Đi tìm dấu tích Đội hùng binh Hoàng Sa

Đội Hoàng Sa kiêm Bắc Hải là một chương vô cùng quan trọng trong nỗ lực của nhà Nguyễn nhằm thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.

Bài viết của TS Nguyễn Đăng Vũ – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi.

Trải qua năm tháng và những biến động thời cuộc, thời gian đã phủ bóng lên các sự kiện, song từ những di sản văn hóa, lễ hội và từ những văn bản cổ còn lại – đặc biệt là từ các sắc chỉ của nhà Vua và tờ tấu của quan lại đương thời còn lại, nhiều nhà nghiên cứu trong nước đã dày công phục dựng hiện thực lịch sử, cho chúng ta một sự hình dung ngày càng rõ nét và chính xác hơn về các giai đoạn mà cha ông chúng ta đã thực thi việc xác lập chủ quyền đối với các vùng biển đảo của đất nước.

Như một đóng góp trong nỗ lực tìm tòi này, xin trân trọng trích giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, quê hương của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Bằng cấp đi Hoàng Sa thời Minh Mạng và mấy điều suy luận

Sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương tới địa phương về việc đi Hoàng Sa – Trường Sa thể hiện rõ trong các bộ chính sử của triều Nguyễn, như “Đại Nam thực lục”, “Quốc triều chính biên toát yếu”, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”…, hoặc trong các châu bản triều Nguyễn. Nội dung của văn bản này cũng đã thể hiện rõ điều đó, vì ngay chính ở dòng đầu của trang đầu tiên cũng đã ghi là (quan Bố – Án) “vâng lệnh của Bộ Binh”!

Xác lập niên đại, nội dung và chủ thể văn bản

Trong suốt thời gian qua, kể từ ngày 31/3/2009, ngày chúng tôi được gia tộc họ Đặng làng An Hải, huyện Lý Sơn bàn giao văn bản cổ của dòng họ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, nhiều phương tiện thông tin đại chúng trong nước lẫn ngoài nước đã đưa tin, bình luận về việc phát hiện, cũng như sự tự nguyện hiến tặng, bàn giao cho nhà nước một văn bản cổ mà gia tộc họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, làng An Hải, huyện Lý Sơn đã gìn giữ suốt 175 năm qua…

Về nội dung văn bản cổ này, chắc hẳn nhiều người đã biết qua thông tin đại chúng. Một vài sai sót nhỏ mà báo chí đã đưa tin ngay sau ngày chúng tôi tiếp cận văn bản cũng không phải làm mất đi giá trị đích thực của văn bản (như về niên đại, một vài tờ báo, vài trang Web ghi là năm Ất Mùi – 1835, mà đúng ra phải là năm Giáp Ngọ – 1834; hoặc về chủ thể văn bản, không phải là của vua Minh Mạng mà là của “quan Bố – Án”, tức của quan Bố chánh và Án sát, như có viết ở trang đầu văn bản, và vì thế cũng không thể gọi là “sắc chỉ”).

Dù không phải sắc chỉ của vua, hoặc lệnh của Bộ Binh, nhưng chúng ta cũng thấy rằng, việc đi Hoàng Sa lẫn Trường Sa để đo đạc, vẽ bản đồ, cắm mốc, dựng bia chủ quyền, trồng cây trên đảo là có sự chỉ đạo thống nhất của nhà nước phong kiến Việt Nam, đặc biệt là vào thời Minh Mạng.

Sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương tới địa phương về việc đi Hoàng Sa – Trường Sa thể hiện rõ trong các bộ chính sử của triều Nguyễn, như “Đại Nam thực lục”, “Quốc triều chính biên toát yếu”, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”…, hoặc trong các châu bản triều Nguyễn. Nội dung của văn bản này cũng đã thể hiện rõ điều đó, vì ngay chính ở dòng đầu của trang đầu tiên cũng đã ghi là (quan Bố – Án) “vâng lệnh của Bộ Binh”!

Nhưng vì sao lại chỉ có quan Bố chánh và Án sát đồng đóng dấu triện trên văn bản cổ này? Sao không thấy sự hiện diện của quan Tuần phủ? Chúng ta biết rằng, tỉnh Quảng Ngãi được chính thức thành lập (là đơn vị cấp tỉnh) là vào năm 1832 (năm Minh Mạng thứ 13).

Theo “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn, và cả những ghi chép trong “Hải Nam tạp trứ” của Thái Đình Lan – một nho sinh Đài Loan bị gió bão đánh trôi giạt vào bờ biển tỉnh Quảng Ngãi vào thời điểm này, mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu, lúc bấy giờ, tỉnh Quảng Ngãi chưa có quan Tuần phủ riêng. Mãi đến tháng 6 (nhuận) năm Minh Mạng thứ 16 (1835) tiến sĩ Phan Thanh Giản mới được bổ nhiệm làm Bố chính Quảng Nam kiêm Tuần phủ Nam –Ngãi (cả Quảng Nam lẫn Quảng Ngãi, nhưng chỉ đóng dinh thự ở Quảng Nam).

