GS Trần Đình Hượu: Người vạch rõ nguồn gốc chủ nghĩa Đại Hán

Không ít các luận điểm khoa học của GS Trần Đình Hượu (1926- 1995) đáng để cho người đời sau tiếp tục suy ngẫm, đặc biệt là trong việc xây dựng xã hội hiện đại và quan hệ với nước láng giềng Trung Hoa.

GS Trần Đình Hượu: Người vạch rõ nguồn gốc chủ nghĩa Đại Hán

Đến hiện đại từ truyền thống

Trong cuộc đời mình, GS Trần Đình Hượu (1926- 1995) đã có rất nhiều đóng góp khoa học cho đất nước trên hai lĩnh vực: Triết học và Văn học.

Trong lĩnh vực Văn học, với tư duy của một người làm triết học, ông chọn cho mình hướng xem xét, soi chiếu đối tượng dưới góc nhìn văn hoá. Chính ông là người định danh giai đoạn văn học 1900- 1930 là “Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời” (tên một cuốn giáo trình của ông). Cách gọi này đã tạo được sự đồng thuận của giới nghiên cứu.

Trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử tư tưởng và triết học phương Đông, GS Trần Đình Hượu cũng đạt được những thành tựu nổi bật. Ở mảng đề tài này, ông có những công trình “để đời” như “Các bài giảng về tư tưởng phương Đông”, “Đến hiện đại từ truyền thống” và các bài tham luận tại các hội thảo khoa học. Qua đó, người đọc dễ dàng nhận thấy sự uyên thâm, quảng bác về tư tưởng phương Đông, đặc biệt là Nho giáo của “ông đồ Nghệ” Trần Đình Hượu.

Trong các học thuyết phương Đông cổ đại, Trần Đình Hượu dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu Nho giáo. Tài năng của ông thể hiện ở chỗ, thông qua việc nghiên cứu, Trần Đình Hượu đề xuất chủ trương gạn đục khơi trong, vận dụng những khía canh hợp lý để xây dựng xã hội hiện đại.

Đề xuất phương châm “Đến hiện đại từ truyền thống”, GS Trần Đình Hượu dành nhiều tâm sức tìm hiểu, xem xét các yếu tố cấu thành xã hội và đặt chúng trong dòng chảy nhất quán từ quá khứ- hiện tại- tương lai. Rất nhiều điều ông đặt ra vẫn đầy tính thời sự khi soi vào cuộc sống hiện đại.

Chẳng hạn trong bài viết “Làng- họ: Những vấn đề của quá khứ và hiện tại”, Trần Đình Hượu đã chỉ ra quá trình vận động của hai tổ chức mang tính cộng đồng của cư dân Việt, để rồi đưa ra ý kiến về cách ứng xử trong quá trình hiện đại hoá đất nước.

“Vấn đề làng xã không chỉ đóng khung trong làng xã. Tổ chức kiểu làng xã, cách làm việc làng… đã ảnh hưởng đến tư tưởng, văn hoá chung. Cho nên, giải quyết vấn đề làng xã không chỉ là tổ chức lại làng xã, tổ chức lại nông thôn mà còn phải nghĩ đến hậu quả “làng xã” rộng hơn, ngoài làng xã nữa”, ông chỉ ra.

Trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, vấn đề xây dựng mô hình nhân cách cho con người giữ một vai trò quan trọng. Với tinh thần trách nhiệm của một trí thức, “ông đồ Nghệ” đã phân tích các mô hình nhân cách trong quá khứ và khẳng định mô hình nào cũng nhằm đạt đến chân- thiện- mỹ, dù những giá trị này có thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử.

Từ đó ông khẳng định: “Để xây dựng mô hình nhân cách mới, phải tính đến trình độ phát triển của thế giới hiện đại, đến tương lai nước ta, đồng thời cũng phải quan tâm đến những giá trị nhân bản, những giá trị phương Đông, những giá trị dân tộc. Để làm việc đó, không thể không phân tích thấu đáo những mô hình nhân cách tồn tại trong lịch sử…” và “Cũng không thể không chú ý đến những khuynh hướng đang hình thành trong thanh niên ngày nay”.

Cùng với đó, qua các công trình nghiên cứu, GS Trần Đình Hượu còn đặt ra những vấn đề có ý nghĩa thiết thực đối với xã hội và đất nước. Đó là vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, vấn đề “dân trí” và “dân khí”, xây dựng chuẩn mực đạo đức xã hội…

Tìm nguồn gốc, bản chất chủ nghĩa Đại Hán

Ngay từ nhỏ, Trần Đình Hượu đã tiếp nhận nền giáo dục Nho học. Khi trở thành nghiên cứu sinh, ông được giao đề tài về Triết học cổ đại Trung Quốc. Là người am hiểu văn hóa và tư tưởng phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc, Cùng với sự trải nghiệm thực tế qua một nhãn quan hết sức tinh tường, ông đã có sự nhìn nhận chính xác và khách quan về truyền thống lịch sử văn hóa- tư tưởng của đất nước này.

Thời gian qua, đặc biệt là khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa của chúng ta, các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế không ít lần nhắc đến Chủ nghĩa bành trướng Đại Hán (còn gọi là chủ nghĩa Đại Hán) với những biểu hiện cụ thể, sinh động.

