Liệu Trung Quốc có rơi vào những thập niên mất mát?

Thập kỷ mất mát của Nhật Bản được đặc trưng bởi giai đoạn giảm phát kéo dài, nền kinh tế trì trệ, thị trường bất động sản suy giảm và căng thẳng tài chính khi các hộ gia đình, doanh nghiệp và nhà nước cố gắng không thành công trong việc giảm nợ nần chồng chất. 

Với những gì đang xảy ra, nhìn lại bối cảnh của Nhật Bản thì khả năng Trung Quốc rơi vào tình cảnh tương tự là rất cao. Dưới đây là một số vấn đề cho thấy khả năng này.

Kết quả GDP

Trung Quốc đã đạt được một chu kỳ tăng trưởng GDP bình quân đầu người 30 năm cao nhất thế giới (8,5%/năm). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (2022), GDP bình quân đầu người theo giá năm 2015 của Trung Quốc chỉ là 11.560 USD, bằng 39,4% con số của Nhật Bản vào năm 1991; còn GDP/người theo giá hiện tại của Trung Quốc chỉ là 12.720 USD, chưa bước qua mức nước có thu nhập cao theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB).

Năm 1960, GDP/người theo giá năm 2015 của Nhật Bản ở mức 6.261 USD, tương đương với mức 6.153 USD vào năm 2011 của Trung Quốc. Sau 11 năm con số của Nhật Bản đã là 14.457 USD, cao hơn đáng kể so với con số 11.560 USD nêu trên của Trung Quốc. Trong hai thập niên sau đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Nhật Bản chỉ còn 3,6%/năm và GDP/người sau 20 năm đã tăng gấp đôi lên gần 30.000 USD. Trong ba thập niên qua, GDP/người thực của Nhật Bản chỉ tăng 23%, một mức rất thấp.

Những năm tăng trưởng GDP đột ngột giảm tốc của Trung Quốc gần đây rất giống với Nhật Bản những năm đầu thập niên 1970. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc đạt khoảng 5,2% và đến năm 2028 chỉ còn 3,4%. Nếu trong hai thập niên tới, Trung Quốc có thể đạt được mức tăng trưởng 3,6% như của Nhật Bản thì GDP/người của họ là hơn 25.000 USD. Trái lại, nếu rơi vào tình trạng khó khăn như Nhật Bản thì con số chỉ cao hơn ngưỡng thấp của nước có thu nhập trung bình cao một chút.

Đầu tư quá mức và bong bóng bất động sản

Theo số liệu của WB, đầu tư so với GDP của Nhật Bản trong giai đoạn 1970-1991 là gần 36% và tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 4,5%. Như vậy, chỉ số ICOR (đầu tư chia cho tăng trưởng) gần 8. Trong giai đoạn trên, rất nhiều cơ sở hạ tầng của Nhật Bản được xây dựng dư thừa công suất. Điều này làm cho việc tiếp tục đầu tư sau đó không mang lại hiệu quả. Tỷ lệ đầu tư so với GDP của nền kinh tế từng xếp vị trí thứ 2 thế giới này vẫn duy trì ở mức trên 30% GDP trong giai đoạn 1992-1998 (giai đoạn khủng hoảng tài chính trong khu vực) và sau đó duy trì ở mức trên dưới 25% GDP từ đó đến nay.

Trong giai đoạn 2011-2021, đầu tư so với GDP và tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Trung Quốc lần lượt là 44,3% và 7%. Chỉ số ICOR ở mức 6,3. Tính toán của các nhà kinh tế gần đây cho thấy, ICOR hiện nay đã lên đến 9, cao hơn đáng kể mức 5 của một thập niên gần đây và mức 3 của thập niên 1990. Khi tốc độ tăng trưởng giảm tốc như Nhật Bản thì ICOR hay hiệu quả đầu tư của Trung Quốc còn thấp hơn rất nhiều. Trên thực tế, tình trạng dư thừa công suất các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc có thể còn lớn hơn Nhật Bản trước đây rất nhiều.

Bong bóng thị trường bất động sản của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2021 mà nó đánh dấu bởi sự vỡ nợ của Evergrande – tập đoàn bất động sản từng thuộc hàng lớn nhất và giờ đây là nặng nợ nhất thế giới. Điều này xảy ra không phải do các chính sách, như ba lằn ranh đỏ chẳng hạn, của Trung Quốc mà thuộc về vấn đề cơ cấu và thay đổi cung – cầu. Điều này giống như sự điều chỉnh của thị trường nhà ở của Nhật Bản vào những năm 1990.

