⠀
Nhân tài Phật giáo và vai trò kiến thiết, tạo lập vương triều Nhà Lý
Nhà Lý trải qua chín đời vua, kéo dài 216 năm, từ năm 1010 đến năm 1225, đã trở thành một trong những vương triều phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Không những là triều đại mở đầu cho nền độc lập tự chủ ổn định lâu dài, trước nhà Lý, các vương triều như Tiền Lý (541 – 547), Ngô (939 – 967), Đinh (968 – 980), Tiền Lê (981 – 1009) đều đã giành độc lập dân tộc song chưa thể duy trì, phát triển nền tự chủ được bền lâu, mà vương triều Lý còn đặt nền móng cho sự phát triển của dân tộc Đại Việt trong suốt lịch sử hàng ngàn năm sau. Việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên là thành Thăng Long (1010), ban bố Hình thư (1042), xây dựng Văn miếu (1072), mở Quốc Tử Giám (1076)… với dụng ý xây dựng, phát triển một đất nước giàu mạnh, hùng cường, pháp chế quốc gia đi vào nề nếp, quy củ, mở mang dân trí, đào tạo nhân tài đã trở thành những việc làm có ý nghĩa lịch sử trong truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Và nhắc đến những thành tựu đó, không thể không nhắc đến vai trò hết sức to lớn của Phật giáo, một tôn giáo đã có quá trình gắn bó, đồng hành cùng dân tộc suốt chiều dài lịch sử. Sự ổn định, vững bền của vương triều Lý, chắc chắn có dấu ấn và sự đóng góp tích cực của Phật giáo, mà cụ thể ở đây là những nhân tài Phật giáo đã đi vào lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng như lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi.
1. Nhân tài Phật giáo thời Lý là nền tảng cho việc gây dựng, kiến tạo vương triều.Vị vua khởi đầu nhà Lý – Lý Công Uẩn, đã được nuôi dưỡng, chăm sóc, và dạy dỗ trong môi trường Phật giáo, vì vậy hẳn nhiên, trong con người ông, tinh thần và triết lý Phật giáo sẽ có những ảnh hưởng nhất định, nếu không muốn nói là giữ vai trò chủ đạo trong mọi quyết sách, đường hướng điều hành đất nước. Và chắc hẳn, trong giai đoạn đầu khi mới lên ngôi báu, trước mầm mống của những bất ổn trong nội bộ đất nước chưa được giải tỏa hết, trước nguy cơ xâm lăng của đế quốc phương Bắc có thể đến bất cứ lúc nào, thì những nhà sư, người đã có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua sẽ phải là những nhà quân sư tích cực phò tá trong việc quản lý và điều hành đất nước. Điều đó cũng là dễ hiểu, lý giải cho việc vì sao khi mới lên ngôi, Lý Thái Tổ đã cho dựng tám ngôi chùa ở Phủ Thiên Đức, lại cho trùng tu chùa quán ở các lộ và độ làm tăng hơn nghìn người ở kinh sư[1]. Việc làm đó, ngoài tấm lòng của một người con Phật, hẳn nhiên còn mang hàm ý của một sự biết ơn đối với một tôn giáo có công giúp gây thành đế nghiệp.
Người nhìn ra sự nghiệp đế vương của Lý Công Uẩn, không ai khác chính là nhà sư Vạn Hạnh, nhân thấy Lý Công Uẩn vẻ mặt khôi ngô, thông minh, tuấn tú khác thường đã khen rằng: Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên, ắt có thể giải nguy, gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ[2]. Nhà sư Vạn Hạnh người châu Cổ Pháp[3], gia đình đời đời thờ Phật. Thuở nhỏ sư đã khác thường, gồm thông ba học[4], nghiên cứu trăm luận[5], xem thường công danh. Năm 21 tuổi sư xuất gia thờ Thiền Ông chùa Lục Tổ làm thầy. Ngoài lúc hầu hạ, sư học tập quên cả mệt mỏi[6].
