Liegnitz 1241 – trận đánh kinh điển của kỵ binh Mông Cổ ở Châu Âu

Khi người Mông Cổ thấy rằng bắn tên vào giáp của các hiệp sĩ châu Âu là không hiệu quả thì đơn giản là họ bắn ngựa. Các kỵ sĩ mất ngựa là con mồi dễ dàng cho các kỵ binh nặng Mông Cổ, những người hạ họ bằng thương hay mã tấu mà ít nguy hiểm tới bản thân.

Liegnitz 1241 – trận đánh kinh điển của kỵ binh Mông Cổ ở Châu Âu

Ngày 9/4/1241, Henry đệ nhị, công tước vùng Silesia, (mà trong sử sách cũng gọi là Henry sùng đạo) mang quân ra khỏi Liegnitz để gặp đạo quân Mông Cổ đang gây khiếp đảm cho châu Ău (dân ở đây gọi là bọn Tartar). Quân xâm lược từ phương Đông này đã tấn công Lublin và cướp phá Sandomir. Đạo quân của Henry là đạo quân Ba Lan cuối cùng còn có thể chống lại quân Mông Cổ. Khi Henry đang đi qua Liegnitz thì một viên gạch đã rơi từ mái nhà thờ Saint Mary suýt giết ông. Sự kiện này được công chúng xem như là một điềm rủi cho cuộc phát quân này.

Henry biết rằng người Mông Cổ, chỉ cách đấy có vài tuần, vưà đánh tan một liên quân Ba lan – Slav dưới sự chỉ huy của người anh họ Boleslav đệ ngũ và đã đốt trụi Cracovia trong vỏn vẹn một ngày chủ nhật. Do đó công tước rất đang mong đợi 5 vạn quân cứu viện của người anh em cột chèo là vua Wenceslas đệ nhất của Bohemia (bây giờ thuộc CH Czech). Nhưng ông không biết họ sẽ đến nơi bao giờ và ông không biết có nên đợi đồng minh ở trong thành Liegnitz hay không vì ông ta sợ rằng trong khi đó quân Tartar sẽ nhận được viện binh. Trước mối lo sợ này, Henry quyết định rời Liegnitz và tiến về phía thành phố Jawor, nơi mà ông nghĩ sẽ có thể được gặp viện quân Bohemia. Đạo quân 3 vạn người của Henry gồm hiệp sỹ Ba Lan, sư hiệp sỹ của dòng Teutonic, của dòng Cận Vệ Đền (Pháp) và quân bộ được gom lại bằng áp lực trong đó có cả những người thợ mỏ Đức ở mỏ vàng của thành phố Goldburg. Đối địch với họ là 2 vạn quân MôngCổ dưới quyền của Kaidu, người chắt của Thành Cát Tư Hãn, đầy nhuệ khí nhờ những chiến thắng trước.

Dù cuộc xâm nhập Mông Cổ này có tàn bạo thế nào đi nữa, nó cũng chỉ là một mũi nhử để không cho người châu Âu thấy ý đồ chính của họ là để chiếm nước Hung. Từ năm 1236, 15 vạn quân MôngCổ đang vun đắp lãnh thổ cho người con của Thành Cát Tư Hãn, đại hãn Ogadei (Oa Khoát Đài ), trên lãnh thổ của những vương tử quốc phía tây nước Nga. Người chỉ huy đạo quân này là người cháu của TCTH Batu (Bạt Đô), nhưng sự thật quyền quân suý thuộc Subotai (Tốc Bất Đài), lão tướng của Thành Cát Tư Hãn, đã từng chỉ huy quân Mông Cổ trong những chiến dịch chống nhà Kim và tiêu diệt vương triều Khwarazmia ở Ba Tư.

