Nhận diện ‘hai thế giới’ trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga

Cuộc khủng hoảng Ukraina đang định hình lại nước Nga một cách đáng kể. Trong nội bộ, nền kinh tế Nga đã đủ các kỹ năng để tồn tại sau các lệnh trừng phạt chưa từng có và đang cố gắng giải quyết các vấn đề có tính cấu trúc kể từ khi Liên Xô tan rã. Xã hội Nga từng bị chia rẽ bởi quá trình tư hữu hóa đang học cách đoàn kết lại, và cùng tìm kiếm sự nghiệp chung thông qua sự đồng lòng của nhân dân. Một chủ nghĩa yêu nước từng bị khinh miệt đã chiến thắng các giá trị của chủ nghĩa tự do mà phương Tây ủng hộ thống trị. Nga rất cần một tập hợp các ý tưởng để định hướng tương lai đất nước, và chính sách đối ngoại chỉ là một trong số đó.

Nhận diện ‘hai thế giới’ trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga

Tác giả: Dmitry Trenin – Giáo sư nghiên cứu, Khoa Kinh tế và Chính trị Thế giới, Trường Cao cấp Kinh tế; Trưởng nhóm Nghiên cứu, Trung tâm An ninh Quốc tế, Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

Biên dịch: Nguyễn Phượng.

“Hai thế giới” trong chính sách đối ngoại của Nga

Thế giới thứ nhất: “Ngôi nhà của kẻ thù”

Phản ứng của “tập thể phương Tây” đối với xung đột Nga – Ukraina, đặc biệt là sự can dự sâu rộng của NATO đã buộc Nga phải chia chính sách đối ngoại thành hai phần rõ rệt. Ở phía Tây biên giới Nga, một nhóm “không thân thiện” do Mỹ và các quốc gia phụ thuộc hợp thành “ngôi nhà của kẻ thù” (The House of Foes). Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin công khai tuyên bố rằng “không thân thiện” chỉ đề cập đến các chính sách nhất định của ông. Hơn nữa, khái niệm chính sách đối ngoại vẫn để ngỏ cánh cửa cho một mối quan hệ hòa bình hơn, dựa trên lợi ích với cả Mỹ và châu Âu trong một tương lai xa, kịch bản tích cực này có điều kiện là các quốc gia đó sẽ trải qua sự thay đổi hoàn toàn giới tinh hoa của họ và kết quả là sự thay đổi của chính sách liên quan đến Nga của họ. Chắc chắn, nó ngụ ý rằng Nga cũng sẽ đạt được các mục tiêu của mình ở Ukraina.

Bất luận thế nào, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây khó xoay chuyển trong ngắn hạn và trung hạn. Nga thường dự đoán trong nước rằng, trong 10-15 năm tới, Nga và phương Tây sẽ ở trong thời kỳ “chiến tranh hỗn hợp” có thể leo thang ở các lĩnh vực và mức độ khác nhau. Đối với Nga mà nói, cuộc xung đột này là vấn đề sinh tử, chỉ cần sơ suất một chút là có thể mất hoàn toàn vị thế của một cường quốc, thậm chí là chủ quyền quốc gia. Nhiều người ở Nga lo ngại rằng đất nước sẽ phải đối mặt với sự sụp đổ một lẫn nữa, cho rằng tình thế không kém phần nghiêm trọng như cuộc xâm lược của Đức năm 1941 hay thất bại năm 1917. Các quan chức cấp cao của Nga tin rằng Hoa Kỳ sẽ kiên quyết bảo vệ quyền bá chủ của mình, ngăn cản Nga quay trở lại vũ đài quốc tế.

Tuy nhiên, những thay đổi trong quan hệ giữa Nga và phương Tây chỉ là một phần của quá trình chuyển đổi vĩ mô của trật tự thế giới. Về vấn đề này, Hoa Kỳ đã chọn câu chuyện về “sự cạnh tranh giữa các cường quốc” hoặc “dân chủ chống lại bá quyền”. Theo quan điểm của Nga, nguyên nhân căn bản của xung đột toàn cầu nằm ở sự chuyển dịch nhanh chóng của nền kinh tế thế giới, trọng tâm công nghệ và quân sự từ Bắc Đại Tây Dương sang lục địa Á-Âu; Nga không phải là người ngoài cuộc, mà là một trong những người thúc đẩy ấy.

