý cho việc hợp thức hóa các cam kết của hai bên cũng như đảm bảo cho các hợp tác đi vào thực chất hơn và sâu rộng hơn[4]. Trong bài phân tích trên website của ISEAS-Yosof Ishak, các tác giả Hong Kong Nguyen và Pham Muoi Nguyen cho rằng lời mời Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam vào một thời điểm thích hợp, lí tưởng nhất là trong năm 2023, khi hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Đây cũng là thời điểm thích hợp để hai bên nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược, đánh dấu mốc cho quan hệ ngày càng sâu sắc của hai nước, mở đường cho những hợp tác bền chặt hơn trong tương lai.[5]
Nguyễn Khắc Giang thuộc ISEAS-Yosof Ishak trong bài viết đăng trên Fulcrum cũng cho rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ có những động lực mạnh mẽ để tăng cường quan hệ. Việt Nam coi mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ là một biện pháp tiềm năng giúp ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực và là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong khi đó, đối với Mỹ, Việt Nam được xem là một bên tham gia quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do vị trí tuyến đầu của Hà Nội trong tranh chấp Biển Đông, năng lực ngày càng tăng của Việt Nam, cũng như sự ngờ vực lịch sử đối với Trung Quốc. Hơn nữa, dường như Mỹ cũng đang mong muốn sự gia tăng vai trò của Việt Nam trong cơ chế Quad Plus. Tương tự, trong bài phân tích “From bitter Enemies to Strategic Partners”, tác giả Perrin Atreides có đề cập đến vai trò quan trọng của Việt Nam ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vị trí chiến lược và nền kinh tế đang phát triển của Việt nam khiến cho Việt Nam trở thành một đối tác hấp dẫn của Quad Plus và có tiềm năng lớn để đóng vai trò lớn hơn trong cấu trúc này. Việt Nam có thể có một số lợi ích trong Quad Plus. Thứ nhất, tăng cường an ninh và ổn định của Việt Nam, đặc biệt là ở Biển Đông, khi Việt Nam có thể có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc định hình kiến trúc an ninh khu vực. Thứ hai, Việ Nam cũng có thể tăng cường hợp tác kinh tế với các thành viên Quad Plus[14].
Tương tự, trong bài viết “Losing Momentum and Passing opportunities in the U.S-Vietnam Relationship” đăng trên website của CSIS, tác giả Bích Trần cho rằng nhiều khả năng việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược sẽ diện ra trong năm 2023, đồng thời khẳng định việc nâng cấp quan hệ là vô cùng quan trọng với hai lý do. Đầu tiên, một tuyên bố chung bằng văn bản sẽ đảm bảo cam kết của hai bên trước sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Mỹ là quốc gia duy nhất có khả năng và sẵn sàng thách thức Trung Quốc. Thứ hai, chính sách của Việt Nam là tăng cường quan hệ với cả năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga và Trung Quốc, quan hệ đối tác chiến lược với Anh và Pháp, trong khi với Mỹ là quan hệ đối tác toàn diện.
Như vậy, về lợi ích chung của quan hệ đối tác chiến lược, hai nước sẽ có triển vọng tăng cường hợp tác kinh tế và quốc phòng-an ninh sâu sắc và rộng mở hơn. Theo đó, việc nâng cấp quan hệ có thể báo hiệu sự chấm dứt những hạn chế trong hợp tác, mở ra khả năng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực vốn dĩ nhạy cảm như chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc phòng và chia sẻ thông tin tình báo. Tuy nhiên, việc tiến tới quan hệ đối tác chiến lược đòi hỏi phải vun đắp thêm “lòng tin chiến lược”, vốn sẽ thiết lập nền tảng vững chắc và tạo niềm tin cho phía Việt Nam trong việc theo đuổi hợp tác đa dạng và rộng rãi hơn với Washington[6].