Trong khi đánh ở Nga, quân Mông Cổ đã đuổi 20 vạn người Cuman, một bộ lạc du mục chống lại họ về phía tây vùng núi Carpathian. Ở đây người Cuman xin vua Bela đệ tứ của Hungaria được bảo hộ và thay vào đó họ sẽ vào đạo Thiên Chúa hết. Vua Bela chấp nhận ngược lại những cảnh cáo của rất nhiều quý tộc không tin tưởng người Cuman. Ông ta muốn được giáo hoàng kính trọng nhờ việc thụ đạo hàng loạt này và có thêm 4 vạn chiến binh Cuman đã từng quen cách đánh Mông Cổ chấp nhận bảo vệ nước Hung. Đây là cơ hội cho người Mông Cổ khai chiến với Bela.

Sau hội nghị chiến lược Pzresmisl vào tháng 12/1240, Batu gửi tối hậu thư cho Bela đệ tứ : “lời đồn đã đến tai ta rằng ngươi bảo vệ cho bọn Cuman là nô lệ của ta. Hãy bỏ ngay ý định đó, bằng không vì chúng nó, ngươi và ta sẽ trở thành thù địch. Bọn chúng là dân không nhà mà sống dưới lều thì có thể dễ chạy được, chứ bọn ngươi là dân sống dưới nhà và trong thành phố thì làm sao có thể thoát khỏi tay ta!” Từ chối tối hậu thư, vua Bela gửi người đi khắp nước Hung mang theo thanh kiếm dính máu biểu hiện cho tổ quốc lâm nguy để kêu gọi vương tộc và chư hầu đi bảo vệ vương quốc.

Quý tộc từ Hung và những vương quốc xung quanh đều trả lời cho lời kêu gọi. Một trong những người cuối cùng là đại công tước Frederick của Áo, vốn đã có thù hằn về tranh dành đất đai với Bela. Khi vào nước Hung, ông thấy rằng người dân không có cảm tình với người Cuman. Đóng quân ở thủ đô Buda, nhưng ông đã sang sông Danube đến tận Pest một thành phố nhỏ, khi ở đây nổ ra một cuộc nổi loạn (mà nhiều người nói là do ông giật dây) làm cho vua hãn của Cuman là Khotyan bị giết và thủ cấp bị vất ra ngoài đường. Người Cuman nổi giận rời nước Hung để sang Bungaria, nhưng không quên tàn phá hết trên đường đi. Trong khi đó đại công tước Frederick trở về Áo và quan sát cuộc chiến sắp tới như một người ngoài cuộc.

Tháng 2/1241, quân đội Mông Cổ rời căn cứ ở miền nam Nga và vượt qua các con sông đóng băng tiến vào Trung Âu. Lực lượng gồm 70000 người, hai phần ba là kỵ binh nhẹ và phần còn lại là kỵ binh nặng, tất cả đều được trang bị cung. Trên danh nghĩa họ được Batu chỉ huy, nhưng một lần nữa ông ta được Subotai hướng dẫn. Thậm chí trong khi tiến hành chiến dịch ở Nga, Subotai đã gửi gián điệp về phía tây tới Trung Âu để xác định các điều kiện chính trị, kinh tế và xã hội, cũng như khả năng quân sự của các vương quốc và lãnh địa công tước trong vùng xung quanh. Kết quả. Nỗ lực của ông đã được tưởng thưởng.

Trước khi tiến hành chiến dịch Hungary, người Mông Cổ đã đánh bại bất cứ vương công Nga lớn nào đe dọa sự hiện diện của họ trong vùng, sau đó dùng một năm nghỉ ngơi và tái tập hợp ở nơi ngày nay là Ukraina trước khi tiến vào Trung Âu. Dù Batu và Subotai biết về sự kình địch bất hòa giữa các vua và quý tộc châu Âu, họ cũng hiểu rằng các nhà cai trị châu Âu có quan hệ gần gũi về huyết thống và hôn nhân, và sẽ có khả năng giúp đỡ lẫn nhau nếu họ nghĩ mối đe dọa từ bên ngoài đủ nghiêm trọng. Do vậy quân đội Mông Cổ được chia thành 2 đạo quân không bằng nhau. Đạo quân nhỏ hơn, 20.000 người được Baidar và Kaidu, cháu của Ogadei, cùng chỉ huy, xuất quân trước vào đầu tháng 3/1241 và tiến vào phía bắc tới Ba lan để thu hút mọi lực lượng hỗ trợ cho Hungary từ khu vực này. Lực lượng chính khoảng 50.000 người được Batu và Subotai chỉ huy, tiến quân vài ngày sau và bản thân nó được chịa làm 2 đạo quân. Đạo lớn vượt dãy Carpathians vào Hungary ngày 12/3, trong khi lực lượng nhỏ hơn để che sườn nam, được Kadan, con trai của Ogadei, chỉ huy, vượt dãy Carpathians khoảng 150 dặm về phía Nam và tiến vào Transylvania.

