Hình tượng rắn và tục thờ thuỷ thần của người Việt

Trong nền văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới cũng như Việt Nam, rắn là con vật có sức ám ảnh mạnh mẽ đối với đối với phong tục, tín ngưỡng của con người.

Hình tượng rắn và tục thờ thuỷ thần của người Việt

Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn với điều kiện sông nước, hình tượng rắn đã được đồng hóa với thủy thần, đi vào tâm thức dân gian Việt Nam từ rất sớm và thường gắn với tục thờ các vị thần tự nhiên. Từ đời sống của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, phụ thuộc vào nguồn nước, môi trường tự nhiên và địa bàn cư trú luôn phải đối mặt với lũ lụt đã hình thành trong người Việt cổ tâm lí cần nước, sợ nước dẫn đến sự ra đời tín ngưỡng thờ nước.

Không khó tìm thấy dấu ấn của nước trong văn hóa của người Việt và một trong những dấu ấn đậm nét ấy là tục thờ thủy thần. Đây là một trong những tín ngưỡng phổ biến và quan trọng bậc nhất của của người Việt cổ, phản ánh quan niệm, ứng xử của họ với nước. Đó không chỉ là nguồn nước uống cho con người và vạn vật, tưới tiêu cho mùa màng tươi tốt, bội thu, đảm bảo cuộc sống ấm no cho con người mà nước còn gây ra những tai họa khủng khiếp. Nước có thể hủy diệt mọi thứ nhưng đồng thời lại đánh thức sự hồi sinh. Tính hai mặt này dẫn đến tâm lí cần nước và sợ nước của người Việt cổ. Một trong những nỗi kinh hoàng nhất đến từ thiên nhiên đối với con người chính là lũ lụt. Sự tàn phá kinh khủng của hiểm họa thiên nhiên này làm cho con người vừa muốn chế ngự vừa muốn sùng bái nó. Tục thờ rắn ra đời trên cơ sở tâm lí ấy.

Tục thờ rắn phổ biến nhất của người Việt là ở đồng bằng Bắc bộ. Có thể tìm thấy các đền thờ thần rắn dọc theo sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống… và qua các di tích, lễ hội như : Thần tích và hội làng Linh Đàm thờ vị thủy thần Bảo Ninh. Đây vốn là thần Rồng, hóa thành người học trò để học đạo. Trong lúc trời hạn hán, thiên đình ngưng việc làm mưa, vâng lời thầy, thần đã làm mưa chống hạn và bị thiên đình phạt, nhân dân nhớ ơn nên phụng thờ. Một lễ hội khác có liên quan đến tín ngưỡng thờ rắn là Hội làng Thủ Lệ. Theo thần tích và truyền thuyết nơi đây thì Linh Lang Đại Vương vốn là một rắn thần. Sau khi lập công giúp nước, ngài hoá thành giao long trườn xuống Hồ Tây. Hay Hội làng Nhật Tân (thờ Uy Linh Đại Vương, vốn là anh cả của bảy anh em rắn thần, sau đó đầu thai làm hoàng tử Uy Đô Linh Lang) cũng thể hiện những dấu vết của tín ngưỡng thờ rắn. Ngoài ra có thể kể đến một số lễ hội khác như Hội làng Yên Nội ở Từ Liêm, Hà Nội thờ Thổ Lệnh Bạch Hạc Tam Giang; Hội làng và truyền thuyết Thánh Tam Giang ở Bắc Ninh…

Đối với các lớp cư dân đầu tiên chinh phục đồng bằng sông Hồng, nhiệm vụ đặt lên hàng đầu là chinh phục các dòng sông để định cư và canh tác. Từ thực tiễn của điều kiện tự nhiên và sự phụ thuộc của cây lúa vào nguồn nước đã nẩy sinh tâm lí cầu nước và thờ nước. Nguyễn Duy Hinh nhận định : “Một mô típ thủy thần quan trọng nhất trong thần điện thành hoàng của người Việt là Thần Rắn. Vị thần rắn nhiều ý nghĩa nhất là Linh Lang thờ ở đền Voi Phục huyện Từ Liêm, thủ đô Hà Nội ngày nay”. Theo số liệu của Hoa Hữu Vân thì có đến 34 địa điểm thờ và mở hội về Linh Lang vùng ven Hồ Tây. Có thể nhận ra sự phổ biến của tục thờ rắn – thủy thần ở đồng bằng Bắc bộ qua hệ thống đền thờ dọc theo các con sông như sông Đuống, sông Hồng, sông Cầu… Theo Đổng Đức Khiêm – Nguyễn Hữu Bình, dọc sông Như Nguyệt (sông Cầu) có đến 316 ngôi đền thờ một cặp rắn : Ông Dài, Ông Cụt như dân gian vẫn truyền.

Tục thờ rắn với tư cách là thủy thần không chỉ phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ mà còn có ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây Nam bộ.

Người M’nông Nong thờ rắn như một vị thủy thần có sức mạnh và sự ảnh hưởng to lớn đối với cộng đồng. “Dọc theo con suối có những vũng nước sâu, nơi có nhiều hòn đá to, hai bên bờ có nhiều cây mây, cây chuối. Đó là bon của thần nước. Dưới nước có nhiều rắn thần. Bình thường chúng không xuất hiện và không cắn người. Nếu trong bon làng Bu Nong có người sinh đẻ, chửa hoang chưa hết kiêng kỵ, ai qua suối sẽ bị rắn cắn, hoặc bị suối cuốn trôi. Nếu muốn tránh thì phải cúng thần suối”.

