Người Mỹ nói về quan hệ Mỹ – Ấn: Không thể chấp nhận dân chủ kiểu Ấn Độ

Nếu đặt các giá trị dân chủ trở thành nền móng của mối quan hệ Mỹ – Ấn, nó sẽ luôn là một nền móng thiếu vững chắc. Ngày nay giá trị đó rõ ràng là không còn tồn tại – bởi vì khái niệm chung về điều đó đã trở nên không chắc chắn.

Người Mỹ nói về quan hệ Mỹ – Ấn Độ: Cùng lợi ích, khác giá trị

Tác giả: Daniel Markey, Cố vấn Cấp cao trong Chương trình Nam Á tại Viện Hòa bình My. Từ năm 2003 đến năm 2007, ông là thành viên Ban Hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Ông là tác giả của cuốn sách “China’s Western Horizon: Beijing and the New Geopolitics of Eurasia”.

Biên dịch: Nguyên Nguyễn.

Như đã trở thành một điều hiển nhiên trong suốt nhiều thập kỷ qua, mỗi khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ đến thăm Ấn Độ, họ ca ngợi vẻ đẹp của chính trị Ấn Độ, sự đa dạng của đất nước và các giá trị chung, theo lời của nhiều Tổng thống Mỹ, “đây là nền dân chủ lâu đời nhất thế giới” và là “nền dân chủ lớn nhất thế giới”. Những phát ngôn này có vẻ hơi phù phiếm, nhưng đối với Washington, đó không phải là những lời sáo rỗng. Theo quan điểm của các nhà hoạch định chính sách Mỹ, các nguyên tắc dân chủ chung sẽ là nền tảng của một mối quan hệ Mỹ – Ấn lâu dài, có ý nghĩa chiến lược rộng lớn. Họ cho rằng hai nền dân chủ lớn nhất thế giới không thể không có các quan điểm chung về thế giới và lợi ích tương đồng.

“Sự quan tâm chung của chúng ta đối với nền dân chủ và sự công bằng sẽ giúp cho người dân hai nước cùng nhau chống lại kẻ thù chung” – trích lời Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt viết cho Mohandas Gandhi, lúc đó là nhà lãnh đạo trực tiếp của phong trào độc lập Ấn Độ, trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chính quyền của các đời Tổng thống Mỹ đã cố gắng thuyết phục New Delhi đứng lên chống lại Moskva bằng cách lập luận rằng, với tư cách là một nền dân chủ, Ấn Độ là một kẻ thù tự nhiên của Liên Xô. Khi Tổng thống George W. Bush ký kết thỏa thuận hạt nhân dân dụng đột phá với Ấn Độ vào năm 2005, ông tuyên bố rằng, cùng với hệ thống dân chủ của Ấn Độ, cả hai quốc gia là “đối tác tự nhiên” đoàn kết với nhau “bởi những giá trị sâu sắc”.

Tuy nhiên, Ấn Độ đã liên tục làm thất vọng các nhà lãnh đạo của nước Mỹ. Chẳng hạn, Gandhi đã làm thất vọng Roosevelt khi ưu tiên cuộc chiến của Ấn Độ cho tự do chống lại thực dân Anh hơn là cuộc chiến chống lại đế quốc Nhật Bản và Đức Quốc xã. New Delhi không chỉ từ chối trở thành đồng minh của Washington trong thời Chiến tranh Lạnh; mà thay vào đó còn thiết lập mối quan hệ thân cận với Moskva. Ngay cả sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Ấn Độ bắt đầu củng cố quan hệ với Mỹ, New Delhi vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ mạnh mẽ với Kremlin. Chính quyền Ấn Độ đã từ chối đứng về phía Mỹ về vấn đề Iran, thêm vào đó họ tạo quan hệ tốt với chế độ quân sự của Myanmar. Gần đây nhất, họ đã từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Nếu đặt các giá trị dân chủ trở thành nền móng của mối quan hệ Mỹ – Ấn, nó sẽ luôn là một nền móng thiếu vững chắc, ngày nay giá trị đó rõ ràng là không còn tồn tại – bởi vì khái niệm chung về điều đó đã trở nên không chắc chắn. Kể từ khi Narendra Modi trở thành Thủ tướng Ấn Độ chín năm trước, tình trạng dân chủ của Ấn Độ đã trở nên ngày càng trở nên đáng nghi ngại. “Nền dân chủ lớn nhất thế giới” đã chứng kiến ​​sự gia tăng bạo lực nhắm vào cộng đồng người Hồi giáo, thường do các chính trị gia nổi tiếng kích động. Nó đang cố gắng tước quyền công dân của hàng triệu cư dân Hồi giáo. Nó đang kiềm chế báo chí và các nhà lãnh đạo đối lập chỉ im lặng. Vì vậy, chính quyền Biden, khi tuyên bố ủng hộ chủ nghĩa dân chủ, thường xuyên đặt mình vào vị trí không chắc chắn khi miêu tả quan hệ đối tác của Mỹ với Ấn Độ – như một mối quan hệ dựa trên giá trị chung giữa hai bên.

