Đồi Cù và câu chuyện buồn về lòng tham của con người ở Đà Lạt

Ở Hà Nội đang tranh cãi cái màu vôi/ sơn nguyên thủy của cái biệt thự thời Tây nay phục hồi. Cũng nên tranh luận phục hồi công năng ban đầu của đồi Cù Đà Lạt, dù chỉ là một chút.

Đồi Cù và câu chuyện buồn về lòng tham của con người ở Đà Lạt

Thiệt không ngờ có ngày lại phải đọc thêm một “hung tin” về Đà Lạt: Một doanh nghiệp vừa có văn bản trình UBND tỉnh Lâm Đồng xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại sân golf tại Đà Lạt, khoảng hơn 16,5ha của sân golf Đồi Cù, để triển khai làm dự án khu vui chơi giải trí nghỉ dưỡng phức hợp, 2 khu hầm để xe với quy mô 7 tầng.

Hơn 30 năm trước, người Đà Lạt đã phải đối diện với “hung tin” thứ nhất: lối lên xuống đồi Cù bị rào bít! Mặc dù lúc đó đồi Cù đang là một mảnh đồi “mở”, từ mặt tiền Viện đại học Đà Lạt đổ xuống hồ Xuân Hương, người dân thoải mái lên xuống đồi Cù.

Thiệt là khó hiểu khi mà đồi Cù là công thổ, là một tài sản chung của thành phố và người dân Đà Lạt, là một trong vài thắng cảnh tiêu biểu của Đà Lạt, ngay sát trung tâm Đà Lạt, chỉ cần đi bộ chục phút là tới… và lên đó cư dân, du khách trải rộng tầm mắt, đôi chân, sảng khoái tinh thần.

Đùng một cái, cả một mảng đồi “mở” đó biến thành của tư nhân, dựng tường bít kín mít, miễn ra vô, chớ đừng nói là thưởng lãm.

Khó có thể ngờ được rằng nhà đầu tư có thể “bỏ túi” ngọn đồi diện tích tới 71,5ha ngay trong một thành phố du lịch, khoảng hơn 1km đường xe hơi từ khu Hòa Bình, mấy cái khách sạn di sản thời Pháp sang trọng bậc nhất… cùng cả mảnh đồi bên bờ hồ Xuân Hương!

30 năm sau, sân golf lỗ vì diện tích (số lỗ) quá khiêm tốn, bất quá làm một sân tập golf là cùng, và như nhà đầu tư nói, “giá thuê đất tăng 1.207% !”. Giờ thì họ đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất, biến thành một phức hợp bãi giữ xe 7 tầng và trung tâm thương mại.

Sau nhiều năm “làm ăn”, nay nhà đầu tư xoay bài chuyển đổi mục đích sử dụng đất cả một ngọn đồi đã trên 100 tuổi. Nó được khánh thành vào năm 1922 như là sân golf đầu tiên của Việt Nam; tới năm 1930, được cải tạo thành sân 9 hố theo tiêu chuẩn châu Âu; tới năm 1942, được kiến trúc sư người Pháp Jacques Lagisquet khoanh vùng trọng điểm cho đồ án quy hoạch thành phố Đà Lạt.

Cả lịch sử trăm năm đó, đồi Cù được quan niệm/thai nghén, hiểu, sống như là một “công viên” trong nội thành của Đà Lạt, một quãng trời đất mênh mông.

Từ khi được “khai sanh” cho tới trước khi được doanh nghiệp chạy vào đầu tư vào tháng 8/1990, cả khu đồi chưa bao giờ bị rào kín mít, che khuất tầm nhìn xuyên qua đồi Cù. Đứng trên đồi có thể phóng tầm nhìn đi khắp bốn phương. Cái mất lớn nhất của quyết định năm 1990 là điều này!

Rất mong lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lắng nghe, nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra quyết định để cái “công viên”, cái thắng cảnh cuối cùng trong nội thành Đà Lạt không bị tước đoạt, hy vọng thế.

Ở Hà Nội đang tranh cãi cái màu vôi/ sơn nguyên thủy của cái biệt thự thời Tây nay phục hồi. Cũng nên tranh luận phục hồi công năng ban đầu của đồi Cù Đà Lạt, dù chỉ là một chút.

Theo DANH ĐỨC / TUỔI TRẺ ONLINE

Tags: ,