Một góc nhìn về tham nhũng và sự trừng phạt của pháp luật

Chưa có khảo sát cho rằng hình phạt hình sự nặng là đồng nghĩa tội phạm giảm. Thực tế cho thấy sự vi phạm ngày càng tinh vi hơn, trốn tránh nghĩa vụ khi vi phạm “khế ước xã hội”, nảy sinh việc bao che, lẩn tránh trừng phạt.

Một góc nhìn về tham nhũng và sự trừng phạt của pháp luật

Tác giả: LS. Châu Huy Quang, LCT Lawyers, giảng viên Học viện Tư pháp – Bộ Tư pháp.

“Quốc nạn” và chi phí xã hội

Năm ngoái, khi tiếp xúc các cử tri ở Hà Nội, nói đến nạn tham nhũng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ tham nhũng lớn có, tham nhũng vặt cũng nhiều. Chỉ ra khỏi nhà đã thấy cái gì cũng cần tiền, không tiền là việc không “trôi” khiến người dân rất khó chịu, ngột ngạt. Trong bối cảnh đó, việc cơ quan công quyền đang “nặng tay” với nhóm tội phạm này được dư luận nhất thời đồng tình. Nhiều án tử hình có lẽ cũng có tác dụng răn đe nghiêm khắc nhóm tội phạm về kinh tế. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận dưới góc độ của kinh tế – luật, tức sử dụng kinh tế học để đánh giá hiệu quả áp dụng các quy định pháp luật trong đời sống xã hội, các ngành luật xét cho cùng là thiết lập quan hệ hợp đồng trong đó mỗi bên tự nhận trách nhiệm của mình đi đôi với quyền lợi.

Theo đó, luật hình sự tạo ra một “khế ước xã hội” giữa công dân với nhà nước. Để giảm thiểu chi phí giao dịch giữa các nhóm quyền lợi trong xã hội cần phải có “thỏa thuận” với nhóm gây thiệt hại (tham ô, hối lộ gây ra vấn nạn nghèo đói, nhũng nhiễu bất công), dựa trên phản ứng của xã hội đối với hành vi nói trên, và đề ra “cái giá” phải trả cho bên vi phạm. Trường hợp mức phạt nhẹ, tức “trả giá” thấp hoặc sau khi trả giá họ vẫn còn “lãi”, thì tội phạm gia tăng, phản ứng xã hội sẽ tiêu cực (biết cách trục lợi, lo lót mới là thức thời, bất mãn gây rối trật tự xã hội…), tức lãng phí chi phí cho xã hội không khắc phục được.

Bồi thường trừng phạt

Chưa có khảo sát cho rằng hình phạt hình sự nặng là đồng nghĩa tội phạm giảm. Thực tế cho thấy sự vi phạm ngày càng tinh vi hơn, trốn tránh nghĩa vụ khi vi phạm “khế ước xã hội”, nảy sinh việc bao che, lẩn tránh trừng phạt. Nguy hại hơn là sự chống trả “tử thủ” vì biết đã lỡ “nhúng chàm” thì dễ bị cách ly, loại bỏ ra khỏi cộng đồng. Xu hướng thế giới là bớt việc áp dụng hình phạt tử hình đối với tội danh kinh tế. Thay vào đó, đi đôi với hình phạt tù có thời hạn một số nơi đang cân nhắc một giải pháp bồi thường dân sự. Điểm khác là không chỉ dừng ở bồi thường thiệt hại thực tế, mà bồi thường mang tính trừng phạt, tức tòa án có thể ấn định một mức bồi thường cao không giới hạn, bồi thường đến kiệt quệ kinh tế, ngay cả đối với một thiệt hại nhỏ. Hình phạt bồi thường nếu đơn thuần chỉ là để đền bù thiệt hại thực tế thì chế tài bồi thường không có hiệu quả để khắc phục thiệt hại cho xã hội.

Giao thoa với đạo đức

Chế tài chỉ hiệu quả khi định vị được hành vi vi phạm và cách thức đảm bảo thực thi pháp luật. Ví dụ chống tham ô, móc ngoặc, nhũng nhiễu muốn hiệu quả thì cần có thông tin và cơ chế bộc lộ các hành vi tham nhũng (kê khai minh bạch tài sản, quan hệ, rạch ròi quyền, nghĩa vụ), phải có cơ chế giám sát, tránh bao che cho hành vi này. Căn bản hơn thì trách nhiệm đạo đức (chuẩn mực xã hội và niềm tin nội tâm của người dân) phải gắn mật thiết với trách nhiệm pháp lý. Nếu người chống tham nhũng mà cũng tham nhũng, người chống ma túy cũng tham gia điều hành đường dây ma túy… thì niềm tin trong xã hội dễ bị xói mòn. Viễn cảnh tốt đẹp hơn cho xã hội có lẽ là điểm giao thoa giữa trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo đức. Mọi hành xử trong xã hội dân sự nên để một trong hai trách nhiệm này ngự trị, bổ sung và thắng thế lẫn nhau.

Tác giả bài viết có lần thắc mắc với một cụ già phụ trách vệ sinh khu vực Tháp Tokyo Sky Tree ở Tokyo, Nhật Bản, rằng không biết cần bao nhiêu lao công để giữ cho tòa tháp này lúc nào cũng sạch đẹp. Cụ già cười và trả lời, “cỡ 9 triệu lao công…”, rồi ông giải thích thực ra số lao công không nhiều, nhưng nhờ 9 triệu người Tokyo đã cảm thấy “xấu hổ” và tự khắc phục trước nếu họ lỡ làm bẩn khu vực công cộng nào đó. Căn cơ có lẽ chúng ta cần nhiều hơn cảm giác “xấu hổ” và biết hành xử như “người lao công” thì cuộc sống sẽ bớt khó chịu ngột ngạt hơn.
.

Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Tags: ,