Hai vị quan trực tiếp xử lý toàn bộ công việc chính trị, hành chính, quân sự… tại Quảng Ngãi là Bố chánh (mà lúc đó Ty Bố chánh gọi là Ty Phiên) và Án sát (Ty Án sát gọi là Ty Niết). Hai ty Phiên và Niết đều đặt tại tỉnh thành Quảng Ngãi (nằm trong khu vực cổ thành). Bố chánh Quảng Ngãi 1834 là Lê Nguyên Trung, rồi sau đó là Trương Văn Uyển, 1835 là Tôn Thất Bạch; Án sát Quảng Ngãi 1834 và 1835 là Nguyễn Đức Hội rồi Nguyễn Thế Đạo, và sau đó là Đặng Kim Giám (hiện nay gia tộc họ Đặng huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa cũng đã cung cấp cho chúng tôi một số tài liệu Hán Nôm liên quan đến ông Đặng Kim Giám, rất tiếc chưa có điều kiện kê cứu trong bài viết này).

Khi cần ban một quyết định cơ mật, thì cả quan Bố chánh và Án sát cần phải hiệp y. Vì thế ta không có gì ngạc nhiên khi trên văn bản cổ này có đóng dấu của quan Án sát lẫn quan Bố chánh. Và cũng chính từ 2 con dấu đỏ đóng trên văn bản này chúng ta cũng có thể suy luận thêm, việc cử các ông Võ Văn Hùng, Đặng Văn Siểm, và nhiều người khác (có ghi trong văn bản) đi Hoàng Sa còn là một việc hết sức quan trọng và cơ mật.

Họ là những ai trong “tờ lệnh” đi Hoàng Sa?

Lần giở các bộ chính sử như Đại Nam thực lục, Quốc triều chính biên toát yếu, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ… và châu bản của triều Nguyễn, lẫn các tài liệu khác có nói về những chuyến hải trình đi Hoàng Sa vào các năm 1834, 1835, 1836, 1837, 1838… tức là các năm Minh Mạng thứ 15, 16, 17, 18, 19…, sẽ thấy danh tính những cai đội, đội trưởng, chánh đội trưởng suất đội, như Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật, Phạm Văn Biện, các hướng dẫn viên đường thủy như Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, các viên giám thành vẽ họa đồ Hoàng Sa là Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Hoàng…

Tên tuổi họ rõ ràng là có được ghi trong sử sách, dù trong số đó có năm, những người đi Hoàng sa, đo vẽ bản đồ Hoàng Sa chưa thật sự hoàn thiện, lại về chậm trễ nên mỗi người bị phạt 80 trượng, như chuyến đi Hoàng Sa năm Minh Mạng thứ 16 (1835) mà cai đội Phạm Văn Nguyên dẫn đầu. Nhưng còn hàng trăm binh phu, thủy thủ đã cùng đi với họ trong những năm này đều là vô danh.

Điều đó không có gì là lạ, bởi sử sách không thể nào ghi đầy đủ tên tuổi, bản quán của tất cả binh phu cùng đi với họ trong từng năm một. Dù không phải đi Hoàng Sa, lẫn Trường Sa, tất cả đều phải hy sinh, nhưng hàng trăm ngôi mộ gió còn hiện diện trên đất đảo Lý Sơn cũng đã cho chúng ta nghĩ về một sự hy sinh thầm lặng không hề nhỏ.

Giờ đây, khi nghĩ về những người lính vô danh đã từng đi Hoàng Sa, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, chúng ta càng tiếc nuối, khi nghĩ rằng, giá như các châu bản của triều Nguyễn không vì chiến tranh, vì mối mọt, vì bày bán cùng với giấy lộn ở chợ Đông Ba, Nam Phố trong hơn 60 năm trước thì có lẽ chúng ta còn biết thêm tên tuổi của họ (trong số hơn 3.200 tập – theo Viện Hán Nôm, mà mỗi tập dày từ 6 đến 10cm, với trên dưới 600 trang giấy viết tay đến năm 1975, sau khi kiểm kê chỉ còn có 611 tập, tức chỉ còn có 1/5 trong số ấy).

Và cũng vì thế, có thể nói, văn bản cổ của dòng họ Đặng lưu giữ 175 năm qua, không chỉ góp phần bổ sung cho những điều ghi trong chính sử, châu bản của Nguyễn, mà còn xác lập thêm một số danh tính của những “hùng binh Hoàng Sa” như cách gọi của vua Tự Đức.

Họ là những ai trong văn bản cổ này? Người đầu tiên phải nhắc tới, đó chính là Võ Văn Hùng. Văn bản cổ của dòng họ Đặng cho biết, Võ Văn Hùng giỏi việc đi thuyền, rành rẽ hải phận, là người đã được cử đi từ năm trước (1833), nên lần này (1834) lại được quan Án sát và Bố Chánh tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục giao nhiệm vụ tuyển chọn thêm những binh phu am hiểu hải trình, đưa các phái viên ở kinh thành, biền binh, thủy quân thẳng tiến ra đảo Hoàng Sa.

