⠀
Ngày phán xét cho những kẻ gây tội ác chất độc da cam rồi sẽ đến
Không riêng bà Trần Tố Nga, gần như ai từng đấu tranh với những tập đoàn quyền lực sản xuất và buôn bán chất độc da cam đều trải qua nhiều gian nan. Nhưng ngày phán xét rồi sẽ đến.
Tác giả: Vũ Minh Hoàng, giảng viên Thỉnh giảng Sử học – Việt Nam học, Đại học Fulbright Việt Nam.
Lúc tôi gửi thư chia buồn cho bà Trần Tố Nga vào buổi chiều 10/5, sau khi vụ kiện của bà với 14 công ty hóa chất bị bác, bà đã đáp: “Cô không buồn đâu, dù có hơi thất vọng. Cũng đã dự trù trước nhiều tình huống nên bây giờ bắt đầu chuẩn bị kháng án”.
Bà Trần Tố Nga. Ảnh: AP.
Buổi chiều hôm đó, tòa án Pháp đã phán rằng họ không có thẩm quyền xét xử vụ bà Trần Tố Nga kiện 14 công ty sản xuất hoặc bán chất độc da cam ở Pháp – trong số đó, Dow Chemicals và Monsanto vẫn đang công khai kinh doanh tại Việt Nam. Dù vậy, đây chỉ là một chướng ngại vật đã một phần lường trước được, chứ chưa phải là cái kết cho cuộc đấu tranh trường kỳ của bà Nga để giành công lý cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Và không riêng bà Trần Tố Nga, gần như ai từng phải đấu tranh với những tập đoàn quyền lực sản xuất và buôn bán chất độc da cam đều phải trải qua nhiều gian nan.
Vào buổi khuya của ngày 31/12/1977, nhà hoạt động môi trường Carol van Strum bàng hoàng chứng kiến cảnh nhà mình cháy bùng, khói bốc ngụt trời. Cả bốn đứa con của bà – Daphne 13 tuổi, Alexie 11 tuổi, Juris 9 tuổi, và Benjamin 5 tuổi – đều thiệt mạng trong đám cháy.
Gia sản của bà không còn lại gì ngoài nền móng và một số gia súc may mắn chạy thoát. Trong những tuần trước đó, Carol và những người hàng xóm đã có trải nghiệm với “những người đàn ông mặc áo vest” đuổi theo họ bằng xe hơi, nghe lén các cuộc gọi điện thoại, và có một tốp còn đến hỏi han các con bà xem họ cất giữ những mẫu sinh vật gì trong tủ đá.
Tủ đá gia đình van Strum có chứa mẫu những thú hoang trong khu vực đã bị biến đổi gene, thừa chân thiếu tay. Chúng là bằng chứng cho hậu quả của việc phun 2,4,5-T, một trong hai thành phần chính của chất độc da cam, ở quận Lincoln, bang Oregon, Mỹ, nơi gia đình van Strum sinh sống.
Bà van Strum đã dùng những mẫu sinh vật này làm chứng cớ trong vụ kiện đòi các công ty gỗ ngừng phun thuốc diệt cỏ. Sau chiến thắng trước tòa án, tai họa đã đến với gia đình van Strum.
Tuy nhiên, kết luận của cảnh sát bang Oregon là vụ hỏa hoạn này là tai nạn, không cần điều tra thêm.
“Điều kinh khủng nhất đối với tôi họ đã làm rồi, giờ họ không thể làm gì hơn thế nữa”, Carol van Strum nói với đoàn làm phim The People vs. Agent Orange – bộ phim đang được công chiếu ở Mỹ, trong đó tôi vinh hạnh có đóng góp nhỏ cho công tác nghiên cứu lưu trữ.
Không chịu khuất phục, bà van Strum đã dành cả cuộc đời mình nghiên cứu, viết sách, và hoạt động nhằm tạo áp lực cho chính quyền Mỹ cấm phun các thành phần chất độc da cam, bắt các công ty đã từng sản xuất chất độc da cam phải nhận sai và bồi thường cho những nạn nhân cả ở Mỹ lẫn Việt Nam.
Trong sự nghiệp của mình, bà đã sưu tập một khối tài liệu khổng lồ gồm hơn 3 triệu văn bản, đăng trên mạng với nhan đề Hồ sơ mật Chất độc da cam (Poison Papers). Nhan đề này cũng là để tưởng nhớ tới bộ Hồ sơ mật Lầu năm góc (Pentagon Papers).
Ngày 13/6/1971, New York Times bắt đầu đăng một số đoạn trích nguyên văn từ bộ hồ sơ mật này, gây sốc cho toàn dân Mỹ khi họ nhận ra rằng chính phủ đã lừa bịp người dân về mục tiêu cũng như phương thức thực hiện Chiến tranh Việt Nam, và thêm lửa cho phong trào phản chiến ở Mỹ, đóng góp một phần cho sự thành công của đàm phán hòa bình tại Paris năm 1973.
Còn Hồ sơ mật Chất độc da cam thì đã cung cấp những dữ liệu quý báu cho đội ngũ pháp lý của bà Trần Tố Nga. Quan trọng nhất, bộ hồ sơ minh chứng được rằng các công ty này từ đầu đã biết đến những tác hại của chất độc da cam; đã chôn vùi những xét nghiệm nội bộ khi cung cấp chất hóa học cho quân đội Mỹ; đã cẩu thả sản xuất chất độc da cam với lượng dioxin cao hơn bắt buộc; và đã gói lại các thành phần chính của chất độc da cam với cái nhãn khác để làm sản phẩm diệt cỏ phun rộng rãi ở Mỹ thời hậu chiến tranh.
