Cụ Phan Bội Châu và thông điệp ‘Trời đã mới người cũng nên đổi mới’

Lời thơ ngùn ngụt của cụ Phan đã lay gọi hàng ngàn thanh niên từ nông thôn đến thị thành vứt bỏ mộng công danh khoa bảng, bất chấp hiểm nguy lên đường Đông Du lo việc đánh Pháp cứu nước.

Cụ Phan Bội Châu và thông điệp ‘Trời đã mới người cũng nên đổi mới’

Năm 1867 tại làng Đan Nhiễm, huyện Nam Đàn, Nghệ An, bà mụ cắt rốn bé San chào đời; Tại kinh thành Huế, triều đình Tự Đức nhu nhược cắt ba tỉnh miền tây Nam kỳ dâng thực dân Pháp, đúng là “một tiếng khóc oe oe… đã sắm sửa làm người vong quốc nô” (Phan Bội Châu niên biểu – PBCNB). Năm 1900 anh San tuổi 34 vẫn lọ mọ lều chõng đỗ Giải nguyên thì “cha tôi, tháng 9 năm ấy mệnh chung” (PBCNB).

Với 15 năm cuối đời chim lồng cá chậu bên núi Ngự sông Hương xứ Huế; khoảng 15 năm đầu đời tại quê núi Hồng sông Lam xứ Nghệ, chàng San gò mình trong thứ chữ “móc câu râu hổ”, miệt mài giữa đại ngàn luận thuyết Khổng Nho. Quãng giữa cuộc đời là trên 40 năm lăn lóc trong bão táp xã hội không ngừng trút xuống nước Việt, mà cụ là một yếu nhân của giai đoạn lịch sử bi thương này, đồng thời là cây bút hàng đầu trực diện dùng văn chương làm vũ khí nhằm giành lại độc lập cho nước, tự do cho dân. Có những điều xưa như trái đất nhưng với loài người vẫn là phát hiện vĩ đại, tỷ như người Nga lần đầu đặt chân lên mặt trăng, nhìn về trần gian thì mới biết trái đất cũng phát sáng – điều mà cuối đời “ông già Bến Ngự” tri thiên tri địa cũng khó hình dung nổi “thiên chức” phát sáng của quả đất tròn. Đọc lại mảng thơ văn yêu nước và hồi ức của yếu nhân được gần gũi “vị thiên sứ, đấng xả thân” vì độc lập của nước Việt, tôi rưng rưng nghĩ về giai đoạn 40 năm (1885 – 1925) đất nước chìm trong lửa máu bi hùng.

Đỗ đầu Giải nguyên, mảnh bằng cử nhân Hán học đủ để Phan nhận ra mình chỉ là một tập hợp trống của giáo dục khoa bảng ngót 1.000 năm đang cảnh chợ chiều. Trong khi 20 triệu người Việt mất nước thì đang rên xiết giữa đêm dài nô lệ, đang bị kẻ thù bịt tai che mắt đẩy xuống hạng “cừu dân”, thế nên “việc học chữ Hán không mang lại những mới mẻ cho người Việt” (PBCNB), phát hiện lớn này là một trong những lý do buộc ông cử nhân dứt bỏ khoa cử tìm đường cứu nước.

Ngọn lửa Cần Vương dù yếm thế, vừa khởi phát đã lan khắp nước Việt, với hàng chục cuộc khởi nghĩa đều quy mô nhỏ lẻ, trang bị thô sơ, phân tán, chưa có “một ngọn cờ của các lá cờ” nên chưa kịp thổi những đống lửa nhỏ để bùng thành biển lửa. Các cuộc khởi nghĩa lần lượt bị đội quân nhà nghề phương Tây nhấn chìm bởi đại bác đạn đồng, nước Việt tiếp tục đắm chìm trong nô lệ lầm than. Từ màn đêm của giai đoạn lịch sử bi thương ấy, hiện lên ngọn núi lửa yêu nước mang hiệu Phan Sào Nam, với 40 cái bút danh ghi trong trước tác. Trong khi ngọn núi đời Phan Bội Châu đã 80 năm ngủ yên, ngọn núi trước tác thì vẫn phun trào nham thạch tinh thần yêu nước. Thứ nham thạch đặc biệt ấy tích tụ từ con tim vằng vặc tựa Sao Khuê; từ hoài bão, trở trăn, từ hành động quyết liệt của ông đồ Nghệ vì mục đích duy nhất yêu nước quyên mình cứu nước:

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

Thứ nham thạch đặc biệt ấy khởi từ chuyển biến nhận thức về “đất nước”, “Nhân dân”; về mối quan hệ hữu cơ giữa Dân với Nước; về một nền giáo dục Phan hướng tới là phải trên nền tảng văn hóa và truyền thống Việt. Có thể khẳng định, qua 1.000 năm giáo dục khoa bảng phong kiến, cụ Phan xứ Nghệ là sản phẩm nhà Nho đầu tiên từ lò khoa bảng vẫn dũng cảm phá cũi để đem khái niệm “nước” – “quốc gia” về với Nhân dân, để “dân là dân (của) nước, nước là nước (của) dân”.