Như đã nói ở trên, vào năm thứ Minh Mạng thứ 16 (Ất Mùi – 1835), chuyến đi Hoàng Sa về chậm trễ, đo vẽ bản đồ chưa chu toàn, cai đội Phạm Văn Nguyên và các viên giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoàng bị phạt mỗi người 80 trượng, nhưng Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, là những người có công trong việc hướng dẫn binh thuyền, tận tậm đo đạc hải trình nên được thưởng mỗi người 1 quan Phi Long ngân tiền, các dân phu hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định cùng đi mỗi người cũng được thưởng 1 quan tiền.

Và đến năm Minh Mạng thứ 18 (1837) cũng chính Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh cùng Thủy sư suất đội Phạm Văn Biện, người chỉ huy chuyến đi Hoàng Sa lần này, do khởi hành chậm trễ nên đều bị phạt (nhưng binh lính thì vẫn được thưởng 2 quan tiền!). Thật là quân lệnh nghiêm minh, thưởng phạt rõ ràng, và có lẽ việc thưởng phạt nghiêm minh ấy còn chứng tỏ rằng, thời ấy sứ mệnh đi Hoàng Sa lẫn Trường Sa là một nhiệm vụ cực kỳ “quan yếu”, như đã có ghi trong văn bản cổ của dòng họ Đặng làng An Hải.

Từ những suy luận về ông Võ Văn Hùng nêu trên, ta có thể thấy, những người được được nêu tên trong văn bản cổ này, như Đặng Văn Siểm, Dương Văn Định.. chắc hẳn cũng đã liên tiếp đi Hoàng Sa và Bắc Hải (cả Trường Sa) trong nhiều năm sau đó, trừ những người xấu số, phải chịu bó xác người bằng một đôi chiếu, 7 sợi dây mây, 7 chiếc đòn tre… để đồng đội trả trôi trên mặt biển bao la với chút hy vọng mỏng manh là xác người có thể được trôi về bản quán.

Họ cùng với các vị chỉ huy: Cai đội Trương Phúc Sĩ (vào năm 1833, 1834), cai đội Phạm Văn Nguyên (vào năm 1835), Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật (năm 1836), Thủy sư suất đội Phạm Văn Biện (năm 1837) đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ các hòn đảo, cắm cột mốc chủ quyền, dựng miếu… với vô vàn thử thách.

Truy tìm bản quán

Trong văn bản cổ của gia tộc họ Đặng, ông Võ Văn Hùng rõ ràng là người có ghi tên trong chính sử. Vậy ông Võ Văn Hùng là người ở đâu? Những gì còn lưu lại tại gia tộc họ Võ (Văn) làng An Vĩnh huyện Lý Sơn, đặc biệt là gia phả họ Võ được lập vào thời Gia Long, bổ sung vào thời Bảo Đại, cho phép ta khẳng định: ông Võ Văn Hùng chính là người thuộc gia tộc họ Võ (Văn) tại làng An Vĩnh, một dòng họ có nhiều người đi Hoàng Sa trong nhiều thế kỷ, và Võ Văn Hùng chính là hậu duệ của Võ Văn Khiết (cai đội Hoàng Sa, 1776), Võ Văn Phú (cai đội Hoàng Sa, 1803).

Bên cạnh ông Võ Văn Hùng, trong văn bản cổ có ghi những người phải thi hành nhiệm vụ (khác): đó là Đặng Văn Siểm (làm đà công, tức lái thuyền), Dương Văn Định, và các thủy thủy cùng đi, gồm: Phạm Quang Thanh (hay Tình, vì hai chữ này viết gần giống nhau, lại bị mờ chỗ này), Ao Văn Trâm, Trần Văn Kham, Nguyễn Văn Mạnh, Trần Văn Lê, Nguyễn Văn Dinh, Võ Văn Công, Trương Văn Tài.

Trong số người nêu trên có 4 người ghi rõ là ở huyện đảo Lý Sơn, mà lúc đó là chỉ là xã Lý Sơn, với hai phường là An Vĩnh và An Hải, thuộc tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn. Phường An Hải có ông Đặng Văn Siểm, Nguyễn Văn Mạnh; Phường An Vĩnh có ông Phạm Quang Thanh, Trần Văn Kham.

Hai người phụ trách súng đạn là Võ Văn Công và Trương Văn Tài, không được ghi rõ quê quán, nhưng theo chúng tôi, họ cũng là người của Lý Sơn. Ông Võ Văn Công là người dòng họ Võ (Văn) ở An Vĩnh (vì có ghi tên trong gia phả). Ông Trương Văn Tài có thể thuộc dòng họ Trương ở An Hải – một trong lục tộc tiền hiền của làng này. Sở dĩ ta có thể suy đoán ra điều đó, vì những dân binh này đều do chính ông Võ Văn Hùng tuyển chọn.

