Noam Chomsky: Ai cai trị thế giới này?

Phần lớn dân số, ở cuối thang đo thu nhập/tài sản, trên thực tế bị loại bỏ khỏi hệ thống chính trị, ý kiến và thái độ của họ bị những người đại diện chính thức của họ bỏ qua, trong khi một nhóm nhỏ ở đầu lại có ảnh hưởng áp đảo…

Noam Chomsky: Ai cai trị thế giới này?

Noam Chomsky là Giáo sư Danh dự (Institute Professor Emeritus) tại Khoa Ngôn ngữ học và Triết học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts. Dưới đây là Lời giới thiệu cuốn sách của ông, Who Rules the World? (Metropolitan Books, xuất bản ngày 10/5/2016).

Biện dịch: Nguyễn Huy Hoàng.

Câu hỏi mà nhan đề cuốn sách này đưa ra không thể có một câu trả lời đơn giản và rõ ràng. Thế giới này quá đa dạng, quá phức tạp, để có thể có một câu trả lời như vậy. Nhưng không khó để nhận ra những khác biệt sắc nét trong khả năng định hình các vấn đề quốc tế, và để xác định các tác nhân nổi bật và có ảnh hưởng hơn.

Trong số các nhà nước, kể từ sau Thế chiến II Hoa Kỳ là nước đứng đầu, và vẫn là nước đừng đầu. Nó chủ yếu vẫn đặt ra những vấn đề cho dòng tranh luận toàn cầu, từ những mối quan tâm như Israel-Palestine, Iran, Mỹ Latin, “cuộc chiến chống khủng bố,” tổ chức kinh tế quốc tế, các quyền và công lý, và các vấn đề tương tự đến những vấn đề sống còn của nền văn minh (chiến tranh hạt nhân và sự hủy hoại môi trường).

Tuy nhiên, sức mạnh của nó cũng đã suy giảm sau khi đạt đỉnh lịch sử chưa từng có vào năm 1945. Và với sự suy giảm không thể tránh khỏi, quyền lực của Washington đang được chia sẻ ở một mức độ nhất định trong “chính phủ thế giới trên thực tế” của “những ông chủ của vũ trụ,” mượn lời của báo chí thương mại—tức là những cường quốc tư bản hàng đầu (các nước G7) cùng với các thể chế mà họ kiểm soát trong “thời đại đế quốc mới,” như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức thương mại toàn cầu.

“Những ông chủ của vũ trụ” dĩ nhiên không hề là đại diện của người dân các cường quốc thống trị. Ngay cả trong các nước dân chủ hơn, người dân cũng chỉ có tác động hạn chế đối với các quyết định chính sách. Ở Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu nổi tiếng đã đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng “giới tinh hoa kinh tế và các nhóm có tổ chức đại diện cho những lợi ích kinh doanh có tác động độc lập đáng kể đối với chính sách của chính phủ Hoa Kỳ, [trong khi] công dân da trắng trung bình và các nhóm lợi ích dựa trên quần chúng có rất ít hoặc không có ảnh hưởng độc lập”. Kết quả nghiên cứu của họ, các tác giả kết luận, “cung cấp sự hỗ trợ đáng kể cho các lý thuyết về Sự thống trị của giới tinh hoa kinh tế (Economic Elite Domination) và các lý thuyết về Chủ nghĩa đa nguyên thiên vị (Biased Pluralism), mà không phải cho các lý thuyết về Dân chủ bầu cử đa số (Majoritarian Electoral Democracy) hay Chủ nghĩa đa nguyên đa số (Majoritarian Pluralism)”.

Các nghiên cứu khác đã chứng minh rằng phần lớn dân số, ở cuối thang đo thu nhập/tài sản, trên thực tế bị loại bỏ khỏi hệ thống chính trị, ý kiến và thái độ của họ bị những người đại diện chính thức của họ bỏ qua, trong khi một nhóm nhỏ ở đầu lại có ảnh hưởng áp đảo; và trong một thời gian dài, kinh phí của chiến dịch là một yếu tố dự báo tương đối tốt về những lựa chọn chính sách.

