Davy Crockett – vũ khí hạt nhân nhỏ nhất từng được triển khai thực địa

Súng không giật Davy Crockett là một loại vũ khí hạt nhân mini của Mỹ chế tạo trong thời kỳ Chiến tranh lạnh có khả năng hủy diệt cả một đoàn quân trong chớp mắt.

Từ năm 1966, quân đội Mỹ triển khai ở châu Âu loại vũ khí hạt nhân nhỏ nhất thế giới có tên gọi Davy Crockett. Đây là khẩu súng không giật bắn đạn nguyên tử nặng gần 35 kg và là vũ khí hạt nhân nhỏ nhất từng được Mỹ triển khai.

Trong thời kỳ trước khi tên lửa chống tăng hiện đại ra đời, súng không giật Davy Crockett là một vũ khí giúp Mỹ duy trì thế cân bằng trên chiến trường. Vũ khí hạt nhân này được thiết kế để “nướng” các kíp tăng đối phương bằng chùm tia gamma và ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga thời kỳ còn là Liên Xô.

Những nhà thiết kế khẩu súng không giật Davy Crockett đã sử dụng một thiết bị phân hạch sẵn có làm cơ sở chế tạo đầu đạn W-54 cho súng. Đầu đạn W-54 nhỏ hơn so với các vũ khí hạt nhân khác ở thời điểm đó nhưng không có nghĩa là nó không uy lực.

Tên của loại vũ khí này được đặt nhằm tưởng nhớ nghị sĩ Mỹ Davy Crockett, người đã hy sinh khi chiến đấu vì độc lập của bang Texas và trở thành anh hùng dân tộc, một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước tại Mỹ.

Thiết kế của khẩu súng Davy Crockett (M388) gồm 2 thành phần chính: trước tiên là đầu đạn hạt nhân mini W54, loại đầu đạn này có thiết kế chẳng khác gì một quả bom nguyên tử, chỉ có điều là kích thước rất nhỏ. W54 có đường kính 270 mm; dài 400 mm; trọng lượng 23 kg (các phiên bản về sau có trọng lượng 34,5 kg, dài 787 mm và đường kính 280 mm); đương lượng nổ tương đương 10 – 250 tấn TNT (tùy phiên bản).

Thành phần thứ hai của hệ thống chính là súng phóng lựu không giật, tùy theo mục đích sử dụng đầu đạn, quân đội Mỹ đã thiết kế hai loại súng với tầm bắn khác nhau.

Cụ thể: súng không giật M28 cỡ nòng 120 mm có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 2 km còn loại súng M29 cỡ 155 mm có tầm bắn tối đa 4 km. Khi lắp đầu đạn hạt nhân W54 vào súng M29, toàn hệ thống có trọng lượng 99 kg, dài 3.249 mm. Mặc dù kích thước rất nhỏ bé nhưng nó vẫn đủ khả năng hủy diệt mọi sự sống trong vòng bán kính vài trăm mét kể từ điểm nổ.

Do có trọng lượng vừa phải, cả hai loại súng trên đều có thể dễ dàng lắp đặt trên một giá đỡ 3 chân, khẩu đội vận hành chỉ cần 3 người.

Davy Crockett bắt đầu sản xuất từ năm 1956, có khoảng 2.100 khẩu được chế tạo trong khoảng thời gian từ năm 1961 đến năm 1971. Hiện nay nó vẫn là loại vũ khí hạt nhân nhỏ nhẹ nhất của Quân đội Mỹ cũng như trên thế giới.

Các kết quả thử nghiệm cho thấy khẩu súng Davy Crockett có thể được sử dụng một cách hiệu quả để tiêu diệt toàn bộ binh lực đối phương trong một phạm vi nhỏ. Loại đạn này được Lầu Năm Góc dự kiến sẽ đem ra sử dụng tại châu Âu, trong trường hợp xảy ra chiến tranh với quân đội Xô Viết.

Tuy nhiên một điều quan trọng cần phải tính đến đó là mức độ nhiễm xạ. Ngay cả với loại đầu đạn nhỏ nhất, lượng phóng xạ đã lên tới 100 sievert trong tầm bán kính 150 m, đủ để gây ra cái chết ngay tức thì. Còn ở khoảng cách 400 m, lượng phóng xạ giảm xuống còn 6 sievert, nhưng vẫn là ngưỡng rất nguy hiểm (ngưỡng gây chết người là 10 sievert).

Mặc dù có sức mạnh khủng khiếp tuy nhiên, vũ khí hạt nhân này cũng có nhiều điểm hạn chế. Đạn nguyên tử của nó không hề rẻ và có giá tương đương với đạn của vũ khí hạt nhân chiến lược bởi thiết bị phân hạch đắt đỏ bên trong.

Đặc biệt, nó cũng gây ra mối nguy hiểm thực sự với kíp xạ thủ bởi bức xạ chết người phát ra từ vụ nổ vượt quá tầm bắn của súng, đồng nghĩa với việc những người lính khai hỏa nó cũng có thể bị chùm tia gamma giết chết.

Tuy nhiên, hiểm họa khó lường của nó lại nằm ở thiết kế nhỏ gọn của nó. Bởi đạn W-54 có thể mang vác được, nguy cơ loại vũ khí hạt nhân này bị đánh cắp và vận chuyển trái phép là rất cao.

Sự ra đời và phát triển của các tên lửa chống tăng chính xác và đáng tin cậy có thể mang vác hoặc lắp trên xe thiết giáp khiến súng Davy Crockett dần bị loại bỏ ở mặt trận châu Âu. Tuy nhiên, súng Davy Crockett vẫn nằm trong kho vũ khí hạt nhân Mỹ cho đến khi bị khai tử vào năm 1971.

Theo VIETQ

Tags: ,