⠀
Đâu là gốc rễ những vấn nạn của nền khoa học – giáo dục Việt Nam?
Giáo sư đạo văn của đồng nghiệp nhưng làm ngơ như mình không có “dây thần kinh xấu hổ”, những cổ đông xem việc mở trường đại học như thương vụ hơn là sứ mệnh trồng người…
Báo Sinh viên Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với GS.TSKH Nguyễn Văn Trọng về gốc rễ sâu xa của những vấn nạn này.
Khoa học không chấp nhận giả dối
– Theo ông, thế nào được gọi là một nền khoa học?
– Tôi cho rằng trước hết cần hiểu đúng khoa học là gì? Nó hình thành ra sao trong tiến trình lịch sử của nó? Từ đó mới nhận biết được phải có những điều kiện gì để hoạt động khoa học có thể phát triển. Theo hiểu biết của tôi thì khoa học là sản phẩm của văn hóa phương Tây. Các nền văn minh khác đã để lại những công trình kỹ thuật rất vĩ đại như: Vạn Lý Trường Thành hay Kim Tự Tháp…
Nhưng xin nhớ rằng, đấy là kỹ thuật chứ không phải khoa học. Trung Quốc nói tự hào về các đại phát minh: Thuốc súng, la bàn,… Nhưng những cái đấy tuyệt nhiên không phải khoa học mà là phát minh kỹ thuật. Văn minh nào cũng có đỉnh cao kỹ thuật, nhưng chỉ có văn minh bắt nguồn từ cổ Hy Lạp và La Mã, sau này phát triển bởi các nước phương Tây thì mới có một đặc sản là khoa học. Khoa học và kỹ thuật là hai chuyện khác nhau dù có liên quan với nhau, ở Việt Nam người ta hay trộn lẫn hai thứ làm một.
– Nhầm lẫn nên dễ dẫn đến ngộ nhận, thưa ông?
– Đúng vậy. Ngộ nhận này bắt nguồn từ việc: Khoa học vốn không phải của mình, mà mình tiếp thu nó từ một nền văn minh khác. Theo tôi hiểu, Trung Hoa và nước ta để ý đến khoa học phương Tây chỉ vì thấy phương Tây có súng ống to mạnh quá mà những thứ đó họ có được là nhờ khoa học.
Thành ra, mình muốn biết khoa học, nhưng trong đầu vẫn nghĩ đến trang thiết bị kỹ thuật, trong khi thực ra không phải như vậy. Khoa học ở phương Tây sinh ra kỹ thuật cơ khí, nhưng mục đích khoa học chủ yếu vẫn là văn hóa. Con người muốn hiểu biết, văn hóa phường hội thời trung đại khiến những người cùng chung đam mê hiểu biết liên kết hợp tác với nhau trong các tổ chức phường hội.
Các tổ chức này đòi hỏi các thành viên tuân thủ các giá trị đạo đức nghề nghiệp. Hoạt động khoa học đạt được nhiều thành công vào các thế kỷ XVII-XVIII dẫn đến cuộc cách mạng khoa học lần thứ nhất (cuộc cách mạng công nghiệp hóa ở phương Tây)… Lúc đó dân chúng mới chú ý đến nó và tôn vinh nó.
– Phải chăng do hiểu sai về khoa học của tiền bối, nên không ít sinh viên cũng hiểu sai về tinh thần khoa học?
– Tinh thần khoa học thực ra là liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của cộng đồng các nhà khoa học. Nghề buôn bán có đạo đức nghề nghiệp của nghề buôn bán, các nhà khoa học cũng có đạo đức nghề nghiệp của mình. Đạo đức nghề nghiệp khoa học có ba điểm được coi là quan trọng nhất: Bất vụ lợi [1]; Trung thực tuyệt đối [2], gian dối trong khoa học là đuổi ra ngay; Và lắng nghe phản biện một cách có tổ chức [3].
– Như ông nói thì tính bất vụ lợi của khoa học là trội hơn?
– GS Nguyễn Văn Trọng: Đúng vậy. Đặc tính của khoa học là tính bất vụ lợi: Chỉ muốn biết, chứ không phải biết để làm gì?! Tính vụ lợi liên quan đến thời kỳ sau: sự thành công của khoa học khiến cho các Nhà nước quan tâm đến hoạt động khoa học, nhưng chủ yếu là quan tâm đến vũ khí.