Tuy nhiên họ vẫn tiếp tục thể hiện như vậy. Ví dụ, vào tháng 1, Nhà Trắng tuyên bố rằng các sáng kiến công nghệ chung của hai quốc gia “được hình thành bởi những giá trị dân chủ chung và tôn trọng quyền con người phổ quát”. Vào tháng 6, Modi đã tới thăm Washington, để tham dự một cuộc gặp chính thức giữa lãnh đạo của hai quốc gia, nhằm khẳng định “mối quan hệ mật thiết và tình bạn khăng khít” gắn kết hai quốc gia. Tuy nhiên, vào tháng 2, chính phủ Ấn Độ đã gây khó khăn cho một tổ chức tư vấn hàng đầu của Ấn Độ trong việc huy động tiền, một đòn giáng mạnh vào tự do trí tuệ. Vào tháng 3, đảng của Modi đã loại bỏ một trong những chính trị gia đối lập nổi tiếng nhất của Ấn Độ khỏi Quốc hội – lý do là bởi ông đã xúc phạm Thủ tướng.

Mặc dù, ngay cả khi các giá trị chung của hai quốc gia ngày càng trở nên yếu đi, thì lợi ích vật chất chung của họ ngày càng mạnh mẽ hơn. Ấn Độ và Mỹ hiện có cùng một kẻ thù địa-chính trị rõ ràng đó là Trung Quốc, và mỗi bên đều hiểu rằng bên kia có thể giúp họ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh. Đối với Mỹ, Ấn Độ là một cường quốc quan trọng ở châu Á, với vị trí nằm ngang qua các tuyến đường biển quan trọng và chia sẻ đường biên giới rất dài và luôn có tranh chấp với Trung Quốc. Đối với Ấn Độ, Mỹ là một đối tác to lớn về công nghệ tiên tiến, giáo dục và đầu tư. New Delhi có thể vẫn có quan hệ thân thiết với Moskva, nhưng với chất lượng và độ tin cậy không chắc chắn của vũ khí Nga thì Ấn Độ là một đối tác tiềm năng trong việc mua vũ khí từ phương Tây.

Tuy nhiên, để tận dụng các lợi ích vật chất tương hỗ này, Mỹ phải loại bỏ ý tưởng rằng các giá trị được chia sẻ có thể tạo nền tảng cho một mối quan hệ bền vững, từ đó biện minh cho sự khoan dung cao độ của mình đối với những hành động của New Delhi trên cơ sở đặt cược vào sự liên kết lâu dài giữa hai quốc gia. Thay vì coi Ấn Độ là đồng minh trong cuộc chiến cho nền dân chủ toàn cầu, Mỹ phải nhận thấy rằng Ấn Độ chỉ là một đồng minh trong một thời điểm nhất định. Việc thay đổi này sẽ không dễ dàng, bởi vì Washington đã dành nhiều thập kỷ nhìn nhận New Delhi qua lăng kính màu hồng. Nhưng sự thay đổi này sẽ khuyến khích cả hai bên hiểu rằng mối quan hệ của họ cuối cùng là quan hệ về mặt thương mại và cho phép họ hợp tác.

Đặt cược vào Ấn Độ: Canh bạc sai lầm của Mỹ

Lãnh đạo Mỹ, đặc biệt là những người tự do, đã lâu nay tin rằng các cơ quan dân chủ là đặc điểm xác định của bản sắc Ấn Độ – và là lý do tại sao New Delhi xứng đáng nhận được sự hỗ trợ của Washington. Ví dụ, vào năm 1958, thượng nghị sĩ John Kennedy đã đề xuất một nghị quyết song phương để tăng cường viện trợ cho Ấn Độ, dựa trên ý tưởng rằng việc Mỹ hỗ trợ một nền dân chủ mới thành lập chống lại sự xâm lấn của cộng sản là cực kỳ quan trọng. Kennedy tuyên bố trong một bài phát biểu nổi tiếng rằng “Tương lai dân chủ của Ấn Độ đang đứng trước một tình hình tinh tế và nguy hiểm”, và “Sẽ thật là thảm họa nếu giới lãnh đạo của Ấn Độ bị bẽ mặt trong cuộc tìm kiếm sự trợ giúp từ phương Tây khi mục đích của họ là tốt”.

Như cựu nhà ngoại giao Dennis Kux đã viết trong cuốn “Ấn Độ và Mỹ: Những nền dân chủ xa lạ”, “Nỗ lực đã thành công”. Theo Kux, trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Dwight Eisenhower, “Viện trợ Mỹ đã tăng đáng kể, tăng từ khoảng 400 triệu đô la vào năm 1957 lên mức kỷ lục 822 triệu đô la vào năm 1960.” Tổng thống Eisenhower tự mình cam kết với tương lai dân chủ của Ấn Độ. Như Tổng thống đã tuyên bố trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ Nông nghiệp Thế giới tại New Delhi vào tháng 12 năm 1959, “Bất cứ điều gì làm Ấn Độ mạnh mẽ thêm thì cũng đồng nghĩa với việc giúp chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn, một nền cộng hòa liên kết vì hòa bình.” Sáu tháng sau đó, Eisenhower ký kết một thỏa thuận có giá trị nhiều năm với Ấn Độ để cung cấp 1,28 tỷ đô la cho viện trợ lương thực theo chương trình “Thực phẩm cho Hòa bình” của Mỹ, vì nền nông nghiệp trong nước của Ấn Độ thường không đủ để đáp ứng nhu cầu lương thực của đất nước.