Năm 1241 Ba lan được chia thành 4 nước, mỗi nước được một nhánh khác nhau của dòng họ Piastow cai trị. Trong khi vua Boleslav V xứ Kraków là nhà cai trị hợp pháp (pre-eminent ruler), sự thật là em họ của ông ta, công tước Henry II xứ Silesia là người hung mạnh nhất. Dù sự sắp xếp của nhà Piastows có hay ho đến mức nào chăng nữa, họ chứng tỏ là không có khả năng đưa ra một một phản ứng thống nhất cho một cuộc tấn công bất ngờ.

Quét theo một vòng cung về phía Bắc qua rìa dãy Carpathian và tiến vào Ba lan, Kaidu và Baidar cướp phá Sandomir, đánh bại một đạo quân của người Ba Lan và các lực lượng Slav khác dưới sự chỉ huy của Boleslav ở Kraków ngày 3/3, và đánh bại một đạo quân Ba Lan khác ở Chmielnik ngày 18/3. Chuyển sự quan tâm của họ trở lại Kraków, người Mông Cổ chiếm và đốt cháy thành phố ngày 24/3, sau đó tấn công Breslau, thủ phủ Silesia. Breslau trụ vững, và các viên tư lệnh Mông Cổ biết tốt hơn là không nên thu hút đạo quân nhỏ của họ vào một cuộc vây hãm thành trì lâu dài trong một lãnh thổ thù địch, Họ bỏ qua thành phố và tiếp tục cuộc tìm kiếm công tước Henry và đội quân của ông.

Không như Henry, Kaidu và Baidar biết Wenceslas ở nơi chỉ cách 2 ngày hành quân. Người Mông Cổ hiện đã ít quân hơn một chút và không thể liều lĩnh cho phép Henry và Wencesslas hợp quân. Do đó, khi Henry tiến đến một một vùng đồng bằng được các ngọn đồi thấp bao quanh được gọi là Wahlstadt, ông ta thấy người Mông Cổ đã ở đó đợi sẵn.

Khi trông thấy người Mông Cổ, Hendry chia quân làm 4 đội và bố trí đội này sau đội kia ở Wahlstadt. Nhóm đầu tiên dưới sự chỉ huy của Boleslav, con trai bá tước Moravia, được tạo thành bởi hiệp sĩ từ nhiều dân tộc khác nhau, được bổ sung bằng các thợ mỏ từ Goldberg. Sulislav, em trai của lãnh chúa Kraków quá cố, lãnh đạo nhóm thứ 2 người Kraków và các hiệp sĩ từ Welkopole. Nhóm thứ 3 gồm các hiệp sĩ từ Opole, được công tước Opole Meshko chỉ huy, và các hiệp sĩ Teutonic từ Phổ dưới sư chỉ đạo của Heermeister Poppo von Ostern. Công tước Hendry chỉ huy nhóm thứ 4, được tạo thành bởi lính từ Silesia và Breslau, hiệp sĩ từ Welkopole và Silesia, và các hiệp sĩ đền thánh Pháp.

Các hiệp sĩ Teutonic và hiệp sĩ Đền Thánh là các dòng tu quân sự với nguồn gốc từ các cuộc Thập tự chinh. Do luyện tập quân sự cũng như tôn giáo, các hiệp sĩ sẵn sàng phục tùng kỉ luật và bình thường là lực lượng tốt nhất của các đội quân của công tước Hendry. Tuy thế Baidar và Kadan trông đợi sẽ cộng thêm một chiến thắng vào bản thành tích đã đáng kể sẵn của họ. Sự tự tin của người Mông Cổ không phải là không có cơ sở.

