⠀
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông, giới hạn nào cho sự chịu đựng?
Số tiền 868,04 triệu USD phải trả lãi ngân hàng mỗi năm là bao nhiêu? Hãy nhân nó với 6,5% lãi suất tối thiểu để thấy việc chậm tiến độ 11 tháng của dự án này đang đổ nợ lên đầu dân như thế nào.
Một thông tin đã khiến người dân chán ngấy bao năm qua tiếp tục được thản nhiên công bố: Tổng thầu tuyến đường sắt đô thị đường sắt Cát Linh – Hà Đông vừa đề xuất dời chạy thử kỹ thuật đến đầu tháng 9/2018; vận hành, khai thác thương mại vào tháng 11/2018.
“Đây là mốc thời gian chưa chính thức, mới là dự kiến của Tổng thầu Trung Quốc. Bộ Giao thông đang giao Ban quản lý dự án đường sắt rà soát lại tiến độ, sau đó sẽ báo cáo Thủ tướng trong tháng 1/2018”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Như vậy, Cát Linh – Hà Đông sẽ chậm ít nhất 11 tháng so với kế hoạch gần đây.
Nói “ít nhất” là bởi đã quá tam ba bận rồi. Lần đầu định ra mốc 31/12/2016. Lần 2, đầu quý II.2018…, xen giữa là vô vàn những lần tăng vốn, để đến thời điểm này, tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD đã vọt lên tới 868,04 triệu USD.
Nếu để ý chi tiết tiến độ do tổng thầu đề xuất, chúng ta nhìn thấy rất rõ sự bất lực. Rằng sẽ không có bất cứ sự lạc quan nào cả, cho đến tháng 11 sang năm (năm nào thì lại vẫn phải chờ).
Nếu cần có một con số thì giản dị nhất, dễ tính nhất là 6,5%, mức lãi suất tối thiểu của con số 868,04 triệu USD. Và người lãnh hậu quả, rất cay đắng, vẫn là người dân.
Đúng một thập niên người dân thủ đô phải chờ đợi trong bực bội và chán nản. “Cái quả” Cát Linh- Hà Đông đó hẳn nhiên phải đắng ngắt, trong cảnh chúng không phải là yếu tố giải phóng, giảm tải giao thông thủ đô mà đang trở thành những chiếc lô cốt dồn thêm nút chai vào những ách tắc. Hơn cả thế, việc chậm tiến độ tại các tuyến đường sắt đô thị nói chung đang trở thành một hội chứng cực kỳ nguy hiểm trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Thôi thì ngay cả bây giờ, Bộ GTVT có lẽ cũng bất lực rồi, trong bài toán tiến độ này, nhưng chỉ mong sao nó là bài học tày liếp cho vô vàn những dự án đang và sẽ tiếp tục triển khai. Mong sao cái bài học đắt giá: Tham rẻ hoá đắt sẽ là một tiền lệ để những người quản lý phải nghĩ, phải chịu trách nhiệm, và phải bị xử lý mỗi khi đặt bút trước những khoản vay nhìn thì tưởng rẻ.
Thật đắng cay.
Theo ĐÀO TUẤN / LAO ĐỘNG ONLINE
Tags: Cơ sở hạ tầng, Giao thông