Tập Cận Bình mạnh hơn Donald Trump: Thế giới sẽ ra sao?

Đây dường như là thời điểm nước Mỹ của Donald Trump đang “lùi lại” và tạo ra khoảng trống quyền lực trên trường quốc tế. Thế giới không hề mong muốn một nước Mỹ theo “chủ nghĩa biệt lập” hoặc một Trung Quốc với quyền lực nằm trọn trong tay Tập, nhưng dường như cả hai thứ đó lại đang cùng tồn tại.

Các tổng thống Mỹ thường có thói quen mô tả những người đồng cấp Trung Quốc của mình bằng những ngôn từ hoa mỹ. Richard Nixon nói với Mao Trạch Đông rằng các tác phẩm của vị Chủ tịch này đã làm “thay đổi thế giới”. Jimmy Carter thì sử dụng những tính từ mang tính “tâng bốc” để nói về Đặng Tiểu Bình như “lịch sự, mạnh mẽ, thông minh, thẳng thắn, dũng cảm, ưa nhìn, tự tin, thân thiện”. Còn Bill Clinton mô tả Giang Trạch Dân là người “có tầm nhìn” và “có trí tuệ xuất chúng”. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump cũng không phải ngoại lệ. Tờ Washington Post (Mỹ) cho biết Trump từng nói rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có lẽ là nhân vật “quyền lực nhất” của quốc gia này trong thế kỷ qua.

Có thể Trump đã đúng. Và nếu không phải vì muốn né tránh “một sự tự sát chính trị”, hẳn Trump đã nói rằng “Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới”. Một điều chắc chắn là nền kinh tế Trung Quốc vẫn chỉ đứng thứ hai thế giới – sau Mỹ, và quân đội nước này dù đã tăng cường được sức mạnh một cách nhanh chóng song nếu so với Mỹ thì vẫn thua kém hơn nhiều. Tuy nhiên, sức mạnh kinh tế và quân sự không phải là tất cả. Mỹ vẫn là cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, nhưng ở trong nước, nhà lãnh đạo hiện nay của Mỹ lại “yếu” hơn và ít có ảnh hưởng ở nước ngoài hơn so với những người tiền nhiệm gần đây, do ông ấy coi thường những giá trị cũng như những liên minh vốn đã tạo nên ảnh hưởng của Mỹ. Trong khi đó, nhà lãnh đạo của quốc gia đông dân nhất nhất thế giới lại có vẻ đường hoàng tự tin với thế giới bên ngoài. Quyền lực của Tập Cận Bình đã được củng cố mạnh mẽ hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào kể từ thời Mao Trạch Đông. Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông là một nước nghèo khổ và hỗn loạn, nhưng dưới thời Tập Cận Bình lại là một động cơ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

Quyền lực của ông Tập Cận Bình sẽ sớm được xác lập một cách đầy đủ sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến diễn ra vào ngày 18/10 tới. Đây là lần đầu tiên Tập Cận Bình chủ trì một Đại hội đảng với sự tham dự của 2.300 đại biểu trên cả nước. Rất nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi: Tập Cận Bình sẽ sử dụng quyền lực tối cao của mình như thế nào? Trong hàng loạt chuyến công du nước ngoài, Tập Cận Bình luôn tự coi mình là người đề xướng hòa bình và tình hữu nghị, và là người có tiếng nói trong một thế giới đầy lo âu và hỗn loạn. Trong khi đó, Trump lại không dễ dàng làm được như vậy. Tại Diễn đàn Davos hồi tháng 1/2017, Tập Cận Bình đã hứa hẹn với các nhà lãnh đạo thế giới rằng ông sẽ thành công trong chiến lược toàn cầu hóa, tự do thương mại và Hiệp định Paris về vấn đề biến đổi khí hậu. Những lời nói đó của Tập Cận Bình đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế bởi Trung Quốc đang sở hữu kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” về tên gọi có vẻ khó hiểu, nhưng thông điệp là rất rõ ràng: Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm tỷ USD ở nước ngoài với các dự án về đường sắt, hải cảng, nhà máy điện và hạ tầng cơ sở khác góp phần đưa cả thế giới đến sự thịnh vượng.

Đó là kiểu lãnh đạo mà nước Mỹ không còn thể hiện kể từ Kế hoạch Marshall. Tập Cận Bình cũng đang thực hiện dự án thể hiện sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở nước ngoài. Trong năm 2017, Tập Cận Bình đã cho triển khai căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở Djibouti. Ông cũng cho phép lực lượng hải quân Trung Quốc tham gia tập trận ở những khu vực xa xôi, bao gồm cả cuộc tập trận hồi tháng 7 vừa qua ở Biển Baltic, ngay sân sau của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Có thể, Tập Cận Bình nghĩ rằng việc tập trung quyền lực trong tay một người là “sự bình thường mới” của đời sống chính trị ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đó không phải là “bình thường” mà là “nguy hiểm”. Không ai có thể có được nhiều quyền lực như vậy. Quyền lực tập trung vào một người cuối cùng cũng dẫn đến sự mất ổn định ở Trung Quốc như đã từng xảy ra dưới thời Mao Trạch Đông và cuộc Cách mạng Văn hóa. Nó cũng là nguyên nhân dẫn đến những cách hành xử chuyên quyền độc đoán ở nước ngoài, đặc biệt lo ngại khi đúng vào thời điểm nước Mỹ của Donald Trump đang “lùi lại” và tạo ra khoảng trống quyền lực trên trường quốc tế. Thế giới không hề mong muốn một nước Mỹ theo “chủ nghĩa biệt lập” hoặc một Trung Quốc với quyền lực nằm trọn trong tay Tập, nhưng dường như cả hai thứ đó lại đang cùng tồn tại.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG / THE ECONOMIST

Tags: , , , ,