Quân đội của Henry là một đội quân châu Âu điển hình vào thời kì nay. Nó chỉ có tổ chức sơ đẳng nhất. Các hiệp sĩ tạo thành các trận địa với quy mô, tổ tức và nguồn gốc quốc gia hay khu vực khác nhau. Một nhóm các trận địa đó tạo nên chiến tuyến. Chức chỉ huy được phân công trên cơ sở dòng dõi chứ không phải là năng lực đã được chứng minh như quân đội Mông Cổ. Quân đội Mông Cổ được tổ chức thành các tiểu đội 10 người (thập phu), đại đội 100 người (bách phu), các trung đoàn 1.000 người (thiên phu) và các sư đoàn hay touman (vạn phu) 10.000 người. Mỗi đơn vị đều có kỉ luật cao và tuân theo các hiệu lệnh được báo hiệu bằng cờ trong trận đánh.

Một tư lệnh Mông Cổ có thể ở bất cứ đâu trong đội hình của mình, chỉ huy lính khi thấy phù hợp. Ngược lại một chỉ huy một đạo quân châu Âu thường chiến đấu bên cạnh lính của mình trong trận đánh nơi ông ta có thể bị nhận ra dễ dàng, chịu nguy hiểm và không có khả năng phản ứng với sự phát triển của trận đánh. Cách chỉ huy đó ví dụ có thể hiểu được phần nào nơi các trận đánh được xem như cơ hội thể hiện lòng dũng cảm cá nhân, nơi mục tiêu của cuộc đấu là danh dự cũng như chiến thắng. Nhưng với người Mông Cổ chiến thắng là tất cả. Do đó cách tiếp cận của họ là giết hay đánh bại quân địch càng hiệu quả càng tốt, nghĩa là tổn thất thấp nhất. Đó là cách tiếp cận logic với người Mông Cổ, những người tiến hành chiến dịch xa nhà hàng ngàn dăm chống lại kẻ đich đông hơn, họ không thể chịu mất hoặc người hay trận chiến. Chiến thuật Mông Cổ giống như chiến thuật của thợ săn, những người dùng tốc độ, sự khéo léo và mưu mẹo lùa con mồi tơi nơi anh ta sẽ giết nó với rủi ro nhỏ nhất. Trong trường hợp đối đầu với đội quân của công tước Henry, Baidar và Kaidu quyết định thử một chiến thuật thông thường của dân du mục thảo nguyên: Tấn công, giả chạy và phục kích.

Cả quân đội châu Âu và Mông Cổ phụ thuộc vào ngưa, nhưng đến đó sự tương đồng chấm dứt. Hiệp sĩ được một lãnh chúa phong kiến, hay vua nuôi cho mục đích chiến tranh. Anh ta được huấn luyện cho việc cận chiến với kẻ thủ, và vũ khí chủ yếu là cây thương nặng và kiếm rộng bản. Cây thương được cầm bằng bàn tay và đặt ngang dưới cánh tay nhằm mục đích truyền sức nặng và lực cua ngựa và người cưỡi khi họ tấn công kẻ thù. Tương tự. thanh kiếm rộng bản nặng bổ từ yên ngựa có thể tạo nên những nhát chém khủng khiếp. Để bảo vệ bản thân trong cuộc đấu tay đôi kiểu này, hiệp sĩ mặc bộ giáp nặng và phức tạp. Một áo giáp mắt xích dài tay, hay hauberk (áo giáp dài) bảo vệ thân thể. Hiệp sĩ cũng có thể đội một chiếc mũ ni hay mũ giáp trùm đầu bằng mắt xích, và chắc chắn là anh ta cũng sẽ đội mũ sắt. Anh ta đeo găng sắt và giáp che chân, và mang một cái khiên bên tay trái. Bộ giáp đầy đủ có thể nặng hơn hơn 30 kg, và chàng hiệp sĩ cưỡi một con ngựa được nuôi đặc biệt đủ khỏe để mang anh ta cũng như giáp trụ, Bản thân trọng lượng của anh ta là một vũ khí. Anh ta húc xuyên qua đội ngũ kẻ thù, sau đó bộ binh chạy tới và trừ khử những người mà các hiệp sĩ làm cho ngã ngựa, húc ngã, chẹt qua hay làm dạt sang bên.