Thiền sư Vạn Hạnh sống trải qua bốn triều vua, từ Ngô, Đinh, Tiền Lê đến Lý. Với đạo học, trí tuệ của một người con Phật, bằng tinh thần vô ngã vị tha và phá chấp của đạo Phật, ở thời nào, sư cũng đem hết sức lực phục vụ đạo pháp và dân tộc. Với tư cách là một trí thức ưu tú của dân tộc thời bấy giờ, thiền sư Vạn Hạnh đã giúp đỡ vua Lê Đại Hành trong cuộc phá Tống, bình Chiêm. Truyện Vạn Hạnh trong Thiền uyển tập anh có chép: Hoàng đế Lê Đại Hành ngày càng thêm tôn kính. Năm Thiên Phúc thứ nhất (981), Hầu Nhân Bảo nhà Tống đến cướp, đóng quân giáp Lạng Sơn, Vua mời sư đến hỏi về chuyện thắng, bại. Sư đáp trong ba, bảy ngày giặc phải lui. Sau quả đúng như vậy. Vua muốn đi đánh Chiêm Thành, cùng triều thần bàn luận mà chưa quyết, sư tâu vua xin cấp tốc tiến quân, không để mất cơ hội. Sau đánh quả nhiên toàn thắng[7].
Sau khi đất nước thái bình, thịnh trị, sư chuyên tâm lo Phật pháp. Việc vua Lê Đại Hành cho người sang nhà Tống xin kinh Phật và việc Nam Việt Vương Đinh Liễn cho khắc một trăm tràng kinh Phật hẳn là có sự tư vấn của các nhà sư Khuông Việt hoặc Pháp Thuận hoặc Vạn Hạnh. Đến cuối triều Tiền Lê, khi xã tắc đứng trước nguy cơ của sự đổ vỡ, trong triều ngoài nội mục nát, vua Lê Ngọa Triều làm nhiều điều tàn ác, lòng dân ta oán, đây chính là lúc cần lựa chọn sáng suốt một đấng minh quân, có tài kinh bang tế thế, có thể cứu nguy vận nước, đem lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Chính ở đây, tinh thần phá chấp của Phật giáo đã phát huy giá trị và vai trò của mình. Rõ ràng tinh thần trung quân mà Nho gia đề xướng là “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” sẽ không thể tìm ra hướng giải quyết trong trường hợp này. Và vì thế, cùng với vị trí đang nắm giữ trong triều đình của Lý Công Uẩn, với sự giúp đỡ của Đào Cam Mộc và sự hỗ trợ rất lớn của thiền sư Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn đã có đủ điều kiện về mọi mặt để đăng cơ lên ngôi hoàng đế. Với tinh thần Phật giáo mà nhà vua đã được học tập trong những năm tuổi thơ, với sự giúp đỡ của một vị sư như Vạn Hạnh, người mà danh tiếng về đạo hạnh và trí tuệ đã được lưu truyền, thì nhà vua có thể hoàn toàn tin tưởng và yên tâm để gánh vác trọng trách quốc gia, lãnh nhiệm vụ cứu nguy cho muôn dân khỏi cảnh lầm than, đau khổ.
