Điều gì làm cho Đà Lạt ngày càng nhếch nhác, thảm hại?

Một Đà Lạt nhỏ bé không đủ sức gánh gồng hàng triệu người mộng mơ tìm đến để “chill”, đồng thời lại muốn có nhà, đất, trang trại trồng rau.

Vườn hoa TP Đà Lạt chìm trong biển nước sau trân mưa lớn. Ảnh: Thanh Niên Online.

Ngồi trong ô cửa biệt thự và nhìn đồi thông không còn là đặc quyền của giới thượng lưu. Bây giờ nó là quyền bình đẳng của mọi người, đặc biệt là những người “so deep”.

Mỗi lần những bạn mộng mơ lên chơi Đà Lạt là đâu đó, phía bên kia có những người dự tính xây cái biệt thự bên đồi để đón khách. Mỗi mùa rau, hoa tăng năng suất là diện tích nhà kính tăng lên.

Chỗ nào cũng dày đặc bê tông, nhà kính, nước không có chỗ chảy, suối bị lấn nên nước mưa không kịp thấm mà chảy tràn khắp đường xá.

Nhiều bạn lên mạng tỏ vẻ thương xót cho “Đà Lạt của tôi”. Vì phải dung chứa những mộng mơ và tham lam vô cớ nên Đà Lạt mới có hôm nay. Người ta chỉ nhớ đến những vàng son quá khứ và hoài niệm đẹp đẽ mà quên mất địa hình Đà Lạt là đồi núi, thung lũng.

Chỗ của tôi ở cũng địa hình đồi núi, người dân làm nhà sàn để ở. Khi thiết kế nhà tái định cư cũng nghĩ đến chuyện làm nhà sàn, làm nhà nên đất tường gạch thì dân ở không hợp. Cái chuyện tưởng chừng lạc hậu ấy ngẫm sâu xa lại minh triết đủ đường.

Nhà sàn thì không bít mặt đất, sàn cao hơn một, hai mét có bậc thang đi lên, nước chảy nếu không quá mạnh thì cũng không gây ngập vì không có vật cản. Chính vì “nghèo”, làm cái nhà sàn tầm chục triệu, trăm triệu mà lỡ có động còn lo bỏ chạy, lỡ có hư hỏng bị cuốn trôi cũng đỡ tiếc của, làm lại cái mới.

Nếu bạn đến miền Tây, sẽ thấy nhiều khu vực nhà rất tạm bợ, phần lớn là nhà cấp bốn, có nhà còn chỉ có phênh, liếp bốn phía như lán trại. Đâu chỉ vì người dân còn nghèo mà còn vì họ sợ sạt lở một phát là “đi đời dì tám”.

Mấy năm nay, người ta cứ tranh cãi kiểu thầy bói xem voi. Một đường thì tỏ bày nỗi niềm nhớ thương Đà Lạt xưa, khi thành phố được người Pháp quy hoạch thành khu nghỉ dưỡng, phố trong rừng rừng trong phố.

Một đường thì bảo do mưa cực đoan, rằng ngập là “bình thường”, rằng phát triển thì phải đánh đổi.

Những người tranh cãi đứng trên hai thái cực quá xa nhau, lại tranh luận dựa trên cảm quan, trên ký ức, trên động lực riêng nên chẳng có cái gì đến nơi đến chốn.

Theo tôi, chỉ khi nào người ta chấp nhận rằng Đà Lạt không phải là chốn nghỉ dưỡng trong ký ức nữa và cũng chấp nhận rằng chúng ta phải tìm mọi cách có thể để cải thiện thành phố tốt hơn, thì hai bên mới có thể ngồi lại nói chuyện.

Thành phố là một cơ thể sống và nó sẽ luôn có những vấn đề “nọ kia”. Việc chúng ta cần làm bắt bệnh và tìm cách chữa. Hãy thôi huyên thuyên về mộng mơ và cũng bớt hãnh tiến ảo tưởng về phát triển.

Đà Lạt không chỉ có thơ mộng mà còn có những nhếch nhác. Một phần vì người thừa thãi mộng mơ tìm đến để “chill”, người thì mơ mộng có nhà, có đất, có trang trại trồng rau ở đó.

Theo LÊ Ô / VNEXPRESS

Tags: ,