Với cụ Phan, nước không còn là của riêng một vương triều hoặc một ông vua (tự xưng là “thiên tử” – con trời) mà cụ gắn dân với nước gắn nước với dân, bê “nước” – lọ vàng đặt vào thơ:

Ông cha ta để cho ta lọ vàng!

Không trừu tượng cứng nhắc như từng mặc định, với cụ Phan “nước” là thực thể sống, “nước” giống như người gồm phần xác và phần hồn. Đất nước như một gia đình. Hiện tình nước Việt là thuộc địa của “mẫu quốc đại Pháp”, bản đồ nước Việt không còn tồn tại trên thế giới. Và khi một thành viên trong gia đình là nạn nhân phải chịu bất công bất hạnh thì các thành viên còn lại phải cùng chịu phải cùng đau. Nước Việt phần xác đã bị ngoại xâm và nội xâm bòn rút giày xéo đến tàn tạ kiệt cùng, phần hồn thì đang bị kìm kẹp đọa đày dưới chín tầng địa ngục:

Hồn cố quốc vẩn vơ, vơ vẩn
Khôn tìm đường dò nhắn hỏi han
Bâng khuâng đỉnh núi non ngàn
Khói tuôn khí uất sóng cuồng trận đau.

Trước bi kịch của dân tộc, khi chưa đủ lực giành lại độc lập cho nước thì người yêu nước hãy tìm mọi cách để gọi cho kỳ được phần hồn của nước. Lời thơ ngùn ngụt của cụ Phan đã lay gọi hàng ngàn thanh niên từ nông thôn đến thị thành vứt bỏ mộng công danh khoa bảng, bất chấp hiểm nguy lên đường Đông Du lo việc đánh Pháp cứu nước. Với người Việt ở mọi cuộc mọi thời, truyền thống yêu nước là một giá trị bất biến chuẩn mực của mọi chuẩn mực, vượt lên tất cả mọi lý thuyết mọi tín điều. Mong muốn nước Việt phát triển, tiến bộ, cụ Phan không thể thản nhiên chứng kiến người Pháp đối xử thậm tệ với đồng bào mình, cụ quyết định rời nước để “tránh không phải chứng kiến cảnh tượng đó”, và để “viết những tác phẩm đóng góp cho sự phát triển tri thức của người dân Việt”.

Nhà báo Vương Đình Quang SN 1908, người xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, nguyên thư ký riêng của cụ Phan, năm 1988 kể lại trong cuốn Hồi ký: Tết nguyên đán 1926 tại Huế, cụ Phan dậy sớm đánh thức ông Quang và bảo đưa bút giấy ra chép “Bài thơ chúc Tết thanh niên”, rồi với chất giọng Nghệ cụ Phan đọc:

Dậy! Dậy! Dậy!

Bên án một tiếng gà vừa gáy
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Xuân ơi xuân, xuân có biết hay chăng?
Buồn cùng sông, thẹn cùng núi, tủi cùng trăng

Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót
Trời đất may còn thân sống sót
Tháng ngày khuây khỏa lũ đầu xanh
Thưa các cô các cậu lại các anh

Cụ dừng lại giải thích: Các cô các cậu còn nhỏ, chớ các anh đã lớn rồi. Tôi van lại (lạy) các anh phải tính làm sao đây…”. Hiểu ý cụ, ông Quang viết “lạy”- động từ, không viết “lại” – giới từ. Rồi cụ đọc tiếp hết bài thơ:

Trời đã mới người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Ghé vai vào gánh vác cựu giang san
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan

Dây đoàn thể quyết ghe phen thành nghiệp lại
Ai hữu trí từ nay xin gắng gỏi
Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần
Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn

Đúc gan sắt để dời non lấp bể
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ
Mới thế này là mới hỡi chư quân
Chữ rằng “nhật nhật tân, hựu nhật tân”

Hè 1926 cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Ngô Đức Kế đến thăm cụ Phan. Trước 1930 dân ta còn thói quen sính chữ Nho, đặt tên cho người không thể là “nôm”mà phải là tên “chữ”. Cụ Huỳnh chọn và định lấy chữ “Trung Thanh” hàm nghĩa vừa là tiếng nói ngay thẳng, vừa là tiếng nói của miền Trung, cụ Huỳnh hỏi ý kiến cụ Phan đáp:

– Chi bằng nói quách là “Tiếng Dân”!

Tên báo Tiếng Dân ra đời, mới đầu còn thấy nôm na, càng về sau càng thấy hai chữ Tiếng Dân rất đẹp rất hay.

Vinh, mùa Đông Canh Tý, 2020

Theo GIAO HƯỞNG / KINH TẾ ĐÔ THỊ

Tags: ,