Make in Vietnam: Hãy học Ấn Độ

Dịch thô từ tiếng Anh thì Made in Vietnam là được sản xuất tại Việt Nam và Make in Vietnam là hãy sản xuất ở Việt Nam. Cả hai đều tốt nhưng Make in Vietnam tốt hơn, còn Made in Vietnam thì lại đang được cả thế giới dùng.

Make in Vietnam: Hãy học Ấn Độ

Cụm từ thứ nhất được in trên nhãn mác các hàng hóa để người mua biết xuất xứ. Sản xuất tại Việt Nam không có nghĩa là do Việt Nam làm từ đầu đến cuối mà do hãng nước ngoài có nhà máy ở Việt Nam, công nhân ta lắp ráp ra thành phẩm. Xe ô tô Honda Made in Vietnam nghĩa là được lắp ráp tại Việt Nam, chỉ có một số ít chi tiết được nội địa cung cấp. Xe đạp Thống Nhất, quạt máy Hoa Sen hay giẻ rửa bát bằng xơ mướp do Made in Vietnam cũng là thương hiệu Việt Nam.

Hàng hóa Made in Japan nổi tiếng thế giới và được nhân loại tin dùng, cũng như Made in Germany hay Made in Italy. Tên lửa, máy bay Made in USA độ tin cậy cao tầm thứ nhì thế giới vì không có thứ nhất. Tuy nhiên thắt lưng Made in USA bán vài chục đô thì đắt nhưng thô, thà mua của mấy bà bán hàng rong ở Hà Nội còn hơn. Made ở đâu, cái gì Made mới quan trọng, tên quốc gia kèm theo chưa nói lên được điều gì.

Mấy ngày nay truyền thông nhắc nhiều đến cụm từ Make in Vietnam được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng dùng để kêu gọi hãy sản xuất tại Việt Nam, mong các startup nên tạo ra thương hiệu hàng hóa, Nhà nước nên tạo hành lang cho hàng hóa được sản xuất thuận lợi tại nước ta.

Cụm từ Make in không mới. Ngày 25-9-2014, ông Narendra Modi, Thủ tướng Ấn Độ, khai trương chương trình “Make in India” (Swadeshi movement) nhằm kêu gọi 25 ngành quan trọng của nước này hãy sản xuất thiết bị, hàng hóa ngay tại Ấn Độ (India). Make in India là hãy sản xuất tại Ấn Độ.

Ý tưởng Make in India nhằm vào tiến trình toàn cầu hóa gọi là glocal (global + local – nghĩ toàn cầu, hành động tại chỗ) để chuẩn bị tham gia vào đẳng cấp thế giới trong hội nhập. Để làm được việc đó, Chính phủ Ấn Độ phải tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng nhằm thu hút các doanh nghiệp trong nước cũng như ngoài nước lấy Ấn Độ làm nơi trú ngụ, sáng tạo; công ăn việc làm, và tiền bạc cũng từ Make in India mà ra.

Trong vòng gần hai năm sau khai trương, ý tưởng Make in India đã thu hút được 240 tỉ đô la Mỹ đầu tư từ khắp thế giới. Kết quả là năm 2015, Ấn Độ vượt lên cả Mỹ và Trung Quốc về đầu tư FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) mà 100% vốn FDI được cho phép ở 25 ngành nghề khi kêu gọi Make in India năm 2014 và đã thu hút 60 tỉ đô Mỹ trong năm tài khóa 2016-2017.

Nhật Bản nổi tiếng với Made in Japan cũng phải nhảy vào với số vốn 12 tỉ đô la Mỹ cùng khẩu hiệu “Japan – India Make in India – Nhật và Ấn cùng sản xuất tại Ấn”. Các tiểu bang của Ấn Độ cùng đồng hành với chính phủ với khẩu hiệu địa phương “Make in Odisha”, lạ tai hơn như “Happening Haryana” hay “Magnetic Maharashtra”.

Cách đây hơn 70 năm có ông Thủ tướng Ấn Độ thấy nước mình quá nghèo và tìm kế mưu sinh cho dân tộc. Người Ấn vốn cần cù, chăm học, giỏi tiếng Anh nên ông cho rằng nếu thế hệ trẻ học chuyên về kỹ thuật sẽ kiếm được bộn tiền của thế giới. Ông mang theo dự án “Đại học Kỹ thuật Ấn Độ – Indian Institutes of Technology (IITs)” cho bảy bang đi khắp thế giới và hỏi các nhà tài trợ quốc tế xem ai có thể giúp xây dựng những trường này.
.

Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (Doing Business Report 2019) Ấn Độ đã vượt 23 bậc từ thứ 100 năm 2017 nay đứng thứ 77 trong số 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trong tiêu chí dễ làm ăn (ease of doing business index). Chỉ số cạnh tranh toàn cầu được nâng lên 32 bậc, là một trong 19 nước đứng đầu về dịch vụ tốt.

Để thay đổi thứ hạng toàn cầu về cạnh tranh trong làm ăn và để Ấn Độ là nơi Make in India cho thế giới thì Chính phủ Ấn không kêu gọi bằng… mồm. Tháng 2-2017, họ đã nhờ Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cùng với hội đồng quốc gia về hiệu suất lao động (National Productivity Council) thăm dò người dân về các sản phẩm cùng với cảm nhận của họ để thay đổi chỉ số dễ kinh doanh nhằm ủng hộ ý tưởng Make in India.

Ông Thủ tướng Ấn còn dùng cụm từ “Zero Defect Zero Effect – không sai sót, không hậu quả” nhằm kêu gọi sản xuất hàng không có lỗi mà muốn làm được phải giỏi công nghệ, quy trình và nguyên vật liệu phải chuẩn.

Cách đây hơn 70 năm có ông Thủ tướng Ấn Độ thấy nước mình quá nghèo và tìm kế mưu sinh cho dân tộc. Người Ấn vốn cần cù, chăm học, giỏi tiếng Anh nên ông cho rằng nếu thế hệ trẻ học chuyên về kỹ thuật sẽ kiếm được bộn tiền của thế giới.

Ông mang theo dự án “Đại học Kỹ thuật Ấn Độ – Indian Institutes of Technology (IITs)” cho bảy bang đi khắp thế giới và hỏi các nhà tài trợ quốc tế xem ai có thể giúp xây dựng những trường này.

Được sự giúp đỡ của Liên Xô cũ, Mỹ, Đức và UNESCO, sau hơn 70 năm, Ấn Độ đã xây dựng được thương hiệu nổi tiếng của các trường này. Sinh viên chưa ra trường đã có công ty xếp hàng xin về, kể cả các công ty quốc tế có uy tín.

Nơi tôi từng công tác tại Ngân hàng Thế giới bên Washington DC có một bộ phận công nghệ thông tin (IT) trợ giúp có tên “Information Solution Group – ISG” nhưng mọi người gọi đùa là Indian Solution Group vì thấy nhan nhản dân IT Ấn Độ. Công nghệ thông tin, tên lửa hay công nghệ cao của Ấn phất lên được nhờ thế hệ kỹ sư này. Tầm nhìn của người lãnh đạo từ hơn nửa thế kỷ trước mới giá trị làm sao.

Nếu bạn gọi trợ giúp về kỹ thuật hay mua vé máy bay, dịch vụ 24/7 thường có người Ấn nói tiếng Anh kiểu Mỹ dành cho khách hàng Bắc Mỹ, tiếng Anh kiểu Úc cho khách Úc, mới nghe tưởng họ ngồi đâu đó ở quận bên cạnh nhưng thực ra họ ngồi bên nước Ấn. Chuyện một người Ấn đi học tiếng Anh kiểu Mỹ là hết sức bình thường ở quốc gia này.

Quay lại chuyện Make in Vietnam thì học thế giới là việc nên làm kể cả dùng cụm từ Make in. Nước ta từng cử không biết bao nhiêu đoàn sang Ấn Độ học xây dựng IITs với giấc mơ lập trung tâm công nghệ như thung lũng Silicon bên Mỹ hay Bangalore của Ấn. Nhưng rồi giấc mơ ấy vẫn chỉ là mơ. Sau mấy chục năm chưa có trường đại học kỹ nghệ của Việt Nam được sinh viên quốc tế tới xin học. Ngày xưa có Lào và Campuchia, nay thì ít thấy. Không nhanh thì dân ta sẽ sang Lào học về công nghệ.

Để cho doanh nghiệp và người dân làm ăn thuận lợi thì một nguyên tắc cơ bản trong luật pháp được tóm gọn một cách dân gian “Người dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan công quyền chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”.

Khi hiểu thấu đáo câu nói đơn giản đó sẽ không còn kiểu chính sách “trên trải thảm, dưới trải đinh”, cộng thêm ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, thì chuyện Make in Vietnam người ta không còn bàn về đúng sai ngữ pháp trong tiếng Anh mà thành một xu thế đi lên của một quốc gia.

Dân ở đâu cũng vậy, thông minh, dốt nát, chăm chỉ, lười biếng… đều có ở tầm toàn cầu. Không thể nói dân nước mình cần cù hơn dân thế giới. Môi trường tự do sáng tạo mở ra thông thoáng thì Make in Vietnam không phải giấc mơ để cánh rỗi việc ngồi chém gió và chế giễu.

Theo HIỆU MINH / THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Tags: ,