Nếu đúng như vậy, thì trong số 11 người có tên trong văn bản cổ của dòng họ Đặng, 7 người là người của huyện đảo Lý Sơn (Võ Văn Hùng, Đặng Văn Siểm, Nguyễn Văn Mạnh, Phạm Quang Thanh, Trần Văn Kham, Võ Văn Công và Trương Văn Tài).

Ngoài các ông ở Lý Sơn, trong văn bản cổ này còn có những người thuộc các huyện khác trong tỉnh Quảng Ngãi. Ông Ao Văn Trâm được ghi là ở Lệ Thủy Đông Nhị, mà Lệ Thủy Đông Nhị vốn là một xã cũng thuộc tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn (có thể tương đương với xã Bình Trị hiện nay, tức là nơi có Nhà máy lọc dầu Dung Quất). Tra cứu Đồng Khánh địa dư chí, phần về tỉnh Quảng Ngãi, ta sẽ thấy địa danh Lệ Thủy Đông Nhị (xã) còn tồn tại đến thời vua Đồng Khánh (1885 – 1888).

Chúng tôi cũng đi thực địa tại Lệ Thủy Đông Nhị, tại đây có khá đông gia đình họ Ao, vốn người Việt gốc Hoa, tên gọi vùng đất này là Lệ Thủy Đông Nhị xã còn tồn tại đến thời kháng chiến chống Pháp. Chính ông Ao Võ (93 tuổi) đã cung cấp cho chúng tôi hơn 400 trang liệu Hán Nôm liên quan đến dòng họ Ao tại đây.

Ông Trần Văn Lê được ghi là ở Bàn An ấp, tức vốn là một ấp thuộc thôn Thạch Than, tổng Ca Đức, huyện Mộ Hoa (bao gồm cả phần đất Mộ Đức và Đức Phổ hiện nay, nay tên gọi Bàn An dùng để chỉ một thôn thuộc xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ). Ông Nguyễn Văn Dinh (Doanh) được ghi là ở thôn Thạch Than, xã An Thạch. Đối chiếu với các sử liệu cũ, có thể thấy, thôn Thạch Than, xã An Thạch cũng thuộc tổng Ca Đức, huyện Mộ Hoa (nay tên gọi Thạch Than chỉ dùng để chỉ một thôn thuộc xã Đức Phong, huyện Mộ Đức).

Như vậy hai ông Trần Văn Lê và Nguyễn Văn Dinh là cùng một quê quán, đều ở thôn Thạch Than, xã An Thạch, tổng Ca Đức, huyện Mộ Hoa. Xã An Thạch thời ấy có lẽ là một vùng đất trải dài từ Đức Phong (Mộ Đức) qua Phổ An và cả Phổ Quang (Đức Phổ) hiện nay.

Riêng về ông Dương Văn Định và Đặng Văn Siểm, là những người được quan Bố chánh và Án sát trực tiếp chỉ định “cứ thử” ở cuối văn bản cổ của dòng họ Đặng, tức phải vâng mệnh thi hành, như đã nói ở trên, thì ông Đặng Văn Siểm đã được xác định rõ là người phường An Vĩnh (Lý Sơn), nhưng về ông Dương Văn Định, hiện vẫn chưa xác định được ông Định là ở làng quê nào hiện nay. Văn bản cổ chỉ ghi là ông Dương Văn Định ở thôn Hoa Diêm (và cũng không ghi rõ xã, tổng, huyện). Nhưng thôn Hoa Diêm thời ấy nay thuộc địa phương nào?

Lục tìm các thư tịch cũ, không thấy có đia danh nào là Hoa Diêm. Hiện nay, các thôn trong tỉnh Quảng Ngãi có chữ Diêm (muối, tức làng làm ruộng muối), có: Tân Diêm (thuộc tổng Triêm Đức, huyện Mộ Đức, nay thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ), thôn Tuyết Diêm (thuộc tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn, nay thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn), thôn Diêm Điền (thuộc tổng Bình Châu, huyện Bình Sơn, nay thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn)…

Như chúng ta đã biết, vì húy kỵ tên mẹ vua Thiệu Trị nên vào năm 1841 (năm Thiệu Trị thứ nhất), tất cả những tên người lẫn địa danh có chữ Hoa đều phải thay đổi, như Thanh Hoa, đổi thành Thanh Hóa, Đông Hoa đổi thành Đông Ba, Mộ Hoa đổi thành Mộ Đức… Vậy thì địa danh Hoa Diêm vì có chữ Hoa nên chắc chắn cũng phải đổi. Nhưng trong 3 địa danh có chữ Diêm ở sau là Diêm Điền, Tân Diêm, Tuyết Diêm, thì thôn nào vốn là thôn Hoa Diêm?

Theo chúng tôi, có lẽ thôn Hoa Diêm của ông Dương Văn Định chính là thôn Tuyết Diêm, thuộc xã Bình Thuận huyện Bình Sơn hiện nay, tức là nơi có bến cảng Dung Quất bay giờ. Sở dĩ chúng tôi tạm thời xác định như trên, vì thời ấy Lý Sơn thuộc tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn.