Nhưng nếu Kennedy và Eisenhower hy vọng việc ca ngợi Ấn Độ sẽ biến New Delhi thành đồng minh, thì họ đã lầm lẫn. Vào năm 1954, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng đất nước của ông sẽ tiếp tục duy trì tư thế trung lập trong Chiến tranh Lạnh, khiến Eisenhower bất bình. Kennedy, khi trở thành tổng thống, ông đã hy vọng có thể làm cho Ấn Độ gần hơn bằng cách mời Nehru đến Washington vào năm 1961, nhưng chuyến đi không thay đổi được gì. Thủ tướng Nehru từ chối tất cả các nỗ lực của ông để đưa Ấn Độ vào quỹ đạo của Mỹ.

Như Kux kể lại, những người kế nhiệm của Kennedy trong Chiến tranh Lạnh cũng gặp khó khăn tương tự với New Delhi. Tổng thống Lyndon Johnson cho rằng chỉ trích của Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi đối với sự tham gia của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam vào năm 1966 là đáng lên án; đại sứ Mỹ tại Ấn Độ sau đó nhớ lại rằng phản ứng của Tổng là vô cùng kích động. Quyết định sau đó của Gandhi vào năm 1971 về việc ký kết một “Hiệp ước hữu nghị” với Moskva sau này đã được mô tả bởi cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Henry Kissinger là một “vụ nổ” làm bùng cháy mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan. Và vào tháng 1 năm 1980, khi Đại sứ của Ấn Độ tại Liên Hiệp Quốc đưa ra quyết định ủng hộ xâm lược Afghanistan của Liên Xô, Tổng thống Jimmy Carter tức giận. Đại sứ Mỹ tại New Delhi đã nói với Gandhi “đó thật là một tuyên bố tàn khốc – theo quan điểm của người Mỹ và đã có những phản ứng dữ dội xảy ra ở Mỹ.”

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Mỹ thường ca ngợi Ấn Độ trong những thập kỷ tiếp theo, và các nhà hoạch định chính sách tiếp tục lập luận rằng nguyên tắc dân chủ của Ấn Độ làm cho nước này trở thành đối tác tốt. Trong bài diễn văn tại Quốc hội Ấn Độ vào năm 2000, Tổng thống Bill Clinton khẳng định rằng sức mạnh của dân chủ Ấn Độ là một trong những bài học quan trọng mà nước này đã dạy cho thế giới. Các chính quyền của các Tổng thống George W. Bush và Barack Obama thường sử dụng công thức “hai nền dân chủ lâu đời và lớn nhất thế giới” để mô tả Washington và New Delhi cùng với những mối quan hệ đối tác lâu dài của họ. Trong bài diễn văn tại Quốc hội Ấn Độ vào năm 2010, Obama liên tục nhấn mạnh mối liên kết độc đáo giữa “hai nền dân chủ”. Sau đó, ông ủng hộ nỗ lực của Ấn Độ để có được ghế thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và cho rằng sự hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ trên Hội đồng sẽ củng cố “nền tảng dân chủ, không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài”.

Mặc dù việc cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc của Obama vẫn chưa thành hiện thực, nhưng thật khó có thể nhận ra cách thức Ấn Độ hoạt động tại Liên Hiệp Quốc sẽ đạt được kỳ vọng của Mỹ. Trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc từ năm 2014 đến 2019, chỉ có 20% số phiếu bầu của Ấn Độ đồng thuận với của Mỹ. Ngay cả khi các phiếu bầu về các vấn đề của Israel và Palestine (về vấn đề mà hai quốc gia thậm chí còn có quan điểm khác biệt nhau nhiều hơn) bị loại trừ, thì con số này chỉ tăng lên 24%. Để so sánh, Pháp đã đồng thuận với Mỹ với tỉ lệ 57% tổng số lần và 67% số lần đồng thuận nếu bỏ qua vấn đề Israel và Palestine. Sự khác biệt này không ngạc nhiên; Ấn Độ thường từ chối các sáng kiến quốc tế lớn nhất của Mỹ. Ví dụ, họ chưa từng tham gia một hiệp định thương mại nào do Washington dẫn đầu. Và họ chưa từng hành động nhiều hơn việc chỉ đóng góp ý kiến về việc mở rộng dân chủ theo sự lãnh đạo của Washington, cho dù là ngay sau Chiến tranh Lạnh, trong giai đoạn chính quyền Bush nỗ lực thúc đẩy chính sách tự do nghị sự,  hay trong chương trình Mùa Xuân Ả Rập của thời kỳ Obama.

Bất chấp những thất vọng này, chính quyền Biden vẫn tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ gắn kết với Ấn Độ, nhấn mạnh vào giá trị chung được cho là của hai quốc gia. Tổng thống Joe Biden đã mời Modi tham gia hai cuộc họp thượng đỉnh dân chủ tại Washington, và Thủ tướng đã có bài phát biểu tại mỗi cuộc họp. Trong cuộc họp với Modi vào tháng 5 năm 2022, Biden nói rằng sự hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ dựa trên “sự cam kết với đại diện của nền dân chủ”. Khi Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken thăm Ấn Độ vào tháng 7 năm 2021, ông nói rằng “mối quan hệ giữa hai nước chúng ta rất quan trọng và mạnh mẽ vì đó là một mối quan hệ giữa hai nền dân chủ”. Và trong chuyến đi đến New Delhi vào tháng 3 năm 2023, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo khen ngợi Modi là một “nhà lãnh đạo với tầm nhìn đáng kinh ngạc” và tuyên bố rằng hai quốc gia đang đoàn kết bởi các nguyên tắc dân chủ.