Một hệ quả của điều này là cái gọi là sự thờ ơ: không buồn bỏ phiếu. Nó có một mối tương quan giai cấp đáng kể. Những lý do thích hợp đã được một trong những học giả hàng đầu về chính trị của bầu cử, Walter Dean Burnham, thảo luận cách đây 35 năm. Ông liên kết việc không bỏ phiếu với một “đặc thù so sánh quan trọng của hệ thống chính trị Hoa Kỳ: sự vắng mặt hoàn toàn của một đảng quần chúng xã hội chủ nghĩa hay lao động trong vai trò đối thủ cạnh tranh có tổ chức trong thị trường bầu cử,” điều mà ông cho rằng lý giải phần lớn “tỷ lệ không bỏ phiếu lệch giai cấp” cũng như hạ thấp các lựa chọn chính sách có thể được người dân nói chung hỗ trợ nhưng trái với lợi ích của giới chóp bu.

Những quan sát này vẫn đúng đến ngày nay. Trong một phân tích kỹ lưỡng về cuộc bầu cử 2014, Burnham và Thomas Ferguson cho thấy tỷ lệ bỏ phiếu “gợi lại những ngày đầu của thế kỷ 19,” khi quyền bỏ phiếu gần như bị giới hạn trong nhóm nam giới tự do có tài sản. Họ kết luận rằng “cả bằng chứng thăm dò trực tiếp và lẽ thông thường đều xác nhận rằng số lượng lớn người Mỹ hiện nay thận trọng với cả hai đảng chính trị lớn và ngày càng khó chịu về những triển vọng trong dài hạn. Nhiều người tin rằng một vài lợi ích lớn đang kiểm soát chính sách. Họ mong muốn sự hành động hiệu quả để đảo ngược suy thoái kinh tế dài hạn và bất bình đẳng kinh tế không kiểm soát, nhưng không gì trên quy mô cần thiết sẽ được cung cấp cho họ từ tay một trong hai đảng lớn được thúc đẩy bằng tiền bạc của Mỹ. Điều này chỉ có thể đẩy nhanh sự tan rã của hệ thống chính trị vốn thể hiện rõ trong cuộc bầu cử quốc hội 2014”.

Ở châu Âu, sự suy thoái của dân chủ cũng không ít ấn tượng hơn, khi việc ra quyết định về các vấn đề quan trọng được chuyển sang bộ máy quan liêu Brussels [Liên minh châu Âu] và những quyền lực tài chính mà nó chủ yếu là đại diện. Sự khinh miệt đối với dân chủ của họ bộc lộ trong phản ứng dã man hồi tháng 7 năm 2015 với chính ý tưởng rằng người dân Hy Lạp có thể có tiếng nói trong việc quyết định số phận xã hội của họ, bị phá vỡ bởi các chính sách thắt lưng buộc bụng tàn bạo của troika (ủy ban ba bên)—Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (đặc biệt là các nhân tố chính trị của IMF, chứ không phải những nhà kinh tế của nó, những người đã chỉ trích các chính sách phá hoại). Các chính sách thắt lưng buộc bụng được áp đặt với mục đích được tuyên bố là giảm nợ cho Hy Lạp. Nhưng trên thực tế chúng đã làm tăng nợ so với GDP, trong khi kết cấu xã hội Hy Lạp bị xé tan thành từng mảnh, và Hy Lạp đã phục vụ như một kênh truyền tải các gói cứu trợ tới những ngân hàng Pháp và Đức vốn tạo ra các các khoản vay rủi ro.