Các dân binh được tuyển chọn, ngoài hai ông Trần Văn Lê và Nguyễn Văn Dinh là những người thuộc tổng Ca Đức, huyện Mộ Hoa (nay thuộc Đức Phổ và Mộ Đức), thì những người còn lại đều thuộc tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn. Các thôn Diêm Điền, Tân Diêm đều thuộc các tổng khác (riêng Tân Diêm, nay thuộc Đức Phổ, thì với khoảng cách địa lý khá xa ấy càng không hợp lý). Có lẽ để xác định chính xác hơn cần phải tiếp tục nghiên cứu từ thực địa, đặc biệt qua thư tịch Hán Nôm.

Lần theo chính sử

Trải qua năm tháng và những biến động thời cuộc, thời gian đã phủ bóng lên các sự kiện, song từ những di sản văn hóa, lễ hội và từ những văn bản cổ còn lại – đặc biệt là từ các sắc chỉ của nhà Vua và tờ tấu của quan lại đương thời còn lại, nhiều nhà nghiên cứu trong nước đã dày công phục dựng hiện thực lịch sử, cho chúng ta một sự hình dung ngày càng rõ nét và chính xác hơn về các giai đoạn mà cha ông chúng ta đã thực thi việc xác lập chủ quyền đối với các vùng biển đảo của đất nước.

Ngoài những danh tính, bản quán có trong văn bản cổ mà chúng tôi đã nêu, nội dung chính văn bản cổ của dòng họ Đặng làng An Hải năm 1834 cho biết: Theo lệnh của Bộ Binh, quan Bố chánh và Án tỉnh Quảng Ngãi làm bằng cấp chiếu theo tháng trước. Vâng sắc của triều đình Bộ đã chuẩn bị 3 chiếc thuyền tu bổ kiên cố tại kinh, phái viên và thủy quân biện binh cùng hiệp đồng cho thuyền đến Quảng Ngãi để đi nhanh đến đảo Hoàng Sa.

Tuân theo lệnh này, tỉnh (cũng) chuẩn bị (thêm) 3 chiếc thuyền nhẹ (lê thuyền) để chờ phái viên, thủy quân ở kinh thành đến và đã phái Võ Văn Hùng, là người đã thuần thục đường biển, đi từ năm trước, tuyển thêm binh phu giỏi nghề đi biển, cốt sao mỗi thuyền có được 8 người, 3 thuyền là 24 người, lại chọn được ông Đặng Văm Siểm là người có kinh nghiệm làm đà công, để đến cứ hạ tuần tháng 3 hàng năm cùng với phái viên, biền binh ở kinh thành thẳng tiến đến đảo Hoàng Sa để do đạc thủy trình (theo các bản dịch của các ông Dương Quỳnh – dịch tháng 3 năm 1999; Võ Hiển Đạt, Nguyễn Đức Tập, Lâm Dũ Xênh, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Tấn An, Lê Hạng dịch vào tháng 4 – 2009).

Lần theo chính sử, ta thấy có một số sự kiện lịch sử liên quan đến nội dung của văn bản cổ này.

Sách “Đại Nam thực lục”, chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 122 của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép về những sự kiện lịch sử vào tháng 3 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), có ghi: “Đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ” (Nxb Giáo dục, H. 2004, tập 4, tr.120).

Ở một số trang khác, sách này cũng cho biết, chính năm 1834 vua Minh Mạng đã sai binh lính đi dựng miếu và lập bia ở Hoàng Sa, nhưng vì sóng to gió lớn không làm được, nên vào tháng 6 năm Minh Mạng thứ 16 (1835), sai Cai đội Thủy quân Phạm Văn Nguyên đem thợ Giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu, dựng bia đá đảo Hoàng Sa (tr. 673).

Sách này còn cho biết thêm, vào tháng giêng năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tâu rằng: “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu, đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được 1 nơi… Hàng năm nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay (1834) trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng chọn phái biền binh thủy quân và vệ giám thành đáp 1 chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa.

Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói cho rõ, đem về dâng trình” (tr.867).

Chuẩn theo lời tấu của Bộ Công, vua Minh Mạng sai Suất đội Thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền cùng 10 bài gỗ, mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt khắc chữ: “Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chí thử lưu đẳng tự” (Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân (1836), Thủy quân Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét, đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ).

Có lẽ, đây là sự kiện mà hầu hết các bộ chính sử của triều Nguyễn, như “Đại Nam thực lục”, “Quốc triều chính biên toát yếu”, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ… đều có ghi chép.

Ngoài những trang ghi chép về sự kiện đi Hoàng Sa vào các năm 1834, 1835, 1836, sách “Đại Nam thực lục”, đệ nhị kỷ, quyển 204, còn ghi chép thêm rằng, phái viên Hoàng Sa là Suất đội Thủy sư Phạm Văn Biện cùng thủy quân, binh phu đi Hoàng Sa bị gió bão đánh tan nát nên đến tháng 7 năm Minh Mạng thứ 20 (1839) mới “lục tục” về đến kinh thành. Hỏi vì sao, đoàn thuyền đi Hoàng Sa lần này cho biết, họ đã nhờ thủy thần cứu giúp. Vua Minh Mạng sai Bộ Lễ chọn địa điểm ở cửa biển Thuận An đặt đàn cúng tế tam sinh nhằm cảm tạ thủy thần, rồi thưởng tiền cho Phạm Văn Biện, các biền binh và dân phu đi theo (Tập 5, tr. 532).

