Nên ứng xử thế nào với ‘văn hóa’ graffiti?

Dạo bước qua các con phố chính ở trung tâm TP HCM, tôi không thể không chú ý đến những hình vẽ nguệch ngoạc, kỳ lạ và xấu xí trên các bức tường trống, cửa cuốn, tủ điện, trạm xe buýt, thậm chí trên chân và dầm cầu vượt.

Nên ứng xử thế nào với ‘văn hóa’ graffiti?

Tác giả: Trình Phương Quân, kiến trúc sư.

Là kiến trúc sư, tôi phải thừa nhận, trong số những “tác phẩm” đó, thỉnh thoảng vẫn có những hình vẽ ấn tượng, đầy tính nghệ thuật, ít nhiều mang lại sự sinh động cho thành phố. Nhưng phần chủ yếu còn lại là vẽ bậy, bôi bẩn. Năm ngoái, một đoàn tàu thuộc tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) tại khu vực depot Long Bình, TP. Thủ Đức, bị phát hiện vẽ bậy không chỉ một lần. Hành vi phá hoại tài sản công này gây ra thiệt hại lớn cho phía nhà đầu tư, đặc biệt khi tuyến đường sắt sắp được đưa vào vận hành.

Graffiti, một biểu hiện thị giác, luôn là đề tài gây tranh cãi giữa hai phe ủng hộ và phản đối. Từ “graffiti” xuất phát từ tiếng Italy – “graffiato”, nghĩa là “hình vẽ trên tường” hay “vết rạch”, đã tồn tại từ thời kỳ tiền sử với những bức tranh trên vách hang động, thường được khắc bằng một vật nhọn, đôi khi cũng sử dụng phấn hoặc than đá. Đến thời Phục hưng, các nghệ sĩ đã chạm khắc hoặc sơn tên mình lên các công trình hoặc tác phẩm.

Thể loại graffiti thường thấy ngày nay phát triển từ thập niên 1960 và 1970 ở New York, Mỹ, từ đó lan rộng trên toàn thế giới.

Graffiti, cùng với emceeing (đọc rap), DJing và b-boying (nhảy breakdance), được coi là những yếu tố của văn hóa hip hop, để thể hiện và biểu đạt cá nhân. Nhưng graffiti, khác với các loại hình hip hop khác, dễ bị hiểu lầm và ác cảm vì chúng thường được thực hiện trái phép. Mặt khác, và có lẽ quan trọng hơn, là phần nhiều tác phẩm graffiti thiếu tính thẩm mỹ, gần với sự phá hoại hơn là sáng tạo nghệ thuật. Nghệ sĩ graffiti do đó chưa được đón nhận như các rapper, DJ và vũ công.

Tôi luôn tự hỏi liệu có thể làm gì, khi ranh giới giữa nghệ thuật đô thị và phá hoại hiện nay hết sức mơ hồ. Và làm cách nào để giải quyết vấn đề này, nếu việc xử phạt và ngăn chặn không hiệu quả?

Đưa ra mức phạt thật cao, lắp camera theo dõi để bắt quả tang, hoặc tìm cách tẩy rửa các “tác phẩm” trên sẽ vô tình lặp đi lặp lại chu kỳ “vẽ bậy – tẩy rửa”, rất tốn kém và vô ích. Bản thân graffiti bao hàm trong nó tinh thần “kháng cự” nhằm thể hiện bản thân nơi công cộng.

Sự thành công của các chương trình như Rap Việt, King of Rap trong những năm gần đây phản ánh sự lên ngôi của văn hóa hip hop, đặc biệt là trong bối cảnh dân số trẻ tăng mạnh thời kỳ cơ cấu dân số vàng ở Việt Nam. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng đô thị hiện tại thiếu không gian phù hợp để phục vụ nhóm trẻ này.

Tại các công viên chính của TP HCM, tôi thấy có nhiều khu vui chơi cho trẻ em và không gian tập thể dục cho người cao tuổi, nhưng hiếm có không gian dành riêng cho giới trẻ. Để giải quyết vấn đề này, cần tăng cường thiết kế các khu vực công cộng phù hợp, bao gồm cả không gian cho hip hop, lướt ván, rap và graffiti, giúp thanh thiếu niên có nơi để thể hiện sự sáng tạo một cách tích cực, đồng thời giảm vẽ bậy trái phép.

Các khu vực hoang vắng có thể được sử dụng để thí điểm trở thành không gian graffiti, tạo điều kiện cho thanh thiếu niên thể hiện năng khiếu và sự sáng tạo. Ngoài ra, các đô thị lớn có thể tổ chức cuộc thi để tạo sân chơi, giúp tìm kiếm những tác phẩm nổi bật, phù hợp để trang trí trên các công trình trọng điểm.

Các sự kiện nghệ thuật thực tế như triển lãm tác phẩm graffiti cũng nên được tổ chức để tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia và tận hưởng nghệ thuật đường phố, biến chúng thành điểm “check in” của giới trẻ và khách du lịch. Điều này không chỉ khuyến khích sự sáng tạo mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh và phát triển cho ngành nghệ thuật đường phố.

Không lâu trước đây, các cơ quan chính phủ của Malaysia đã xem graffiti như là thể hiện sự nổi loạn của giới trẻ nước này và đánh đồng chúng với hành vi phá hoại. Nhưng ngày nay, đất nước này đang rộn ràng với những nghệ sĩ tài năng có đam mê sáng tạo những hình ảnh độc đáo trên các bức tường và đường phố.

Câu chuyện của của nghệ sĩ graffiti Ernest Zacharevic người Litva đang sống tại Penang là một ví dụ. Năm 2012, Zacharevic được giao nhiệm vụ tạo ra một loạt sáu bức tranh tường cho Lễ hội thành phố George Town, Malaysia. Những tác phẩm nổi tiếng nhất vươn tầm thế giới của anh gồm có “Trẻ em trên xe đạp” và “Chiếc xe máy cũ”, được khéo léo kết hợp giữa hình ảnh vẽ tranh tường (hai chiều) và vật thể (ba chiều).

Không chỉ ở Penang, cả Kuala Lumpur – thủ đô sôi động của Malaysia – cũng là một điểm nóng của nghệ thuật đường phố. Bên cạnh đó, còn có Ipoh, Perak, và thành phố Malacca, nơi nghệ thuật đường phố đang nổi lên mạnh mẽ.

Từ một hành vi bị coi là phá hoại, nghệ thuật đường phố đã trở thành một phong cách nghệ thuật được đánh giá cao và đáng để tham quan trong nền văn hóa đương đại của Malaysia.

Thay vì miễn cưỡng chống lại, có thể thẳng thắn nhìn nhận rằng, graffiti là một phần của văn hóa đô thị hiện đại, nơi người trẻ có cơ hội thể hiện cá tính bản thân, giải tỏa năng lượng và bộc lộ cảm xúc. Chọn cách phù hợp để đối xử với graffiti là cơ hội để không chỉ bài trừ nạn vẽ bậy mà còn mở rộng và khuyến khích nghệ thuật đường phố trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ và cơ cấu dân số trẻ hiện nay.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,