Nhưng một lần nữa nữa, New Delhi đã làm thất vọng Nhà Trắng về các chính sách liên quan đến giá trị tự do. Ví dụ, họ đã duy trì quan hệ và bán vũ khí cho phe đối lập đã lật đổ chính phủ dân chủ của Myanmar vào năm 2021. New Delhi đóng vai trò tích cực trong các nhóm đa phương chỉ trích Mỹ và các nước phương Tây, chẳng hạn như BRICS, bao gồm cả Brazil, Nga, Trung Quốc và Nam Phi. Và họ vẫn tiếp tục ủng hộ Moskva. Ngay trước cuộc xung đột Nga – Ukraine từ tháng 2 năm 2022, Ấn Độ tiếp tục mua hệ thống phòng thủ không gian S-400 của Nga, mặc dù có nguy cơ phải đón nhận lệnh trừng phạt của Mỹ. Kể từ khi cuộc chiến Nga – Ukraine nổ ra , Ấn Độ đã không tham gia bất kỳ cuộc bỏ phiếu quan trọng nào tại Liên Hiệp Quốc. Chính quyền Ấn Độ còn từ chối xem xét bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Nga và thậm trí Ấn Độ còn bắt đầu mua năng lượng Nga nhiều hơn.

Đặc biệt, với thái độ của Ấn Độ đối với cuộc chiến ở Ukraine đã làm tức giận nhiều người ủng hộ của New Delhi trong Quốc hội Mỹ. “Thực ra, nhiều đồng nghiệp của tôi và tôi đang bối rối vì sự mập mờ của Ấn Độ trước mối đe dọa lớn nhất đối với chế độ dân chủ kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai”, trích lời ông Chris Murphy, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, người chủ trì ủy ban phụ trách vùng Nam Á của Thượng viện. “Trong thời điểm mà các chế độ dân chủ đang đoàn kết để lên án hành động quân sự của Nga, thì thật đáng lo ngại khi thấy Ấn Độ, đất nước có nền dân chủ lớn nhất thế giới, lại đứng ngoài”.

Tính chuyên quyền của Ấn Độ ngày càng gia tăng

Lập trường của New Delhi về vấn đề Ukraine chắc chắn đã đi ngược lại những giá trị mà nước này đã thừa nhận. Nhưng nó còn lâu mới là thất bại dân chủ lớn nhất của Ấn Độ. Kể từ khi giành được hai chiến thắng sâu rộng trên toàn quốc, một vào năm 2014 và một vào năm 2019, Đảng Bharatiya Janata của ông Modi đã khiến sự gắn bó của chính Ấn Độ với chủ nghĩa tự do ngày càng trở nên đáng nghi ngờ. BJP đã gạt bỏ các cơ chế có thể kiểm soát hành động của thủ tướng, bao gồm cả việc chính trị hóa bộ máy quan liêu dân sự của Ấn Độ và biến Quốc hội của nước này thành một công cụ cho các ưu tiên của đảng. Modi cũng không chịu đựng bất kỳ sự phê phán nào trên truyền thông, cũng như trong giới học thuật hoặc xã hội. Chẳng hạn, chính phủ đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với một bộ phim tài liệu của BBC năm 2023 mô tả vai trò của Modi trong cuộc bạo động cộng đồng chết chóc tại bang Gujarat năm 2002. Các tổ chức biên soạn ba bảng xếp hạng dân chủ lớn nhất trên thế giới – Viện nghiên cứu V-Dem (Varieties of Democracy), Freedom House và Economist Intelligence Unit – đã giảm điểm của Ấn Độ kể từ khi Modi nhậm chức.

Những thất bại dân chủ của New Delhi không chỉ dừng lại ở việc loại bỏ các cơ chế kiểm soát. Đảng Bharatiya Janata (BJP) có liên kết chặt chẽ với Tổ chức Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS), một tổ chức nhằm đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia chỉ có danh tính Hindu (và Modi là thành viên của tổ chức này). RSS được thành lập vào năm 1925, theo mô hình của các nhóm phát xít châu Âu trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh và có nhiệm vụ thúc đẩy, theo lời của một người sáng lập, “sự tái sinh quân sự của người Hindu”. Mục tiêu này trực tiếp đối lập với Mohandas Gandhi và Nehru, những người ủng hộ tự do tôn giáo, tôn vinh sự đa dạng và bảo vệ quyền của các dân tộc thiểu số. Đó là lý do tại sao một nhà nghiên cứu chủ nghĩa Hindu cực đoan và là thành viên của RSS đã ám sát Gandhi vào năm 1948.

