⠀
Nững câu chuyện kỳ lạ về sứ thần trong lịch sử Việt Nam
Sử sách nước ta ghi rằng, ba nghìn năm trước, đã bắt đầu có những chuyến đi sứ đầu tiên sang nước ngoài. Lịch sử bang giao của nước ta khởi nguồn xa như vậy.
Những món cống phẩm đặc biệt
Sử Trung Quốc ghi nhận, đời vua Thành Vương nhà Chu (khoảng 1060 -1010 trước Công nguyên), lần đầu tiên có sứ thần nước ta sang thăm nhà Chu, xưng là người Việt Thường thị. Sứ thần dâng lên thiên tử nhà Chu lễ vật là chim trĩ trắng. Tuy nhiên, quan nhiếp chính nhà Chu là Chu Công (tức Cơ Đán), nói rằng: “Nước nào chính lệnh không đến thì người quân tử không bắt họ thần phục”. Sau đó, thiên tử nhà Chu sai làm xe chỉ Nam (có nam châm chỉ về hướng Nam) để đưa sứ giả về nước.
Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, dù nhiều vị vua đã xưng là hoàng đế nhưng trong quan hệ bang giao với các triều đại Trung Quốc, vua nước ta vẫn tỏ ra nhún nhường, không tự nhận đế hiệu và nhận phong vương của các vua Trung Quốc. Các triều đại Việt Nam thường tiến cống cho hoàng đế Trung Quốc những sản vật độc đáo của đất nước mà sử sách vẫn còn ghi lại.
Thời Triệu Đà, vị vua cai trị cả vùng Lưỡng Quảng ở Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam, đã tự xưng làm Nam Việt Hoàng đế. Khi Hán Văn đế lên ngôi, sai Lục Giả đưa thư sang khuyên, Triệu Đà mới bỏ đế hiệu, viết thư phúc đáp, rồi sai sứ đem sang cống nhà Hán những loại đặc sản quý hiếm gồm một đôi ngọc trắng, một bộ sừng tê giác, 500 con đồi mồi, 1.000 con chim trả, một đôi khổng tước và một hộp quế đố (cà cuống).
Sau một nghìn năm Bắc thuộc, từ các vua Đinh, Lê gây dựng nền tự chủ, đã tiếp tục áp dụng chính sách ngoại giao mềm dẻo, khi cho sứ sang kết nối bang giao với triều vua Trung Quốc. Sứ đoàn đầu tiên của nước Việt Nam tự chủ sang sứ Trung Quốc do chính hoàng tử trưởng Đinh Liễn, con trai Đinh Tiên Hoàng sang thăm nhà Tống. Ban đầu, nhà Tống phong Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ quận vương. Đến triều Tiền Lê, năm 997, Lê Đại Hành được gia phong lên tước Nam Bình vương. Qua triều Lý, nhà Tống ban đầu cũng chỉ sắc phong cho các vua đầu triều tước Quận vương, rồi Nam Bình vương. Phải đến năm 1175, vua Lý Anh Tông lần đầu được phong làm An Nam quốc vương.
Cống phẩm của sứ đoàn nhà Đinh, Tiền Lê sang nhà Tống được ghi nhận có vàng, bạc, châu báu, tê giác, ngà voi, cùng hàng loạt các loại hương liệu quý bạch phấn y hương, giáng chân hương, trầm hương, tốc hương, mộc hương, hắc tuyến hương, chỉ phiến, tử giáng hương, hạt cau, sa nhân, chu sa, tô hợp dầu…
Thời Lý, nhiều lần sứ đoàn Đại Việt mang cống vua Tống voi, như năm Thông Thụy thứ nhất (1034), tháng 8, sứ đoàn sang hiến nhà Tống 2 con voi nhà. Các năm 1042, 1123, 1126, sử đều ghi việc sứ nhà Lý đem voi nhà sang hiến nhà Tống. Năm 1164, nước ta đem hiến đến 15 con voi nhà. Sau vua Tống Cao Tông cho là thú vật đi xa, người cũng vất vả nên mới lệnh đình chỉ việc hiến voi. Nhưng, khi Tống Hiếu Tông lên nối ngôi, có lễ Nam Giao, lại sai kinh lược Quảng Tây gửi thư sang nước ta mua 10 con voi nhà để phục vụ nghi lễ tế Giao.
Đặc biệt tháng 6 năm 1034 nước ta đem sang hiến một con thú một sừng (nhưng không ghi rõ là thú gì), năm 1118, đem hiến một con tê ngưu (tê giác) trắng, một con tê ngưu đen, năm 1126, cũng hiến tê ngưu bên cạnh voi.
Thời Trần, triều đình đều đặn 3 năm một lần cử sứ đoàn sang cống nhà Nguyên, với cống vật gồm vàng, bạc, đồi mồi, sừng tê giác, ngoài ra còn phải nộp cả nho sĩ, thầy thuốc, thầy bói, thầy tướng số và thợ thuyền, mỗi hạng 3 người.
