Nhạc rap Đỏ và con đường của chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21

Kể từ khi trở thành xu hướng thịnh hành vào những năm 1980, Hip-hop đã trở thành một ngành kinh doanh lớn, và nhiều nhân vật hàng đầu của dòng nhạc này có đặc tính tư bản mạnh mẽ. Nhưng làn sóng ngầm của nhạc rap Cộng sản – xã hội chủ nghĩa vẫn luôn thách thức các khuôn khổ tư bản.

Tác giả: Dean Van Nguyen, cây viết tự do ở Dublin, Ireland, thường viết cho tờ Guardian và Pitchfork. Anh có bố là người Việt tị nạn ở Ireland từ những năm 1970.

Nguồn: The Hip-Hop Road to Socialism; Dean Van Nguyen; Jacobin Magazine; 18/5/2021.

Lược dịch: Đại Việt / Redsvn.net.

Với tư cách là một hình thức văn hóa, hip-hop được sinh ra từ ngọn lửa sục sôi của quận Bronx, New York, bùng cháy vào những năm 1970 như một thứ văn hóa thanh niên thuần khiết và không bị lay chuyển. Những chàng trai của thế hệ đó đã thực sự thay đổi thế giới: Nhiều thập kỷ trôi qua, và nhạc rap đã trở thành thể loại âm nhạc bán chạy nhất hành tinh.

Kỷ nguyên tiêu dùng phô trương vào cuối những năm 1990 phản ánh việc thương mại hóa nhạc rap. Các nghệ sĩ nổi tiếng nhất không còn nhấn mạnh vào các vấn đề xã hội nổi bật như những năm 1980 và đầu thập niên 1990, mà đề cập nhiều hơn vào sự xa hoa và tiền bạc – bằng cách có được nó và phô bày nó.

Nhạc Hip-hop dường như thể hiện một số tiền đề tư tưởng truyền thống của Mỹ, đặc biệt là ý tưởng cho rằng mọi người dân có thể đạt được sự thăng tiến xã hội thông qua làm việc chăm chỉ hoặc kinh doanh sáng suốt. Những nghệ sĩ Hip-hop hàng đầu là những người mới nổi, thường xuất thân từ hoàn cảnh nghèo cùng cực. Một số nghệ sĩ khởi nghiệp ở mức thấp nhất đã nằm trong số những người giàu nhất đất nước: Vào năm 2019, Jay-Z trở thành tỷ phú hip-hop đầu tiên.

Trong nhạc rap, các tỷ phú không chỉ được ca ngợi mà còn được tôn sùng. Sự ràng buộc của âm nhạc với hoạt động kinh doanh đã gây trở ngại cho con đường của những người muốn tạo ra âm nhạc cấp tiến về mặt chính trị. Như một điều không thể tránh, hầu hết các rapper đang lên đều tìm cách tránh đối đầu với những kẻ gác cổng của chủ nghĩa tư bản.

Mặc dù vậy, một số rapper là anh hùng của giới cánh tả cấp tiến, và không ai tiêu biểu hơn Tupac Shakur, một biểu tượng không thể phủ nhận của chính trị cánh tả. Hình ảnh của Tupac đồng hành cùng Che Guevara, hiện diện trên tường của các phòng ký túc xá đại học, có thể được nhận ra ngay lập tức, ngay cả với những người không thể gọi tên một trong những bài hát của anh.

Như lẽ tự nhiên, hình ảnh Tupac Shakur gắn liền với sự phản kháng. Mẹ của anh, Afeni Shakur, là một trong 21 nhà hoạt động của Đảng Báo Đen, đã bị bắt và bị buộc tội với các tội danh âm mưu đánh bom các đồn cảnh sát và các địa điểm công cộng khác ở New York. Bản thân Tupac dường như cũng từng là thành viên của Liên đoàn Cộng sản Trẻ. Nhưng chủ nghĩa xã hội của Tupac ít bị thúc đẩy bởi các lý thuyết tổng quát về cách tái cấu trúc xã hội, mà thiên về hiện thực của chính anh nhiều hơn.

Trong những lời ca thịnh nộ của mình, Tupac mạnh mẽ chống lại các khuôn khổ tư bản. Anh có một lòng căm thù đặc biệt đối với chủ nghĩa đế quốc Mỹ, từng cho rằng đó là hình thức bạo lực băng đảng đẫm máu nhất.

Tupac cũng chống lại sự phân hóa giàu nghèo của xã hội Mỹ, như anh từng phản pháo trong một cuộc phỏng vấn: “Không thể chấp nhận chuyện Michael Jackson hay bất cứ một Jackson nào khác có hàng tỷ USD khi những người khác đang đói rách. Không thể như vậy! Không thể có chuyện những người này sở hữu máy bay riêng trong khi những người kia lại không có nổi một căn hộ, tủ đồ hay quần áo mặc”.

