Hiểm họa cho xã hội từ đám chuyên gia tự phong trên mạng

Huấn Hoa Hồng có thể trở thành chuyên gia dạy làm giàu, thì ai không thể tự xưng chuyên gia?

Tác giả: Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Cao Minh.

Tôi nhận thấy có hai “nhóm nghề” nổi lên và kiếm tiền cực kỳ nhanh chóng trên mạng: đó là dạy làm giàu và tư vấn tâm lý, sức khỏe kèm theo bán sản phẩm. Các lớp học tư duy làm giàu có giá khoảng 1-2 triệu đồng mỗi ngày, với hàng trăm người tham dự. Các khóa học tâm lý ít người tham dự hơn nhưng giá khoảng chục triệu cho 2-3 ngày. Làm giàu là chủ đề hấp dẫn nên người mua chẳng ngại ngần gì chi vài trăm, vài triệu cho các bí kíp. Gần đây, bộ sách dạy kiếm tiền của Huấn “Hoa hồng” được bán với giá 800 nghìn đồng. Video quảng cáo về sách của Huấn thu hút hàng nghìn người thích và chia sẻ.

Huấn là một hiện tượng mạng từ những năm 2015. Ban đầu, anh lấy lại trang fanpage của một streamer game (người chơi game trình diễn trực tiếp qua mạng) nổi tiếng. Sau đó, fanpage này bắt đầu thu hút mọi người bằng việc tặng sim điện thoại. Kế tiếp đó, chủ nhân đăng những video hài hước về các chuyến ăn chơi. Tuy nhiên, sự thu hút của các video không đến từ khả năng kinh doanh – thứ anh ta đang rao bán, mà đến từ lối sống đầy thách thức các chuẩn mực xã hội của người này.

Nhưng nguy hại hơn chuyện làm giàu, các vấn đề như sức khỏe tâm thần, sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng và chăm sóc người già, trẻ em cũng được rao bán với đủ loại lời khuyên, nhãn mác thần dược.

Người quen của tôi đã bay từ Hà Nội vào Sài Gòn để được một chuyên gia tâm lý bày cách giữ chồng với giá 5 triệu đồng.

Phụ nữ đó là mẹ của học trò tôi. Em kể cho tôi nghe, hôn nhân của bố mẹ em gặp trục trặc lớn. Bẵng đi một thời gian, em nhắn tin lại, hoang mang rằng sau khi tư vấn chuyên gia chẳng hiệu quả gì mà mẹ lại cảm thấy buồn bã, dằn vặt bản thân, có nguy cơ rơi vào khủng hoảng tâm lý. Tôi hỏi kỹ hơn về quá trình mẹ em đã tìm kiếm hỗ trợ như thế nào. Em cho tôi hay, mẹ em gặp chuyên gia ở Sài Gòn và nhận được lời khuyên: “mình phải đẹp lên, vui lên thì chồng sẽ quay về”.

“Chuyên gia” cũng bán cho mẹ em một gói trà hoa cúc để uống, giống như thứ phụ trợ để cản thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Kết quả là sau vài tháng uống no bụng trà hoa cúc, tập yoga, tân trang sắc đẹp, gia đình em vẫn không cải thiện gì. Mẹ em bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng và nghĩ rằng mình là xấu xí, già nua, rồi trách móc và dằn vặt bản thân, coi mình là nguyên nhân của sự thất bại trong hôn nhân.

Tôi không biết chuyên gia tâm lý kia đã nói gì. Tất nhiên, “chăm sóc bản thân mình” là một lời khuyên bổ ích, dễ nghe vì nó đem lại giải pháp đơn giản và chứa đựng hy vọng lớn lao. Tuy nhiên các vấn đề hôn nhân phức tạp không thể đơn giản hóa bằng việc bảo người trong cuộc hãy cứ chăm sóc bản thân và “rồi anh ấy sẽ về”. Tôi hỏi em về nguồn gốc chuyên gia kia. Thì ra mẹ học trò tôi đã tìm kiếm trên mạng và thấy cô ấy là một chuyên gia rất nổi tiếng, “có 500 nghìn like”, hàng chục ngàn lượt theo dõi.

Gần đây, tôi lại thấy những chuyên gia tâm lý, sức khỏe, bác sĩ tự phong xuất hiện ngày càng nhiều, đầu tiên là trên mạng, sau đó hành nghề trong đời thực. Họ bắt đầu gọi tên các vấn đề sức khỏe của khách hàng chỉ bằng cách chữa bệnh qua mạng, qua điện thoại, kêu gọi mở lớp và tuyên bố sẽ chữa lành. Học viên đóng tiền rồi đến ngồi nghe những bài giảng cho các nhóm đông người.