Chỉ căn cứ theo các đoạn ghi chép nêu trên cũng đã thấy nội dung văn bản cổ của dòng họ Đặng là hoàn toàn trùng khớp với chính sử.

Nội dung trùng khớp thứ nhất, đó là về thời gian: Hằng năm cứ vào hạ tuần tháng giêng là các phái viên, biền binh xuất quân ở kinh thành, để đến thượng tuần tháng 2 là đến Quảng Ngãi và đến hạ tuần tháng 3 là đi Hoàng Sa.

Thứ hai, là về số lượng binh thuyền, sách “Đại Nam thực lục” ghi: Ngoài số binh thuyền ở kinh thành phái vào, ở Quảng Ngãi (lẫn Bình Định) còn chuẩn bị thêm 3 – 4 chiếc thuyền nhẹ của dân địa phương (mà ở đây văn bản cổ họ Đặng cho biết tỉnh Quảng Ngãi năm 1834 đã chuẩn bị 4 thuyền, trong đó có 1 thuyền dành riêng cho ông Võ Văn Hùng đi với 8 thủy thủ ở tỉnh Quảng Ngãi (như chúng tôi đã nêu tên ở bài trước). Do vậy, có thể suy ra, chuyến công vụ Hoàng Sa theo văn bản cổ của dòng họ Đặng có tất cả 7 thuyền, chứ không phải chỉ có 3 thuyền như trước đây một vài người đã suy đoán.

Thứ ba, là các địa danh, những cái tên: Lệ Thủy Đông Nhị, Hoa Diêm, Mộ Hoa… vốn hiện nay không còn đầy đủ các thành tố như trước, nhưng qua tra cứu và qua thực địa, chúng ta càng thêm khẳng định độ chính xác trong văn bản cổ của dòng họ Đặng khi ghi chép về các địa danh này.

Tìm về châu bản

Như đã trình bày ở trước, nội dung văn bản cổ mà dòng họ Đặng làng An Hải, huyện Lý Sơn truyền đời gìn giữ tròn 175 năm qua đã giúp chúng ta xác lập thêm một số danh tính, bản quán của những người đi lính Hoàng Sa, đã cho chúng ta hiểu hơn về sự kiện đi Hoàng Sa hằng năm của những phái viên, biền binh, thủy thủ dưới thời vua Minh Mạng, đã bổ sung vào những trang ghi chép về chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong các bộ chính sử… Và như chúng tôi đã nói, nội dung văn bản cổ của dòng họ Đặng hoàn toàn trùng khớp với chính sử của nhà nước Việt Nam, từ thời gian, địa danh, số lượng biền binh, thủy quân, thủy thủ đến số lượng binh thuyền đi Hoàng Sa vào các những năm ba mươi của thế kỷ 18.

Nhưng không chỉ trùng khớp với những trang ghi chép trong các bộ chính sử của Việt Nam. Nội dung văn bản cổ của dòng họ Đặng còn trùng khớp với nhiều nguồn tài liệu, thư tịch bằng chữ Hán của các sử gia, quan lại ở những triều vua khác nhau, đặc biệt là những tài liệu, thư tịch có ghi chép khá kỹ lưỡng về hoạt động của đội Hoàng Sa – Trường Sa cũng như việc thực thi chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo này.

Trước hết đó là những ghi chép của Nội các triều Nguyễn trong “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, những ghi chép của Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” và “Hoàng Việt địa dư chí”, những ghi chép của Nguyễn Thông trong “Việt sử cương giám khảo lược”… Sở dĩ ta xem văn bản cổ của dòng họ Đặng có sự trùng khớp về nội dung so với các tài liệu này, bởi nhiều trang ghi chép trong “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, hay các sách của Phan Huy Chú, Nguyễn Thông không khác mấy với các bộ chính sử triều Nguyễn như “Đại Nam thực lục”, “Quốc triều chính biên toát yếu”, “Đại Nam nhất thống chí” mà chúng tôi đã có dịp đề cập. Xin được không trích dẫn lại.

Riêng về hoạt động của đội Hoàng Sa, ngay từ thời đầu chúa Nguyễn, thì cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, hầu hết những trang ghi chép của các sử gia Việt Nam viết về hoạt động của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (bao gồm cả Trường Sa) ít nhiều cũng đã kế thừa, thậm chí có những chỗ gần như nguyên văn một số sự kiện mà nhà bác học Lê Quý Đôn mô tả trong bộ sách “Phủ biên tạp lục” nổi tiếng, vốn được biên soạn vào năm 1776, tức lúc Lê Quý Đôn theo lệnh của vua Lê – chúa Trịnh vào làm Hiệp trấn Thuận Hóa.

