Độc đáo xẩm tàu điện của người Hà thành

Xẩm và tàu điện đã đến với Hà Nội như một cơ duyên. Hai thứ ấy đã kết hợp với nhau để sản sinh ra một loại hình nghệ thuật độc đáo – xẩm tàu điện chỉ riêng có ở Hà Nội.

Độc đáo xẩm tàu điện của người Hà thành

Khác với các loại hình xẩm truyền thống như xẩm chợ, xẩm cô đầu (hay còn gọi xẩm ba bậc, xẩm nhà tơ, xẩm huê tình) thì xẩm tàu điện sở hữu những nét độc đáo không giống với bất kỳ loại xẩm nào. Cái khác không đơn thuần là nó thường được hát trên tàu điện mà còn ở ca từ, nhạc cụ cho đến trang phục của người biểu diễn.

Sau gần một thế kỷ gắn bó với người dân Hà thành, năm 1992, hình ảnh những tuyến tàu điện leng keng đã chính thức từ giã 36 phố phường và mang theo những làn điệu xẩm trở về dĩ vãng; song đến nay, mỗi khi nhắc đến loại hình âm nhạc này là không ít người lại nao lòng tiếc nuối.

Người Hà thành từng nghĩ rằng, xẩm sẽ bị lãng quên khi tàu điện biến mất khỏi mạng lưới giao thông Hà Nội. Thế rồi gần hai thập niên sau, người ta đã chứng kiến những chiếu xẩm tại cổng chợ Đồng Xuân vào các tối thứ Bảy hàng tuần; Xẩm vào nhà hát và đến với các sân khấu rộng lớn hơn. Cái tên dân dã người ta hay nhắc đến nhất đó là “xẩm tàu điện”.

https://www.youtube.com/watch?v=sJhcL-nytWs

Nguồn gốc và quá trình xuất hiện của xẩm tàu điện

Thế kỷ 20, phương tiện đi lại ở Hà Nội chủ yếu là xe tay kéo và tàu điện. Nơi đây đã sản sinh ra một nhánh trong loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo của dân tộc đó là xẩm tàu điện. Mặc dù xẩm có nhiều loại nhưng xẩm tàu điện thì chắc chắn chỉ Hà Nội mới có. Nó gắn liền với nhịp sống của tàu điện một thời. “Xẩm tàu điện” đặc sắc bởi đây chính là điệu xẩm của riêng Hà Nội. Nếu ca trù, hát cô đầu là “đặc trưng” của phố Khâm Thiên, thì hát xẩm là đặc trưng của chợ Đồng Xuân và phố cổ. Hồi ức của nhà văn Băng Sơn đã từng nhắc đến một bài ca dao khuyết danh nói về tàu điện thuở đó:

“Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài
Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh

Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành
Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường

La ga thì ở Thụy Chương
Dây đồng cột sắt tìm đường kéo lên

Bồi bếp cho chí bồi bàn
Chạy tiền ký cược đi làm sơ vơ

Xưa nay có thế bao giờ
Có cái tàu điện đứng chờ ngã ba”…

Lịch sử đã chứng minh các tuyến tàu điện ở Hà Nội đã tồn tại gần một thế kỷ. Sự hiện diện của phương tiện này được bắt đầu vào ngày 13-9-1900, khi nhà máy xe điện của Pháp tiến hành chạy thử tuyến đường Bờ Hồ – Thụy Khuê nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa. Trong những thập niên sau đó, các tuyến tàu điện liên tục được mở rộng. Từ ga trung tâm ở bờ hồ Hoàn Kiếm, các tuyến đường tỏa ra 6 ngả: Yên Phụ, chợ Bưởi, Cầu Giấy, Hà Đông, chợ Mơ và Vọng, cũng là 6 cửa ngõ nối nông thôn với nội thành. Và luôn bắt gặp ở đây những nhóm người hát xẩm, dắt díu nhau lên tàu hành nghề.

Xẩm tàu điện ra đời vào đầu thế kỷ 20, được cho là một nhánh sau của xẩm cổ. Xẩm tàu điện khác với xẩm chợ, xẩm lễ hội là luôn phải chuyển tàu, chuyển toa tìm khách mới nên các đoạn hát thường ngắn gọn, luôn thay đổi nội dung nếu không khách sẽ chán vì phải nghe đi, nghe lại, nhất là các khách thường ngày đi tàu. Đã có một thời, xẩm tàu điện là những khúc tâm tình gắn với tâm trạng của những khách đi tàu là dân lao động nghèo khổ vất vả, tần tảo trên phố phường Hà Nội.

Dành 20 năm nghiên cứu về hát xẩm, nhận thấy hát xẩm đang dần bị lãng quên, nhạc sĩ Thao Giang đã bắt đầu công việc tìm tòi, sưu tập và biên soạn với mong muốn bảo vệ, khôi phục một nét văn hóa truyền thống của người Hà Nội xưa. Nhạc sĩ đã cùng với Giáo sư Phạm Minh Khang thành lập Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam. Trung tâm được thành lập từ năm 2005 với 3 mục tiêu chính là sưu tầm – nghiên cứu, truyền dạy – đào tạo và biểu diễn nghệ thuật.