Sự chuyển mình chuyên chế của Ấn Độ gây ra nhiều vấn đề cho Mỹ. Một trong số đó là việc làm cho New Delhi trở nên ít đáng tin cậy hơn. Những nhà lãnh đạo có trách nhiệm dân chủ cần phải biện minh và bảo vệ chính sách ngoại giao trước công dân của họ, điều này làm cho quyết định của họ trở nên rõ ràng và dễ dự đoán hơn. Ngược lại, các quyết định của chế độ độc đảng khó có thể dự đoán được. Ngoài ra, việc New Delhi ngả về chủ nghĩa dân tộc gây ra sự không an toàn cho Ấn Độ. Ấn Độ có khoảng 200 triệu người Hồi giáo – gần bằng tổng dân số của Pakistan – và có một lịch sử dài về bạo lực xung đột tôn giáo. Bằng cách đàn áp các dân tộc thiểu số, Ấn Độ đang mang rủi ro đến cho sự ổn định trong tương lai gần và nguy cơ gia tăng bạo lực trong tương lai không xa. Và một Ấn Độ đang phải đối mặt với những thách thức an ninh nội bộ sẽ có ít nguồn lực hơn, ít khả năng hơn cho chính sách đối ngoại và ít tính hợp pháp hơn để đóng vai trò xây dựng cho các sự việc bên ngoài biên giới của mình.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu tin rằng một trong những thành tựu chính sách đối ngoại hàng đầu của họ là huy động các nhóm liên kết với RSS ở nước ngoài trong cộng đồng người Ấn Độ hải ngoại để vận động các nhà lãnh đạo nước khác ủng hộ các sáng kiến của BJP. Những người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu cũng tin rằng Ấn Độ nên là một cường quốc văn minh, rộng lớn và nhiều người trong số họ nói rằng họ muốn tạo ra Akhand Bharat – một “Ấn Độ không chia cắt” vĩ đại hơn – trong đó New Delhi sẽ xây dựng một “liên minh văn hóa” của lãnh thổ trải dài từ Afghanistan đến Myanmar và Sri Lanka đến Tây Tạng. Ví dụ, vào năm 2022, người đứng đầu RSS Mohan Bhagwat tuyên bố rằng điều này có thể trở thành hiện thực trong vòng 10 đến 15 năm nữa. Những tuyên bố của ông đặt ra câu hỏi về ý nghĩa thực sự của một liên minh văn hóa Hindu, và ít nhất chúng đã gây ra một số lo ngại trong khu vực về việc liệu nỗ lực giành quyền lãnh đạo của Ấn Độ có nhằm mục đích hòa bình như nước này tuyên bố hay không.

Mặc dù có những bằng chứng rõ ràng về tính phi tự do của BJP, các quan chức hàng đầu của chính quyền Biden đã tránh chỉ trích công khai chính phủ Modi. Thay vào đó, họ đã gạt bỏ những lo ngại sang một bên bằng cách tuyên bố, như Blinken đã làm vào năm 2021, rằng mọi nền dân chủ đều là một “công việc đang tiến triển” không hoàn hảo. Có lẽ, phát ngôn đó để biện hộ cho tổng thống Biden, bởi ông tin rằng việc bày tỏ bất kỳ mối quan ngại nào về chính sách của Ấn Độ sẽ gây ra quá nhiều sự bất ổn cho mối quan hệ giữa hai nước.

Nỗi sợ này không vô căn cứ. Giống như hầu hết các quốc gia khác, Ấn Độ không thích bị chỉ trích, vì vậy việc công khai phê phán chính sách của một quốc gia sẽ không được chấp nhận. Nhưng với cách tiếp cận như hiện tại lại có giá của riêng nó. Nó làm giảm nhẹ những lo ngại về sự trượt dốc chuyên quyền của Ấn Độ, ví dụ, làm suy yếu khả năng của Washington trong việc bảo vệ nền dân chủ trên toàn thế giới. Trên thực tế, điều đó có thể dẫn tới sự lùi bước của nền dân chủ. Ấn Độ không phải là một nền dân chủ đang vật lộn thông thường: đó là quốc gia có dân số đông nhất thế giới và là một người đi đầu ở Nam bán cầu. Khi Modi sử dụng sự liên kết với Washington để làm mới uy tín dân chủ của mình và thậm chí củng cố câu chuyện chỉ phục vụ lợi ích của mình rằng Ấn Độ Hindu là “mẹ của nền dân chủ” (như ông tuyên bố trong Hội nghị Vì Dân chủ của Washington năm 2023), điều đó khiến cho phong trào tự do trên toàn cầu thụt lùi.

Việc khen ngợi nền dân chủ của Ấn Độ cũng làm cho việc xây dựng liên minh chính trị nội bộ mà Biden cần để hợp tác với New Delhi trong lĩnh vực an ninh trở nên khó khăn. Nhiều nhóm cử tri quyền lực ở Mỹ, bao gồm các nhóm công giáo, đang rất quan ngại về việc Ấn Độ xử lý tệ đối với các tôn giáo thiểu số, đàn áp tự do tôn giáo và ngăn chặn tự do báo chí. Tờ báo The New York Times và The Washington Post, cùng với các phương tiện truyền thông hàng đầu khác ở Mỹ, thường xuyên đăng các bài viết và bài viết phân tích về những vấn đề này đến mức các nhà lãnh đạo của BJP đã cố gắng đánh đồng các tờ báo này là “chống Ấn Độ”. Và những nhân vật có ảnh hưởng ở Washington đang bày tỏ sự bất an ngày càng gia tăng về các chính sách phi dân chủ của Ấn Độ. Ví dụ, vào tháng 3 năm 2021, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Bob Menendez đã viết thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, yêu cầu ông sử dụng chuyến thăm Ấn Độ sắp tới để “làm rõ trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả hợp tác an ninh, đối tác Mỹ – Ấn Độ phải dựa trên việc tuân thủ các giá trị dân chủ.” Nếu Biden tiếp tục nhấn mạnh các nguyên tắc trong việc nỗ lực tăng cường quan hệ song phương, thì lời kêu gọi của ông có thể đối mặt với sự phản đối ngày càng gia tăng.

Kẻ thù của kẻ thù liệu có phải là bạn?

