Hàn Quốc và câu chuyện về ‘chế độ làm việc 69 giờ’

Nguyên nhân khiến chính phủ Hàn Quốc bất chấp áp lực của người dân để đưa ra “Chế độ làm việc 69 giờ”, có liên quan mật thiết đến triết lý kinh tế và đặc tính giai cấp của thế lực bảo thủ cầm quyền.

Hàn Quốc và câu chuyện về ‘chế độ làm việc 69 giờ’

Tác giả: Li Min (Lý Mân), trợ lý nghiên cứu viên tại Viện Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc.

Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ nguồn tiếng Trung trên Thời báo Hoàn cầu, “韩国“69小时工作制”为何难推进”, 环球时报, 2023–11-17.

Lại một lần nữa, “cải cách giờ làm việc” trở thành tâm điểm chú ý của xã hội Hàn Quốc. Ngày 13/11/2023, Bộ Lao động Hàn Quốc tuyên bố: Mặc dù vẫn tiếp tục giữ nguyên các điểm chủ yếu của chính sách “Chế độ làm việc 69 giờ” (mỗi tuần làm 40 giờ, cộng với tối đa 29 giờ làm thêm được trả lương), nhưng phạm vi áp dụng chế độ này đã được thu hẹp, chỉ áp dụng cho các ngành nghề và loại công việc cá biệt. Còn cụ thể các ngành nào sẽ được thông báo sau.

Tháng 3 năm nay, Chính phủ Hàn Quốc từng công bố một kế hoạch cải cách giờ làm việc, thay đổi tiêu chuẩn quản lý giờ làm thêm từ ban đầu nhiều nhất không quá 12 giờ mỗi tuần (tổng số giờ làm việc hàng tuần không quá 52 giờ), sang tiến hành hoạch định lại theo mỗi tháng, mỗi quý, mỗi nửa năm và mỗi năm, tức Phương án “Tập trung làm việc, tập trung nghỉ ngơi”, và được bổ sung bằng chế độ “Tập trung nghỉ ngơi” (chế độ tài khoản tiết kiệm thời gian làm việc). Theo phương án này, người lao động có thể làm việc nhiều nhất tới 69 giờ mỗi tuần.

Ngay khi phương án này ra mắt, phần lớn sự chú ý của dư luận đều tập trung vào con số “69” bắt mắt; xã hội đã phản ứng mạnh mẽ, đặc biệt là tiếng nói phản đối từ các công đoàn. Dưới áp lực của dư luận, Tổng thống Yoon Suk-yeol không thể không ra chỉ thị “Thu thập dư luận, cải tiến phương án”, tiến hành phỏng vấn nhóm và điều tra bằng phiếu hỏi với 6.000 người lao động, người sử dụng lao động và người dân. Sau 8 tháng im lặng, ngày 13/11 Bộ Lao động Hàn Quốc đã công bố kết quả cuộc điều tra công khai về cải cách chế độ giờ làm việc. Bộ này cho biết: “Chúng tôi sẽ đưa ra các phương án hỗ trợ để tạo điều kiện cho hai bên người lao động và nhà tư bản ở một số ngành nghề có thể căn cứ theo ý muốn của mình mà lựa chọn chu kỳ tính giờ làm thêm.” .

Chính phủ Hàn Quốc chấp nhận “thỏa hiệp”, một mặt vì số liệu khảo sát bằng phiếu hỏi không ủng hộ việc thực hiện đầy đủ “Chế độ làm việc 69 giờ”. Theo khảo sát đối với 976 chủ doanh nghiệp do Bộ Lao động Hàn Quốc thực hiện từ tháng 6 đến tháng 8, chỉ có 14,5% chủ doanh nghiệp cho rằng “Chế độ làm việc 52 giờ” hiện gây ra sự bất tiện. Mặt khác, khi cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4/2024 đang đến gần, đảng cầm quyền không thể không giảm nhẹ một số chủ đề gây tranh cãi, nhằm mục đích “quản lý dân ý”.

