Giải mã ‘khát vọng toàn cầu’ của hải quân Trung Quốc

Quy mô và tốc độ xây dựng hải quân của Trung Quốc khiến một số chuyên gia quân sự phương Tây đi đến kết luận: Bắc Kinh đang tìm cách làm xói mòn uy thế hải quân của Mỹ. Đánh giá này không yêu cầu kiến thức chuyên môn về Trung Quốc hoặc khả năng tiếp cận thông tin tình báo tối mật. Người ta chỉ cần nhìn vào các nền tảng mà Hải quân Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đang xây dựng và tốc độ xây dựng chúng, theo nhận định của tạp chí quân sự Proceedings.

Giải mã ‘khát vọng toàn cầu’ của hải quân Trung Quốc

Nhưng để hiểu đầy đủ về bản chất thách thức trên biển của Trung Quốc, người ta phải tìm hiểu sâu hơn — những ý tưởng hướng đạo sự phát triển hải quân của Trung Quốc. Điều này khó hơn nhiều. Quân đội Trung Quốc cực kỳ thận trọng trong việc tiết lộ ý định thực sự của mình. Họ tạo ra rất nhiều nội dung truyền thông, nhưng hầu hết trong số đó là những thứ không có thật.

Các nhà phân tích dành nhiều thời gian tìm kiếm các nguồn tin của Trung Quốc đã không lường trước được quyết định của Bắc Kinh trong việc xây dựng ba cơ sở quân sự khổng lồ ở Biển Đông. Một ngày nọ, Trung Quốc bắt đầu nạo vét cát và san hô.

Tuy nhiên, nhiều điều quan trọng không thể được che giấu. PLAN không thể xây dựng và hình thành một lực lượng chiến đấu trong bí mật. Các ưu tiên chính phải được truyền đạt và khắc sâu. Binh lính, thủy thủ, phi công và người điều khiển tên lửa cần biết những gì họ phải thực hiện và tại sao điều đó lại quan trọng. PLA có thể che giấu kế hoạch xây dựng căn cứ nhưng họ không thể giấu những khát vọng rộng lớn hơn.

Khát vọng mới nhất của PLAN là chuyển mình thành “hải quân đẳng cấp thế giới”. Ý tưởng trở thành “đẳng cấp thế giới” không phải là một phát minh của PLAN. Vào năm 2016, người đứng đầu nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu PLA chuyển mình thành một quân đội đẳng cấp thế giới. Lệnh này sau đó đã xuất hiện trong báo cáo của ông Tập tại Đại hội Đảng lần thứ 19 vào tháng 10 năm 2017, khiến nó trở thành chính sách chính thức của Trung Quốc.

Khái niệm này có nghĩa là có những yêu cầu khác nhau cho các lực lượng khác nhau. Đối với PLAN, yêu cầu rõ ràng nhất xuất hiện trong bài phát biểu của Phó Đô đốc Thẩm Kim Long, Tư lệnh PLAN ngay sau Đại hội Đảng lần thứ 19. Đô đốc Thẩm gọi là ba “điều thiết yếu”. Hai đề cập các thuộc tính chính của hải quân đẳng cấp thế giới – khả năng “vươn ra toàn cầu” và khả năng “chỉ huy trên biển”; điều thứ ba nêu bật “quá trình đạt được điều đó”.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cẩn thận tránh thảo luận về khát vọng mang tính địa lý đằng sau khái niệm quân sự đẳng cấp thế giới. Về lý thuyết, một quân đội đẳng cấp thế giới không nhất thiết phải bao hàm một quân đội toàn cầu; nó có thể đơn giản có nghĩa là một lực lượng có khả năng tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, đối với PLAN, các nhà lãnh đạo đã tuyên bố ý định “đạt được sự biến đổi từ hải quân khu vực thành hải quân đẳng cấp thế giới”, ám chỉ khát vọng toàn cầu. Phó đô đốc Thẩm thậm chí còn rõ ràng hơn trong bài phát biểu vào tháng 12 năm 2017, nói rằng PLAN phải “tự xây dựng thành một lực lượng hải quân có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới”. Ông Thẩm giải thích, đây là đặc điểm cơ bản đầu tiên của hải quân đẳng cấp thế giới.

Không có gì ngạc nhiên khi có những yếu tố toàn cầu trong các thiết kế hàng hải của Trung Quốc. PLAN đã hoạt động ngoài khu vực. Hàng tháng, các tàu của họ đi qua các hòn đảo của Nhật Bản, hướng đến các bãi tập ở phía tây và trung tâm Thái Bình Dương. Kể từ năm 2009, các lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc đã hoạt động liên tục ngoài khơi vùng Sừng châu Phi, bảo vệ các tàu buôn khỏi hải tặc Somalia. Các tàu của PLAN đã đi qua Nam Đại Tây Dương hàng năm kể từ năm 2014. Trong khi đó, PLAN đã thể hiện ý định bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở bất cứ nơi nào họ mở rộng tới.

“Các lợi ích ở nước ngoài” của Trung Quốc bao gồm an ninh của người dân và tài sản của Trung Quốc, trên đất liền và trên biển. Cho đến nay, PLAN chỉ tiến hành hai loại hoạt động để bảo vệ các lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc: chống cướp biển ở Vịnh Aden và hoạt động sơ tán (Libya và Yemen). Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng có ý định làm nhiều hơn thế. Sách Trắng Quốc phòng năm 2015 của Trung Quốc liệt kê “năng lượng và tài nguyên” và “các thể chế” là những lợi ích ở nước ngoài mà PLA có thể được yêu cầu bảo vệ.

Ngày nay, PLAN thường xuyên hoạt động bên ngoài vùng biển Đông Á, nhưng họ chủ yếu tập trung vào Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, nhận xét của Đô đốc Thẩm chỉ ra rằng sự hiện diện mạnh mẽ trên toàn cầu chỉ là vấn đề thời gian. Các khái niệm chiến lược của PLAN giờ đây đã công khai thừa nhận các kế hoạch “mở rộng sang các vùng cực.”

Thật vậy, một chuyên gia âm học nổi tiếng của Trung Quốc đã gợi ý rằng các nhà khoa học của nước này đang tích cực đặt nền móng cho các hoạt động tàu ngầm trong tương lai ở Bắc Băng Dương.

Việc Trung Quốc có ý định xây dựng một lực lượng hải quân toàn cầu là điều khó xử đối với người Trung Quốc khi thừa nhận. Trong sách giáo khoa của Trung Quốc, hải quân toàn cầu là công cụ của chủ nghĩa thực dân và đế quốc. Sự căm ghét đối với ngoại giao pháo hạm – một phương thức được những người khác sử dụng để khuất phục Trung Quốc trong cái gọi là thế kỷ sỉ nhục – đã ăn sâu vào ý thức của người Trung Quốc. Do đó, Đô đốc Thẩm đã nhanh chóng nói rằng việc trở thành hải quân toàn cầu không có nghĩa là Trung Quốc sẽ trở thành “bá chủ hàng hải toàn cầu”.

Đô đốc Thẩm Kim Long nói rằng PLAN phải trở thành một lực lượng hải quân đẳng cấp thế giới càng nhanh càng tốt, và PLAN đã đáp lại. Các đơn đặt hàng cho các lớp tàu khu trục, khinh hạm, tàu hộ tống và phụ trợ tiên tiến mới đã liên tiếp bay tới nhà máy đóng tàu của Trung Quốc, chẳng hạn như xưởng ở Đại Liên, ở một không khí gần như thời chiến.

Theo TIỀN PHONG

Tags: ,