Xét cho cùng, con người Tupac có nhiều mâu thuẫn, và âm nhạc anh bị chi phối bởi cảm xúc nhiều hơn là những ý tưởng chính trị hoàn chỉnh. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của anh với một thế hệ.

Những ý tưởng xã hội chủ nghĩa công khai vẫn chủ yếu nằm trong thế giới ngầm của hip-hop. Chỉ có một số ít nghệ sĩ nổi tiếng sẵn sàng hoạt động dưới một lá cờ đỏ. Thành công trên thị trường lẩn tránh họ.

Nhìn vào trường hợp rapper Paris, người đã đã thu âm những bài hát cấp tiến từ thập niên 1990. Vào năm 1992, anh thu âm “Bush Killa”, một bài hát chỉ trích cuộc chiến chống Iraq của George H. W. Bush. Trong bài này, Paris lặp lại một thông điệp đã có từ nhiều thập kỷ về chính trị cách mạng da đen chính nghĩa: Kẻ thù không nằm ở nước ngoài mà chính là những thế lực cai trị đất nước.

Bài hát dự kiến sẽ xuất hiện trong album thứ hai của Paris, đó là “Sleeping with the Enemy”. Nhưng áp lực từ các phương tiện truyền thông và các cổ đông của nhà phát hành đã ngăn chặn bài hát này. Cuối cùng Paris đã đưa nó ra ngoài một cách độc lập.

Paris vẫn phát hành nhạc cho đến ngày nay. Album gần đây của ông, “Safe Space Invader”, mang thông điệp xã hội chủ mạnh mẽ. Trong bài “Nobody Move”, Paris công khai kêu gọi một cuộc cách mạng Đỏ: “Hãy thuyết phục giai cấp vô sản lắng nghe và mường tượng / Vùng dậy và những người khôn ngoan mở rộng tầm mắt…”.

Với những nền tảng tư bản chủ nghĩa dường như vẫn chưa lay chuyển của xã hội Mỹ, không có gì đáng ngạc nhiên khi một số người cánh tả kỳ cựu nhất đã sử dụng rap như một công cụ để truyền bá thông điệp của mình. Bìa album “33 Revolutions per Minute” ta mắt năm 1993 của nhóm Marxma có nền màu đỏ và hình búa liềm. Album của họ pha trộn các nhịp điệu đặc trưng cho thời đại của mình với các thông điệp cánh tả rõ ràng.

Bài hát mở đầu, “Theme From Marxman”, hình dung cuộc trò chuyện giữa nhóm và một người theo chủ nghĩa tự do khi họ đưa ra lập luận về việc phân chia lại của cải. Bài khác trong album, “Droppin’ Elocution”, đưa ra lời chào mừng các nhà hoạt động đấu tranh cho quyền lợi của người lao động và kêu gọi “Cuộc cách mạng thay đổi xã hội không chỉ là những cải cách”.

Nếu Marxman đưa ra lời kêu gọi thay xã hội, thì rapper Cộng sản xứ Catalonia Pablo Hasél đã khiến nhà cầm quyền sợ hãi với các bài hát bênh vực thành viên của tổ chức ly khai xứ Basque ETA và nhóm du kích thành thị theo chủ nghĩa Marx GRAPO.

Vào ngày 16/2 năm nay, cảnh sát đã bố ráp đại học Lleida ở Catalonia và bắt giữ Hasél vì 64 dòng tweet được đăng từ năm 2014 đến năm 2016 và một bài hát được phát hành qua YouTube. Trong một dòng tweet bị tòa án Tây Ban Nha coi là bất hợp pháp, Hasél đã mỉa mai việc phương Tây gọi Cuba là một chế độ “chuyên chế khủng khiếp”, nhưng lại che giấu các hoạt động kinh doanh kiểu gangster với chế độ độc tài khét tiếng ở Ả Rập Saudi.

Khi cảnh sát lôi Hasél ra khỏi trường đại học, anh đã kêu gọi mọi người xuống đường và thề rằng cuộc đấu tranh chống lại nhà nước sẽ tiếp tục. “Bất chấp sự đàn áp, họ sẽ không bao giờ khiến chúng tôi nhượng bộ” anh nói với một nắm đấm giơ lên.

Việc đàn áp các rapper mang tính cách mạng – cho dù điều đó xảy ra thông qua các cấu trúc tư bản của ngành công nghiệp âm nhạc hay các cuộc đàn áp công khai hơn của chính phủ – vẫn là một rào cản nghiêm trọng đối với sự phát triển của trào lưu hip-hop xã hội chủ nghĩa thực sự. Nhưng những ngôi sao tiềm năng vẫn còn đó, với sự sôi sục tiềm ẩn, sẵn sàng truyền cảm hứng cho một cuộc đổi thay.

REDSVN.NET

Tags: , ,