Tiếng Anh, AI và hành trình học tập suốt đời

Tôi nhận ra, có khả năng đọc bằng tiếng Anh là một kỹ năng giúp tôi “học tập suốt đời” (life-long learning) – một quan điểm giáo dục đang được thúc đẩy mạnh mẽ tại Việt Nam.

Tiếng Anh, AI và hành trình học tập suốt đời

Tác giả: Bùi Minh Đức, dịch giả, Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ.

Trước khi lên đường sang Mỹ du học, số sách tiếng Anh tôi đọc đếm trên đầu ngón tay. Trong một chương trình giáo dục mà tiếng Anh chỉ là môn học, không phải ngôn ngữ được sử dụng trong các tình huống thực tế đời sống – bao gồm đọc sách, việc đọc sách bằng tiếng Anh dễ khiến chúng ta nản lòng.

Buổi học đầu tiên, cô giáo đưa ra danh sách sách cần đọc trong một kỳ, lên tới 4-5 cuốn, mỗi cuốn cũng ngót nghét 300-400 trang. Buổi học thứ hai, tôi phải đọc 100 trang sách trước khi lên lớp. Tôi hay đùa với bạn bè rằng đó là một nỗi “thống khổ hạnh phúc” – thống khổ vì phải đọc bằng tiếng Anh, hạnh phúc khi được mưu cầu tri thức.

Dần dần, tôi quen với việc đọc sách tiếng Anh, kể cả khi trở về Việt Nam, tôi vẫn tải sách tiếng Anh về đọc trên máy đọc sách, gọn tiện hơn rất nhiều. Đó cũng là khoảnh khắc tôi nhận ra, có khả năng đọc bằng tiếng Anh là một kỹ năng giúp tôi “học tập suốt đời” (life-long learning) – một quan điểm giáo dục đang được thúc đẩy mạnh mẽ tại Việt Nam. Đọc sách tiếng Anh giúp tôi có thể cập nhật kiến thức biến đổi liên tục của ngành truyền thông – một ngành chỉ cần vài năm thôi cũng đủ khiến kiến thức cũ không còn ứng dụng được trong khi sách dịch không thể theo kịp. Đọc sách tiếng Anh giúp tôi vượt qua những rào cản của tiếp cận tri thức mới, chủ động học tập theo nhu cầu; điều quan trọng trong câu chuyện học tập suốt đời.

Nhiều trường học ở Việt Nam đưa “học tập suốt đời” vào chủ đề năm học. Tôi cho rằng học tập suốt đời không nên chỉ dừng lại ở một chủ đề năm học, đó nên là tinh thần cần gieo vào mỗi học sinh trong cả cuộc đời. Nhưng tại sao học tập suốt đời lại trở thành từ khóa “hot trend” trong những năm trở lại đây?

Trong cuốn sách “What’s our problem – Vấn đề của chúng ta là gì”, tác giả Tim Urban dùng hình tượng 1 cuốn sách 1.000 trang để tái dựng lại tiến trình lịch sử của con người từ khi xuất hiện cách đây 250.000 năm, mỗi trang tương ứng 250 năm. Cách mạng nông nghiệp diễn ra trong khoảng trang 950-960. Trang 1.000 là thời gian chúng ta đang sống, kéo dài từ khoảng năm 1770 đến những năm 2020s. Một điểm thú vị tác giả đề cập rằng, nếu bạn bị bắt cóc từ trang 760 đến trang 761, bạn vẫn có thể sống và điều chỉnh phù hợp với cuộc sống mới. Tuy nhiên, chỉ cần từ trang 999 sang đến trang 1.000, chúng ta đã thấy sốc đến nhường nào.

Và thử tượng tưởng từ trang 1.000 bước sang trang 1.001, tôi đồ rằng bạn sẽ khó có thể hình dung ra những thứ xuất hiện trước mắt?

Vì sao? Vì thế giới đang thay đổi quá nhanh trước sự bùng nổ của công nghệ. Dừng học đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau.