Để chuẩn bị cho việc lên ngôi của Lý Công Uẩn, đảm bảo chắc chắn sự thắng lợi của việc làm đó, việc trước tiên, thiền sư Vạn Hạnh cùng những người có ý phò tá Lý Công Uẩn cần làm là thu phục nhân tâm trong thiên hạ còn đang rối bời chưa biết trông ngóng về đâu. Chính những việc làm mang màu sắc huyền tích như việc ở viện Cảm Tuyền, chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp có con chó đẻ con sắc trắng có đám lông đen thành hình hai chữ “thiên tử”. Kẻ thức giả nói rằng đó là điềm năm Giáp Tuất sinh người làm thiên tử. Đến nay, vua sinh năm Giáp Tuất lên làm thiên tử, việc đó thực ứng nghiệm[8]; hay việc Vạn Hạnh nói với Lý Công Uẩn: Mới rồi tôi thấy chữ bùa sấm kỳ lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ, người họ Lý rất nhiều nhưng không ai bằng Thân vệ là người khoan thứ, nhân từ, được lòng dân, lại đang nắm binh giữ quyền trong tay, đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ thì còn ai đương nổi nữa[9]… đã làm cho việc nối ngôi của nhà Lý thay nhà Tiền Lê nhất thống thiến hạ trở thành một việc làm được cả người và thần trông ngóng và phù trợ. Điều đó cũng làm cho những tư tưởng bất mãn, đối nghịch trong các tầng lớp sỹ phu cũng như trong dân chúng bị tiễu triệt đi đáng kể. Đó cũng chính là việc làm của một bậc tài trí, thức thời, biết nhìn xa, trông rộng. Và khi thời cơ đã chín muồi, Lý Công Uẩn đã nhận được sự khích lệ và yểm trợ của giới Phật giáo, mà đại diện là sư Vạn Hạnh, sự giúp đỡ của quan quân trong triều, mà đại diện là quan chi hầu Đào Cam Mộc, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong nước để lên ngôi hoàng đế, chấm dứt bốn năm đen tối dưới thời Lê Ngọa Triều (1005 – 1009). Trong Thiền uyển tập anh còn ghi lại: Ngày Lý Thái Tổ lên ngôi, sư ở tại chùa Lục Tổ đã biết trước, bảo với người chú và người bác của vua rằng: Thiên tử đã băng, Lý Thân vệ hiện đang ở nhà, tay chân họ Lý túc trực trong thành lên tới số ngàn, trong trưa nay, Thân Vệ ắt được lên ngôi. Rồi yết bảng ở đường cái nói rằng:
Tật lê trầm Bắc thủy
Lý tử thọ Nam thiên
Tứ phương qua can tỉnh
Bát biểu hạ bình yên[10]
Hai người nghe nói rất sợ, sai người đi hỏi tin tức, quả đúng như lời sư nói[11].
Ngay khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã rất tích cực trong việc chăm lo đời sống muôn dân, giảm hình phạt, miễn thuế dịch, cải tổ triều chính, xây dựng, phát triển kinh tế, mở rộng bang giao… những việc làm đó đều được gây dựng trên cơ sở phát huy tư tưởng, tinh thần chủ đạo của Phật giáo. Bởi thế mọi việc diễn ra đều rất hài hòa, thuận lợi, nhận được sự đồng thuận, vua tôi trên dưới một lòng hết sức vì sự phồn vinh của đất nước. Một việc làm có ý nghĩa lịch sử mà Lý Thái Tổ đã làm thời bấy giờ là dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên là thành Thăng Long. Việc làm này không chỉ là tạo nên một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả quốc gia Đại Việt mà còn là gìn giữ cơ đồ, giang sơn cho muôn ức con cháu về sau. Cho đến nay, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, mảnh đất Thăng Long vẫn là kinh đô của bao triều đại, vẫn là thủ đô của đất nước Việt Nam anh hùng.
2. Không chỉ đóng góp công sức trong việc kiến tạo nên vương triềuLý, các nhà sư thời Lý còn đóng góp rất nhiều trí lực trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy những thành quả của nhà Lý trong suốt nhiều năm sau đó. Khi đất nước thái bình, thịnh trị, Phật giáo tham gia vào việc cải tạo xã hội, khi đất nước đứng trước hiểm họa xâm lăng, Phật giáo tham gia với tư cách như một lực lượng yểm trợ để cùng quân và dân Đại Việt làm nên những chiến thắng hào hùng khiến kẻ giặc phải khiếp sợ, không còn ý định xâm phạm bờ cõi. Cũng chính vì thế mà ta nhận thấy, các vị vua nhà Lý đều điều hành đất nước trên cơ sở tinh thần từ bi, hỷ xả của Phật giáo. Các vua đều khoan từ, nhân ái, hết lòng thương yêu dân chúng, giảm nhẹ hình phạt, ngay cả đối với kẻ thù cũng đều hết sức độ lượng, bao dung. Tinh thần mộ Phật và thái độ hành xử bác ái chính là do các vua nhà Lý thường xuyên nhận được lời tham vấn từ các bậc cao tăng của chốn thiền môn.