Quân đội Mông Cổ được tạo thành toàn bộ bằng kỵ binh, nhưng ngược với các hiệp sĩ châu Âu, người Mông Cổ phụ thuộc chủ yếu vào cây cung, và thường không thích cận chiến trên lưng ngựa. Sự bảo vệ của họ nằm ở tốc độ và sự cơ động, chứ không phải giáp trụ, và họ thường không mặc giáp ngoài một chiếc mũ trụ hở với tấm da rủ sau cổ và một chiếc áo lụa dưới áo khoác mà nó sẽ theo mũ tên cắm vào vết thương và cho phép người ta rút mũi tên mà không làm rách thịt. Mông Cổ cũng có kỵ binh nặng, nhưng lực lượng này thường mặc giáp hình lông chim tương đối nhẹ và mềm, bao gồm vô số các tấm da và sắt phủ chồng lên nhau. Cung Mông Cổ là một chiếc cung uốn ngược phức hợp, một vũ khí bằng gỗ dát mỏng, sừng và và gân, mà nó có thể phóng một mũi tên xa 300 m. Người Mông Cổ bắn tên cực kì chính xác khi phóng ngựa nhanh và thậm chí có thể xoay người bắn ngược chính xác vào kẻ truy đuổi. Mỗi chiến binh mang theo hơn 60 mũi tên với trọng lượng khác nhau để bắn với các khoảng cách khác nhau và thường mang theo hơn một cây cung. Người Mông Cổ cưỡi một loại ngựa lùn, nhỏ hơn loai dùng để chiến đấu trong quân đội châu Âu. Tuy thế loài động vật châu Á này có khả năng chịu đựng siêu việt và sống bằng chăn thả trong tự nhiên. Mỗi người lính Mông Cổ có 2, 3 hay thậm chí 4 con ngựa lùn nên anh ta có thể dùng chúng trong một cuộc trường chinh và bảo vệ chúng khỏi kiệt sức. Cách đó cho phép các đạo quân Mông Cổ di chuyển 50 hay thậm chí 60 dặm một ngày, gấp vài lần một đạo quân phương Tây trong thời kì đó có thể hành quân. Nó cũng đem lại cho người Mông Cổ lợi thế tốc độ trên chiến trường. Bởi thế hai đội quân hoàn toàn khác nhau đối mặt ở Wahlstadt.

Khi cuộc giao chiến ở Wahlstadt bắt đầu, người châu Âu bối rối vì kẻ địch di chuyển không kèm tiếng hò reo hay tiếng kèn trận; tất cả các tín hiệu đều được truyền bằng cách có thể thấy được, bằng cờ hiệu và quân kì. Thật kì lạ, dù kỉ luật chung của người Mông Cổ cao hơn các hiệp sĩ, đội hình của họ trông lỏng lẻo hơn, làm cho người châu Âu khó xác định chính xác số lượng của họ.

Sư đoàn đầu tiên của công tước Henry, dưới sự chỉ huy cua Boleslav, tấn công các hàng quân Tartar để bắt đầu trận chiến giáp lá cà thông thường, nhưng những người Mông Cổ mang giáp nhẹ hơn trên những con ngựa lùn nhanh nhẹn dễ dàng bao vây họ và bắn một trận mưa tên. Thấy rằng họ không thể được bất cứ sự hỗ trợ nào từ các đội hình khác, người của Boleslav dừng cuộc tấn công và chạy về chiến tuyến Ba Lan.

