Cuộc tìm kiếm người phụ nữ Nhật Bản sống dưới chế độ Polpot

Có lẽ đối với nhà nhiếp ảnh người Nhật Seki Sao thì cả đời ông có hai sự kiện mà ông không thể quên trong những năm tháng làm việc tại Đông dương, đó là sự kiện Quân đội Mỹ không kích Lào năm 1970 và Campuchia sau khi chính quyền Pol Pot sụp đổ vào năm 1979.

Cuộc tìm kiếm người phụ nữ Nhật Bản sống dưới chế độ Polpot

Phnom Penh được bộ đội Việt Nam giải phóng ngày 7/1/1979.

Tháng 5/1979 lúc đó với tư cách là Trưởng phân xã của NHK tại Hà Nội, ông được giao nhiệm vụ tìm kiếm một phụ nữ Nhật Bản sống tại Campuchia và đã mất tích sau khi chính quyền Pol Pot ra đời vào tháng 4/1975.

Với nhiệm vụ đó ông đã tới Campuchia.

Theo thông tin ban đầu thì người phụ nữ Nhật Bản lúc đó 46 tuổi, đã kết hôn với một nhà ngoại giao người Campuchia tại Tokyo. Sau này bà trở về sống cùng chồng tại Campuchia và có hai người con.

Và một sự thôi thúc nhà nhiếp ảnh Seki quyết tâm tìm được người phụ nữ này là do đài NHK lúc đó có chiếu một bộ phim tài liệu mang tên “Người vợ Nhật Bản sống trong tuyến lửa”. Gia đình người phụ nữ này thì suy nghĩ rằng bà có thể mất tích trong cuộc thảm sát do Pol Pot gây ra.

Tuy nhiên, thông tin người phụ nữ Nhật Bản này mất tích vào thời điểm tháng 5/1979 hoàn toàn không thể đoán định được.

Ngày 25/12/1978, quân đội Việt Nam sang Campuchia giúp đỡ việc đối phó với quân Pol Pot. Thời gian này nhiều người Campuchia do không chịu được sự tàn khốc của Pol Pot đã “gồng gánh” tới vùng biên giới giáp Thái Lan. Thời điểm này có khoảng 80.000 người lánh nạn sang Thái Lan. Và có lẽ người phụ nữ Nhật Bản cũng đã phải lánh nạn sang Thái Lan trong khoảng thời gian này.

Sang Campuchia từ Sài Gòn

Ngày 7/6/1979, nhiếp ảnh gia Seki cùng với một số đồng nghiệp Đài NHK, hai liên lạc viên của Ban liên lạc văn hóa đối ngoại Việt Nam sang Campuchia từ Sài Gòn, Việt Nam.

Ông Seki đã phải chuẩn bị từ những thứ rất nhỏ như kim, chỉ, bút chì, mì tôm để chuẩn bị cho chuyến đi. Không chỉ do tính ông cẩn thận, mà do ai cũng hiểu rằng vào thời điểm này khi Pol Pot không còn giết hại những người dân vô tội nữa, nhưng Phnompenh không một bóng người, sinh hoạt rất khó khăn.

Những hố bom nham nhở khắp nơi. Trong những ngôi nhà đổ vỡ, đâu đây vẫn thấy những lọ hoa vỡ tan, vật dụng vương vãi. Không khí lạnh lẽo, chết chóc vẫn như còn nguyên.

Nhưng trong đống đổ nát ấy, bỗng nhiên Seki nghe thấy tiếng đàn Piano. Hỏi ra mới biết đó là tiếng đàn Piano của một người đàn ông còn sống sót sau diệt chủng. Tiếng đàn như một sự hồi sinh còn lại, nhưng vẫn thể hiện nỗi đau đớn tột cùng của sự mất mát.

Ông Seki hồi tưởng lại: “Pol Pot bị ảnh hưởng thời kỳ Cách mạng văn hóa của Trung Quốc. Lúc này Campuchia chẳng khác gì. Tất cả những thị dân phải lánh nạn ra vùng nông thôn, làm nghề nông như những nông dân thực thụ. Tri thức, nghệ sĩ trở thành những thứ xa xỉ, thậm chí thành “kẻ địch”. Hoàn cảnh cảnh đó khác hoàn toàn với Việt Nam. Thời Hà Nội chìm trong khói lửa chiến tranh, nhưng những buổi hòa nhạc vẫn được tổ chức, học sinh được khuyến khích học piano”.