Việc các nhà sư được vua mời cung để hỏi chuyện chính sự không chỉ thuần túy như một việc làm có tính chất đề cao đạo Phật, xuất phát từ sự mộ đạo của một tín đồ, mà hơn thế sự uyên bác, thông tuệ của các nhà sư đã giúp ích rất nhiều trong những việc giải quyết những vấn đề khúc mắc trong việc điều hành đất nước của các bậc quân vương. Trong Thiền uyển tập anh có ghi truyện Quốc sư Viên Thông (1080 – 1151) như sau: Năm Đại Thuận thứ 3 (1130) vua Lý Thần Tông mời sư vào điện Sùng Khai hỏi về lý hưng vong trị loạn trong thiên hạ. Sư đáp: Thiên hạ cũng như đồ dùng, để chỗ yên thì được yên, để chỗ nguy thì bị nguy, xin đấng nhân chủ hãy làm sao cho được như thế. Dùng đức hiếu sinh hợp với lòng dân, cho nên dân yêu thương như cha mẹ, trông ngóng như trời trăng. Đó là để thiên hạ vào chỗ yên vậy… Sư đối đáp quả thật xứng chỉ, nên được thăng làm Hữu nhai Tăng thống, được tự do gần vua dâng lời chỉ bảo, chưa từng thiếu sót. Sau đó sư phụng chiếu vua đến đền Tây Dương cầu giữ thai vua có ứng nghiệm. Do đó vua càng thêm kính trọng, ban cho khi vào triều được đứng ngang hàng với thái tử[12]. Qua đoạn đối đáp của Quốc sư Viên Thông với vua Lý Thần Tông trên đây thôi cũng đủ thấy, các nhà sư thời Lý đã đóng góp như thế nào cho nền chính sự của quốc gia. Sự thông hiểu về thế sự như thế, chắc chắn phải được gây dựng trên nền tảng căn bản của một đạo học tinh thông cộng với một trí tuệ tuyệt vời và sự ưu thời mẫn thế của người thức giả để có thể đưa ra một giải pháp phù hợp cho việc trị nước.
Nhận thức được vai trò to lớn của những nhân sỹ Phật giáo như vậy nên các vị vua nhà Lý luôn tìm cách để trọng dụng, tranh thủ đức tài của họ vào công cuộc trị nước. Vua Lý Nhân Tông cùng với Linh Nhân Hoàng Thái hậu lúc mới lưu tâm đến thiền học, liên xây chùa bên cạnh cung Cảnh Hưng, mời Đại sư Mãn Giác đến ở để tiện việc hỏi han. Nói chuyện với sư, vua không nói tên mà chỉ gọi là Trưởng lão. Một hôm vua mời sư đến nói: Bậc chí nhân thị hiện tất lo việc cứu đời, không hạnh nào chẳng đủ, không việc gì chẳng làm, không phải chỉ có sức định huệ, mà cũng có công phò tá. Vậy xin kính bổ nhiệm ngài[13]. Các vị vua nhà Lý thường xuyên được trao đổi, bàn bạc về chính sự với các bậc tri túc Phật giáo, hầu như thời vua nào cũng có chuyện vời các nhà sư danh tiếng vào cung để nhà vua thảo luận về chính sự, về Phật pháp. Những vị như thiền sư Vạn Hạnh, Đa Bảo, Giác Hải, Mãn Giác, Viên Chiếu, Quốc sư Minh Không, Viên Thông, Thông Biện… không chỉ làm rạng danh Phật giáo đồ mà còn là những bậc quân sự lỗi lạc, phò trợ các bậc quân vương gìn giữ vương quyền chính thể, để lại tiếng thơm lưu danh muôn đời.