Cuộc tấn công thứ hai do sư đoàn hai và ba được tiến hành dưới sự chỉ huy của Sulislav và Meshko xứ Opole. Không như cuộc tiến công thứ nhất, đợt tấn công này dường như thành công. Người Mông Cổ đột nhiên bỏ chạy toán loạn. Được khích lệ, các hiệp sĩ tăng cường tấn công, thèm khát đối mặt với người Mông Cổ bằng thương và kiếm rộng bản. Kẻ thù châu Á của họ tiếp tục bỏ chạy phía trước, rõ ràng không thể đối mặt với cuộc tiến công của các kỵ binh nặng.

Thế rồi một điều kì cục diễn ra. Một kỵ sĩ duy nhất từ hàng quân Mông Cổ lao về phía hàng quân Ba Lan gào lên “Byegaycze! Byegaycze!” hay “Chạy! Chạy!” trong tiếng Ba lan. Biên niên sử Ba lan không chắc liệu người này là người Mông Cổ hay là một trong số người Nga đã bị chinh phục bị ép tham gia quân ngũ của họ. Meshko không coi đây là mẹo lừa và bắt đầu rút khỏi bãi chiến trường với các hiệp sĩ của mình. Thấy Meshko rút lui, Hendry dẫn đội quân thứ tư xông vào chiến tuyến Mông Cổ và một lần nữa cận chiến. Sau một cuộc giao chiến dữ dội, một lần nữa người Mông Cổ bắt đầu bỏ chạy. Người ta thấy cờ hiệu đuôi bò Tây Tạng đính trên đó các xương ngang vai cừu dẹt được kéo lại, người cầm cờ tham gia cuộc rút lui, và các hiệp sĩ Ba Lan dồn ép kẻ địch.

Tuy vậy mọi việc không giống như sự việc dường như đang xảy ra với các hiệp sĩ châu Âu, họ trở thành nạn nhân của một mưu mẹo cũ rich trong sách của người Mông Cổ là giả thua. Không giống các hiệp sĩ, các kỵ sĩ thảo nguyên được dạy rút lui là một sự di chuyển chiến thuật, và làm vậy họ kéo các kỵ sĩ khỏi đám bộ binh. Một khi làm được điều này, người Mông Cổ đánh bọc cả hai bên sườn của các hiệp sĩ , những người đã kéo dãn đội hình và mất hàng ngũ, và tưới một trận mưa tên vào họ.

Những người Mông Cổ khác tổ chức mai phục, chuẩn bị đối mặt với các hiệp sĩ khi họ rơi vào bẫy. Ngay khi người Mông Cổ thấy rằng bắn tên vào giáp của các hiệp sĩ là không hiệu quả thì đơn giản là họ bắn ngựa. Các kỵ sĩ mất ngựa là con mồi dễ dàng cho các kỵ binh nặng Mông Cổ, những người hạ họ bằng thương hay mã tấu mà ít nguy hiểm tới bản thân. Các hiệp sĩ đền thánh kiên quyết kháng cự, chỉ để bị giết sạch trừ một người sống sót.

Người Mông Cổ dùng thêm một mẹo nữa: rải khói ngang qua chiến trường giữa bộ binh và các hiệp sĩ, những người đang tiến công phía trước, do đó bộ binh và kỵ binh không thể thấy nhau khi người Mông Cổ xông vào các hiệp sĩ và hầu như tiêu diệt họ. Công tước Henry cố gắng phi nước đại khỏi bãi chiến trường, nhưng bị người Mông Cổ truy đuổi và giết chết, cắt đầu và diễu hành tới Liegnitz với cái đầu trên đầu ngọn giáo.

