Để người dân được ăn một cái Tết Độc lập trọn vẹn

Sau một chặng dài độc lập, vẫn còn ngổn ngang công việc phải làm để người dân không chỉ hiểu giá trị của độc lập mà còn có thể sống một cuộc đời ấm no, tự chủ.

Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Tôi đến thị trấn Ít Ong, huyện Mường La những ngày cận kề Quốc khánh.

Cơn lũ quét vừa qua còn đầy dấu tích, một vệt dài toang hoang liếm qua đầu huyện. Ông Lò Văn Bang, hơn 50 tuổi, dân bản Hua Nà, thuật lại: “Đêm ấy sợ quá. Lũ ập về bất ngờ. Em và vợ tỉnh dậy trơ vơ trên cái nền đất. Quanh hai chúng em, toàn nước là nước. Suối réo ầm ầm. Đã nghĩ là chết. May à, cái bộ đội cứu hộ lao tới, quăng dây kéo lên ca nô”.

Lò Văn Bang và vợ nay vẫn ở lán tạm, nhờ người anh em cùng bản Hua Nà. Hai vợ chồng đang đợi “chính phủ tìm đất”; đợi “bộ đội, nhà nước hỗ trợ nhà”. Ở một góc bản, dăm đứa trẻ 7 – 8 tuổi cũng cầm xẻng cùng người lớn xúc cát. Cát từ xe tải nhà nước chở về. Chúng cào cát lấp vào khoảnh đất cơn lũ vừa qua tạo thành một thủm hoắm sâu trên nền nhà của cha mẹ chúng.

Trên chiếc cầu đầu huyện, chiếc cầu bê tông to, rộng anh em Ban A Thủy điện Sơn La xây ngày nào, con lũ thổi tan cả hai mố cầu, cả phía tả và hữu Nậm La. Nhìn xuống lòng suối, giờ đã cạn nước, bốn cái cẩu vươn nhưng cánh tay dài và hơn ba bốn chục công nhân dùng đá, đất, cát cạp lại hai bên bờ suối. Con suối ngày xưa chỉ rộng 50 mét, giờ đây thành con suối rộng hơn 150 mét. Lũ ống, lũ quét đã đi một vệt dài, tàn phá tất cả trên hành trình của nó.

Nhưng chỉ cách đó không đầy 300 mét, trung tâm huyện từ sớm 1/9 đã ồn ã, phá tan cái không khí vốn yên ả của nơi rừng xanh núi thắm. Người ta từ thung sâu, trên các đỉnh núi cao chót vót, khắp rẻo rừng xa thăm thẳm, nơi biên cương phên dậu đất nước này, vẫn nhớ ngày 2/9, theo một truyền thống bao nhiêu năm nay đã thành lệ, kéo xuống huyện “ăn cái Tết Độc lập”.

Huyện mọi năm thường có đêm văn nghệ, có sân khấu. Năm nay chia sẻ với các gia đình mất mát sau lũ, Huyện không làm văn nghệ, nhưng nhân dân thì không quên. Ở đây không ai gọi ngày lễ này là Quốc khánh. Họ gọi là “Tết Độc lập”.

Lì A Sếnh, sinh năm 1962 ở tận Pú Pầu cách trung tâm huyện 45 cây, leo dốc núi, đưa vợ là Dợn, mỗi năm chỉ xuống núi một lần, để ăn Tết Độc lập. Ông thủng thẳng nói: “Ở đây có nhiều thứ trên núi không có. Năm nay trời mưa nhiều quá. Con lũ năm nay to lắm. Nó ăn của mình hết một nửa cái nương. Mình có sáu con. Ba trai ba gái. Gái đi lấy chồng hết rồi. Con trai phải ở nhà canh cái bản, cái nương. Cũng buồn! Nhưng không lo cho mình đâu. Nhà mình còn nhiều ngô, thóc. Mình không đói mà. Mà chính phủ không cho ai đói nữa. Tết Độc Lập là phải xuống núi. Bác Hồ cho cái Độc Lập, mình phải nhớ chứ”.

Tôi nhìn chị Dợn, vợ ông, cũng gần 50 tuổi, mồ hôi lấm tấm như các giọt mưa đọng trên khuôn mặt, đứng bên bà bạn gái cùng bản. Cả hai cười tươi. Chiều rồi, đêm tối xuống còn hai tiếng nữa. Họ sẽ đi mua quà và các vật dụng ở phố huyện cho con cháu họ, những đứa không xuống núi được vì còn phải “canh cái bản, cái nương”.

Hàng vài nghìn người đã xuống đây như họ, từng tốp một. Các cô gái trẻ xúng xính trong bộ trang phục hội lễ của người H´Mông đa dạng. Trai Mông thì kẻ áo quần đen, kẻ thì mặc như người Kinh – áo phông quần tây. Họ đua nhau lượn phố huyện bé bằng cái bàn tay, lọt thỏm trong trùng trùng rừng núi nơi biên cương. Cuộc ăn chơi Tết Độc lập sẽ kéo dài tới nửa đêm rồi mới ai về nhà nấy.

Tôi rời huyện trở về khu trụ sở trực của anh em Thủy điện thuộc Công ty thủy điện Sơn La. Tôi nhớ về những năm thập kỷ 60, lũ trẻ và các khu phố Hà Nội đón ngày Quốc khánh. Tôi cũng nhớ lại những ngày này chúng tôi ở chiến trường ăn những cái Tết Quốc khánh đạm bạc. Nhớ lá cờ tổ quốc phấp phới bay trên Sứ quán Việt Nam tại Đức mà lũ chúng tôi tha hương tụ hội ăn lễ nơi xứ người. Những bà con người H’Mông, người Thái gạt nước mắt, mồ hôi sau cơn lũ để ăn Tết Độc lập khiến tôi nhớ về những ngày tháng khốn khó của mình. Có lẽ càng khốn khó, sự thấu hiểu giá trị của hai chữ “độc lập” càng rõ ràng hơn. Những người đã có tuổi, đã trải qua nhiều dạng hình của nỗi khổ như thế hệ chúng tôi, thi thoảng vẫn ứa nước mắt khi nhắc tới những từ “Việt Nam độc lập” – một thời khắc đánh dấu sự định danh của đất nước trên bản đồ thế giới.

Ở dưới xuôi, tại các thành phố lớn trong hôm nay, người dân cũng sẽ đổ ra đường mừng ngày Quốc khánh. Quốc khánh của người dưới xuôi chắc chắn đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Câu nói của Lì A Sếnh cứ trở đi trở lại trong đầu tôi: “Ở đây có nhiều thứ trên núi không có”.

Ăn Tết ở nơi người dân đang trông chờ từ chính phủ từng xe cát, mái tôn cho tới cả cái nhà để ở sau cơn lũ, tôi hiểu ra là, sau một chặng dài độc lập, vẫn còn ngổn ngang công việc phải làm để người dân không chỉ hiểu giá trị của độc lập mà còn có thể sống một cuộc đời ấm no, tự chủ.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,