Sự lệch hướng của Ấn Độ khỏi chế độ dân chủ là một điều đáng tiếc. Tuy nhiên, New Delhi vẫn là đối tác vô giá của Washington. Ngoài việc là quốc gia có dân số đông nhất thế giới, Ấn Độ còn sở hữu nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, quân đội lớn thứ hai trên thế giới và một đội ngũ đáng kể các nhà khoa học và kỹ sư có trình độ cao. Ấn Độ cũng sở hữu một kho vũ khí hạt nhân lớn. Và giống như Mỹ, Ấn Độ cũng rất quan ngại về vấn đề Trung Quốc, mà họ coi đó là một thể chế nguy hiểm đang cố gắng thách thức trật thế giới. Một cách nào đó, hiện tại có thể là thời điểm tốt nhất cho Mỹ hợp tác với Ấn Độ. Câu hỏi là Washington nên đi xa đến đâu?

Trong nhiều trường hợp, quyết định giúp đỡ Ấn Độ là khá dễ dàng. Khi Trung Quốc bắt đầu xâm lược lãnh thổ Ấn Độ dọc biên giới Trung Quốc-Ấn Độ, gây ra các xung đột có thiệt hại về người giữa quân đội hai nước vào năm 2020, Washington đã đúng đắn khi cung cấp cho New Delhi các trang thiết bị cần thiết để trống trọi với thời tiết và thông tin tình báo về vị trí của Trung Quốc. Bên cạnh đó cũng đẩy nhanh việc giao hàng các máy bay không người lái theo các đơn đặt hàng trước đó. Do đó, các quan chức Mỹ đã kết luận rằng họ có thể có những cuộc trò chuyện chân thành hơn với lãnh đạo của Ấn Độ so với quá khứ về hợp tác quốc phòng, cả trên đất liền và trên biển. Họ hy vọng rằng mối đe dọa từ Trung Quốc, kết hợp với việc xâm lược của Nga vào Ukraine, mang đến cho Washington cơ hội để thuyết phục New Delhi chuyển sự phụ thuộc vào thiết bị quân sự của Nga sang hệ thống của Mỹ (mặc dù không phải ngay lập tức).

Sự liên kết chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Ấn Độ liên quan đến vấn đề Trung Quốc cũng là cơ hội để hai quốc gia có thể hợp tác về mặt công nghệ. Ví dụ, Washington có thể cùng với New Delhi phát triển các phương thức thay thế hạ tầng thông tin và viễn thông được xây dựng bởi Trung Quốc nhằm cạnh tranh trong một ngành công nghiệp toàn cầu mà Bắc Kinh đã đe dọa sẽ chiếm ưu thế. Mỹ cũng có thể tăng tốc công cuộc đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên liệu công nghiệp cần thiết để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách chuyển hướng tới Ấn Độ. New Delhi, đổi lại, sẽ được hưởng lợi từ các nguồn đầu tư kinh tế mới.

Nhưng Washington phải cẩn trọng trong cách tiếp cận với New Delhi. Họ phải luôn nhận thức rõ rằng việc Ấn Độ bắt tay với Mỹ là do tình huống bất khả kháng chứ không phải bắt nguồn từ sự tin tưởng lẫn nhau, và điều đó có thể nhanh chóng kết thúc. Xét cho cùng, New Delhi đã dành phần lớn thời gian sau Chiến tranh Lạnh để do dự về vai trò của mình giữa Bắc Kinh và Washington, và họ thường đồng thuận với các sáng kiến của Bắc Kinh. Ngay cả sau các cuộc xung đột biên giới, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn có khối lượng trao đổi thương mại tương đương với mức trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ. New Delhi vẫn là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Bắc Kinh sáng lập. Và nhiều nhà hoạch định chính sách và nhà phân tích Ấn Độ muốn một thế giới đa cực trong đó Ấn Độ có thể tự do tạo dựng mối quan hệ linh hoạt với các cường quốc khác, hơn là một thế giới do Mỹ dẫn dắt hoặc được định nghĩa bởi cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Bắc Kinh và Washington – một thế giới mà New Delhi phải chọn phe. Một trong những nỗi lo lắng lớn nhất của New Delhi là bị đặt bên lề đấu trường địa chính trị.

Đối với các quan chức Mỹ, hợp tác với Ấn Độ phải tập trung chặt chẽ vào việc đối phó với những mối đe dọa ngay lập tức từ Trung Quốc. Ví dụ, Mỹ có thể thực hiện các cuộc tập trận chung với Ấn Độ gần biên giới Trung Quốc, như hai nước đã làm vào tháng 11 năm 2022. Mỹ cũng có thể đạt được các thỏa thuận giao dịch có lợi cho Mỹ, như một thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận các cảng biển Ấn Độ trong trao đổi công nghệ bí mật hoặc thông tin tình báo. Tuy nhiên, khi các chính sách của Mỹ không rõ ràng làm tăng cường hợp tác Mỹ – Ấn với Trung Quốc, chúng không nên nhận được sự đồng thuận. Mỹ nên suy nghĩ cẩn trọng trước khi chấp thuận đề xuất mà Tổng công ty General Electric đưa ra vào đầu năm nay để cùng sản xuất và chuyển giao công nghệ của Mỹ cho Ấn Độ về sản xuất động cơ máy bay tiêm kích tiên tiến. Washington có thể được hưởng lợi từ việc nâng cao khả năng quân sự của Ấn Độ trong tương lai ngắn hạn, nhưng thỏa thuận với General Electric có thể nâng cao khả năng ngành công nghiệp quốc phòng trong nước của Ấn Độ trong thập kỷ tới, điều đó có thể không phục vụ lợi ích của Mỹ trong dài hạn.