Theo tập tục đếm xác kẻ thù của người Mông Cổ, mỗi xác người châu Âu bị cắt một tai. Người Mông Cổ lèn đầy chín bao tải tai người chết. Các ghi chép đương thời cho thấy 25.000 người của Henry bị giết. Trưởng dòng tu các hiệp sĩ Đền thánh viết cho vua Pháp Louis IX nói về trận đánh: Người Tartar tàn phá và chiếm đất của công tước Ba Lan Hendry, với nhiều nam tước, sáu người anh em của chúng ta, ba hiệp sĩ, hai thị vệ và 500 người của ta chết”. Khi chuẩn bị đi tới Trung Âu đánh nhau với người Mông Cổ, vua Louis nói với mẹ, thái hậu Blanche, rằng hoặc là họ sẽ tống người Tartar trở lại địa ngục, hay người Tartar sẽ đưa họ lên thiên đường. Câu nói này của ông là dựa trên một cách diễn đạt tiếng Latin cho từ địa ngục, hay Tartarus, và nó khiến người châu Âu gán biệt danh này cho người Mông Cổ.

Trong lá thư của vị trưởng dòng cho vua Louis có nói là lúc này không còn một đạo quân to nhỏ nào nữa giữa quân xâm lăng và nước Pháp. Lời nói này không có gì là quá đáng vì khi được tin thất bại ở Liegnitz, Wesceslas và quân Bohemia đã ngừng tiến và lùi về vị trí phòng thủ của họ. Trong thời gian này ở phía nam, Batu và Subotai bắt đầu tấn công những cửa ải để xuống núi vào Hung với tốc độ trên tuyết là 40 dặm một ngày.

Trong mấy ngày mà Henry và không biết bào nhiêu bộ hạ của ông đã bỏ mạng, vua Bela đệ tứ rời Pest với khoảng 6, 7 vạn binh để chống lại mũi chính quân Mông Cổ. Quân Hung tiến về phía địch trong khi địch lại lùi dần dần đến tận vùng đồng bằng Mohi, cạnh sông Sajó. Ở đây ngươì Mông Cổ đột ngột lùi nhanh, vượt qua những khu rừng ở bên kia sông và biến mất. Vua Bela đóng quân lại ở Mohi và cho xe thồ bao xung quanh trại để lập luỹ bảo vệ.

Quân Mông Cổ chiếm giữ cái cầu duy nhất qua sông Sajó với sự yểm trợ của máy ném đá. Mặc dầu vậy, ngày mồng 10/4, quân Hung xung phong chiếm cầu. Vì áo giáp mỏng hơn và đánh nhau trên một diện tích quá nhỏ để có thể cơ động, quân Mông Cổ thua trận này. Vua Bela tiến tới và lập một trại y hệt với xe thồ bảo vệ xung quanh ở vùng đầu cầu phía Đông trong khi ông cũng củng cố lại trại cũ phía Tây bằng cách buộc xe thồ lũy lại với nhau.

Mặc dù mất cầu nhưng Subotai đã tìm ra được một điểm nước nông ở phía Nam, và trước buổi tối ngày 11/4, ông ta đã dẫn 3 vạn kỵ mã vượt sông ở đây. Cùng lúc đó, Batu ép cánh trái quân Hung để bắt họ phải quay đội hình sang để chống trả, kỵ binh Subotai tranh thủ tiến lên phía Bắc đánh vào hậu quân của Bela. Vào 7 giờ sáng quân châu Âu hoàn toàn thụ động, bỏ chạy trốn về trong trại. Trong những giờ sau người Mông Cổ vây trại của Bela và dùng máy ném đá bắn vào nào đá, nào dầu thô hay nhựa đường cháy và ngay cả pháo nổ của Trung Quốc, mà tiếng nổ và loé từ trước đến nay chưa bao giờ được thấy ở châu Âu đã làm rụt thêm nhuệ khí của những người bị vây.

Một chuyện lạ nữa xuất hiện: quân Hung thấy rằng người Mông Cổ đã bao vây hoàn toàn doanh trại của họ nhưng lại để một lỗ hở ở phía Tây. Dần dần một vài người Hung đã thử đi qua lỗ hổng này và họ đã chạy được một cách an toàn. Những người còn lại ai ai cũng muốn đi theo và cuộc rút lui nhanh chóng trở thành hỗn loạn. Đội hình quân mã Hung bắt đầu kéo dài ra, và ở đây quân Mông Cổ bắt đầu xuất hiện càng ngày càng nhiều, phi ngựa dọc theo hai bên tưới tên vào đội hình quân Âu. Cuộc rút lui biến thành bỏ chạy bán sống bán chết. Đến lúc đó kỵ binh Mông Cổ mới tiến tới chém giết loạn quân bằng thương và mã tấu. Tuỳ theo nhiều sử sách, con số quân Hung hay Âu châu chết trận là từ 4 vạn đến 6 vạn rưỡi.