Ngay từ năm 1979, tức là cách đây 35 năm, khi cuộc Chiến tranh biên giới phía Bắc vừa kết thúc, Trần Đình Hượu đã có bài viết “Nho- Pháp tỉnh dụng và con đường bành trướng của thiên triều”. Trong đó, ông đi sâu bàn bạc các vấn đề cơ bản: Chế độ chuyên chế của Hoàng đế- Thiên tử, đường lối bành trướng của thiên triều, quan hệ giữa đối nội chuyên chế và đối ngoại bành trướng.

Theo ông, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã có sự kết hợp giữa hai hệ tư tưởng Nho gia và Pháp gia để phục vụ cho chính sách bành trướng. Sự kết hợp này đã dựng nên một ông vua chuyên chế, hà khắc với thần dân và luôn lăm le xâm lược các nước láng giềng.

Ông nhận định: “Pháp gia và Nho gia đều ra đời trên cơ sở kinh tế- xã hội của chế độ chuyên chế Trung Quốc. Cả hai học thuyết bổ sung cho nhau, kết hợp với nhau và tạo cho chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc- chủ ngĩa bành trướng thiên triều- những đặc trung mang dấu ấn của chế đọ chuyên chế đó”.

GS Trần Đình Hượu viết: “Xâm lược nước láng giềng là cách kiếm lợi nhưng chủ yếu là để tăng thêm uy thế. Đánh là cướp bóc mà cũng để đòi thêm cống nạp. Nhưng đánh cũng còn để ra oai, tỏ ra còn đủ sức trừng phạt những ai lăm le chống đối… Đó là con đường lấy ngoài yên trong của hoàng đế”.

Rõ ràng, kết luận này không chỉ đúng với bản chất các triều đại phong kiến Trung Quốc xưa. Khi đang phải đối mặt với không ít vấn đề nảy sinh từ trong nước, nền kinh tế có những dấu hiệu bất ổn, sức ép về dân số… lập tức nhà cầm quyền tìm cách đẩy mâu thuẫn ra ngoài. Điều này thể hiện ở chỗ gây hấn với các nước làng giềng như tranh chấp biên giới với Ấn Độ, tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản và các nước Asean.

Cũng trong bài viết trên, “Ông đồ Nghệ” Trần Đình Hượu đã chỉ ra những đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán: Hiếu chiến, hống hách và ảo tưởng. Đó là vừa tưởng mình lớn mạnh, có lẽ phải, lại được Trời phù hộ làm cha anh người khác nên xử sự hống hách, ít có tính toán lợi hại thực tế, dễ hành động một cách phiêu lưu cầu may.

Đặc điểm thứ 2 là ngụy thiện, sự tàn bạo của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán bao giờ cũng được ngụy trang bằng những lời lẽ nhân nghĩa, đạo lý. Chế độ chuyên chế vốn yếu, sự tồn tại của nó về bản chất là dựa vào sự lừa dối với những thủ đoạn tinh vi.

Đặc điểm thứ 3 của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán là trọng danh hơn trọng thực. Theo GS Trần Đình Hượu, chế độ chuyên chế Trung Quốc sống bằng uy tín chính trị. Nó xâm lược để bảo vệ danh hơn là giành lợi thực. Thói quen muốn làm bề trên cũng dẫn đến sự quan tâm, suy tính về danh nghĩa hơn là tính toán về thực tế. Điều này cũng thường thành nguyên nhân gây ra hành động phiêu lưu.

Có thể nhận thấy, không ít các luận điểm khoa học của GS Trần Đình Hượu đáng để cho người đời sau tiếp tục suy ngẫm, đặc biệt là trong việc xây dựng xã hội hiện đại và quan hệ với nước láng giềng Trung Hoa.

Giáo sư Trần Đình Hượu (1926- 1995) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho ở làng Võ Liệt (Thanh Chương). Thân phụ mất lúc ông mới 14 tuổi, thân mẫu của phải bán đi những thửa ruộng cuối cùng của gia đình để ông có điều kiện theo học bậc thành chung.

Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Trần Đình Hượu về quê tham gia hoạt động của tổ chức Việt Minh từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh, cấp khu và trở thành người lãnh đạo phân hội “Những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác” ở Nghệ An. Sau đó, ông được cử đi học tại Trường Đào Duy Từ (Thanh Hoá), rồi học hệ dự bị của Đại học Kháng chiến.

Học xong đại học, Trần Đình Hượu được cử về giảng dạy tại Trường Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An). Năm 1959 ông được cử sang Matxcơva (Liên Xô), chính thức trở thành nghiên cứu sinh triết học. Tại Trường đại học Tổng hợp Matxcơva (MGU)- ngôi trường đại học danh tiếng, Trần Đình Hượu được hướng dẫn nghiên cứu về đề tài triết học cổ đại Trung Quốc.

Sau mấy năm nghiên cứu, xuất phát từ những định kiến lúc trong thời điểm đó, ông phải trở về nước khi công việc còn dang dở. Về nước, Trần Đình Hượu xin về công tác tại khoa Ngữ Văn- Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến ngày nghỉ hưu (từ 1963-1993).

.

Theo CÔNG KIÊN / VIETNAMNET

Tags: , , ,