Về nguyên nhân khiến chính phủ Hàn Quốc ban đầu bất chấp áp lực của người dân để đưa ra “Chế độ làm việc 69 giờ”, điều này có liên quan mật thiết đến triết lý kinh tế và đặc tính giai cấp của thế lực bảo thủ cầm quyền. Khác với các thế lực tiến bộ chú trọng vào phân phối công bằng và bảo vệ lợi ích của người dân, thế lực bảo thủ của Yoon Suk-yeol cho rằng chìa khóa để đạt được sự công bằng xã hội không nằm ở khâu phân phối mà nằm ở khâu nâng cao hiệu quả. Do đó, chính phủ Yoon Suk-yeol đã hoàn toàn phủ định mô hình phát triển “dựa vào thu nhập” dưới thời chính phủ Moon Jae-in, chuyển sang đề xướng mô hình “do doanh nghiệp dẫn đầu”, chú ý đến lợi ích doanh nghiệp hơn là quyền và lợi ích của người lao động bình thường. Những người ủng hộ chính cho “Chế độ làm việc 69 giờ” là các chủ doanh nghiệp, bởi lẽ theo quan điểm của họ, “Chế độ làm việc 52 giờ” quá cứng nhắc và “Một nhát dao cắt đứt hết” sẽ gây cản trở cho những ngành có tính chất thời vụ và chu kỳ rõ ràng đang khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch quý. Những người ủng hộ “Chế độ làm việc 69 giờ” cũng lấy các nước phát triển khác làm ví dụ, chỉ ra rằng nhân viên ở Nhật Bản được phép làm thêm tới 100 giờ mỗi tháng, trong khi ở Mỹ hoàn toàn không có hạn chế về mặt này.

Địa vị kinh tế, xã hội của đảng cầm quyền cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Theo dữ liệu do Ủy ban Đạo đức Công chức của Quốc hội Hàn Quốc công bố vào tháng 3 năm 2023, tài sản trung bình của các Nghị viên Đảng Lực lượng Quốc dân cầm quyền lên tới 5,673 tỷ won (khoảng 30 triệu Nhân dân tệ Trung Quốc hoặc 100 tỷ VNĐ), cao hơn nhiều so với các chính đảng khác. Đối mặt với những nhu cầu lợi ích khác nhau của người lao động và của nhà tư bản, phe bảo thủ với địa vị kinh tế vượt trội có thể dễ dàng xem xét các vấn đề từ lập trường của “phía các nhà tư bản”.

Mặc dù chính phủ Yoon Suk-yeol đặt mục tiêu thúc đẩy cải cách giờ làm việc nhưng có đầy đủ lý do khiến xã hội Hàn Quốc ác cảm với ” Chế độ làm việc 69 giờ”. Hàn Quốc vẫn là quốc gia có lượng công việc nặng nề, thời gian làm việc vẫn rất dài so với các nước phát triển chủ yếu. Theo một khảo sát, vào năm ngoái, tỷ lệ người lao động ở Hàn Quốc làm việc hơn 48 giờ một tuần là 17,5%. Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tính đến năm ngoái, số giờ làm việc trung bình hàng năm của người lao động Hàn Quốc là 1.901 giờ, nhiều hơn 149 giờ so với số giờ làm việc trung bình hàng năm là 1.752 giờ của các nước thành viên OECD.

Ngoài ra, hiệu quả thực hiện “Chế độ làm việc 69 giờ” có thể hoàn toàn khác với mong đợi.

Thứ nhất, trong môi trường làm việc của Hàn Quốc, “Chế độ làm việc 69 giờ” khó thực hiện được lời hứa “không tăng tổng số giờ làm việc” và “được tự do hưởng các kỳ nghỉ dài”. Trên thực tế, nhiều nhân viên ở Hàn Quốc không thể tận hưởng những kỳ nghỉ mà họ xứng đáng được hưởng trong suốt cả năm theo “Chế độ làm việc 52 giờ”, chưa nói đến những ngày nghỉ phép tích lũy do làm thêm giờ theo phương án mới.

Thứ hai, khoảng cách tính thời gian làm việc được mở rộng từ tuần sang tháng, quý, nửa năm, năm khiến người lao động khó tính toán, quản lý thời gian làm việc hơn, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động có tiếng nói và quyền giải thích lớn hơn.

Thứ ba, ngay cả khi số giờ làm việc thực tế không tăng, mô hình “làm việc tập trung, nghỉ ngơi tập trung” mà phương án mới chủ trương có nhiều khả năng gây ra các vấn đề về sức khỏe hơn mô hình hiện tại.

Thứ tư, nó có thể ảnh hưởng đến việc nhân viên chăm sóc con cái của mình. Những người phản đối “Chế độ làm việc 69 giờ” chỉ ra rằng công việc có thể được thực hiện cùng nhau và các kỳ nghỉ có thể được tận hưởng cùng nhau, nhưng việc chăm sóc con cái không thể cùng nhau tiết kiệm. Vì tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc đã ở mức thấp nhất thế giới, kế hoạch này có thể làm giảm ý muốn sinh con và khả năng nuôi dạy con cái của giới trẻ Hàn Quốc.

Vì vậy, nếu Hàn Quốc thực hiện toàn diện “Chế độ làm việc 69 giờ” thì rất có thể sẽ mang lại nhiều tác dụng phụ. Bộ Lao động Hàn Quốc đã thu hẹp phạm vi áp dụng phương án này, đây là cách làm tương đối thỏa hiệp.

Theo NGHIENCUUQUOCTE.ORG

Tags: ,