⠀
Marx có phải chịu trách nhiệm cho sai lầm của các chế độ Cộng sản không?
Theo cách hiểu phổ biến của những người chống chủ nghĩa Marx, Karl Marx chịu trách nhiệm trực tiếp cho hàng triệu cái chết và trở thành một trong những kẻ sát nhân hàng loạt vĩ đại nhất lịch sử.
Tác giả: Tiến sĩ Peter Thompson, Trung tâm Ernst Bloch về tư tưởng Đức, Học viện Xã hội, Văn hóa và Ngôn ngữ thuộc Trường Nghiên cứu Cao cấp Đại học London.
Nguồn: Karl Marx, part 3: Men make their own history; Peter Thompson; The Guardian; 18/4/2011.
Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.
Một trong những ý kiến phản đối phổ biến nhằm vào Karl Marx là, bản thân chủ nghĩa Marx không gì khác hơn là một hình thức thế tục hóa của niềm tin tôn giáo có tính giáo điều. Người ta tranh luận rằng, việc Marx sử dụng cách tiếp cận biện chứng kiểu Hegel che giấu một thuyết tất định cơ bản có ảnh hưởng, đó là các phạm trù mà ông đặt ra như những cách nhận thức lịch sử thực ra lại mang tính mệnh lệnh, ở chỗ các phạm trù này trình bày lịch sử đơn thuần là một tập hợp các giai đoạn mà chủ nghĩa Cộng sản sẽ tự động đạt tới.
Đây là một sự phản đối truyền thống của chủ nghĩa cá nhân tự do đối với Marx và nó được thể hiện mạch lạc nhất trong các bài viết của Karl Popper về chủ nghĩa toàn trị (thể chế chính trị mà nhà nước áp đặt dân chúng về mọi khía cạnh) và khả năng phản nghiệm khoa học (khả năng một lý thuyết khoa học có thể bị bác bỏ bằng thực nghiệm). Đối với Popper, chủ nghĩa Marx không gì khác hơn là thuyết cứu cánh [là lý thuyết triết học cho rằng mọi vật trong tự nhiên đều có một mục đích cuối cùng – Người dịch] của Hegel dưới lớp áo giống như tôn giáo, trong đó người ta xem lịch sử chỉ là phương tiện để đạt tới một kết thúc được định sẵn.
Sau đó, quan điểm này được liên kết với sự phản đối phổ biến thứ hai đối với Marx và chủ nghĩa Marx rằng, niềm tin vào và quá trình đạt tới kết thúc mang tính cứu cánh này đã trực tiếp dẫn đến trại cải tạo lao động (gulag) Liên Xô, Đại nhảy vọt ở Trung Quốc, Bức tường Berlin và các phòng tra tấn của Pol Pot. Marx, theo cách hiểu này, chịu trách nhiệm trực tiếp cho hàng triệu cái chết và trở thành một trong những kẻ sát nhân hàng loạt vĩ đại nhất, nếu không muốn nói là vĩ đại nhất trong lịch sử. Việc phản bác lại rằng, tất cả các hình thức tổ chức xã hội trước đây và đương đại cũng đã và đang tiếp tục gây ra cái chết cho hàng triệu người do nghèo đói, cướp bóc, nội chiến, chủ nghĩa đế quốc thực dân, tích lũy của cải của người khác, diệt chủng, tàn sát, thanh trừng, chủ nghĩa phát xít v.v… cũng chẳng có ích gì nhiều. Bất lợi của Marx là tên của ông có thể được gán vào một con số mà trong đó hàng triệu người đã phải chịu đau khổ và thiệt mạng suốt chiều dài lịch sử để đưa chúng ta đến thời điểm mà chúng ta đang ở hiện nay, thời điểm tượng trưng cho “sự hòa giải biến mất”.
