⠀
‘Sến hóa’: Một chứng bệnh ung thư trong nền âm nhạc Việt Nam
Có thể thấy, hiện tượng sến là một “cuộc tình dai dẳng” giữa người nghe và nhạc sĩ, ca sĩ mà không phải ai cũng nhìn thấy cái bất lợi của nó về tình cảm. Nó làm yếu đuối tinh thần và sức bật của tuổi trẻ. Giờ đây nó đã như một khối u khó cắt bỏ trong đời sống thị dân.
Chúng ta đều biết, dòng nhạc sến ra đời cách đây cả nửa thế kỷ với những điệu thức Bolero, Ballade… gắn với nội dung lời ca bi lụy, thất tình, đau khổ về số phận trớ trêu của kiếp nghèo, tập trung vào những chia ly và mất mát trong tình yêu.
Lời hát não nề, than vãn cầu mong cho sự cam chịu được bù đắp. Nhạc thì được phát triển giàu chất tự sự lê thê, buồn bã khai thác âm hưởng cổ nhạc theo hướng yếm thế do ru ngủ lòng người tạo nên cảm giác chán chường bế tắc.
Nếu khảo sát tất cả những album của các trung tâm ca nhạc hải ngoại như Thúy Nga Paris, Asian, Vân Sơn… hàng tháng qua con đường nhập lậu và bán tự do như hiện nay thì 70% những ca khúc trong các chương trình đều thuộc dòng sến hoặc hát theo màu sắc sến.
Những giọng hát đã cũ nhưng vẫn nhai đi nhai lại những ca khúc bi lụy ru ngủ lòng người như: “Giết người trong mộng”, “Người yêu chung vách”, “Đời tôi cô đơn”, “Trả nhẫn kim cương”, “Kẻ bội bạc”, “Làm dâu xứ lạ”, “Tình nghèo”, “Nếu chúng mình cách trở”, “Thất tình”, “Giọt lệ Đài Trang”… v.v và v.v.
Các nhà quản lý văn hóa của ta rất cân nhắc trong việc cấp phép cho các ca khúc này được phổ biến ở Việt Nam. Nhưng đây là đối với các ca sĩ trong nước chứ các chương trình ở hải ngoại hàng ngày được đưa về thì khó mà kiểm soát, ngăn chặn nổi.
Và tính cho đến nay đã đúng nửa thế kỷ dòng nhạc sến ấy vẫn len lỏi vào trong ngõ ngách của nhiều gia đình.
Có thể thấy, hiện tượng sến là một “cuộc tình dai dẳng” giữa người nghe và nhạc sĩ, ca sĩ mà không phải ai cũng nhìn thấy cái bất lợi của nó về tình cảm.
Nó làm yếu đuối tinh thần và sức bật của tuổi trẻ. Giờ đây nó đã như một khối u khó cắt bỏ trong đời sống thị dân. Thậm chí có những người ở trong lớp trí thức còn công nhận dòng nhạc này làm cho tinh thần mình được… “cân bằng”.
Chính những nhận thức phiến diện ấy đã góp phần tạo nên một thị hiếu yếu kém nhòe mờ và làm nền tảng cho sự biến dị của những di chứng trong thị trường nhạc trẻ hiện nay.
Qua khá nhiều Live Show và các CD, VCD, DVD của các ca sĩ thời thượng hiện nay ta thấy rõ chất sến trong âm nhạc đã được “khuếch đại” ở mức độ dị biệt hơn.
Nếu như những bài hát sến trước đó định hình qua những cung bậc chậm, buồn thê lương với những lời ca than thân trách phận, với kiếp nghèo khổ cùng cực là chính nhằm mục đích làm mủi lòng người và ru ngủ những niềm vui và những khát vọng vươn lên, thì các bản nhạc sến hiện đại lại được gào thét, thẳng tuột qua các giai điệu rock, rap, disco hoặc pop – rock cùng với những lời lẽ còn ghê rợn hơn.
Cũng với những nỗi cô đơn, tình phụ, phụ tình như trước nhưng lời ca được tung lên trời và quất vào lòng người nghe những phản cảm về nhục dục, hận thù. Mà đó cũng chính là sự bế tắc xuất phát từ nhạc sến não tình.
Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân đã từng thừa nhận việc nghiệp dư hóa của âm nhạc chính là ở mảng ca khúc pop phổ thông theo khuynh hướng là di chứng của một loại sến mới mà thôi.
Các di chứng của khối u sến còn di căn sang các màu sắc khác như sến sex, sến thác loạn… Vậy đó mới có các loại lời ca như:
Yêu một lúc đâu hai ba bốn năm cô
Là cho yêu như vậy mới là yêu
Người đàn ông tham lam… là anh
hoặc lời kêu trong bài hát nghe đến nhợt người:
Ái ài ai xin cho một lần em nói yêu anh
Ái ài ai em mong anh yêu em mãi bên em đây ái ài ai
Cô đơn đôi môi sẽ mãi rồi em ài ái ai.
Ca sĩ trẻ hát gào rống lên, nhảy chồm chồm khoe đùi, khoe rốn. Vậy đó, sự biến tướng của sến còn bệnh hoạn hơn. Nỗi đau của cô đơn và thất tình của sến xưa còn thể hiện tình cảm ủy mị, cam phận mang bệnh lý trầm cảm.
Nhưng vẫn nỗi đau và cô đơn, thất tình như vậy, sến nay phải gào, phải nhảy, đó là biến dị của sự bế tắc chung trong khối u nhạc sến mà bấy lâu nay đã và đang tồn tại.
Khi được trả lời trực tiếp trên TTO, nhạc sĩ Quốc Trung đã nhận xét:
– Việc được phổ biến hay tung hô nhiều tác phẩm kém như vậy là do sự lộn xộn của thị trường âm nhạc.
Trước đây ở ta có những quyết định nhằm hạn chế những bài hát sến có những lời ca dung tục, bi lụy não nề thì thiết nghĩ hiện tại càng cần phải làm triệt để hơn.
Đặc biệt, ngay các chương trình quảng bá trên truyền hình cần sàng lọc hơn nữa, bỏ đi những bài hát có lời ca thô thiển, bạc nhược đang được phát sóng dày đặc như hiện nay.
Đồng thời, cần tăng cường chương trình học tập và giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho người nghe ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Có như vậy mới hy vọng dần dần tạo nên những lớp công chúng yêu âm nhạc hướng tới một thế giới thẩm mỹ lành mạnh trong sáng…
Theo CÔNG AN NHÂN DÂN
Tags: Âm nhạc, Suy thoái văn hóa