Thế giới thứ hai: “Ngôi nhà của các đối tác”

Giả thiết về những thay đổi của cục diện thế giới là cốt lõi trong thế giới quan mới của Nga, và Nga coi sự trỗi dậy của các nước châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latinh là xu hướng trong tương lai. Dựa trên nhận định này, Nga coi trọng phương hướng ưu tiên ngoại giao với các quốc gia đó. Đồng thời, lựa chọn này cũng là lựa chọn bắt buộc trước các lệnh trừng phạt, phong tỏa.

Các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập Saudi, Brazil, Nam Phi..v.v đều từ chối tham gia liên minh trừng phạt Nga do Mỹ lãnh đạo. Một số quốc gia cũng đã mở rộng đáng kể thương mại với Nga, được hưởng lợi từ dầu mỏ và khí đốt giá rẻ của Moskva. Tính theo sức mua tương đương (PPP), các nước này lớn hơn phương Tây về dân số và quy mô kinh tế. Quan chức Nga coi họ là “đa số thế giới” (World Majority),và ca ngợi lập trường “cân bằng”, thậm chí “mang tính xây dựng” của họ đối với Nga. Trong chính sách đối ngoại của Nga, đây chắc chắn là một “Ngôi nhà của các đối tác” (The House of Partners).

Các đối tác hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, ngang hàng với Nga với tư cách là cường quốc Á-Âu. Quan hệ Trung Quốc-Nga ngày càng trở nên gần gũi hơn, đây chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân nội bộ của hai nước. Nhưng chính sách mạo hiểm của Hoa Kỳ cũng là một nhân tố bên ngoài có tác động tích cực. Mặc dù ông Putin đã không thông báo về hành động sắp tới ở Ukraina trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 2 năm 2022, nhưng Trung Quốc không xa lánh quan hệ với Nga. Trong chuyến thăm trở lại vào tháng 3 năm sau, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Putin rằng Trung Quốc và Nga đang cùng thúc đẩy “sự thay đổi chưa từng có trong một thế kỷ”. Không còn nghi ngờ gì nữa, “Tam giác Kissinger” những năm 1970 của thế kỷ 20 đã bị lật đổ, và sự “ngăn chặn kép” đối với Trung Quốc – Nga là phản tác dụng.

Ấn Độ với vị thế là một cường quốc độc lập đã được thử thách trong cuộc khủng hoảng Ukraina, Ấn Độ luôn duy trì cân bằng một cách thận trọng để tránh xa lánh Nga. Cả hai nước đều hy vọng đưa quan hệ song phương tiến gần hơn mức độ quan hệ Trung-Nga. Tất nhiên, mục tiêu của Nga cũng là tạo thúc đẩy hòa giải Trung-Ấn và biến quan hệ ba bên Nga-Ấn-Trung (RIC) trở thành cốt lõi địa chính trị mới của Á-Âu. Điều này là khó khăn, nhưng không phải là không thể.

Gần đây Trung Quốc đã thúc đẩy hòa giải giữa Ả Rập Saudi và Iran, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Trung Đông đã đạt được một thỏa thuận hòa bình trọng đại mà không cần sự có mặt của Mỹ. Nga bày tỏ lạc quan trước những thành tựu ngoại giao của Trung Quốc vì cả hai nước đều được hưởng lợi từ chính sách ngoại giao song phương cân bằng. Ả Rập Saudi đồng thời hợp tác với Trung Quốc và Nga trong sản xuất dầu mỏ và thanh toán, bên cạnh đó, Iran quốc gia sắp trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, cũng có quan hệ kinh tế và quân sự chặt chẽ với hai nước này. Ngoài ra, Trung Quốc, Nga, Iran, Ấn Độ và Pakistan cũng đang hợp tác tại Afghanistan để đảm bảo ổn định tình hình khu vực sau khi Taliban lần thứ hai lên nắm quyền.

Quay trở lại với chính Nga, nước này tiếp tục phối hợp các quốc gia Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran để lãnh đạo, nỗ lực hướng tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề Syria; Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã trở thành trung tâm kết nối thế giới mới của Nga; và Iran đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch “Hành lang Bắc-Nam” của Moskva nối St. Petersburg với Mumbai.

