Sex hay sự biến thái trong văn học trẻ Việt Nam?

Văn học trẻ nhiều năm trở lại đây, đang khoác trên mình cái “mốt thời thượng” – đấy là tự đánh bóng tên tuổi mình bằng những trang viết về sex.

Sex hay sự biến thái trong văn học trẻ Việt Nam?

Tính dục trong văn học là một vấn đề không mới, nó đã định hình từ rất lâu ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, nó lại là một vấn đề khá nhạy cảm trong văn học Việt Nam.

Bởi xét cho cùng, ngay ở những nước mà các giá trị văn hóa được xác lập một cách chắc chắn thì việc phân biệt giữa tác phẩm khiêu dâm, vi phạm đạo đức nhân bản, và tác phẩm dùng sex để biểu hiện những khát khao chân thực của con người, thậm chí cao hơn nữa, nó mang trong mình những giá trị văn chương nghệ thuật thì bao giờ cũng là một việc khó khăn.

Cho dù hiện nay hầu hết những người viết trẻ, dù ít dù nhiều đều đã đưa vào tác phẩm của mình những “cảnh nóng” với những ngụ ý cụ thể của tác phẩm, nhưng xét đến cùng, những câu truyện ấy, đều đã đi qua và lẫn vào trong vô số những câu chuyện tình tang thời hiện đại mà không để lại trong lòng công chúng vài ba dư âm của nội dung lẫn nghệ thuật.

Thế hệ 7X, 8X với một sự hối thúc từ nhu cầu tự thân và ảnh hưởng từ nhiều luồng văn hóa đương đại, họ đề cập đến lĩnh vực nhạy cảm này tương đối nhiều trong tác phẩm của mình. Họ nói đến nhục dục một cách rất tự nhiên, thậm chí, đôi khi họ còn cho rằng, những ai không viết về sex, hay không biết về một tác phẩm sex gây sốc trong thời gian gần đây đã là một sự tụt hậu về nhận thức văn học.

“Trưng” ra cái “mác” hiện đại nhưng kỳ thực, bên trong nó, ẩn chứa cả sự bế tắc, thậm chí là ngõ cụt, họ lạm dụng quá nhiều ngôn từ liên quan đến dục tính chốn phòng the, thậm chí nhiều người viết còn liệt kê tỉ mỉ các “bộ phận” của giới tính, không hề gượng tay để mô tả việc yêu đương, làm tình. Sau cuộc “mây mưa” đó là sự thác loạn của ý nghĩ, sự rống rễnh của tâm hồn và thể xác.

Cũng chính “đời sống mạng” đã bắt đầu tạo ra những ảo tưởng nhầm lẫn cho những người viết trẻ rằng họ đã chạm tới “đỉnh” của văn học đương đại. Họ tạo nên một trào lưu viết về sex để cùng chạy đua như một mốt thời trang. Họ cho rằng lớp nhà văn già đã quá “cũ kỹ” nên dành “chiếu” cho lớp trẻ. Chính sự ảo tưởng đó đã tạo ra một lớp nhà văn “ăn xổi”. Họ xuất hiện một lần và cũng “ra đi mãi mãi”.

Thậm chí, có một nữ tác giả còn lên tiếng: “Tình dục là căn bản để nhận diện thơ trẻ. Thơ nói về tình yêu, chăn gối thời nào cũng có, nhưng để tình dục bước chân mạnh mẽ vào văn chương thì phải tìm ở ngôn ngữ thơ ca hiện đại”.

Theo tác giả này, văn thơ dục tính đang là thuộc tính của các nhà thơ trẻ. Tuy nhiên, theo như khảo sát của người viết, rất may, điều đó chỉ phục vụ số ít độc giả như một sự tò mò, thích thú nhất thời. Nó không cho người đọc mảy may một một thông điệp nào đó về tình yêu, hôn nhân, cao hơn nữa, đó là những ý đồ nghệ thuật và sự đổi mới trong thi pháp.

Cuối cùng những trang văn ở lại, được đại đa số người nhớ và nằm lòng vẫn là những tác phẩm nói lên nỗi khát vọng nhân bản về tình yêu, hạnh phúc…

Có thể nói, sự tiếp biến văn hóa phương Tây, gần hơn là Trung Quốc với một loạt các tác phẩm viết về sex như “Điên cuồng như vệ tuệ”, “Quạ đen”, “Búp bê Bắc Kinh”, “Triền miên nước và lửa”, “Thiếu nữ đánh cờ vây”… đã cho giới viết trẻ có một cái nhìn “thoáng” hơn về dục tính. Viết về tính dục cũng là một con đường đi ngắn hơn, dễ “nổi đình nổi đám” hơn.