Còn đó những trở ngại…
Tuy nhiên, một số quan điểm đánh giá việc nâng cấp quan hệ sẽ còn bị đình trệ và có thể chưa diễn ra trong năm nay. Việt Nam dù biết nên sớm đưa ra quyết định của mình nhưng vẫn lo ngại những phản ứng của Trung Quốc. Một số quan điểm khác cho rằng việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược có thể chỉ mang tính “biểu tượng ngoại giao” hơn là đi vào thực chất.
Có thể thấy, Trung Quốc là nhân tố hàng đầu khiến hiện tại Việt Nam vẫn chưa nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ; mặc dù nếu xét về mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ, quan hệ đối tác toàn diện hiện tại hoàn toàn chưa tương xứng. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 123,86 tỷ USD vào năm 2022. Cũng trong năm 2022, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hoá trị giá 20,76 tỷ USD sang Mỹ[15]. Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên tại ISEAS-Yosof Ishak cho biết Việt Nam chắc chắn muốn nâng cấp quan hệ với Washington, nhưng khó có thể xảy ra ở trong năm nay[7]. Một yếu tố cần chú ý là, trong năm 2022, gần 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là sang Trung Quốc; Trung Quốc cũng đóng góp 1/3 kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Những hàng nhập khẩu này không thể thiếu trong chuỗi cung ứng sản xuất của Việt Nam[8]. Với quan hệ kinh tế sâu sắc như vậy giữa Việt Nam với Trung Quốc, bất kỳ hành động nào có thể được coi là thù địch với Trung Quốc đều có thể dẫn đến hậu quả kinh tế, có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Việt Nam[9]. Sự đình trệ trong quan hệ Việt Nam – Mỹ phản ánh nỗ lực của Hà Nội nhằm báo hiệu cho Trung Quốc rằng nếu Bắc Kinh không khiêu khích, Hà Nội sẽ không nâng cấp quan hệ với Mỹ và làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc trong quá trình này[10].
Florian Feyerabend, đại diện tại Việt Nam của Quỹ Konrad Adenauer (Đức) cho biết việc nâng cấp quan hệ chính thức trong năm nay “không còn được coi là thực tế nữa”[17]. Mặc dù động thái nâng cấp quan hệ chỉ mang tính biểu tượng nhưng Việt Nam đang do dự trước khả năng trả đũa từ Trung Quốc. Chuyên gia Zachary Abuza tại Đại học chiến tranh quốc gia ở Washington cho biết “Trung Quốc có rất nhiều phương tiện khác nhau và thường xuyên sử dụng chúng mọi lúc mọi nơi để gây áp lực với Việt Nam”[17]. Trong khi đó, Bích Trần cũng cho rằng, “xét bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt hiện nay và sự gần gũi của Trung Quốc với Việt Nam, Hà Nội có thể cảm thấy miễn cưỡng khi chính thức nâng cấp quan hệ toàn diện với Washington”. Phạm Xuân Dũng và Nguyễn Khắc Giang cũng nhận định rằng Hà Nội lo ngại rằng việt nâng cấp quan hệ với Mỹ có thể bị hiểu là tham gia phe chống Trung Quốc do Mỹ đứng đầu, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng gay gắt và có nguy cơ Trung Quốc sẽ đáp trả bằng sự trả đũa về kinh tế hoặc quân sự. Ngoài ra, không thể phủ nhận rằng, vẫn có những hoài nghi về ý định của Hoa Kỳ khi mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam. Hoa Kỳ vẫn được xem là quốc gia thường tiến hành các hoạt động thúc đẩy nhân quyền và các giá trị dân chủ, tìm cách can thiệp vào chính trị nội bộ các nước. Hơn nữa, việc xem xét nâng cấp “quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam cũng có thể bị làm chậm lại khi chính quyền của Tổng thống Biden có thể sẽ chú tâm nhiều hơn tới cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 đang đến gần.
…Vvà cơ hội cho việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ ?