Nhạc sĩ cho rằng, xẩm tàu điện là đặc sản của thủ đô. Sở dĩ, Hà Nội “độc chiếm” xẩm tàu điện là vì xẩm phát triển mạnh hồi thế kỷ 10 – đầu thế kỷ 20. Giống như tính cách của người Hà Nội, xẩm tàu điện khá tao nhã. Những nghệ nhân đã “chế” các bài thơ được ưa chuộng thời bấy giờ thành các bài hát xẩm. Ðặc biệt trong số đó là thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải và Nguyễn Bính. Tiêu biểu là các bài như “Anh Khóa”, “Trăng sáng vườn chè”, “Lỡ bước sang ngang”…

Theo tài liệu do nhạc sĩ Thao Giang sưu tầm và cung cấp thì “cha đẻ” của xẩm tàu điện là nghệ nhân Tùng Nguyên và nghệ nhân Thân Đức Chinh. Đặc trưng của xẩm là ở đâu cũng có thể trở thành môi trường diễn xướng như bến sông, bãi chợ, sân đình và cả trong thính phòng. Vì thế, khi Pháp mở tuyến tàu điện đầu tiên, với lượng khách đông đúc, xẩm tàu điện ngay lập tức có được chỗ đứng.

Sau này có rất nhiều người cũng hành nghề xẩm tàu điện. Chính cụ Tùng Nguyên, một nghệ nhân nổi tiếng đã tìm cách đưa hát xẩm lên tàu điện với cách mượn thơ Nguyễn Bính để hát. Vì thơ lục bát rất hợp với làn điệu xẩm, mà xẩm tàu điện về cơ bản chỉ có một làn điệu, nhưng các nghệ nhân đã vận dụng thêm các câu hát xẩm khác xen kẽ, như điệu trống quân, xẩm chợ, điệu huê tình, nên xem ra xẩm tàu điện nghe cũng đỡ nhàm.

Độc đáo “xẩm tàu điện”

Đi sâu để hiểu rõ hơn về loại hình hát “xẩm tàu điện”, theo những tài liệu nghiên cứu, nghệ thuật hát xẩm xuất hiện ở nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam như: Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Bắc Giang… với môi trường diễn xướng là các bến sông, bãi chợ, sân đình ở khắp các nẻo đường làng quê. Xẩm tàu điện xuất hiện muộn hơn nhưng có nét đặc trưng riêng và môi trường diễn xướng là… trên toa tàu và các bến tàu điện. Bởi tàu điện là nơi tập trung đông người, họ có một khoảng thời gian rảnh rỗi nhất định, đó là điều kiện tuyệt vời cho những người hát xẩm hành nghề.

Khác với xẩm chợ, trang phục của nghệ nhân là mặc áo tơi, đội nón lá thì xẩm tàu điện nghệ nhân lại khá diện. Nam thường mặc quần áo nâu, mùa rét khoác bên ngoài tấm áo veston, đầu đội mũ cát, đeo kính đen để thể hiện cái “phớt đời”, tránh cái nhìn không thiện cảm về cái nghiệp “xướng ca vô loài” hè phố. Nữ luôn mặc áo tối màu (nâu hoặc xám), có áo yếm sáng màu, váy lưng lửng đầu gối. Sự khác biệt về trang phục như vậy là bởi môi trường diễn xướng của xẩm tàu điện quá tân thời, khác hẳn không gian diễn tấu của xẩm truyền thống. Có người yêu quý còn liên tưởng vui đến hình ảnh những nhân vật được khắc họa trong tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng.

Nhưng quan trọng hơn là những giai điệu đã đi cùng thời gian cho đến hôm nay. Để phù hợp với đời sống thẩm mỹ của người thành thị, nội dung các bài xẩm thường “cao cấp” chứ không dân dã như xẩm ở làng quê, xẩm chợ. Những bài xẩm chợ có thể hát theo lối tự sự (như than thân trách phận), hoặc nêu gương các anh hùng liệt sĩ, hoặc châm biếm những thói hư tật xấu, hoặc trữ tình… Vì thế, những điệu xẩm cũng dài lê thê, có khi hát cả đêm không hết và giai điệu rất buồn.

Ngược lại, Hà Nội là phố buôn bán tấp nập, tàu điện lại chạy liên tục chuyến đi chuyến về trên các tuyến phố ngắn từ Bờ Hồ đi Cửa Nam, chợ Hôm, Cầu Giấy, chợ Bưởi, Hà Đông… người ta không có thời gian để nghe hàng tiếng đồng hồ, vì thế, các điệu xẩm cũng ngắn gọn hơn, tiết tấu nhanh và rộn ràng hơn.

Theo MẠNH KIÊN / NĂNG LƯỢNG MỚI

Tags: , ,