Các quan chức Mỹ cần hiểu rằng, Ấn Độ không phải là một đồng minh. Mối quan hệ của Ấn Độ với Mỹ không giống như mối quan hệ với một thành viên NATO. Và Ấn Độ sẽ không bao giờ muốn một liên minh như vậy. Vì lí do này, các quan chức Mỹ không nên xây dựng các thỏa thuận với Ấn Độ một cách sâu sắc hơn. Đất nước này không phải là ứng cử viên cho các sáng kiến như thỏa thuận AUKUS giữa Úc, Vương quốc Anh và Mỹ (sẽ giúp Úc phát triển công nghệ tàu ngầm hạt nhân) vì các thỏa thuận như vậy đòi hỏi chia sẻ các lỗ hổng bảo mật quan trọng chỉ có thể an toàn trao đổi giữa các nền dân chủ tự do vững chắc – những nền dân chủ có giá trị và khát vọng chung rộng rãi. Cam kết không chắc chắn của Ấn Độ với nguyên tắc dân chủ cũng là lý do tại sao Washington sẽ không bao giờ chia sẻ thông tin tình báo với New Delhi như cách mà họ làm với các đối tác Five Eyes (cách gọi khác là Liên minh Ngũ Nhãn): Úc, Canada, New Zealand và Vương quốc Anh.

Các quan chức Mỹ phải hiểu rằng, sâu trong tâm tư, Ấn Độ không phải là một đồng minh. Mối quan hệ của Ấn Độ với Mỹ không giống như mối quan hệ với một thành viên NATO. Và Ấn Độ sẽ không bao giờ muốn có một liên minh như vậy. Vì lý do này, các quan chức Mỹ không nên coi các thỏa thuận của họ với Ấn Độ là nền tảng của một mối quan hệ sâu sắc hơn. Quốc gia này không phải là ứng cử viên cho các sáng kiến như thỏa thuận AUKUS giữa Úc, Vương quốc Anh và Mỹ (sẽ giúp Úc phát triển công nghệ tàu ngầm hạt nhân) bởi vì những thỏa thuận như vậy đòi hỏi phải chia sẻ các lỗ hổng an ninh quan trọng mà chỉ các nền dân chủ tự do mạnh mẽ mới có được. Cam kết không chắc chắn của Ấn Độ đối với các nguyên tắc dân chủ cũng là lý do tại sao Washington sẽ không bao giờ có thể chia sẻ thông tin tình báo với New Delhi theo cách họ đã làm với các đối tác Five Eyes: Australia, Canada, New Zealand và Vương quốc Anh.

Trên thực tế, Washington nên ủng hộ những điều kiện để Ấn Độ tham gia nhiều hơn vào các tổ chức quốc tế mà New Delhi đã là thành viên. Tiếng nói của Ấn Độ là cần thiết trên trường thế giới. Nhưng xem xét mức độ thường xuyên bất đồng giữa Ấn Độ và Mỹ về các vấn đề quan trọng, thì việc không ai tiếp nhận đề xuất của Obama về việc trao cho Ấn Độ một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là điều dễ hiểu. Tương tự như vậy, Washington nên tiết chế kỳ vọng của mình đối với Quad – Đối thoại An ninh Tứ giác, giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Nhà Trắng rõ ràng hy vọng rằng Quad có thể là một liên minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của các nền dân chủ tự do. Nhưng với những quyết định của Ấn Độ, điều này đơn giản là không thể. Những gì Quad có thể làm là ngăn chặn tốt hơn sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và họ nên tập trung cho nhiệm vụ đó.

Vén màn sự thật

Cần thẳng thắn nhìn nhận, khi chính quyền Biden thay đổi cách nhìn, từ việc tìm kiếm một mối quan hệ tưởng tượng dựa trên các chính sách đến việc công nhận một mối quan hệ thực sự dựa trên lợi ích chung. Chính quyền nên giải thích cho cả người dân Ấn Độ và Mỹ rằng những lo ngại chung về Trung Quốc và một loạt các lợi ích chung khác tạo ra động lực mạnh mẽ và thúc đẩy cho việc hợp tác; có nhiều điều mà hai bên có thể làm cùng nhau. Nhưng Washington cần ngừng ủng hộ BJP của Modi. Chính phủ và các cử chi của Ấn Độ nên biết rằng các quyết định chính trị nội bộ của họ có thể làm phức tạp hóa và đe dọa quan hệ với Washington.