Sang đến thời Hậu Lê, do quân của Lê Thái Tổ từng đánh bại quân Minh, giết chết 2 đại tướng của nhà Minh là Liễu Thăng và Lương Minh nên cống vật cho mỗi kỳ cống sứ có cả người vàng (đại thân kim nhân) để tế mạng, cùng với các phương vật như lư hương bằng bạc, một đôi bình hoa bằng bạc, 300 tấm lụa, 144 đôi ngà voi, 12 bình huân y hương, 2 vạn nén hương vòng, 24 cây hương trầm…
Các sứ thần học nghề về dạy nhân dân
Không chỉ đại diện cho triều đình, đất nước thực hiện nhiệm vụ bang giao, rất nhiều vị sứ thần Việt Nam còn chịu khó tìm tòi, học hỏi những nghề thủ công ở Trung Quốc để về dạy lại nhân dân, rồi trở thành những vị “tổ nghề” được nhân dân thờ phụng.
Lương Như Hộc (1420 -1501), tự Tường Phủ, hiệu Hồng Châu, quê ở làng Hồng Liễu, huyện Trường Tân (xã Tân Hưng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương ngày nay). Ông đỗ thám hoa khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442). Ông được vua trọng dụng và 2 lần cử sang Trung Quốc. Trong hai chuyến đi này, ông đã tiếp thu được rất nhiều kỹ thuật và đã truyền lại kỹ thuật in khuôn bản gỗ cho người dân quê ông. Phương pháp in khuôn bản gỗ là phương pháp khắc những văn tự trên gỗ và quét mực in lên, sau đó in lên giấy trắng, giấy sẽ được phơi cho khô mực để có bản in hoàn chỉnh.
Tuy Lương Như Hộc không phải là người đầu tiên khởi xướng nghề in ở Việt Nam nhưng ông lại có công rất lớn trong việc cải biến kĩ thuật in ấn mới, tiên tiến hơn tại Việt Nam. Trước đó, nghề in chỉ lưu hành trong hệ thống chính quyền và các cơ sở của đạo Phật. Tuy nhiên, phương pháp in trước đó có rất nhiều hạn chế: không sản xuất số lượng lớn, chất lượng bản in xấu, tốn nhiều công sức và thời gian.
Phải đến khi danh sĩ Lương Như Hộc truyền kĩ thuật in bản mộc vào Việt Nam thì ngành in ở nước ta mới thực sự phát triển. Làng Hồng Liễu đã trở thành trung tâm, cơ sở in ấn quy mô, chuyên nghiệp đầu tiên ở nước ta. Nơi đây sản xuất, in ấn rất nhiều bộ sách nổi tiếng của lịch sử, trong đó phải kể đến là bộ “Đại Việt Sử kí toàn thư”.
Để ghi nhận công lao, dân làng Liễu Chàng đã lập đền thờ, tôn ông làm Thành hoàng làng và coi là tổ nghề của họ. Hiện nay vẫn còn ngôi đình thờ Thám hoa ở làng Liễu Chàng, thường tổ chức lễ hội vào ngày 15 tháng 9 âm lịch hằng năm.
Còn tại xã Quất Động, Thường Tín, Hà Nội, người dân vẫn thờ ông tổ nghề thêu chung của nhiều làng nghề thêu miền Bắc là tiến sĩ Lê Công Hành.
Lê Công Hành, chính tên là Trần Quốc Khái, sinh năm 1606, tại xã Quất Động, tổng Bình Lăng, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ (nay là thôn Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội). Ông mất ngày 12 tháng 6 năm Tân Sửu (1661), thọ 56 tuổi. Ngày giỗ của ông hằng năm vẫn được tổ chức trang trọng với tư cách ngày giỗ tổ nghề của những làng sinh sống bằng nghề thêu.
Lê Công Hành thi đỗ tiến sĩ đời vua Lê Chân Tông, sau đó năm 1646 được cử đi sứ Trung Quốc. Chuyến đi để lại giai thoại về việc ông bị nhốt trên lầu cao, ở đó, ông đã tỉ mẩn dỡ từng đường chỉ thêu trên tấm nghi môn để tìm hiểu cách thêu và cách làm lọng. Sau khi về nước, ông đã đem nghề thêu dạy cho dân làng Quất Động quê nhà. Dần dần nghề thêu phát triển sang các làng khác ở tỉnh Hà Đông cũ như Đông Cứu (Huyện Thường Tín), Thọ Nam (huyện Hoài Đức), Đại Nghĩa (huyện Thường Tín). Nghề thêu còn lan sang các tỉnh bạn như Bắc Ninh, Hưng Yên. Nhiều người ở những làng thêu thuộc huyện Thường Tín ra Hà Nội hành nghề, lập phường ở các phố Hàng Trống, Hàng Chỉ, Hàng Nón, Hàng Mành, Yên Thái.