Cùng với những trang ghi chép của các sử gia phong kiến Việt Nam, các quan ở Nội các triều Nguyễn, đó là các tờ phúc tấu, tấu trình lên cho vua của các đình thần như Bộ Công, Bộ Hộ, các quan đầu tỉnh…, và được vua phê chuẩn bằng mực đỏ, gọi chung là châu bản (châu = mực đỏ). Nội dung văn bản cổ dòng họ Đặng trùng khớp với những trang ghi chép trong châu bản Triều Nguyễn, đặc biệt là châu bản dưới thời vua Minh Mạng.

Châu bản tập Minh Mạng số 54 cho biết, ngày 18 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà vua đã ra chỉ dụ thưởng phạt cho những người đi Hoàng Sa vào năm này (trong đó có ghi phạt Phạm Văn Nguyên và những viên giám thành 80 trượng vì tội trì hoãn thời gian đi Hoàng Sa, thưởng Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh vì có công hướng dẫn hải trình như đã nêu ở trước).

Phúc tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Bính Thân (1836) cho Phạm Hữu Nhật đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền. Tờ tấu của Bộ Hộ ngày 11 tháng 7 cũng năm Bính Thân (1836) cho xin thanh toán lương thực cho dân phu đi Hoàng Sa. Tờ dụ ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837) trong Châu bản Minh Mạng tập 57 cho biết việc sai các giám thành, biền binh hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đi đo vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.

Trong năm Minh Mạng thứ 19 (1838) có 3 tờ tấu trình. Thứ nhất, đó là Tờ tấu của Bộ công ngày 2 tháng 4 (nhuận) cho biết việc hoãn thi hành công vụ đi đo giáp vòng quần đảo Hoàng Sa trong tháng 3 vì mưa gió kéo dài, Thứ hai, cũng là tờ tấu trình của Bộ Công ngày 21 tháng 6 năm (1838) cho biết: hướng dẫn viên đi Hoàng Sa là Võ Văn Hùng (người được ghi trong văn bản cổ của dòng họ Đặng là lo việc tuyển chọn binh phu và đã tuyển chọn đà công Đặng Văn Siểm) đã cung cấp thông tin là quần đảo Hoàng Sa có tất cả 4 nơi cần khảo sát; lần đi năm này (1838) chỉ đi được 3 nơi, còn một nơi không đi được vì gió đang mạnh nên xin để cho năm sau đi tiếp. Hướng dẫn viên Võ Văn Hùng cũng cho biết thêm, quần đảo Hoàng Sa có tất cả 25 hòn, nhưng trong năm chỉ đi đến được 12 hòn, khảo sát và vẽ được 3 bản đồ riêng, 1 bản đồ chung, còn lại 13 hòn chưa đến được. Đây là tờ tấu trình hết sức đặc biệt, không chỉ liên quan đến ông Võ Văn Hùng có ghi trong văn bản cổ của dòng họ Đặng mà còn ghi chép khá cụ thể về việc số lượng các hòn đảo trong 4 nơi thuộc quần đảo Hoàng Sa, số lượng các hòn đảo đã được đo vẽ trong năm này. Tờ tấu trình thứ ba năm 1839 là tờ tấu trình của tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 19 tháng 7, tức sau đó chưa đầy 1 tháng, quan tỉnh Quảng Ngãi tấu trình về việc cho miễn thuế cho 2 chiếc “bổn chinh thuyền” đã đưa binh lính đo giáp vòng quần đảo Hoàng Sa từ tháng 3 đến hạ tuần tháng 6.

Rõ ràng là các sự kiện được ghi trong nội dung của văn bản cổ không chỉ trùng khớp với chính sử mà còn trùng khớp với các trang ghi chép trong các tài liệu cổ khác, đặc biệt trong châu bản của triều Nguyễn thời vua Minh Mạng.

Nhìn từ Lý Sơn và đi dọc biển Quảng Ngãi

Trong hàng chục năm qua, chúng tôi đã tìm về làng An Vĩnh, An Hải tại vùng cửa biển Sa Kỳ, làng An Vĩnh, An Hải trên đất đảo Lý Sơn và nhiều nơi nơi khác dọc ven biển Quảng Ngãi. Những gì chúng tôi tìm thấy được trong các nhà thờ tộc họ, đã chứng kiến những ngôi mộ chiêu hồn, đã tham dự nhiều lễ tục độc đáo như Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ cúng việc lề, đã nghe kể những truyền thuyết, giai thoại, đã cùng ngồi thâu đêm để được nghe hát những bài dân ca còn lưu truyền… đã giúp cho chúng tôi hiểu hơn về lịch sử hình thành, về sản vật, hải vật có trên đảo Lý Sơn và những nơi khác trải qua nhiều thế kỷ, về phong tục tập quán, về di sản văn nghệ dân gian mà không dễ gì trong một thời gian dăm ba năm có thể thu nhặt hết, đặc biệt là về những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa thuở trước.

