⠀
Được và mất trong quan hệ kinh tế của Nga với các quốc gia ‘thân thiện’
Ai được coi là quốc gia thân thiện trong bối cảnh địa chính trị hiện tại của Nga? Nga đã áp dụng những bước đi và chiến lược nào để tăng cường giao dịch với họ? Thực tế và thách thức hiện nay đang ảnh hưởng đến các mối quan hệ này là gì?
Bình luận với tờ Tin tức Arab (Arabnews) ngày 5/11, Tiến sĩ Diana Galeeva tại Đại học Oxford cho rằng, trong cuộc họp về các vấn đề kinh tế vào cuối tuần trước, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tuyên bố rằng tăng trưởng kinh tế của nước này đạt 2,8% trong 9 tháng đầu năm nay.
Trong tháng 9, tỷ lệ tăng trưởng đã tăng gần gấp đôi – hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong số các lĩnh vực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Mishustin liệt kê doanh thu phi dầu khí tăng 30% so với năm 2022. Ngoài ra, sản xuất hàng công nghiệp đã tăng hơn 3% từ tháng 1 đến tháng 9/2023.
Là một nhà quan sát về cuộc xung đột Nga – Ukraina và tác động của cuộc chiến đối với bối cảnh địa chính trị đang thay đổi, theo Tiến sĩ Galeeva, điều thú vị nhất trong số những kết quả này là xu hướng đang diễn ra của Nga nhằm tăng cường hợp tác với các quốc gia “thân thiện”, bất chấp phản ứng và áp lực kinh tế của phương Tây.
Theo Bộ Phát triển Kinh tế Nga, từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, kim ngạch thương mại với các quốc gia “thân thiện” đã tăng 22%. Điều này rất có nghĩa liên quan đến khả năng quản lý kinh tế của Nga trong bối cảnh hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ và đồng minh phương Tây.
Vậy ai được coi là quốc gia thân thiện trong bối cảnh địa chính trị hiện tại của Nga? Nga đã áp dụng những bước đi và chiến lược nào để tăng cường giao dịch với họ? Thực tế và thách thức hiện nay đang ảnh hưởng đến các mối quan hệ này là gì?
Các thuật ngữ “thân thiện” và “không thân thiện” nổi lên như một phần trong phản ứng của Nga đối với các quốc gia ủng hộ hoặc không ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế do phương Tây dẫn đầu đối với Moskva sau khi cuộc xung đột ở Ukraina bùng nổ. “Thân thiện” thường bao gồm những nước thể hiện sự ủng hộ ngoại giao với Moskva hoặc ít nhất là giữ quan điểm trung lập trước các hành động của Nga vào tháng 2/2022. Trong số này có thể liệt kê khoảng 25 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Saudi Arabia, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan và Belarus.
Mặc dù Nga coi các quốc gia này là “thân thiện” ngoại giao, nhưng Moskva cũng nhận ra tầm quan trọng của họ trong việc vượt qua các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Có lẽ tác động rõ ràng nhất là chiến lược của Nga nhằm thay thế các quốc gia “không thân thiện” bằng các quốc gia “thân thiện” trong các thỏa thuận kinh tế của mình. Chẳng hạn, vào tháng 10/2022, Tổng thống Vladimir Putin đã chia sẻ ý định của Điện Kremlin cho phép các công ty từ các nước thân thiện tham gia vào các dự án khai thác mỏ trên lãnh thổ Nga.
“Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn bè và đối tác khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng của chúng tôi. Tại sao không? Chúng tôi đã làm điều tương tự với người châu Âu và người Mỹ, nhưng họ đã chọn rời khỏi thị trường của chúng tôi”, ông Putin nói.
Chiến lược này được hỗ trợ bởi những cơ chế do các tổ chức tài chính quan trọng của Nga tạo ra đối với các quốc gia thân thiện. Vào tháng 10/2023, Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố đang xem xét khả năng dần dần tiếp nhận những người nước ngoài thân thiện đầu tư vào thị trường Nga. Sau khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraina và các lệnh trừng phạt của phương Tây, Ngân hàng Trung ương Nga đã đóng băng các khoản đầu tư của người không có cư trú vào thị trường Nga, nhưng các nhà đầu tư từ các nước thân thiện hiện đã được gia hạn quyền tiếp cận.