Chính vì thường xuyên nhận được sự hỗ trợ về mọi mặt của các nhà sư như thế mà trong cách điều hành chính sự của nhà Lý có rất nhiều điểm mang nặng tư tưởng và tình cảm của Phật giáo, thậm chí điều đó còn bị các nhà chính sử mang tư tưởng Nho gia phê phán như một điểm yếu khi quá mê chuộng đạo Phật. Nhưng đặt lại vấn đề, nếu như không có một tinh thần từ bi, bác ái của đạo Phật như thế, liệu cơ đồ nhà Lý có tồn tại được suốt hơn hai trăm năm hay cũng phải chịu chung số phận như các triều đại trước. Trong Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại khi Lý Thái Tổ băng, quần thần định đưa Thái tử Lý Phật Mã lên ngôi, có ba vương là Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức làm phản, đưa quân bao vây cấm cung, Lý Phật Mã rất lấy làm đau xót vì việc tiên đế mới mất chưa quàn mà cốt nhục đã giết nhau. Sau nhờ có Lê Phụng Hiểu phò trợ, diệt được Vũ Đức vương và đánh đuổi được Đông Chinh vương, Dực Thánh vương, tôn Phật Mã lên làm vua. Trái với lẽ thường, sau khi lên ngôi, Lý Thái Tông không truy sát hai vương mà lại xuống chiếu tha cho, lại cho tước hiệu, bổng lộc như cũ[14]; hay như khi Nùng Trí Cao ở biên giới phía Bắc làm phản, vua đi đánh thắng, thương xót vì cha Trí Cao làm phản đã bị giết nên tha cho, lại phong tước, cho trấn giữ vùng biên ải; hay như khi vua thân đi đánh Chiêm Thành, vua ra lệnh không cho quân sỹ tàn sát dân thường, ai giết dân phải đền mạng… Tất cả những điều đó, đều có được từ tinh thần, tư tưởng từ bi bác ái của đạo Phật mà các vua nhà Lý đều đã thấm nhuần. Chỉ có tư tưởng, triết lý nhân sinh của Phật giáo mới có thể giúp đấng minh quân như các vua nhà Lý có được tấm lòng bao dung, độ lượng và hành động nghĩa hiệp đến như thế.
Một điều nữa cũng cần phải nói đến là ngay bản thân chính các vị vua nhà Lý cũng những Phật tử rất thuần thành. Ngoài việc điều hành đất nước theo thiên chức của đấng thiên tử, các vua nhà Lý cũng dành thời gian cho việc tham cứu giáo lý Phật đà, và hơn thế nữa, họ còn là những bậc anh tú vườn thiền. Khi quốc gia cần người trị vì, đứng đầu cai quản, làm hết chức trách và bổn phận, khi đất nước thái bình thịnh trị họ trở về với niềm vui trong Phật pháp. Trong Thiền uyển tập anh còn ghi rõ Hoàng Đế Lý Thái Tông là truyền thừa thế hệ thứ bảy của phái Vô Ngôn Thông, Hoàng đế Lý Thánh Tông là truyền thừa thế hệ thứ nhất của phái Thảo Đường; Hoàng đế Lý Anh Tông là truyền thừa thế hệ thứ ba của phái Thảo Đường và Hoàng đế Lý Cao Tông là truyền thừa thế hệ thứ năm của thiền phái Thảo Đường. Với những vai trò như thế, rõ ràng, với các vị vua nhà Lý, Phật giáo không chỉ là cứu cánh là trợ duyên để họ đạt đến vương quyền, mà hơn thế, đạo Phật đã trở thành niềm vui, thành ý nghĩa trong cuộc sống, và đó cũng là điều dễ hiểu khiến Phật giáo thời lý hưng thịnh và phát triển.