Chính quyền Biden cũng nên công bố nhiều báo cáo hơn về thực trạng về nhân quyền, tự do và thực hành dân chủ của Ấn Độ. Các bài phân tích này nên trở thành tài liệu bắt buộc cho các nhà lãnh đạo Mỹ, bao gồm các nhà hoạch định chính sách của Bộ Quốc phòng và các quan chức, những người cần hiểu rõ mức độ phi dân chủ của nền dân chủ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên những báo cáo này cần phải đúng đắn, cẩn trọng, bởi chúng chắc chắn sẽ gây ra sự phản ứng từ các nhà ngoại giao Ấn Độ. Nhưng Biden cũng không nên lo lắng rằng sự chỉ trích của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới sự hợp tác giữa hai nước. Khác với hoạt động quân sự của Trung Quốc, một báo cáo từ Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ không đe dọa trực tiếp tới an ninh của New Delhi. Nếu Ấn Độ và Mỹ muốn trở thành đối tác mạnh mẽ, cả hai bên cần biết cách xử lý những bất đồng. Các quan chức Mỹ có thể mạnh dạn giải thích quan điểm của Mỹ mà không ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Nhiều người Mỹ phản đối chính phủ Modi thậm chí còn đi xa hơn, họ lập luận rằng những lời chỉ trích về những thiếu sót dân chủ của Ấn Độ nên được củng cố bằng các sáng kiến tích cực của chính phủ Mỹ – chẳng hạn như hỗ trợ vật chất cho các nhóm nhân quyền của Ấn Độ. Một số nhà phê bình thậm chí còn khuyến khích Washington từ chối hợp tác an ninh trừ khi Ấn Độ rút lại các biện pháp chuyên quyền gần đây. Nhưng New Delhi có khả năng sẽ rút lui trong các mối quan hệ hợp tác quốc phòng có điều kiện và các khoản hỗ trợ ủng hộ dân chủ sẽ không hiệu quả. Ấn Độ là một đất nước rộng lớn với xã hội phức tạp gần như ngoài sức tưởng tượng, khiến nước này gần như không bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Là một quốc gia hậu thuộc địa, nó khá quen thuộc trong việc chống lại, phớt lờ hoặc giảm nhẹ sự can thiệp từ bên ngoài. Vì vậy, tốt hơn hết là hãy giao nhiệm vụ củng cố nền dân chủ của Ấn Độ cho chính người Ấn Độ.

Trong thời điểm hiện tại, điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ phải đối mặt với một chính phủ không được mong đợi tại New Delhi. Nhưng đối với Washington, điều này không phải là mới. Mỹ đã dành nhiều năm hợp tác với các chế độ mà họ không thích nhằm tăng cường an ninh của mình. Tại một thời điểm trong quá khứ, Mỹ thậm chí đã liên kết với quốc gia mà New Delhi và Washington hiện đang cố gắng cạnh tranh. Chiến lược mở cửa với Trung Quốc của chính quyền Nixon năm 1972 với mục đích nhằm khai thác sự khác biệt giữa Bắc Kinh và Moskva để mang lại lợi thế quyết định cho Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Nó đã thành công: chiến lược của Tổng thống Richard Nixon đã khoét sâu sự chia rẽ trong phong trào cộng sản toàn cầu, giúp trói chân các sư đoàn quân đội Liên Xô dọc biên giới với Trung Quốc và tăng thêm sức ép cho Washington đối với Moskva.

Tuy nhiên, những gì xảy ra sau đó còn gây tranh cãi hơn nhiều. Sự mở cửa của Nixon cuối cùng đã dẫn đến một làn sóng đầu tư của Mỹ vào nền kinh tế Trung Quốc và sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực – đôi khi bao gồm cả quốc phòng và an ninh. Những đóng góp của Mỹ đã giúp Trung Quốc nhanh chóng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thay vào đó, Washington nên đánh giá cao hơn về những cách thức mà lợi ích của Mỹ và Trung Quốc rất có thể sẽ khác nhau khi sức mạnh của Trung Quốc tăng lên. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ khi đó có thể đã hạ thấp kỳ vọng của họ, thu hẹp phạm vi hợp tác chính thức và thậm chí loại trừ một số loại hình thương mại. Nhìn nhận lại, rõ ràng là họ có thể hợp tác với Bắc Kinh để kiềm chế Moskva mà không đóng góp quá nhiều vào sự trỗi dậy của một đối thủ cạnh tranh ngang hàng.

Tất nhiên, Ấn Độ không phải là Trung Quốc, và nước này có thể không bao giờ tạo ra thách thức tương tự. Và bước ngoặt của New Delhi không phải là toàn bộ. Bất chấp những nỗ lực tốt nhất của chính phủ, Ấn Độ vẫn có các cuộc bầu cử tự do và một phe đối lập trong nước có tiếng nói. Người Mỹ cùng người Ấn Độ có thể và nên nuôi hy vọng rằng xã hội đa dạng của Ấn Độ sẽ biến nước này thành một nền dân chủ tự do về cơ bản phù hợp hơn với những lý tưởng mà Washington tìm cách duy trì.

Tuy nhiên, điều đó không phản ánh tình hình hiện tại của Ấn Độ. Thay vào đó, đất nước này được lãnh đạo bởi một nhà dân tộc chủ nghĩa sắc tộc, không dung thứ cho các ý kiến bất đồng. Ấn Độ đang bị trói buộc bởi một đảng chính trị không dân chủ và ngày càng trở nên ít dân chủ hơn, cùng sự kiểm soát của đảng này ngày càng trở nên vững chắc hơn. Trừ khi điều đó thay đổi, Mỹ sẽ không thể đối xử với Ấn Độ như với Nhật Bản, Hàn Quốc và các đồng minh NATO tại châu Âu. Thay vào đó, họ phải đối xử với Ấn Độ như cách họ đối xử với Jordan, Việt Nam và nhiều đối tác khác. Họ phải hợp tác với Ấn Độ dựa trên giá trị hiện thực của các lợi ích chung, chứ không phải dựa trên hy vọng về giá trị chung.

Theo NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG

Tags: , , , ,