Tuy nhiên, vấn đề là mô tả của Popper về chủ nghĩa Marx như chủ nghĩa lịch sử cứu cánh – như Popper đã mô tả nó – trong chủ nghĩa Marx không chỉ diễn giải sai về Marx, mà còn diễn giải sai cả về phép biện chứng của Hegel là cơ sở của triết học Marx. Ngay cả khi dẫn lời nói đầu nổi tiếng của cuốn “Một đóng góp cho sự phê phán kinh tế chính trị” năm 1859, thường được xem là một trong những tác phẩm mang tính tất định cao nhất của Marx, chúng ta có thể thấy rằng đối với Marx, sự phát triển của lịch sử xuất hiện từ mối quan hệ giữa các lực lượng vật chất của sản xuất (cách sản xuất hàng hóa) và các mối quan hệ xã hội của sản xuất (cách xã hội được tổ chức xung quanh việc sản xuất hàng hóa đó) chứ không phải theo một cách định sẵn nào đó.
Thật ra, ý thức của Marx về sự phát triển của lịch sử xã hội nhiều hơn là tin vào tính tự động dựa trên sự phân tích những mâu thuẫn ngẫu nhiên và tự sản sinh trong xã hội. Không có “quy luật sắt của lịch sử” nào có thể áp dụng cho mọi hình thức xã hội loài người, và có một nhân tố vận hành bất biến – đấu tranh giai cấp – được chính nó thể hiện như một thứ gì đó khoác lấy những hình thức và con đường khác nhau ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử.
Để xã hội đạt đến mức nó đã có, mọi thứ xảy ra trước đó dĩ nhiên là cần thiết, nhưng không cần thiết diễn ra theo bất kỳ cách thức siêu hình nào. Tìm kiếm những khuôn mẫu theo cách xã hội loài người đã phát triển không có nghĩa là thừa nhận rằng những khuôn mẫu đó là bất cứ thứ gì khác hơn biểu hiện của một quá trình tự tạo cụ thể, trong đó giai đoạn tiếp theo sẽ là sản phẩm của hành động chính trị chủ quan cũng như hoàn cảnh vật chất khách quan.
Như Antonio Gramsci đã chỉ ra, nếu Marx nghĩ rằng tất cả sẽ tự động xảy ra thì bài luận văn thứ 11 của ông về Feuerbach không cần thiết nữa. Bài luận này tuyên bố rằng, việc thay đổi thế giới quan trọng hơn là giải thích nó.
Tương tự, đối với Hegel, “werden” hay “trở thành” là chìa khóa không chỉ để hiểu cách thức “tinh thần tuyệt đối” thể hiện bản thân mà còn quan trọng hơn là, cách mà “tinh thần tuyệt đối” tự tạo ra chính mình thông qua tiến trình lịch sử. Trong tiếng Đức, từ “entfaltung” – mở ra cũng có nghĩa là phát triển như từ “unfolding” trong tiếng Anh, và quá trình sự sáng tạo xuất hiện hay còn gọi là autopoiesis cũng là quá trình mà tinh thần tuyệt đối của Hegel không chỉ hoạt động trong thế giới mà còn đồng thời tạo ra chính nó.
Ernst Bloch, có lẽ là người theo chủ nghĩa Marx chịu ảnh hưởng của Hegel nhiều nhất, khẳng định rằng, điều này có nghĩa là cả Hegel và Marx đều nói về siêu việt (theo nghĩa sự siêu việt đang tồn tại) mà không siêu việt (theo nghĩa về một lĩnh vực siêu việt – tôn giáo hay xã hội – mà tất cả mọi thứ phải hướng tới). Do đó, phép biện chứng của Marx và Hegel có thể được phân loại thành mối quan hệ giữa quyền tự chủ và sự phụ thuộc, giữa chủ nghĩa tự nguyện và chủ nghĩa quyết định và giữa những điều khả thi (kata to dynaton của Aristotle) và những điều sẽ trở nên khả thi (dynámei on). Như Marx đã đúc kết một cách súc tích nhất trong tác phẩm Ngày mười tám tháng Sương mù của Louis Bonaparte từ năm 1852: “Con người làm ra lịch sử của chính mình, nhưng không phải làm theo ý muốn tùy tiện của mình, trong những điều kiện tự mình chọn lấy, mà là trong những điều kiện trực tiếp có trước mắt, đã cho sẵn và do quá khứ để lại”.
Tags: Cộng sản, Tư duy - nhận thức, Karl Marx