Hình 2 so sánh chỉ số giá nhà của Nhật Bản và Trung Quốc. Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế, chỉ số giá nhà của Trung Quốc trong giai đoạn quí 2-2005 đến đỉnh vào quí 3-2021 đã tăng 1,92 lần. Nếu tính từ đỉnh điểm vào quí 2-1991 quay về quí 4-1974, chỉ số giá nhà của Nhật Bản đã tăng 2,7 lần. Như vậy, Nhật Bản cao hơn Trung Quốc khá nhiều.

Mức độ đắt đỏ của nhà ở ở Trung Quốc đang tập trung vào các thành phố hạng 1 nhưng thấp hơn nhiều ở các thành phố nhóm 2 và 3. Điều này được thể hiện ở tỷ số giá nhà so với thu nhập ở các thành phố nhóm 1 vào năm 2022 là 16,6 lần, trong khi nhóm 2 chỉ là 8,3 lần và nhóm 3 chỉ là 6,1 lần. Nhìn chung, vấn đề này của Trung Quốc hiện nay ít nghiêm trọng hơn Nhật Bản cách đây ba thập niên.

Tuy nhiên, hiện tại, số căn hộ đã xây không có người ở của Trung Quốc, theo số liệu gần nhất vào năm 2018, là 105 triệu. Hơn thế, vào thập niên 1990, ngành bất động sản chiếm chưa đến 20% GDP của Nhật Bản, trong khi con số trước khi xảy ra rắc rối của Trung Quốc lên đến gần 30% GDP. Nhiều doanh nghiệp có quy mô rất lớn với những khoản nợ khổng lồ mà Chính phủ Trung Quốc có muốn cứu có lẽ cũng không cứu nổi. Bất động sản liên quan đến các khoản nợ của các địa phương rất lớn như được phân tích ở các phần tiếp theo.

Mất cân bằng tài chính

Sự năng động gắn với vay nợ của chính quyền địa phương là một trong những nhân tố dẫn đến sự thần kỳ trong tăng trưởng của Trung Quốc mấy thập niên qua. Tuy nhiên, những khoản vay nợ của chính quyền địa phương và những khoản nợ chính quyền vay trá hình thông qua các tổ chức huy động vốn chuyên biệt đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho nước này.

Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế – cơ quan đưa ra các chuẩn mực về Basel, tổng dư nợ tín dụng (không bao gồm các tổ chức tài chính) của cả nền kinh tế vào cuối năm 2022 bằng 297% GDP, tương tự như Nhật Bản ở những năm 1990. Các khoản nợ này chủ yếu là các khoản nợ trong nước nhờ mức tiết kiệm cao.

Nợ chính quyền Trung ương của Trung Quốc hiện tại chỉ bằng 20% GDP, thấp hơn rất nhiều mức 61,9% vào năm 1991 của Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu cộng thêm nợ của chính quyền địa phương thì con số vào khoảng 95% GDP vào năm 2022. Nhật Bản đến năm 2000 đã tăng lên 131% GDP. Như vậy, không gian tài khóa của Trung Quốc là thấp hơn Nhật Bản rất nhiều.

Về chính sách tiền tệ, với mức lãi suất trên 8% vào đầu thập niên 1990, Nhật Bản có không gian khá lớn để ứng phó. Trái lại, con số hiện tại của Trung Quốc chỉ trên dưới 2% nên không gian còn lại hẹp hơn rất nhiều.

Già hóa dân số và tiềm năng tăng năng suất

Năm 1983 tỷ lệ người già từ 65 tuổi trở lên của Nhật Bản vượt quá 10% và con số của năm 1994 là 14%; và tỷ lệ sinh đã giảm từ 12,7 trên 100 người xuống còn 10 trong cùng thời kỳ. Trung Quốc chỉ mất có bảy năm để tỷ lệ người già nêu trên tăng từ 10% (năm 2014) lên 14% (năm 2021) và tỷ suất sinh đã giảm từ 13,8 xuống 7,5 trong cùng thời kỳ rồi đến năm 2022 chỉ còn 6,8. Hơn thế, dân số Trung Quốc đã giảm tuyệt đối từ năm 2022, trong khi phải đến năm 2008 điều này mới xảy ra đối với Nhật Bản.