Có đôi chút ngạc nhiên ở đây. Chiến tranh giai cấp, thường là đơn phương, có lịch sử lâu dài và cay đắng. Vào buổi bình minh của thời đại tư bản nhà nước hiện đại, Adam Smith đã lên án “những ông chủ của nhân loại” trong thời của ông, “giới thương nhân và giới sản xuất” của Anh, “kiến trúc sư chính yếu” của chính sách, những người đảm bảo lợi ích của mình “được phục vụ đặc biệt nhất,” bất kể tác động “đau thương” đến đâu đối với những người khác (chủ yếu là những nạn nhân của “sự bất công man rợ” của họ ở nước ngoài, nhưng phần lớn cũng là người dân nước Anh). Thời đại tân tự do của thế hệ đã qua đã thêm tác động của riêng nó vào bức tranh cổ điển này, với những ông chủ bước ra từ hàng ngũ đứng đầu của các nền kinh tế ngày càng độc quyền hóa, các tổ chức tài chính khổng lồ và thường trục lợi, các công ty đa quốc gia được quyền lực nhà nước bảo vệ, và các nhân vật chính trị chủ yếu đại diện cho lợi ích của họ.

Trong khi đó, hiếm có ngày nào trôi qua mà không có báo cáo mới về những khám phá khoa học đáng lo ngại về tốc độ tàn phá môi trường. Không hề thoải mái khi đọc được rằng ở những vĩ độ trung bình của bán cầu Bắc, nhiệt độ trung bình đang tăng với tốc độ tương đương với việc di chuyển về phía Nam khoảng 10 mét mỗi ngày, một tốc độ “nhanh gấp khoảng 100 lần so với phần lớn sự biến đổi khí hậu mà chúng ta có thể quan sát được trong lịch sử địa chất”—và có lẽ nhanh gấp 1.000 lần, theo những nghiên cứu kỹ thuật khác.

Không ít ảm đạm hơn là mối đe dọa ngày càng tăng của chiến tranh hạt nhân. Cựu bộ trưởng quốc phòng đầy hiểu biết William Perry, không phải Cassandra, coi “khả năng xảy ra một tai họa hạt nhân ngày nay cao hơn” trong Chiến tranh Lạnh, khi thoát khỏi một thảm họa không thể hình dung nổi gần như là một phép lạ. Trong khi đó các cường quốc lại kiên trì theo đuổi những chương trình “phi an ninh quốc gia” của họ, mượn lời của nhà phân tích lâu năm Melvin Goodman của CIA. Perry cũng là một trong những chuyên gia kêu gọi Tổng thống Obama “phá hủy tên lửa hành trình mới,” một vũ khí hạt nhân có độ chính xác được cải thiện và hiệu năng thấp hơn vốn có thể khuyến khích “chiến tranh hạt nhân hạn chế,” nhanh chóng bị các động lực quen thuộc làm leo thang và dẫn đến thảm họa. Tệ hơn, tên lửa mới có cả hình thức hạt nhân và phi hạt nhân, do đó “một kẻ thù bị tấn công có thể nghĩ đến khả năng tồi tệ nhất và phản ứng thái quá, bắt đầu cuộc chiến tranh hạt nhân”. Nhưng có rất ít lý do để hy vọng những lời khuyên này sẽ được chú ý, khi kế hoạch tăng cường trị giá nghìn tỷ USD của Lầu Năm Góc vào hệ thống vũ khí hạt nhân vẫn tiến triển nhanh chóng, trong khi những quyền lực thấp hơn cũng tiến những bước của riêng mình đến Armageddon.

Những nhận xét trên đây đối với tôi dường như đã phác họa tương đối dàn diễn viên của các nhân vật chính. Các chương tiếp theo sẽ tìm cách khám phá những câu hỏi về ai cai trị thế giới này, họ tiến hành những nỗ lực của mình như thế nào, và chúng sẽ dẫn tới đâu—và làm thế nào “những quần thể dân số tiềm ẩn,” mượn cụm từ hữu ích của Thorstein Veblen, có thể hy vọng vượt qua được sức mạnh của thương mại và học thuyết chủ nghĩa dân tộc và trở nên, theo lời ông, “còn sống và phù hợp để sống”.

Thời gian không còn nhiều.

Theo HOANGHANNOM.COM

Tags: , , , , ,