Trong bài viết “A window of opportunity to upgrade US-Vietnam relations”, tác giả Jonathan Stromseth cho rằng sự gia tăng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ xuất phát từ mối quan ngại chung trước sự hung hăng của Trung Quốc. Với vị trí địa chính trị chiến lược và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc, Việt Nam có thể muốn thắt chặt quan hệ chiến lược với Washington một cách thầm lặng trong khi vẫn giữ danh pháp ngoại giao càng mơ hồ càng tốt. Nhưng Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vừa được ký kết giữa Hoa Kỳ và ASEAN dường như cung cấp một nền tảng – và vỏ bọc chính trị – cho các quốc gia ASEAN riêng lẻ ký kết quan hệ đối tác chiến lược với Washington ở cấp độ song phương, bất kể Trung Quốc nghĩ gì.”[11]
Trong khi đó, Zachary Abuza (Đại học chiến tranh quốc gia ở Washington) đánh giá việc nâng cấp sẽ giống như “biểu tượng ngoại giao”, không mang lại nhiều lợi ích thực tế cho mối quan hệ hiện có. Theo đó, “việc nâng cấp quan hệ với Mỹ chỉ là động thái ngoại giao, không phải là điều gì ghê gớm đến mức Trung Quốc phải trừng phạt nặng Việt Nam.”[12]
Thay lời kết
Những bài học trong quá khứ sẽ luôn nhắc nhở Việt Nam phải kiên trì đường lối trung lập, không chọn phe. Việt Nam đã rút ra nhiều bài học trong quá khứ khi thực hiện chính sách “Nhất biên đảo” ngả hẳn về phía Liên Xô, coi Liên Xô là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại vào những thập niên 70, 80 của thế kỉ trước. Tại thời điểm hiện tại, Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối chính sách trung lập. Việt Nam mong muốn tạo lập thế cân bằng trong mối quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc đồng thời hợp tác với Mỹ các vấn đề an ninh và chiến lược. Theo chuyên gia Đoàn Thị Mai Liên thuộc Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh phát triển quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác về kinh tế và quốc phòng, song chỉ khai thác sự ủng hộ của Mỹ trong việc quốc tế hoá vấn đề biển Đông và công khai sử dụng luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp. Không thể vì lo sợ những phản ứng của Trung Quốc mà bỏ qua quan hệ với Mỹ trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. Do đó, Việt Nam cần công khai các quan điểm, chủ trương xây dựng quan hệ hợp tác với Mỹ trên cơ sở có các cơ chế minh bạch, các biện pháp xây dựng, trao đổi lòng tin một các thẳng thắn, không nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc, từ đó sẽ khiến Trung Quốc coi trọng và sẽ đưa quan hệ Việt – Trung phát triển ổn định, bình thường.[16]
Mặc cho việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước mang tính thực chất hay chỉ là biểu tượng ngoại giao thì sự kiện này cũng sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên về nhiều mặt. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, đề cập tới những rủi ro về sự gia tăng căng thẳng của cạnh tranh Mỹ – Trung và những phản ứng tiềm tàng của Trung Quốc, Việt Nam cần cân nhắc kĩ càng những cơ hội và rủi ro để ra quyết định. Trong những năm trước đó, khi Mỹ đề cập đến vấn đề nâng cấp quan hệ với Việt Nam, Hà Nội đã khéo léo từ chối khi đưa ra quan điểm rằng nên tập trung vào thực chất mối quan hệ chứ không quá quan trọng hình thức bề ngoài. Trong thời điểm hiện tại, khó có thể lặp lại quan điểm trên, nhưng trong số những sự lựa chọn thì việc sử dụng lại vẫn hoàn toàn khả thi để vẫn tạm thời chưa nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, giúp Việt Nam có thêm thời gian cân nhắc giữa được và mất.