Trở về Việt Nam, tôi làm truyền thông cho một công ty công nghệ với nhiều mảng liên quan đến AI (trí tuệ nhân tạo). Phần nào trong tôi hiểu được, thế giới đang bước từ trang 1.000 sang trang 1.001 ra sao. AI sẽ bám rễ rất sâu vào cuộc sống ở hiện tại và tương lai và xu hướng này sẽ khó có thể đảo ngược.

Ở tuổi 31, việc học với tôi vẫn diễn ra mỗi ngày. Tôi phải đọc thêm tài liệu về AI, về Machine learning, những lĩnh vực mà dân truyền thông không phải ai cũng quan tâm. Khi nguồn tài liệu tiếng Việt hạn chế, tôi phải mở rộng phạm vi tìm kiếm tài liệu đọc bằng tiếng Anh. Tôi là một người trẻ cuối Gen Y nhưng rất nhiều kiến thức công nghệ cơ bản vẫn tụt hậu hơn so với các bạn nhân viên Gen Z. Khi đó, tôi nhìn thấy việc “học tập suốt đời” mở rộng hơn so với việc chỉ đọc sách hay trau dồi kiến thức trong nhà trường. Chúng ta học được cả ở những người xung quanh, học qua công việc, học qua trải nghiệm….

Và tôi càng tin rằng chủ trương “Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học” là rất cần thiết và đúng đắn.

Nhưng dù chọn lựa cách học nào, bạn vẫn cần một cái gốc để bám vào: Tinh thần học tập suốt đời. Chúng ta phải nhìn nhận nó như hơn cả một kỹ năng mà là một tư duy để có thể phát triển trong thế giới này. Và để ở tuổi ngoài 20, ngoài 30 có được tư duy như vậy, học sinh cần được nhắc nhớ về câu chuyện học tập suốt đời ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là lý do vì sao, tôi tin rằng học tập suốt đời nên là một hành trang cần được trang bị cho học sinh, hay nhìn rộng hơn là mỗi đứa trẻ, từ khi bắt đầu bước vào thế giới.

Song, hãy đừng nói về “học tập suốt đời” như một từ khóa thời thượng, một điều quá xa vời với con trẻ. Phải cho các em nhìn thấy, học tập suốt đời sẽ giúp thích ứng ra sao với một thế giới không ngừng thay đổi, bằng câu chuyện và bằng số liệu. Phải cho học sinh biết được chính xác những công cụ các em cần để học tập suốt đời. Tiếng Anh là một trong số đó. Tư duy mở, thái độ cầu thị, tinh thần chủ động, làm việc độc lập…. cũng là những nhóm kỹ năng cần thiết để học tập suốt đời.

Đôi khi, tôi tránh dùng từ “học tập suốt đời” khi nói chuyện với học sinh. Ở trong một độ tuổi mà nhiều em vẫn không thấy được ý nghĩa của việc học, “học tập suốt đời” trở thành một bóng ma đeo đuổi các em. Tôi sẽ chỉ cho các em bức tranh thực tế đang diễn ra, điều gì sẽ xảy ra hoặc không xảy ra nếu chúng ta không thay đổi. Khi đó, khái niệm sẽ trở nên dễ hiểu và cách tư duy, thói quen tốt sẽ dần hình thành trong mỗi đứa trẻ.

Dù bạn đang ở giai đoạn nào trong cuộc sống, bạn đã tích lũy được cho mình bao nhiêu kiến thức, thực tế rằng sẽ luôn có điều gì mới để bạn có thể học được, và những điều mới sẽ đến rất nhanh – như cách AI và công nghệ đang bủa vây thế giới. Duy trì một tư duy mở không chỉ giúp bạn trong công việc mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống. Chúng ta đã chập chững bước sang những dòng đầu tiên của trang 1.001 và chắc chắn, để đọc hết trang đó đòi hỏi bạn đi trên một chuyến tàu lượn với nhiều thay đổi.

Tôi tin rằng, thế giới sẽ tốt đẹp hơn khi mỗi người luôn đeo đuổi việc học, bằng một cách này hay cách khác.

Theo DÂN TRÍ

Tags: , , ,