Năm dạng phá rừng và hệ lụy cho cho sự phát triển bền vững của đất nước

Mất rừng tự nhiên vì yếu kém quản lý hay vì lợi ích tư nhân có thể ghép vào hành vi lãng phí, tham nhũng với tổng giá trị thất thoát bằng giá trị rừng đã mất cộng với giá trị thiệt hại bởi tai biến thiên nhiên do mất rừng gây ra.

Năm dạng phá rừng và hệ lụy cho

Tác giả: Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Một trong những đề tài tôi được các phóng viên hỏi nhiều nhất là câu chuyện về đất và rừng ở Sóc Sơn.

Câu hỏi rất đa dạng: vì sao rừng Sóc Sơn bị cháy; biệt phủ tráng lệ được dựng lên trên đất rừng là đúng hay sai; du lịch trang trại trên đất rừng có trái pháp luật không…

Thanh tra Chính phủ và Hà Nội vào cuộc thanh tra nhiều lần ở đây, kể từ 2005 trở đi, nhiều sai phạm cụ thể đã được kết luận, nhiều cán bộ đã lâm vòng lao lý…; thế nhưng, nhiều vụ việc vẫn nguyên.

Mới đây, cũng như ở nhiều nơi xảy ra sạt lở đất, lũ quét ở Sóc Sơn đã lấp vùi nhiều ôtô. Hà Nội cho biết sẽ “kiên quyết” kiểm tra, giải tỏa, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng mà hậu quả là úng ngập, sạt trượt, xói lở đất.

Trước kia, các tai biến thiên nhiên gây chết người vẫn xảy ra, nhưng chu kỳ cũng phải tính đến chục năm, trăm năm. Nay thì thường xuyên hơn, hai ba năm lại một lần, ở khắp nơi.

Nguyên nhân chung quy cũng chỉ vì không giữ được rừng tự nhiên để làm cho đất ở vùng núi cao có kết cấu chắc chắn, nước có về cũng không tan rã, nên ngăn được lũ. Từng vùng trên trái đất, tự nhiên đã tự tổ chức thành một hệ sinh thái cộng sinh bền vững. Các yếu tố của hệ sinh thái này tự nuôi nhau mà tồn tại và phát triển.

Trong một cánh rừng tự nhiên, chim chóc ăn sâu bọ, cây cỏ mà sống; muông thú lớn ăn muông thú bé mà tồn tại, phân của động vật làm cho thực vật rừng mọc dày đặc hơn và rộng lớn hơn. Những cây leo bám chắc vào cây gỗ, cây bụi dưới gốc cây gỗ tạo nên một kết cấu như chướng ngại vật ngăn lũ tràn về, cũng là giữ nước cho rừng phát triển.

Một hệ sinh thái bền vững như vậy, chỉ cần con người tác động vào phá vỡ tính bền vững thì rừng tự nhiên mất tác dụng, và con người phải gánh chịu mọi hậu quả do tác động trái luật “thuận thiên”. Chính sách bảo vệ nghiêm ngặt và tái sinh, phục hồi nhanh chóng rừng tự nhiên quan trọng là như vậy.

Câu hỏi tiếp được đặt ra là con người thường gây ra các tác động xấu vào rừng tự nhiên bằng những hành vi nào. Lý giải tổng quát là vì lợi ích riêng mà hủy hoại rừng, bỏ qua mọi lợi ích cộng đồng do rừng tự nhiên mang lại.

Dạng thứ nhất là các thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt đặt tại các khu rừng tự nhiên. Phá rừng xây dựng nhà máy và mất rừng do tạo hồ thủy điện đã làm cho diện tích rừng tự nhiên bị mất rất lớn. Thủy điện nhỏ sản xuất ra điện không nhiều nhưng khai thác lâm sản thì rất lớn. Đã một thời gian dài thủy điện vừa và nhỏ mọc lên khắp nơi, khi quản lý tỉnh ra thì cũng đã muộn. Ngoài ra, lũ thiên nhiên cộng hưởng với thủy điện xả lũ càng làm cho lũ nghiêm trọng hơn.

Dạng thứ hai là các công trình bất động sản du lịch mọc lên trên đất rừng tự nhiên trong khung cảnh khung pháp lý chưa có. Nhận chuyển nhượng đất rừng tự nhiên rồi xây dựng một “farmstay” làm du lịch. Cách làm này trái với thông lệ quốc tế. Trước hết, đây phải là các trang trại (farm) nông nghiệp, sau đó hoạt động của “farm” có thể thu hút khách du lịch vào trải nghiệm các nông sản sản xuất ra, từ đó được gọi là farmstay. Tôi đã qua rất nhiều farmstay ở Pháp, cái thì sản xuất rượu vang, cái thì làm fomai, cái thì nuôi ngỗng lấy gan… Ở Sóc Sơn người ta làm “stay” trước rồi gá “farm” vào đó trên đất rừng.

Dạng thứ ba là các đại gia hay quan chức có tiền xây biệt phủ trong rừng tự nhiên, làm mất rất nhiều rừng. Câu chuyện ở rừng Sơn Trà tại Đà Nẵng khoảng hai chục năm trước với hai biệt phủ “hoành tráng” bị tháo dỡ chắc vẫn còn như các ví dụ mẫu. Cũng có nhiều ý kiến bênh vực mà nói rằng biệt phủ nên coi là một công trình văn hóa rất có ý nghĩa, cần cho tồn tại. Một nhà nước pháp quyền thì không gì được đặt trên pháp luật. Xây dựng trái cả pháp luật xây dựng lẫn pháp luật đất đai thì cách duy nhất là phá dỡ để thực thi luật pháp được nghiêm. Các cán bộ không chịu xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật cũng phải bị xử lý nghiêm, bất luận là ruột thịt hay thân quen ai.

Dạng thứ tư là phá rừng tự nhiên làm vườn cây công nghiệp hay cây ăn trái, cũng xảy ra ở nhiều nơi, nhất là vùng Tây Nguyên. Người phá có thể là người dân bản địa thiếu đất, cũng có thể là dân di cư đến tìm “miền đất hứa”. Yêu cầu rà soát lại đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh để giải quyết đất cho đồng bào thiếu đất là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng triển khai còn rất chậm và chưa sát mục tiêu. Hơn nữa, vườn cây lâu năm không thay được rừng tự nhiên.

Dạng thứ năm là lâm tặc, ăn cướp gỗ quý từ các rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn. Một mình lâm tặc chắc khó ra tay, phải có tiếp tay của những người có trách nhiệm bảo vệ rừng. Dạng này trước đây cũng phổ biến, nay đã giảm đáng kể, nhưng vẫn đang còn.

Lũ lụt và sạt lở đất có xu hướng mau hơn, sinh mệnh bị đất lở chôn vùi cũng nhiều hơn. Năm dạng mất rừng tự nhiên như nói trên cần được giải quyết kịp thời, đồng bộ và đúng quy định pháp luật.

Mất rừng tự nhiên vì yếu kém quản lý hay vì lợi ích tư nhân có thể ghép vào hành vi lãng phí, tham nhũng với tổng giá trị thất thoát bằng giá trị rừng đã mất cộng với giá trị thiệt hại bởi tai biến thiên nhiên do mất rừng gây ra.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,