————–
Tài liệu tham khảo:
[1] Dân trí, (2023), “Tổng bí thư: Tiếp tục nâng cao quan hệ Việt – Mỹ lên tầm cao mới” https://dantri.com.vn/xa-hoi/tong-bi-thu-tiep-tuc-nang-quan-he-viet-my-len-tam-cao-moi-20230415204510664.htm
[2] Thanh Hà, (2023), “Việt Nam trả lời về khả năng nâp cấp quan hệ Việt Mỹ”, Lao động, https://laodong.vn/thoi-su/viet-nam-tra-loi-ve-kha-nang-nang-cap-quan-he-voi-my-1170944.ldo
[3] Linh Phạm, (2020), “Việt Nam, Hoa Kỳ có thể nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm tới: Carl Thayer”, Vietnamnet, https://vietnamnet.vn/en/vietnam-us-may-upgrade-ties-to-strategic-partnership-next-year-carl-thayer-658042.html
[4] Phan Xuân Dũng, (2023), “Vietnam’s relations with the United States: Time for an Upgrade”, Fulcrum, https://fulcrum.sg/vietnams-relations-with-the-united-states-time-for-an-upgrade/
[5] Hong Kong Nguyen, Pham Muoi Nguyen, (2023), “It takes two tango: Vietnam – US relations in the New context”, ISEAS, https://www.iseas.edu.sg/wp-content/uploads/2022/05/ISEAS_Perspective_2022_55.pdf
[6] Nguyen Khac Giang, (2023), “U.S – Vietnam relations: Ready for a Strategic Partnership upgarde?”, Fulcrum, https://fulcrum.sg/u-s-vietnam-relations-ready-for-a-strategic-partnership-upgrade/
[7] Francesco Guarascio, (2023), “Vietnam may resist diplomatic upgrade with Washington as U.S-China tensions simmer”, Reuters, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/vietnam-may-resist-diplomatic-upgrade-with-washington-us-china-tensions-simmer-2023-03-23/
[8] Jonathan Stromseth, (2023), tldd
[9] Achala Gunasekara-Rockwell, (2023), “Friendship in the Shadow of the Dragon: The Challenge of Upgrading US-Vietnam Ties amid Tensions with China”, Journal of Indo-Pacific Affairs, https://www.airuniversity.af.edu/JIPA/Display/Article/3344144/friendship-in-the-shadow-of-the-dragon-the-challenge-of-upgrading-usvietnam-tie/
[10] Achala Gunasekara-Rockwell, (2023), tldd
[11] Jonathan Stromseth, (2023), “A window of opportunity to upgrade US-Vietnam relations”, Brookings, https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2022/12/20/a-window-of-opportunity-to-upgrade-us-vietnam-relations/
[12] Bac Pham, Bennett Murray, (2023), “Is US-Vietnam pledge to boost ties after Antony Blinken’s Hanoi visit mere ‘diplomatic symbolism’?”, South China Morning Post, https://www.scmp.com/?module=masthead&pgtype=article
[13] Gregory B. Poling, Simon Tran hudes, Andreyka Natalegawa, (2021), “ The unlikely, Indispensable U.S-Vietnam partnership”, JSTOR, https://www.jstor.org/stable/pdf/resrep32899.pdf
[14] Perrin Atreides, (2023), “From Bitter Enemies to Strategic Partners”, Media Defense, https://media.defense.gov/2023/Mar/29/2003188353/-1/-1/1/JIPA%20-%20ATREIDES%20-%202023.PDF
[15] Thời báo tài chính, (2023), “Quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ”, https://thoibao taichinhvietnam.vn/quan-he-thuong-mai-viet-nam-hoa-ky-125707.html
[16] Đoàn Thị Mai Liên, (2020), “Xử lí đúng đắn mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước”, Tạp chí điện tử lý luận chính trị, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/3296-xu-ly-dung-dan-moi-quan-he-cua-viet-nam-voi-my-va-trung-quoc-gop-phan-giu-vung-doc-lap-chu-quyen-moi-truong-hoa-binh-on-dinh-de-phat-trien-dat-nuoc.html
[17] Tác giả Francesco Guarascio, “Vietnam may resist diplomatic upgrade with Washington as U.S-China tensions simmer”, Reuters.
Theo PHẠM QUANG PHÚC / NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC
Tags: Nghiên cứu quốc tế, Quan hệ Việt - Mỹ