Phá vỡ ba trụ cột của bá quyền Mỹ

Các mục tiêu ưu tiên của Nga ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh nên dựa trên “quan hệ quốc tế mới” do Trung Quốc và Nga cùng đề xướng. Lời kêu gọi của Nga là thay thế cấu trúc quốc tế cũ bằng một cấu trúc hoàn toàn mới, trong khi Trung Quốc chỉ đang cố gắng điều chỉnh sự phân bổ quyền lực trong cấu trúc hiện có. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga có thể hợp tác với nhau để chấm dứt quyền bá chủ của Mỹ.

Khái niệm “thế giới đa cực” mà Trung Quốc và Nga kiên trì theo đuổi hiện đã được nhiều quốc gia công nhận, và nội hàm của nó phải khác với sự quản lý chung của một số nước lớn hoặc các nhóm nhỏ. Hệ thống đa cực được đề xướng bởi các nước BRICS đòi hỏi sự tương tác dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Việc thực hiện chủ nghĩa đa phương cần thực chất hơn là cho phép các cường quốc hành động liều lĩnh. Các lĩnh vực chính để thiết lập một trật tự thế giới đa cực mới bao gồm tài chính, an ninh cũng như thông tin, và Nga có thể đóng góp trong mọi lĩnh vực này.

Trụ cột chính trong quyền bá chủ của Mỹ là một hệ thống tài chính và tiền tệ dựa trên đồng USD. “Phi USD hóa” không chỉ là ý muốn của các nước có quan hệ căng thẳng với Mỹ mà còn là biện pháp phòng ngừa rủi ro cho các nước có quan hệ tốt hơn với Mỹ. Hiện nay, phần lớn trao đổi thương mại song phương giữa Nga-Trung, Nga và Ấn Độ đều được thanh toán bằng nội tệ, một bước đột phá lớn khác là việc thực hiện các thỏa thuận tương tự giữa Trung Quốc và Brazil. Nếu các quốc gia vùng Vịnh có thể làm theo, xu hướng này sẽ được tăng cường đáng kể. Mặc dù đồng Nhân dân tệ có một số hạn chế nhưng nó vẫn trở thành một công cụ thanh toán quan trọng giữa các quốc gia này. Các quốc gia BRICS bây giờ nên tập trung vào việc xây dựng các loại tiền kỹ thuật số thế giới mà không một quốc gia nào có thể đơn độc thao túng được. Nếu thành công, các quốc gia BRICS hy vọng sẽ giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng các quy tắc cơ bản cho hệ thống tài chính của thế kỷ 21.

Một trụ cột khác của quyền bá chủ của Mỹ là liên minh và hệ thống quan hệ đối tác an ninh. Các quốc gia “đa số thế giới” mô phỏng điều này là vô nghĩa, và cách tiếp cận hợp lý là phát triển tổ chức Hợp tác Thượng Hải thành một hệ thống hợp tác và ổn định quốc tế trải rộng lục địa Á-Âu. Dưới nhiều hình thức khác nhau, tổ chức này đã bao phủ phần lớn lục địa Á-Âu ngoại trừ một góc ở phía tây. Một hệ thống như vậy sẽ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, các quy tắc được xây dựng chung và nhất quán, được củng cố bằng cách xây dựng lòng tin và đảm bảo các kênh liên lạc và cơ chế phối hợp. Nhiệm vụ có thể khó khăn hơn so với việc xây dựng một hệ thống tiền tệ mới, nhưng vẫn có hy vọng. Ví dụ, quan hệ Trung-Nga ổn định hiệu quả đã chấm dứt ba thập kỷ thù địch và khiến những người phương Tây hoài nghi vô cùng thất vọng; Mỹ tự coi mình là cường quốc thống trị toàn bộ lục địa Âu-Á vào đầu thế kỷ 21, nhưng vùng trung tâm của lục địa này về cơ bản hiện được kiểm soát và quản lý bởi chính các cường quốc Á-Âu.