Cho nên các Nhà nước bỏ tiền ra để thúc đẩy khoa học phát triển, làm cho khoa học phát triển rất nhanh. Nhưng chính vì thế cũng làm tha hóa khoa học, làm xói mòn tính bất vụ lợi đi, suy đồi tinh thần vốn có… Đến gần đây nhất, chiến tranh lạnh kết thúc, vũ khí không có vai trò rõ rệt nữa. Nên miếng bánh ngân sách các quốc gia dành cho khoa học bé lại. Thành ra xuất hiện sự kèn cựa nhau, nói dối trong khoa học.
Thời kỳ của Albert Einstein là thời kỳ đỉnh cao của khoa học với những sản phẩm mang tính đạo đức cao cả nhất của các nhà khoa học.
– Nếu một môi trường mà sự giả dối trội hơn, thì nền khoa học và giáo dục sẽ thiếu lành mạnh, ý ông là như thế?
– Khoa học đặt ra để cãi nhau, để tranh biện một cách trung thực nhằm phát hiện ra chân lý khách quan. Suy ra, nếu trong môi trường nói dối nhiều quá thì không thể làm khoa học được. Những nghề khác có thể có chỗ cho sự dối trá, nhưng nghề khoa học tuyệt đối không thể. Nó phải dựa vào sự tin cậy ở tính trung thực của người làm nghề. Anh dối trá là bị đuổi ra khỏi hội hoặc bị tẩy chay ngay trong giới.
Phía trong ‘dinh luỹ”
– Liên quan đến chuyện xây dựng những trường đại học chất lượng cao, ông giải thích thế nào khi chúng ta vẫn còn loay hoay khá vất vả với câu chuyện này?
– Tuy sự đời nhiễu nhương, nhưng nhiều trường đại học của phương Tây – dinh lũy của các nhà khoa học – vẫn đảm bảo được chất lượng cao, do đạo đức nghề nghiệp của các nhà khoa học vẫn giữ được một mức nào đó. Sự gian dối là hiếm hoi. Những đại học nào như thế mới giữ được uy tín của mình. Đây cũng là câu trả lời về việc vì sao chúng ta mãi vẫn không xây dựng được trường đại học chất lượng cao như mong muốn. Vì nó liên quan đến phẩm tính của các nhà khoa học, nhiều hơn là việc trả lương bao nhiêu cho các nhà khoa học.
Chúng ta đào tạo các nhà khoa học, rồi lại quản lý họ như quản lý các nhân viên hành chính, nên không xây dựng được một cộng đồng khoa học có các phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cần thiết. Cộng đồng đó phải tự chủ. Nhà nước chỉ định hướng các nghiên cứu thông qua phân bố ngân sách (ưu tiên cái mà Nhà nước cần), chứ không can thiệp vào hoạt động nghề nghiệp của các nhà khoa học.
– Đối chiếu với bản thân mình, ông có nghĩ mình một nhà khoa học thực sự?
– Tôi được Nhà nước cử đi học, rồi về trở thành viên chức Nhà nước. Về mặt đó, tôi không phải là nhà khoa học trong một cộng đồng tự chủ của các nhà khoa học.
-Trong “dinh lũy” của các nhà khoa học (trường ĐH) như ông đã ví von, làm thế nào để khuếch tán tinh thần mê chuộng khoa học tới đông đảo sinh viên?
– Tôi cho rằng cần thay đổi cách quản lý đối với người làm khoa học, giao quyền tự chủ cho cộng đồng khoa học. Cái khó hiện nay là, một mặt người quản lý hiện nay không muốn từ bỏ quản lý, còn mặt khác, cộng đồng khoa học đã quá quen thuộc với việc được bao cấp.
Phải khi nào anh có nhu cầu tự chủ thì mới giải quyết được vấn đề. Thế nên mới có chuyện, ở ta xử lý đạo văn vẫn trông chờ vào bộ máy quản lý, đôi khi còn yêu cầu công an vào cuộc, trong khi vấn đề này ở nước ngoài cộng đồng khoa học tự giải quyết với nhau. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn rằng, cộng đồng khoa học của ta có nên để được tự chủ hay không. Phải trưởng thành và đạt đến mức độ nào đó mới tính đến việc tự chủ.
Khi một cộng đồng khoa học mạnh nằm trong “dinh lũy” (là các trường đại học) thì sẽ khuyến khích được sự mê chuộng chân lý khoa học trong sinh viên. Có như thế, trường đại học mới sáng tạo ra được những tri thức mới.
– Xin cảm ơn ông!
GS.TSKH Nguyễn Văn Trọng
– 1960-1965: Đại học Tổng hợp Kiev (Ukraina), chuyên ngành Vật lý lý thuyết. |
Theo SINH VIÊN VIỆT NAM (2014)
Tags: Giáo dục, Khoa học