Và nhiệm vụ của Seki và những người cùng đi là dán ảnh của người phụ nữ Nhật Bản khắp nơi trên đường phố Phnom Penh. Công việc tìm kiếm thực sự như tìm kim đáy bể.

Pol Pot và những đống xương khô

Chiếc xe chở Seki cùng đoàn người đi trên những con đường gồ ghề bởi hố bom.

Bên đường, những đống xương trông rợn người. Dưới ruộng cũng thế. Đầu người cứ mấp mô. Liên lạc viên người Việt Nam đi cùng thỉnh thoảng lại thốt lên “kia”. Và cứ thế sau mỗi lần “kia” lại một xác người, hay một sọ người xuất hiện.

Nhưng điều kỳ lạ là những đống xương không trắng mà rất đen. Sự thật rất khủng khiếp: do thi thể người bị côn trùng, sâu bọ vây kín để ăn, cho nên xương có màu đen. Không biết dưới những lớp đất kia có bao nhiêu người đã chết. Ở vùng ngoại ô Phnom Penh, người ta phải đào rất nhiều hố chôn tập thể.

Và trong hoàn cảnh đó, khách sạn ở Phnom Penh cũng đầy những con chuột béo núc. Có cả những người nước ngoài đã bị giết. Ông Seki nói rằng mọi người như nằm trên nỗi sợ hãi.

Một số ít ngân hàng còn sót lại. Trong ngân hàng tiền giấy vung vãi khắp nơi. Trẻ con dùng tiền đó làm đồ chơi. Bởi vì, trong thời kỳ trước, Pol Pot bắt nhân dân sử dụng tiền giấy do Pol Pot phát hành.

Sự sống như đã tàn lụi tại Campuchia.

Sống sót trong nỗi đau tột cùng

Và ngày 17/6/1979 tại sân bay Pochentong, người phụ nữ Nhật Bản bị coi là mất tích đã xuất hiện.

Từ chiếc trực thăng bước xuống, người này tuy có vẻ lặng lẽ nhưng vẫn hiện rõ là một người phụ nữ cao quí. Mới có ngoài 40 nhưng tóc bà đã trắng phần nhiều. Nỗi đau đớn do mất mát có lẽ làm tóc bà bạc trắng như vậy.

Khi đã ngồi yên tại khách sạn, người phụ nữ chậm rãi, từng câu, từng câu trả lời đạo diễn Shimamura. Mỗi câu như được nói từ tận trái tim, vừa đau đớn vừa khắc khoải.

Có lẽ những gì đã xảy ra trong thời gian qua thực sự tàn khốc, quá sức đối với người phụ nữ Nhật Bản. Người chồng và hai đứa con nhỏ của bà đã bị chết vì lao động quá sức tại một làng nhỏ. Chồng bà trong lúc hấp hối bên giường bệnh chỉ nói được câu dở chừng “Giá như em và con được lánh nạn tại Nhật thì…” và ra đi trong sự hối tiếc tột cùng.

Ngày 17/4/1975, dưới sự chỉ huy của Pol Pot, Khmer Đỏ đã tiến vào đàn áp Phnom Penh. Những ngày ác mộng luôn thường trực bên cuộc sống của người dân Campuchia. Không có thể gì diễn tả nổi sự dã man của Khmer Đỏ. Chỉ trong vòng 5 năm, Pol Pot đã giết hại khoảng gần 2.000.000 người.

… Người phụ nữ Nhật Bản sống sót trở về từ nỗi kinh hoàng đó cũng đã mất sau đó 3 năm kể từ khi Pol Pot đầu hàng. Trước khi ra đi bà đã để lại cuốn hồi ký đẫm nước mắt “Campuchia, 1500 ngày yêu và sống” mang tên Naito.

Dĩ nhiên, nhiếp ảnh gia Seki Sao cũng được tặng một cuốn.

Bà Naito tuy đã được trở về, nhưng mất con, mất chồng, sống bơ vơ lẻ loi trên vùng đất “chết” Campuchia. Khi mất đi bà vẫn đau đớn khôn cùng, lo sợ, ám ảnh không nguôi về cảnh ngộ bi thảm của cuộc đời mình.

Theo VOV

Tags: , ,