Quyền bá chủ của Mỹ cũng bắt nguồn từ việc các phương tiện truyền thông Anglo-Saxon kiểm soát truyền thông toàn cầu. Các quốc gia “đa số thế giới” muốn thực sự giải phóng khỏi quyền bá chủ của nước ngoài, họ cần dựa vào chủ nghĩa đa văn hóa của thế giới và phát triển những ý tưởng ban đầu. Họ nên xây dựng một liên minh truyền thông để quảng bá những câu chuyện và hiểu biết của riêng mình. Al-Jazeera của Qatar, Today của Nga, kênh tin tức bằng tiếng Anh của truyền hình Iran và Đài truyền hình quốc tế Trung Quốc là minh chứng thành tựu cho những gì một quốc gia có thể đạt được. Truyền thông Ấn Độ cũng có nguồn lực và tiềm năng đáng kể, đồng thời triển vọng hợp tác giữa các quốc gia này là vô cùng sáng sủa. Cơ chế này không nên là một công cụ tuyên truyền chống phương Tây, mà nên hướng tới các đối tượng quần chúng không phải là người phương Tây và trở thành một cơ chế để xây dựng sự đồng thuận nhằm tạo ra một tương lai chung.

Nga cần phải làm gì?

Tư tưởng coi Nga là “một quốc gia văn minh” đặc thù, trong khi các tài liệu trước đó đã đưa Nga vào hàng ngũ những người kế thừa của châu Âu. Đối với giới tinh hoa Nga mà nói, họ cần thời gian và trí tuệ để hoàn thiện một thế giới quan mới và nêu gương. Họ phải phân loại và đánh giá di sản trí tuệ cũng như kinh nghiệm lịch sử của đất nước. Trên hết, họ nên đưa ra một tổ hợp các ý tưởng về “phải làm như thế nào”, “tại sao”. Quan trọng nhất nó thuyết phục người dân Nga tin tưởng và cống hiến hết mình cho sự nghiệp này… bên cạnh đó là không thể tránh khỏi nếu những tuyên truyền về “nền văn minh” không phải là những lời sáo rỗng. Giới tinh hoa Nga cũng nên suy nghĩ về những gì nước Nga có thể mang lại cho các quốc gia khác, đặc biệt là phát huy vai trò mục tiêu trong các khuôn khổ khác nhau, từ không gian hậu Xô Viết đến các diễn đàn quốc tế phi phương Tây.

Đối mặt với nhiệm vụ phức tạp và khó khăn này, nguồn lực hiện có của Nga chỉ có thể đáp ứng một phần nhu cầu của mình. Nhưng sức mạnh kinh tế của Nga mặc dù bị hạn chế, vẫn có khả năng phục hồi và thích ứng cao. Các công cụ chính sách của Nga sẽ được sử dụng một cách sáng tạo trong môi trường địa chính trị mới. Sức mạnh quân sự của Nga đã bị tổn hại nghiêm trọng ở Ukraina, nhưng nó cũng đã được tôi luyện và nâng cấp. Nguồn nhân lực của Nga, bất chấp hàng thập kỷ bị lãng quên và di cư ra các nước khác nhưng vẫn còn đáng kể. Càng quan trọng là họ có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đất nước.

Đối với năng lực ngoại giao của Nga, nước này cần một cuộc cải tổ lớn: chuyển một số nguồn lực khỏi châu Âu và Mỹ, nơi nhu cầu ngoại giao giảm mạnh. Đào tạo lại các nhà ngoại giao để phục vụ nhiều hơn các khu vực ngoài phương Tây. Mở rộng giáo dục ngoại ngữ và nghiên cứu khu vực, bao gồm cả về các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết cũ, bởi vì chỉ nghiên cứu các quốc gia này bằng tiếng Nga là không đủ. Giáo dục trong nước cần tích hợp nhiều nội dung hơn về các nền văn minh ngoài phương Tây. Truyền thông tin tức quốc tế cũng cần khắc phục xu hướng tập trung quá mức vào phương Tây.

Những điều đã nói ở trên phác thảo một số công việc cụ thể của quá trình mà tác giả từ lâu đã gọi là “Liên bang Nga 2.0”, bao gồm việc định hướng lại cơ bản chính sách đối ngoại. Quá trình chuyển đổi này không được lên kế hoạch. Nếu các hoạt động quân sự đặc biệt thành công nhanh chóng so với các mục tiêu hạn chế đã lên kế hoạch trước đó, thì nó có thể không bao giờ đến. Sự kéo dài của cuộc chiến cũng nâng lên mức cao nhất. Nếu Nga thất bại trong cuộc chuyển đổi, trái đắng không chỉ một mình Nga phải chịu. Nếu thành công, “đa số thế giới” sẽ được hưởng lợi từ thành viên giàu kinh nghiệm, bản lĩnh hơn, sẵn sàng tham gia vào trật tự quốc tế mới này.

Theo NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG

Tags: , ,