Một diễn biến khác là những nỗ lực vượt qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây thông qua hoạt động tài trợ và ngân hàng Hồi giáo, được thiết kế để thu hút một số quốc gia thân thiện từ thế giới Hồi giáo. Sau các cuộc thảo luận kéo dài, vào tháng 9 năm nay, Nga cuối cùng đã ra mắt ngân hàng Hồi giáo lần đầu tiên như một phần của chương trình thí điểm kéo dài hai năm. Loại ngân hàng này đã được thành lập tại các khu vực có đa số người Hồi giáo như Tatarstan, Bashkortostan, Dagestan và Chechnya. Nếu chương trình thành công, kế hoạch sẽ là áp dụng các quy định mới trên khắp nước Nga.
Cuối cùng, Nga đã có thông báo riêng rằng các biện pháp đang được thực hiện để đơn giản hóa quy trình đầu tư cho các nước thân thiện.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể nhờ những nỗ lực tăng cường liên kết này, nhưng sự phụ thuộc của Moskva vào các quốc gia thân thiện đã ảnh hưởng đến Nga theo một số cách. Điều này bao gồm việc các nhà đầu tư Nga bị các ngân hàng và nhà môi giới từ các quốc gia mà Điện Kremlin cho là thân thiện lôi kéo. Vì vậy, không chỉ “tiền phương Tây” đã rời khỏi thị trường Nga mà tiền của các nhà đầu tư Nga cũng đã rời đi một phần hoặc đang rời đi, theo Ivan Chebeskov, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính Nga.
Ngoài ra, xung đột từ lâu đã báo hiệu nguy cơ dịch chuyển đầu tư tư nhân. “Nếu niềm tin của các nhà đầu tư tư nhân vào thị trường chứng khoán Nga giảm sút, sẽ có nguy cơ tiết kiệm của người dân bằng các công cụ tài chính nước ngoài tăng lên và dòng tiền chảy khỏi hệ thống ngân hàng Nga”, ông Chebeskov cảnh báo.
Một thực tế đáng lo ngại khác xuất hiện vào cuối tháng 7 vừa qua, khi những người bán ròng cổ phiếu Nga chủ yếu là các nhà đầu tư từ các quốc gia thân thiện. Tổng cộng, họ đã bán số chứng khoán trị giá 10,4 tỷ rúp (113 triệu USD), đây là giá trị kỷ lục trong một năm rưỡi qua, theo tờ Kommersant.
Tóm lại, Tiến sĩ Diana Galeeva kết luận, Nga đang phát triển chiến lược liên quan đến hợp tác với các quốc gia thân thiện nhằm khắc phục những hạn chế do lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra và chiến lược này là tích cực, có thể thực hiện được. Cùng với cơ hội tham gia vào các dự án khác nhau và cơ hội đầu tư dễ dàng hơn, ngân hàng Hồi giáo mới thành lập đang được coi là một giải pháp thay thế thực sự cho các thị trường phương Tây. Tuy nhiên, các chính sách không phải là không có rủi ro hoặc sự không chắc chắn. Điều này bao gồm sự dịch chuyển đầu tư tư nhân và các quốc gia thân thiện có thể thu hút các nhà đầu tư Nga rời khỏi đất nước.
Những thách thức vẫn còn và có khả năng cần thời gian để Nga hội nhập sâu hơn với các quốc gia thân thiện nhằm đạt được lợi ích đầy đủ và bền vững. Nhưng rõ ràng trong ngắn hạn, các quốc gia thân thiện đang đóng một vai trò thiết yếu trong việc giúp Nga duy trì tăng trưởng kinh tế. Họ cũng là những đối tác chính trong các thỏa thuận năng lượng, thương mại cũng như là động lực và tư vấn trong việc tạo ra các hệ thống tài chính thay thế.
Theo BÁO TIN TỨC / ARAB NEWS
Tags: Nga, Kinh tế Nga