Tuy nhiên, tỷ lệ đô thị hóa vào năm 2022 của Trung Quốc mới chỉ 65%, thấp hơn đáng kể so với mức 77% vào năm 1988 của Nhật Bản. Hơn thế, nếu trừ đi số dân đô thị gốc nông thôn, không được hưởng các chế độ như cư dân thành thị thì thì tỷ lệ này chỉ còn 47%. Như vậy, tiềm năng tăng năng suất của Trung Quốc hiện tại cao hơn Nhật Bản cách đây 30 năm, nhưng tốc độ tăng năng suất tổng hợp (TFP) của Trung Quốc trong một thập niên qua chỉ khoảng 1,2%/năm, thấp hơn rất nhiều so với các giai đoạn trước đó và khả năng thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn là không nhiều.

Sự cạnh tranh và trả đũa của Mỹ

Nhật Bản sẽ mua cả nước Mỹ là điều thường xuyên được nhắc đến trong thập niên 1980 ở Mỹ. Khi đó, những quyển sách viết về samurai, cách thức quản lý của người Nhật được bày bán khắp nơi ở Mỹ. Người Mỹ lo sợ và các chính sách kiềm chế Nhật Bản đã được thực thi. Cho dù hiệu quả của các chính sách này còn gây tranh cãi, nhưng rõ ràng là Nhật Bản đã rơi vào nhiều thập niên mất mát sau đó.

Tình huống của Trung Quốc hiện nay có lẽ còn thách thức hơn rất nhiều. Mỹ và nhiều nước khác, nhất là châu Âu, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ đang đứng về một phía để phân tách và giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc. Việc Trung Quốc ra mặt ủng hộ Nga càng làm cho các nước khác quyết tâm chống lại họ hơn. Đây có lẽ là thách thức lớn nhất với Trung Quốc hiện nay. Cho dù nhiều nước bất mãn với Mỹ và phương Tây giúp cho Trung Quốc có một số không gian nhất định trong việc tranh giành sự ảnh hưởng quốc tế. Mới đây nhất, nước này đã kêu gọi nhóm BRICs (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đối trọng với nhóm G7 (các nước phát triển nhất thế giới). Tuy nhiên, mọi thứ là hết sức thách thức với Trung Quốc.

Không gian thúc đẩy tăng trưởng

Nhìn vào tiêu dùng, bốn cấu phần của GDP gồm: tiêu dùng của các hộ gia đình trong nước, đầu tư của khu vực tư nhân trong nước, chi tiêu của nhà nước, và xuất khẩu. Rất khó để thúc đẩy tăng trưởng với cả bốn cấu phần. Thứ nhất, khi niềm tin vào triển vọng kinh tế đi xuống và những rủi ro gia tăng, rất khó để có thể khuyến khích người dân tiêu dùng nhiều hơn. Thứ hai, với chính sách phân tách và giảm thiểu rủi ro tại Trung Quốc của Mỹ và các nước phương Tây cộng với việc “đánh” các doanh nghiệp tư nhân trong nước, khả năng khuyến khích đầu tư tư nhân là rất thấp. Thứ ba, với tình trạng dư thừa công suất hạ tầng như hiện nay, việc tăng chi tiêu công không có nhiều ý nghĩa. Thứ tư, rất khó để Trung Quốc mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu.

Tóm lại, những gì đã xảy ra với Nhật Bản cũng như các nước khác ở mức thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc cùng với những vấn đề mà Trung Quốc đang phải đối mặt cho thấy, những thách thức đang rất lớn với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Nếu những bất ổn kinh tế – xã hội xảy ra, Trung Quốc thường tạo ra các điểm nóng bên ngoài như tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải để chuyển hướng sự chú ý của người dân trong nước. Đây sẽ là thách thức đối với Việt Nam.

Bài viết có sử dụng một số phân tích trong các bài: (1) “Nhật Bản hóa của Trung Quốc” trên Financial Times của Robin Wigglesworth; (2) “40 năm bùng nổ của Trung Quốc đã chấm dứt. Điều gì sẽ đến tiếp theo?” của Lingling Wei và Stella Yifan Xie trên Wall Street Journal; và (iii) “Siêu chu kỳ nợ đến với Trung Quốc” của Kenneth Rogoff trên Project-Syndicate.

Theo HUỲNH THẾ DU / THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Tags: ,