Về nguồn tài liệu, trước hết phải nói đến nguồn tài liệu bằng Hán Nôm. Trong số hàng nghìn trang tài liệu bằng Hán Nôm mà chúng tôi sưu tầm được, hoặc do các dòng họ cung cấp, tiêu biểu là ở các tộc họ Võ (Văn), Phạm (Quang), Phạm (Văn), Nguyễn, Trần…, thì trong số đó có nhiều tài liệu vốn có niên đại cách đây hơn 200 đến 250 năm, như các tài liệu có từ thời Cảnh Hưng (1740 – 1786), Thái Đức (1778 – 1793), Cảnh Thịnh (1793 – 1801), tức thời vua Lê, chúa Nguyễn, thời Tây Sơn, đến các tài liệu có từ 150 năm đến 200 năm, như các tài liệu có từ thời nhà Nguyễn, như thời Gia Long (1802 – 1819), Minh Mạng (1820 – 1840), Thiệu Trị (1841 – 1847), Tự Đức (1848 – 1883)…

Tất nhiên trong số hàng nghìn trang ấy, không phải tất cả đều là ghi chép về hoạt động của đội Hoàng Sa, có khi chỉ nói về việc mua bán đất đai, thuế má, lập đền miếu, gia phả, hôn nhân hoặc có khi chỉ là đơn kiện tụng, nhưng theo chúng tôi, dường như hầu hết đều có giá trị. Bởi nhờ các tài liệu này mà chúng tôi hiểu biết hơn về lịch sử, nguồn gốc cư dân, chính sách phát triển kinh tế xã hội, các địa danh thời trước, những lễ nghi…; xác định được bản quán của những người đi Hoàng Sa; xác định được tên tuổi của những cai đội Hoàng Sa như Cai cơ thủ ngự Phú nhuận hầu Võ Văn Phú, Cai đội Phạm Quang Ảnh, Thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên, Chánh đội trưởng Thủy quân Phạm Hữu Nhật, Thủy sư suất đội Phạm Văn Biện… hoặc các hướng dẫn viên Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, các thủy thủ Phạm Quang Thanh, Nguyễn Văn Mạnh, Võ Văn Công… là những người được cử đi Hoàng Sa có trong văn bản của dòng họ Đặng. Và cũng nhờ các tài liệu này mà chúng tôi biết được họ là những người thuộc thế hệ thứ mấy trong gia phả của các dòng họ Võ (Văn), Phạm (Quang), Phạm (Văn), Nguyễn (Văn)… trên đất đảo Lý Sơn lẫn ở vùng cửa biển Sa Kỳ.

Và cũng từ những điều đó cho phép ta khẳng định thêm một lần nữa, nội dung văn bản cổ của dòng họ Đặng trùng khớp với những tài liệu cổ khác hiện còn trên đất đảo Lý Sơn mà các dòng họ còn lưu giữ, dù có tài liệu không còn nguyên vẹn. Nhưng đó cũng chỉ là việc xác lập thông tin qua nguồn tư liệu Hán Nôm, còn những ngôi mộ chiêu hồn, những di tích liên quan đến đội Hoàng Sa, những câu chuyện kể, những câu ca dân gian được lưu truyền… mà ở đây chưa có dịp đề cập cũng là những bằng chứng khác hết sức sống động về quá trình hoạt động của đội Hoàng Sa, về sự hy sinh đầy cao cả của những hùng binh Hoàng Sa trong nhiều thế kỷ.

Cuối cùng, phải nói rằng, nhờ thêm một lần đi tìm cội nguồn của những người đi Hoàng Sa trong văn bản cổ của dòng họ Đặng, xác lập thông tin mà văn bản này có ghi chép so với chính sử, châu bản mà giờ đây chúng tôi còn biết thêm nhiều điều khác. Ngoài những điều đã nói ở trên, chúng tôi còn hiểu thêm về việc phường An Vĩnh và phường An Hải được tách ra khỏi xã An Vĩnh và An Hải trong đất liền vào lúc nào, về việc bán đoạn đất đai để có điều kiện thi hành công vụ ở quần đảo Hoàng Sa vào năm thứ mấy, vì sao người Lý Sơn có những năm không đóng thuế tại Sa Kỳ mà chở sản vật, hải vật ra tận kinh thành giao nộp?…

Cùng với sự hiểu biết đó chúng tôi còn phát hiện thêm tên tuổi những Cai đội khác, như Nguyễn Văn Giai, Nguyễn Thụ ở phường An Vĩnh, Lý Sơn, Chánh đội trưởng Thủy quân Nguyễn Văn Nhiễu ở An Mô châu, phủ Tư Nghĩa, Phó vệ úy Thủy quân Nguyễn Văn Lân ở tổng Bình Châu, huyện Bình Sơn… là những người đã từng gánh vác sứ mệnh thiêng liêng ở vùng Biển Đông của Tổ quốc từ thời nhà Nguyễn.

Theo THÔNG TIN BIỂN ĐÔNG

Tags: , , , ,