Nhưng, con đường ngắn nhất chưa phải là con đường gần nhất. Sự trần trụi hóa nhục dục trong các tác phẩm văn học trẻ là một điều không còn xa lạ nữa, nhưng chính vì thế, văn học trẻ đang đi vào sự thừa ứ các tác phẩm nhàn nhạt kiểu “chưa đọc đã biết nói gì rồi” thì đang là một sự báo động cho thị hiếu thẩm mỹ thưởng thức văn học trẻ.

Nhà phê bình văn học Hoài Nam:
Chuyện sex trong văn trẻ khiến tôi liên tưởng tới chuyện nude trong nhiếp ảnh. Một bức ảnh nude sẽ là tác phẩm nghệ thuật hay chỉ là phương tiện khiêu dâm? Câu trả lời theo tôi khá đơn giản: tùy thuộc vào việc bức ảnh ấy đẹp hay xấu. Đẹp: nó là nghệ thuật. Xấu: nó là trò khiêu dâm. Và như vậy, một trong những hệ quả mà ta có thể rút ra từ đây là: Nếu anh ta bất tài, sản phẩm của anh ta vẫn cứ là một khiêu dâm! Nói vậy để trở lại với chủ đề chính: Dường như chúng ta – cả tác giả và người đọc – vẫn không sao thoát khỏi một thứ chủ nghĩa đỏ mặt về sex.

Chúng ta luôn biện hộ, hoặc công kích những trang viết về sex trên cùng một nguyên tắc nhận thức: cái sex được mô tả trong tác phẩm ấy, nó có nói lên được cái khác ngoài nó không? Đã mấy ai coi việc viết về sex như một hành vi mang tính mục đích tự thân? (Cho dẫu ta vẫn dễ gật đầu với nhau rằng sex là một chiều kích cơ bản trong đời sống và ta hoàn toàn có quyền đề cập đến nó trong sáng tác). Thử đọc những trang viết về sex (dày đặc) trong tác phẩm của Haruki Murakami hoặc “Những kẻ thiện tâm” của Jonathal Littel, chẳng hạn, tôi tin rằng bất cứ ai cũng thấy trong mình hai cảm giác: cái sex của họ “sống” và “thật”.

Đọc những trang tương tự của nhà văn Việt – cả trẻ và già – cá nhân tôi không thấy xuất hiện trở lại những cảm giác đó! Vấn đề chủ yếu là tài năng chăng, hay ở đây còn có một nguyên nhân: sự tiên thiên bất túc về văn hóa tình dục nằm trong chính truyền thống văn hóa của người Việt chúng ta?

Nhà văn Di Li: Một số người cho rằng sex là xu hướng mới của văn học trẻ, thậm chí có người còn chia sex thành một thể loại văn học tính dục riêng. Tôi cho rằng không phải. Sex chỉ là một phần nội dung của cuốn sách, cũng như những nội dung chính trị, chiến tranh, hình sự hay tình ái, cho dù ý nghĩa không tương đương, hơi khập khiễng, nhưng về logic nội hàm thì đúng như vậy. Cho dù là chủ đề gì, nếu chứa đựng đầy đủ giá trị tinh tế về chân thiện mỹ thì hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Nhiều nhà phê bình và độc giả cho rằng các tác giả viết về sex của chúng ta không thành công, không được như… nước ngoài. Tôi cho rằng thế này, văn không hẳn là phản ánh hoàn toàn con người của tác giả nhưng phần nào đã phản ánh những gì mà tác giả đã thu nhận từ cuộc sống rồi vô thức viết thành giấy trắng mực đen. ở các nước phương Tây, họ có cuộc cách mạng tình dục từ thập niên 60 của thế kỷ trước, vì thế tư tưởng của họ rất khác chúng ta.

Đứa trẻ con sinh ra cũng được giáo dục và thu nạp thông tin từ cuộc sống khác trẻ con của ta. Còn các tác giả mình chỉ bắt đầu tiếp nhận “hệ tư tưởng mới” ngót hơn một thập kỷ, các thông tin manh mún, trong khi về cơ bản vẫn thuần là người Việt.

Thành thử áp dụng như “nước người” thấy không ổn là điều dễ hiểu, nếu chưa nói là không thể làm được. Nhiều tác giả cho rằng tình dục cũng như cơm ăn nước uống hàng ngày. Nhưng cũng chính vì nó là chuyện “thường ngày”, là chuyện mà ai cũng biết nên thể hiện thế nào cho thanh thoát và hấp dẫn lại càng khó. Còn nếu cứ lấy chuyện sao Hỏa, sao Kim, là những chuyện mà không ai biết, lại còn dễ hơn nhiều.

Theo HỘI NHÀ VĂN

Tags: , ,