Vì bà Nga là công dân Pháp, với sự ủng hộ của đông đảo quần chúng và các tổ chức phi lợi nhuận quanh thế giới, và vì xét nghiệm máu bà cho thấy rõ sự hiện diện của dioxin, vụ kiện này có lẽ là cơ hội khả thi nhất để đòi các công ty liên lụy phải thừa nhận sai lầm và bồi thường cho những nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Từ 2007 đến nay, Quốc hội Mỹ đã dành ra 381,4 triệu USD cho các hoạt động khắc phục tác hại chất độc da cam ở Việt Nam, trong đó 266 triệu USD dành cho khắc phục tác hại môi trường và 94,4 triệu USD ủng hộ những nạn nhân. Tuy nhiên, Việt Nam chưa từng nhận được bồi thường từ các công ty đã tham gia sản xuất và phân bố chất độc da cam. Năm 1984, vụ kiện tập thể của các cựu chiến binh Mỹ với các công ty này đã đi đến hòa giải ngoài tòa án, khi 7 công ty bị cáo lập quỹ bồi thường trị giá 180 triệu USD.
Nhưng vụ kiện tương tự ở Mỹ đòi các công ty này bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam trong thời gian 2004-2008 lại thất bại, khi tòa án tuyến dưới không coi vụ kiện có đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục và Tòa án Tối cao Mỹ không nhận nghe vụ kiện.
Trả lời phỏng vấn của đoàn làm phim, luật sư bào chữa cho các nạn nhân Việt Nam Jonathan Moore giải thích: “Về mặt đạo đức, chúng tôi phẫn nộ về những gì đã xảy ra, và là những luật sư, chúng tôi có cơ hội và trách nhiệm để nêu lên những vấn đề này… Nhưng vụ kiện đã bị gạt đi và chúng tôi thấy rất tức giận”.
Đáng chú ý là hai vụ kiện này lại có cùng một thẩm tòa, ông Jack Weinstein.
“Có phải là khi các công ty này cam kết bồi thường cho những cựu binh Mỹ, họ đã được ai đó đảm bảo là sau này sẽ không phải chịu kiện tụng gì nữa không? Nếu có, thì cam kết đó có ảnh hưởng đến vai trò của ông khi vụ kiện của người Việt đến với ông hay không?”, đoàn làm phim đã hỏi thẳng thẩm tòa Weinstein.
“Tôi không sẵn sàng bàn luận về vụ kiện của người Việt. Đó là một vụ kiện riêng, diễn ra nhiều năm sau khi vụ kiện lớn kia đã được giải quyết, chấp nhận, và thực hiện đầy đủ”, thẩm tòa khoanh tay lắc đầu.
Khi đạo diễn Alan Adelson tiếp tục hỏi tới, ông Weinstein nói gọn là “hòa giải ngoài tòa án lần trước đã cho các công ty sản xuất (chất độc da cam) cái mà họ muốn”.
Việc thẩm tòa Weinstein không thoải mái trả lời về vụ kiện của hàng triệu người Việt mà chính ông làm chủ tọa, trong khi kết luận là ông đã hài lòng khi cựu chiến binh Mỹ được bồi thường, nói lên rất rõ một sự bất công bằng dưới hệ thống pháp lý Mỹ.
Như bạn đọc có thể thấy, thất vọng hôm 10/5 không phải là cảm giác gì mới cho những người đấu tranh trực diện với các tập đoàn quyền lực sản xuất hoặc bán chất độc da cam, và cũng không phải là câu kết của những nỗ lực của những nhà hoạt động.
Mong rằng các tòa án ở Pháp sẽ cân nhắc lại quyết định của mình trước nỗ lực kháng án của bà Trần Tố Nga, không tiếp tục cho các công ty này “cái mà họ muốn”, mà sẽ trả lại công lý cho bà và những nạn nhân khác của chất độc da cam ở Việt Nam, qua đó khôi phục lại niềm tin của dân chúng vào sự công bằng của mỗi người trước pháp luật.
Vụ kiện kéo dài tới này là hơn 6 năm sẽ là cuộc chiến cuối cùng trong cuộc đời đấu tranh kiên cường của bà Trần Tố Nga. Bà theo chân mẹ tham gia cách mạng từ hồi 13 tuổi.
Mẹ bà từng bị chính quyền cũ bắt giam và tra tấn ở “chuồng cọp” Côn Đảo. Trong thời kỳ kháng chiến, bà Nga và chồng đều bị tiếp xúc với chất độc da cam thả từ máy bay Mỹ trong khuôn khổ chiến dịch Ranch Hand, với hậu quả là các con của bà đều bị tàn tật, trong đó đứa con đầu thì mất khi mới 17 tháng tuổi.
Bà hiện nay đã 79 tuổi, cơ thể mang nhiều khối u và bị tiểu đường, đang phải chạy đua với thời gian để kịp đòi công lý cho những nạn nhân chất độc da cam.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Tội ác lịch sử, Chất độc da cam, Luật pháp quốc tế