Tại nhà số 4 phố Yên Thái, quận Hoàn Kiếm có ngôi đình do những người làm nghề thêu dựng để thờ ông, ngoài cửa phía trên có tấm biển “Tú đình thị” (Đình thợ thêu).
Tại làng Nguyên Bì, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội cũng có ngôi đền do những người dân làm nghề thêu lập nên để thờ ông, dân thường gọi là đền Ngũ Xã (do dân 5 xã lập). Ở đền có tấm bia Vũ Du Tiên sư bi ký ghi lại sự tích của tổ nghề thêu.
Ông Lê Công Hành còn dạy cho dân một số làng nghề làm lọng. Ngày trước, Hà Nội có phố Hàng Lọng (nay thuộc khu vực đường Lê Duẩn, khu vực cạnh ga Hà Nội), ở nơi đây cũng có đền thờ ông Lê Công Hành, tổ sư nghề làm lọng (đền này nay không còn).
Lê Công Hành là tổ nghề thêu và nghề làm lọng không có nghĩa là trước đó, người Việt Nam chưa ai biết thêu và làm lọng. Sử sách xưa ghi lại rằng từ thời Trần đã sử dụng lọng để phân biệt cao thấp và vua Trần đã gửi tặng vua Nguyên một đệm vóc đỏ thêu chỉ vàng, một tấm thảm gấm viền nhiễu. Tuy nhiên, phải sau khi Lê Công Hành truyền nghề, thì các nghề này ở nước ta mới phát triển.
Trước đó, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan trong khi đi sứ sang nhà Minh cũng đã học các nghề dệt the lượt mỏng và đem hạt giống ngô, vừng về dạy nhân dân trồng trọt, nhờ đó, ông cũng được tôn là tổ của các nghề này.
Trần Lư, tiến sĩ đời Lê Hiến Tông, khi đi sứ sang nhà Minh, qua làng Quảng Mỹ, tỉnh Hồ Nam, đã học nghề sơn son thiếp vàng để về dạy cho dân làng Bằng (Bình Vọng), xã Văn Bình, huyện Thượng Phúc (Thường Tín, Hà Nội ngày này). Ông được tôn làm tổ nghề sơn.
Cuối triều Lê mạt, sứ thần Vũ Đức Uy sau chuyến đi sứ sang nhà Thanh về cũng đã truyền dạy cho dân làng Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) nghề dệt thao và được thờ làm tổ nghề này. Tương truyền, ông còn dạy cho dân làng các nghề khác như làm chổi lông gà, hoa lông vịt, tóc độn, chân chỉ y môn, dân đàn bằng tơ tằm và quai thao cho nón.
Những sứ thần đầu tiên sang phương Tây
Sau khi quân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam bộ năm 1862, triều đình nhà Nguyễn đã có nhiều nỗ lực để cứu vãn tình hình và theo đó, cả hai phía đều có những sứ đoàn đàm phán tại Huế và Nam bộ. Vua Tự Đức đã cử sứ bộ sang Pháp để điều đình vào năm 1863. Đây là lần đầu tiên, một sứ bộ Việt Nam lên đường sang phương Tây và đoàn cũng đã lưu lại những bức hình lịch sử tại Pháp. Sứ đoàn do Hiệp biện Đại học sĩ Phan Thanh Giản làm Chánh sứ, Lại bộ Tả tham tri Phạm Phú Thứ làm Phó sứ, Án sát Quảng Nam Ngụy Khắc Đản làm Bồi sứ. Trong cuốn “Phan Thanh Giản – nhà ái quốc, người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại” của hai tác giả Phan Thị Minh Lễ và Pierre Ph. Chanfreau (Phan Tín Dụng dịch, NXB Hội Nhà văn 2019), các tác giả đã tìm số tạp chí LIllustration, Journal Universel năm 1863 để biết rằng, sứ bộ có tới 70 người. Bài báo, được các tác giả đưa vào cuốn sách, mô tả những chi tiết mà người Pháp cảm thấy tò mò về những vị sứ giả đến từ phương xa này: “Các sứ thần thường mảnh khảnh và nhỏ bé, tóc dài và đen tuyền, mắt rất đen cũng như răng… Ba đại sứ mặc áo lụa thêu chỉ vàng… Họ hầu như luôn cầm trên tay một thẻ ngà, phù hiệu cấp bậc của họ. Các quan thì có tất lụa rất dày và bàn chân bị nhét trong đôi giày Trung Hoa, mặt giày bằng vải rất chắc chắn và đế nỉ, cong kiểu cách Trung Hoa, dày không dưới 5 xen ti mét”. |
Theo LÊ TIÊN LONG / AN NINH THẾ GIỚI
Tags: Giai thoại lịch sử, Tổng quan sử Việt, Việt Nam và quốc tế