Không chỉ đóng vai trò như những bậc quân sư yểm trợ các đấng quân vương trong các công việc chính sự, các nhà sư thời Lý cũng là những bậc hộ pháp có công gây dựng, phát triển Phật giáo, Không phủ nhận việc Phật giáo được sự tôn kính, yểm trợ của các bậc quân vương sẽ có những lợi thế nhất định để phát triển, song tự nội lực Phật giáo cũng phải trang bị cho mình những yêu cầu cần thiết để đáp ứng trước các đòi hỏi của xã hội. Việc có những thiền sư được phong chức Quốc sư, tăng thống hay được ban các chức quan tăng đạo là một thuận duyên lớn để đạo Phật có cơ hội phát triển. Những bậc rường cột của Phật pháp với trí tuệ và đạo đức của mình cũng làm cho Phật giáo lấy được lòng tin của nhân dân và tín đồ Phật tử. Việc các vị hoàng đế nhà Lý cho xây dựng chùa chiền ở nhiều nơi, độ dân làm tăng sỹ, phái sứ bộ sang phương Bắc thỉnh kinh tạng, xây kho chứa kinh, đúc chuông, tô tượng… hẳn đã làm cho các sinh hoạt Phật giáo thời bấy giờ hết sức sôi nổi và sinh động. Điều đó không chỉ có ý nghĩa với đạo Phật, bằng những con số của sự tăng trưởng, mà còn cho thấy, Phật giáo đã dung hòa và đi vào lòng xã hội như một thực thể không thể tách rời, đạo và đời hòa hợp, hai bên cùng vì nhau để phát triển. Đạo cũng từ đời mà ra, đạo giúp đời cũng tức là đang giúp mình, đời giúp đạo cũng tức là đang đưa đạo đến với đời, đến với chúng sinh.
Có thể nói, thời Lý là thời của Phật giáo, cũng vì thế mà nhân tài Phật giáo thời Lý nở rộ. Những bậc đạo sư tài năng, đức độ, trí tuệ, thông hiểu đạo đời xuất hiện đông đảo đã làm cho chốn thiền lâm nơi mảnh đất Đại Việt thực sự trở thành trung tâm của Phật giáo như đã có hàng ngàn năm về trước. Điều đó có được cũng chính là bởi, Phật giáo thời Lý đã phát huy tinh thần khế lý, khế cơ Đức Phật, dấn thân vào các hoạt động xã hội, tham gia triều chính, yểm trợ chính quyền, hoằng dương Phật pháp, tiếp độ chúng sinh. Phật giáo không coi mình bên ngoài chính sự, Phật giáo không lợi dụng sự tôn kính của các bậc quân vương đối với tôn giáo mình để bài xích, loại trừ các tôn giáo khác, Phật giáo cũng không dùng cách thức hành xử cực đoan đề độc tôn, đề cao mình, mà trái lại, bằng trí tuệ uyên thâm, sâu sắc, bằng tinh thần từ bi, hỷ xả, Phật giáo luôn dung hòa các mối quan hệ, luôn đề cao và phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó và coi đó là tiêu chí cho sự phát triển ổn định, bền vững và lâu dài.
——————————
Chú thích:
[1] Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, 1998, bản in Nội các quan bản, trang 242.
[2] Sđd, trang 240
[3] Đình Bảng, Bắc Ninh ngày nay.
[4] Ba học tức là giới định tuệ trong quan điểm tu học của Phật giáo
[5] Trăm luận tức là bách gia chư tử theo truyền thống Nho học
[6] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1999
[7] Sđd, trang 266
[8] Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, 1998, bản in Nội các quan bản, trang 240
[9] Sđd trang 238
[10] Tật Lê chìm bể Bắc
Hạt Lý mọc trời Nam
Bốn phương gươm giáo dẹp
Tám cõi mừng bình an
[11] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, trang 268
[12] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, trang 301
[13] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, trang 206
[14] Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, 1998, bản in Nội các quan bản, trang 250
Theo PHÚC NGUYÊN / BTGCP.GOV.VN
Tags: Phật giáo, Nhà Lý