Người Mường ở Thanh Hóa cũng có tục thờ rắn. Ngôi đền thờ thần rắn được biết đến hiện nay ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ. Tại đây có một dòng suối rất nhiều cá. Tương truyền, cá ở đây do một thần rắn bảo hộ, che chở. Truyền thuyết kể lại rằng, ai làm hại tới những con cá sống ở đây thì sẽ chuốc lấy những hậu quả khôn lường.

Những cư dân đầu tiên vào khai phá vùng đất Nam bộ phải đối đầu với rất nhiều khó khăn. Nhân dân ở đây vẫn còn lưu truyền câu ca dao : muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh, cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy. Cùng với những con vật như hổ, cá sấu….thì rắn cũng là đối tượng mà con người phải dè chừng, đối phó và chinh phục. Có lẽ vì thế mà ở đồng bằng sông Cửu Long ngày nay vẫn lưu truyền nhiều giai thoại về rắn. Người ta sợ rắn, muốn cầu thân với rắn và thờ rắn. Tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, Bến Tre có một ngôi đình gọi là Đình Rắn, tại đây vẫn lưu truyền về đôi rắn thần khổng lồ, hiền lành. Người dân Rạch Giá, Kiên Giang vẫn kể về đôi rắn thần ở đền Vĩnh Hòa bằng một niềm tin và thái độ tôn kính. Họ cho rằng, đôi rắn thần này từ biển vào, nó không những không làm hại ai mà còn giúp nhân dân khi hoạn nạn. Trong tâm thức của người dân Rạch Giá, khi đôi rắn thần xuất hiện cũng là lúc Ngài báo cho bà con trúng mùa. Hay trong truyền thuyết về Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp Mười cũng nói đến đạo binh rắn giúp vị anh hùng đánh giặc Pháp…Tất nhiên, do xuất hiện trong một điều kiện địa hình tự nhiên khác và lịch sử muộn hơn nên hình tượng rắn ở đây không còn bộ mặt oai vệ, quyền năng của một vị thần nước như ở đồng bắc Bắc bộ. Tính chất thiêng vẫn còn song tính chất thủy thần, thủy quái đã nhạt đi rất nhiều…

Trong tín ngưỡng dân gian của người Khmer ở Nam Bộ, huyền thoại rắn thần Naga chiếm một vai trò rất quan trọng. Tín ngưỡng này được giải thích bởi truyền thuyết lập quốc của người Khmer. Người Khmer thờ thần rắn với niềm tin thần là người làm chủ nguồn nước, sẽ tạo ra mưa thuận gió hòa cho các cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á (Naga cũng có nghĩa là thần mưa, tạo mưa cho vạn vật sinh sôi).

Như vậy, hình tượng rắn trong tín ngưỡng dân gian ở phương diện này được đồng nhất với hiện tượng tự nhiên – nước. “Đây là đối tác của con người trong một nền kinh tế vũ trụ chia sẽ hoàn thiện”. Hình tượng rắn, thuồng luồng, khú… đã được phóng đại cho phù hợp với sức mạnh dữ dội, hủy diệt của lũ lụt.

Tất nhiên, trong tín ngưỡng người Việt không phải bao giờ thủy thần cũng là thần rắn mà có thể là thuồng luồng, rồng, cá, giải, giao long… Kể cả khi như vậy thì những hình tượng trên cũng liên quan đến rắn. Hoặc là biến thể về mặt tên gọi, hoặc là cùng một tính chất thủy quái. Tuy nhiên, qua các tư liệu đã dẫn có thể thấy thờ rắn là một hình tượng cơ bản tiêu biểu nhất của tục thở thủy thần. Đây là lớp văn hóa sớm nhất của người Việt cổ khi từ vùng núi xuống chinh phục đồng bằng. Về sau, các vị thần rắn – thủy thần được nhân hóa, lịch sử hóa. Từ đây “thần rắn được cung cấp những lí lịch cụ thể khác nhau mang tên người tên đất khác nhau”. Thuồng luồng Hồ Tây trở thành Linh Lang Đại Vương (Hoàng tử Linh Lang, con vua Lí Thái Tôn); con giải thần trở thành Uy Đô Linh Lang; đôi rắn một dài một cọc được lịch sử hóa để trở thành hai vị anh hùng trung nghĩa Trương Hống – Trương Hát. Theo Lê Anh Khiêm thì Trương Hống – Trương Hát thực ra là những vị thần nước cũng giống như Cao Sơn Quý Minh là thần núi, Thạch tướng quân là thần đá…

Tóm lại, tục thờ rắn – thủy thần là tín ngưỡng tự nhiên của người Việt cổ. Trong quá trình thờ cúng thủy thần, con người luôn tỏ thái độ thành kính với mong muốn được bình an và che chở. Nhưng mặc cho những lời cầu nguyện, các vật hiến tế hàng năm đủ đầy, lũ lụt vẫn xẩy ra và gây nên những nỗi kinh hoàng cho cuộc sống con người. Khát vọng chinh phục thần rắn – thủy thần cũng là chinh phục tự nhiên sinh ra mô – típ các dũng sĩ, người tài giỏi giết chết rắn thần trong truyện cổ về sau. Từ cầu thân, phụng thờ đến giải thiêng và giết chết con vật thần thánh là một quá trình dài, đi cùng với nhu cầu khám phá tự nhiên và sự gia tăng nhận thức của con người. Trong quá trình phát triển của lịch sử, sự thay đổi về điều kiện địa lí và văn hóa xã hội, tín ngưỡng thờ rắn đã được khoác thêm nhiều lớp văn hóa muộn hơn và ít nhiều có biến đổi cho phù hợp với từng điều kiện mới.

 Theo TRẦN MINH HƯỜNG / HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG THÁP   

Tags: , , ,