⠀
Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn: Bài ca hàn gắn đau thương
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001) không chỉ được công chúng yêu thích bởi những bản tình ca đôi lứa, mà còn được đông đảo tầng lớp xã hội hâm mộ bởi những khúc hát kêu gọi hòa bình và hòa giải dân tộc.
Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, dòng ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn đã lan tỏa và có sức thuyết phục mạnh mẽ đối với người Việt Nam đang khao khát chấm dứt chiến tranh.
Thấu hiểu nỗi đau từ bom đạn, Trịnh Công Sơn mong mỏi “Ta phải thấy mặt trời” an vui: “Triệu trái tim người rộn ràng chờ triệu bước chân người cứ mãi tiến lên. Ta phải thấy, ta phải thấy một ngày, hoà bình rực sáng quanh đây”. Không chỉ “Chờ nhìn quê hương sáng chói” một cách âm thầm: “Chờ mai này ta dậy trong tiếng hò reo. Chờ cho lòng căm thù đến lúc chìm sâu. Chờ hoà bình đến. Chờ tiếng bom im. Chờ bước đi trên những con đường không chông mìn. Chờ đường giao thông chấp nối chuyến xe qua ba miền”, Trịnh Công Sơn cổ vũ “Việt Nam ơi, hãy vùng lên” một cách quyết liệt: “Ðường hôm naу dân ta đi tới, quуết không còn một ngàу u tối. Ðường hôm naу dân ta đi tới, những tim người rực ngời nắng mai”.
Mang trái tim nghệ sĩ nhạy cảm trong giai đoạn đất nước cam go, Trịnh Công Sơn luôn dạt dào ước mơ được làm một đứa trẻ hát “Đồng dao hòa bình” cho muôn người: “Hai mươi năm ngục tù sẽ quên, hôm nay chén rượu nồng mừng uống cho vui mẹ, cho vui cha, cho vui con cho vui những vợ chồng. Đường Việt Nam hôm nay có bước chân tự do. Người Việt ta hôm nay sống với nhau thật thà” và ông cũng ấp ủ những dự định “Tôi sẽ đi thăm” chân thành: “Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm. Tôi sẽ đi thăm, làng xóm thành đồng, đi thăm từng khu rừng cháy nám. Khi đất nước tôi không còn giết nhau. Mọi người ra phố mời rao nụ cười”.
Trịnh Công Sơn từng có bao đêm ôm đàn hát với phong trào giới trẻ tranh đấu ở miền Nam về niềm tin “Huế – Sài Gòn – Hà Nội” ngày non sông liền một dải: “Ngựa bay trong gió lòng reo muôn vó, cho dân ta bừng lớn trong tự do. Bắc Nam Trung ơi tình nghĩa mặn nồng, ước ra ngoài một lần diệt vong, dựng mái nhà chung”. Cho nên, trưa ngày 30/4/1975, nhạc sĩ tài hoa này đã có mặt tại Đài phát thanh Sài Gòn để bày tỏ tình cảm đích thực của mình: “Tôi- nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất vui mừng và cảm động được gặp và nói chuyện với anh em văn nghệ sĩ ở miền Nam Việt Nam. Hôm nay là cái ngày mơ ước của tất cả chúng ta, đó là ngày chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam. Cũng như những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và thống nhất, thì hôm nay chúng ta đã có được kết quả đó… Tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam kết hợp chặt chẽ với Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam… Đây là cơ hội đẹp đẽ và duy nhất để đất nước Việt Nam thống nhất và độc lập. Tôi xin tất cả các bạn thân hữu cũng như những người chưa quen với tôi, xin ở lại để xây dựng quê hương”.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, lời kêu gọi được ghi âm và phát đi vào giờ phút lịch sử của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn còn vang vọng trong lòng khán giả nhiều thế hệ. Vào thời khắc ấy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tự hát ca khúc “Nối vòng tay lớn” bằng giọng mộc của mình mà không có bất kỳ nhạc cụ nào hỗ trợ: “Rừng núi giang tay nối lại biển xa. Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà. Mặt đất bao la anh em ta về, gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng. Bàn tay ta nắm nối liền một vòng Việt Nam”.
Không thể nói khác hơn, “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được hát lên như một khúc hoan ca rộn ràng và ấm áp trong ngày 30/4 và khi nhớ về ngày 30/4!
Theo BÁO HẢI QUAN
Tags: Âm nhạc, Hòa giải dân tộc, Trịnh Công Sơn, 30/4/1975