Sau khi tiêu diệt quân Hung, quân của Subotai và Batu gặp được quân của Kadan. Ông này cũng đã không lười biếng vì trong mấy tuần trước, cánh quân phụ này đã thắng ba trận đánh và đã tàn phá, đốt trụi những vùng Moldavia, Bukovina và Transsylvania. Vào ngày Subotai tiêu diệt quân Hung ở Mohi, thì Kadan đã chiếm thành pháo đài Hermannstadt mặc dầu quân vệ thành đã chiến đấu tới cùng.

Không như công tước Henry, Vua Béla không bị quân Mông Cổ phát hiện và trốn tới Áo. Ở đây ông bị công tước Frederick bắt. Sau khi mua lại tự do bằng tiền chuộc và ba quận ở phía Tây cho Frederick, Béla tiếp tục chạy trốn tới Dalmatia với quân Mông Cổ đuổi sát từng bước cho đến khi Béla tìm thấy nơi trú ẩn trên một hòn đảo ở vùng biển Adriatic gần Trau (bây giờ là Trogier) ở Croatia.

Cả châu Âu bị sốc trước hai thảm bại liên tiếp. Người Ba Lan và những người khác cho rằng thành công của Mông Cổ là do sức mạnh siêu nhiên hoặc cho rằng quân Mông Cổ không phải là người bình thường. Thực tế là không có gí bí hiểm về họ. Quân Mông Cổ thể hiện tính kỷ luật, hiệu quả và trật tự, những phẩm chất mà quân đội châu Âu thời đó thường không có.

Sự biến mất đột ngột của quân Mông Cổ cũng ngạc nhiên không kém khi họ bắt đầu xâm chiếm châu Âu. Sau chiến thắng tại Liegnitz, đạo quân phía Bắc rút khỏi Balan và không bao giờ quay lại. Tin rằng họ đã gây đủ thiệt hại khiến quân Mông Cổ không thể tiếp tục xâm chiếm, dân Ba Lan vẫn kỷ niệm ngày 9/4 là ngày họ bảo vệ đất nước, và có lẽ cả Đức và Tây Âu nữa, khỏi sự tàn phá của quân Mông Cổ.

Sự thật là Kaidu và Baidar hoàn toàn không có ý định tiến sâu hơn nữa vào Châu Âu – nó chưa bao giờ là mục đích của họ. Trong thực tế là họ đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Chỉ với 2 vạn quân kỵ binh họ đã tiêu diệt quân đội của Boleslav và Henry, buộc Wenceslas rút khỏi Bohemian , tiêu diệt toàn bộ đe doạ từ phía Bắc cho đội quân của Batu và Subotai. Hoàn thành nhiệm vụ, họ quay về phía Nam và nhập với đạo quân chính ở Hungary, tàn phá vùng Moravian trên đường đi.

Sau đó quân Mông Cổ không ở lại Hungary lâu. Ngày 11/12/1241, Ogodei (Oa Khoát Đài) chết tại châu Á. Khi được tin Đại hãn mất, Subotai nhắc ba hoàng tử trong đội quân của ông về luật thừa kế của Thành Cát Tư Hãn: “Sau khi Đại hãn chết, tất cả con cái của đại hãn, ở bất cứ đâu, phải trở về Mông Cổ để tham gia vào việc bầu đại hãn mới”.

Tập hợp mọi lực lượng, quân Mông Cổ rút về thủ đô Mông Cổ Karakorum, tạm ngừng cuộc xâm lược châu Âu và họ không bao giờ trở lại.

Theo TTVNOL

Tags: , ,