Một nhân vật nổi như cồn khác là tiến sĩ tâm lý tự phong với các lớp dạy về tình cảm, nghệ thuật quyến rũ cho phụ nữ. Người này quảng cáo đã tốt nghiệp tiến sĩ tại một đại học uy tín thấp ở Mỹ. Ít người biết trường này tai tiếng bởi việc sản xuất và mua bán bằng, đã bị đưa vào danh sách các trường cấp bằng không có giá trị của Ủy ban Hỗ trợ học sinh của bang Oregon, Mỹ. Tôi giật mình khi nghe vị tiến sĩ này phát biểu những vấn đề cần chuyên môn sâu như về chứng rối loạn lưỡng cực. “Nó chỉ xuất hiện ở độ tuổi 60, 70 trở lên thôi”, hay đó là “căn bệnh của cuộc sống giả tạo”. Khi được mời xuất hiện trên truyền hình, vị này nói những câu hoàn toàn vô căn cứ như: “(Rối loạn lưỡng cực) tái đi tái lại nhiều lần thì 85% người đó sẽ tự sát”, hay “ôm con gấu bông nằm khóc thì chính là bị trầm cảm”. Các chuyên gia tâm thần học hẳn sẽ giật mình.

Tâm lý học khám phá ra một quy luật hiện tượng giúp chúng ta giải thích xu hướng trên, gọi là “hiệu ứng hào quang”. Nó có nghĩa là một điểm sáng sẽ làm cho những điểm xung quanh sáng hơn. Hiện tượng này đầu tiên được nhà hành vi học Edward L. Thorndike khám phá bằng thực nghiệm. Thorndike yêu cầu các sĩ quan đánh giá phẩm chất của sĩ quan thấp cấp hơn về các khía cạnh như: khả năng lãnh đạo, thể chất, trí tuệ, sự trung thành và tính độc lập. Kết quả cho thấy, sĩ quan nào có các đặc điểm thể chất tốt sẽ được đánh giá thông minh hơn và tốt hơn. Con người chúng ta dễ dựa vào một đặc điểm nổi bật, cả tốt và xấu, thường là các đặc điểm thể chất, của ai đó rồi hình thành thái độ tích cực hay tiêu cực của chúng ta về người đó.

Tương tự, khi đánh giá quan điểm, tư tưởng của một người, chúng ta dễ bị thanh danh của họ làm lóa mắt. Có thể ban đầu, khi mới nêu ra, quan điểm của họ mới chỉ được chú ý chứ chưa có sức mạnh. Sau khi có một lượng người “thích” và “chia sẻ”, sẽ có những người khác làm theo vì nghĩ “ồ hẳn là nó đúng thì người ta mới thích chứ”. Nếu người đó có chức vị nhất định hay nổi tiếng sẵn về một điểm mạnh nào đó, các phát biểu của họ càng dễ được đám đông chấp nhận hơn, dù đôi khi nó có thể sai hay khác xa giá trị thật. Trong ảo diệu được tạo ra bởi lượt like, lượng fan, lượt chia sẻ vội vàng, sẽ còn những bệnh nhân tìm nhầm lang băm, những người bình thường bị chẩn đoán trầm cảm, và tiếp tục còn những tay đòi nợ thuê đi bán bí kíp làm giàu.

Thời đại của hiệu ứng hào quang trên mạng đã đánh lạc hướng nhiều người khỏi giá trị thực sự của tri thức. Các chuyên gia uy tín phải mất rất nhiều năm nghiên cứu, học tập, trải qua các kỳ thi khốc liệt trước khi trở thành người có thể tư vấn hay đưa ra lời khuyên. Các bác sĩ phải học cả chục năm trời mới có thể khám cho bệnh nhân mà chỉ giới hạn trong chuyên ngành của họ. Trong khi đó, có những “chuyên gia” giả hiệu chỉ cần tự gắn mác “Dr.”, “bác sĩ” trước tên, lên mạng “cày like” và rồi nhanh chóng nổi tiếng, mạnh miệng phát biểu về những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và để thu tiền những người đang bối rối tìm giải pháp cho cuộc sống riêng. Có lần, tôi đặt câu hỏi cho một số sinh viên, tại sao em lại tin chuyên gia đó, nhiều bạn trả lời tương tự: “vì anh ấy có mấy triệu fan lận thầy ơi”.

Nếu bạn lên mạng tìm giải pháp cho vấn đề nào đó, xin hãy tìm hiểu thật kỹ các nguồn thông tin trước khi mua dịch vụ. Dù họ có bao nhiêu triệu fan và like, ta vẫn phải kiểm chứng thông tin qua nhiều kênh và cả quy định pháp lý để không tìm nhầm giải pháp.

Thứ hai, tôi tự hỏi, dù hạ tầng luật pháp hiện đã có các quy định về bán hàng online, tiếp thị, quảng cáo, quảng bá dịch vụ, song nhà chức trách tại sao chưa giám sát kỹ hơn? Ai sẽ sát sao kiểm chứng bằng cấp cũng như trình độ, hoạt động của những người tự xưng là chuyên gia, đang rao bán tràn lan lời khuyên và sản phẩm bất chấp sức khỏe và sinh mệnh cộng đồng?

Theo VNEXPRESS

Tags: ,